Mặt của đàn ông

Du Vịnh

Hội viên
Nay lang thang trên mạng vớ được một bài đắc ý, đã post lên đây

http://phongthuythanglong.vn/showthread.php?107-Thăng-trầm-phong-thủy&p=310#post310

Thực ra đó là một bài trong cuốn tản văn Mặt của đàn ông của Nguyễn Việt Hà. Lại nhớ đến thời mà xôn xao hết cả lên vì cuốn "Nhân trường hợp chị thỏ bông".

Tôi đọc Nguyễn Việt Hà bắt đầu từ Cơ hội của Chúa, cũng có điều không thích nên sau đó không đọc nữa, một phần vì không thích văn học trong nước lắm. Tự nhiên lần mò đến mấy bài tản văn này thấy khác lạ, khác vì nó khó tìm trên mạng quá, chỉ còn vài phần do 1 "mẹ" trong webtretho chịu khó đánh máy lên. Trước khi kiếm được trọn quyển đọc, xin tạm "mẹ" ý đưa vào đây cho các bạn giải trí. Đọc tản văn nhẹ nhàng, dù không đồng quan điểm cũng rất là relax.
 

Du Vịnh

Hội viên
1. ÁM ẢNH TÓC​

Ở những năm cuối đời, thi sĩ Bùi Giáng có râu tóc bù xù ham chơi rong trên những vỉa hè của ồn ào đô thị đã làm một cặp câu lục bát vô cùng dịu dàng: Trăm năm còn lại những gì. Ấy là khu vực nhu mì của em”. Nhiều người yêu thơ ông, bâng khuân không biết Bùi tiên sinh gọi khu vực ấy là khu vực nào. Người mạnh dạn từng trải thì bảo là tay, người thơ mộng phóng khoáng thì bảo là tim, nhưng cũng có người tinh tế rụt dè thì cho đấy là tóc. Có lẽ hình như phải đấy là tóc thật. Bởi tóc là một trong vài ba bộ phận lãng mạn hiếm hoi mềm mại nhu mì vào loại nhất của cái đẹp phụ nữ. Tóc là đặc trưng nét đẹp của đương nhiên đỉnh cao, vừa trong sang hiển lộ mong manh lại vừa huyển bí kín đáo thâm ẩn. Vì thế hầu hết những người đàn ông hoàn hảo, khi bâng quơ nhìn một phụ nữ nào đấy thì tất thảy đăm đắm nhỉ nhìn vào tóc. Trong trường thiên phóng bút mỹ miều “Tóc chị Hoài”, nhà văn cầu kỳ Nguyễn Tuân được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một đã cao ngạo nhận xét “Cái người nào mà trong suốt một đời người mà không được ngắm một mớ tóc cho tử tế, thì cái thẩm mỹ quan của người ấy còn lung lay lắm, chưa lấy gì là định”. (Tuyển tập Nguyễn Tuân – NXB Văn học – trang 242).

Tóc có vị trí thẩm mỹ độc đáo quan trọng như vậy là ví nó ở chỗ cao nhất của con người, trên cả đầu. Tóc tuy ở chỗ cao, nhưng khác hẳn với những thứ vớ vẩn cao đạo khác thường khăng khăng cứng nhắc xơ xác một kiểu, tóc luôn ung dung đa dạng đa cách tới vô biên nhiều kiểu. Tóc ngắn đã lắm kiểu lạ, tóc dài lại càng nhiều kiểu hoang mang quyến rũ. Tết này, buông xuôi này, búi này, cặp này. Xoăn tự nhiên cũng có mà thẳng tự nhiên cũng có. Hoặc hoành tráng phi dê bồng xù, hoặc mượt mà thong thả để lỏng. Hoặc trúc trắc đứt rồi lại nối, hoặc ngây thơ cũng nịu liền mạch. Trong văn học, phải hang chục năm vất vả lắm mới mong cách tân thể loại. Ở nghệ thuật làm tóc, chuyện đổi mới là chuyện cơm bữa. Không phải ngẫu nhiên đám văn sĩ lúc đi ngang qua tiệm hớt tóc thanh nữ đa phần đều âm thầm nuốt nước bọt thở dài. Hồi xa xưa, thiếu nữ để tóc đẹp nhất là tết bím đôi hoặc bím một thả đuôi sam. Thiếu phụ búi tóc đẹp nhất là kiểu tằng cẩu của cà người Thái đen và Thái trắng. Kiểu này sừng sững có vẻ hiếu khách mời mọc nhưng sâu xa lại thâm nghiêm trinh tiết bảo thủ. Chính vì thế, ở xa những vùng còn mộc mạc chân chất người Thái, trong các bữa rượu tiếp tân trân trọng cởi mở luôn nhấp nhô trùng điệp những tằng cẩu là tằng cẩu.

Tóc đặc sắc hơn những bộ phân nhu mì khác còn vì nó thanh nhã có mùi. Tay mà có mùi thì dung tục quá. Tim mà có mùi thì siêu hình quá. Chỉ duy nhất tóc. Vì “hương tóc”. Thời bao cấp Hà Nội đang mệt mỏi khó khăn, thì cái mùi tóc lãng đãng giăng đầy phố của sả của hương nhu đã làm bao thế hệ thanh niên bỗng thăng hoa tươi tỉnh mà yêu sống mà chăm chỉ lao động. Bây giờ cái hương thầm ấy đã phai, chỉ sặc sụa nhan nhản mùi dầu gội đầu hoá học, chẳng trách gì có một bộ phận giới trẻ đâm uể oải đi hít khói thuốc phiện.

Tóc còn là tín vật thiêng liêng của ái tình. Không những ở Huế mà thỉnh thoảng nhiều vùng ở nước Việt thậm chí lác đác nhiều nơi trên thế giới, các chị các cô rất hay đem tóc ra mà thề. Khi tiến người yêu đi xa, các thiếu nữ rất thích lấy kéo sắc nức nở cắt một đoạn tóc ở dưới chót rồi gói vào khăn lụa bạch hoặc khăn mùi xoa, thê thảm đưa tặng. Nhiều đàn ông chung tình, cho đến lúc lâm tuỵệt địa vẫn khư khư ôm mớ tóc thề ấy mà không biết tại sao người yêu của mình khi thề thốt không cắt tay hay cắt tim. Chẳng phải phụ nữ sợ đau, mà đơn giản là tay hay tim là những thứ khó có thể mọc lại. Việc cắt tóc chưa chi đã khó khăn linh thiêng đến thế, thì thao tác cạo sạch tóc xứng đáng phải coi là hành động hy sinh. Gần đây, ở hội thơ rằm Nguyên Tiêu tại Văn Miếu, báo chí xúc động kể là hơn một thiếu nữ đầu cạo trọc lóc trèo lên sân khấu rưng rưng đọc thơ. Chao ôi, thơ Việt Nam liệu có sang trang mới.

Nhưng đấy là thơ, còn ở những môn nghệ thuật khác cắhc chắn đây là điều bất khả. Kịch tác gia nổi tiếng Eugene Ionesco (1909-1994) người Rumani chuyên viết kịch phi lý có kiệt tác “Nữ ca sĩ hói đầu”. Ca sĩ biểu diễn mà đầu bị hói thì phi lý thật. Cứ thử hình dung mà xem, Thanh Lam hay Mỹ Linh đầu trụi nhẵn hiện hình tha thiết hát bài “Tóc gió thôi bay”.

Tóc của hồ là liễu. Tóc của mây là mưa. Thiên nhiên vĩ đại mà còn vậy. Các chị em ạ, hãy biết hãy giữ hãy kính trọng để muôn đời nâng niu lấy tóc.

[HR][/HR]

2. ĂN CHAY​

Lo lắng bị ốm trước đại dịch cúm gà H5N1, gần đây phong phanh có tin đồn một số đại gia sẽ liên doanh tổ chức một hội thảo với chuyên đề “Để sống phải ăn chay”. Những đại gia chưa lộ danh này toàn là loại tầm cở kiểu như Mai Văn Dâu, như Nguyễn Lâm Thái, như Nguyên Đức Chi. Đám lìu tìu kiểu như “trọng tài đã thủng” Lương Trung Việt, “mơ hồ hoà thượng” Lê Quốc Hồ chỉ được phép ngồi dự thính. Thật là tin giật gân kỳ lạ. Vì ăn chay vốn nôm na được hiểu là ăn rau củ quả, mà đám người vất vả mờ ám có tiền này từ đã từ lâu duy trì một thói quen thích ăn thịt, bất kể là thịt của loại động vật nào. Hoặc trên cạn hoặc dưới nước. Hoặc có chân hoặc không có chân,và đặc biệt bọn họ mê nhất loại chân dài.

Từ xa xưa, ăn chay là một thao tác đạo đức tương đối đặc thù của giới tu hành. Muốn cho tâm đừng động thì nên chọn thức ăn tĩnh. Thức ăn mà lành thì người sẽ mau hiền chỉ biết chăm chỉ hướng thiện. Để giảm bớt gian nan trong lúc cô đơn đối thoại với im lặng, hầu hết các tu sĩ thường thanh thoát ăn rau củ quả. Thảo vật bổ dưỡng nhưng không làm tâm trí phát sinh dục vọng, lẳng lặng cao siêu mà nở hoa trổ lá. Bởi vậy, ở rất nhiều giới luật của các tôn giáo, giới răn ăn chay được gìn giữ lắm. Đại sư Trần Huyền Trang với pháp danh Tam Tạng đời nhà Đường bên Tàu trong tiểu thuyêt Tây Du Kí là một ví dụ lỗi lạc. Đại sư từ lúc lọt long cho đến khi viên thành chính quả tuyệt đối không ăn đồ có tanh, đồ có mỡ. Dung nhan của đại sư lúc nào cũng lấp lánh rực rỡ màu xanh dịu dàng của thiên nhiên. Nó làm cho những phàm phu kiểu như đồ đẹ Trư Bát Giới bỏ sổ đỏ vila bỏ xe hơi mà tâm phục khẩu phục. Trư Ngộ Năng tuy đã xuất gia nhưng luôn nôn nao thèm mặn. Trư Bát Giới sâu sắc biết rằng ăn được chay là điều tuyệt khó, khó hơn nhiều so với việc ăn chặn quota nuốt chửng điện kế. Thế mà tới thời nay, thời của tràn trề sung túc bỗng đột ngột có bọn người không phải đi kiếm Kinh chỉ loay hoay dữ dội đi kiếm tiền, không hề là tu sĩ (tất nhiên là biết tu rượu), bỗng chân thành buông mặn dùng chay. Thật đúng là trên cả tuyệt vời.

Những đại gia có chức có quyềnm có côléttơrôn trong máu, có nhiều mỡ ở bụng sẽ ăn chay như thế nào. Bọn họ khắc khổ hiểu, chay là phải chân thực, đương nhiên là phải them đôi chút chân dài. Với họ, chay nghĩa là thảo vật được chế biến thành thượng thặng tinh khiết nhưng phảng phất phải có mùi của gà, mùi của cá, mùi của lợn. Đại loại, nó phải giống như trang trại hoặc biệt thự họ đang ở. Nó phải nằm gần biển gần núi, tuy hoang dã sơn cước nhưng nội thất lại lộng lẫy tiện nghi. Hạnh phúc của chay tịnh là ngoài cửa sổ phải nhìn thấy đám nông dân đang lặn lội chổng mông thơ mộng cày cấy và trong cửa ố là ti vi màn hình phẳng đang lúc lắc nữ minh tinh ngúng nguẩy ngực trần. Bọn họ ăn chay cốt để thêm sức mà ăn chơi. Họ hy vọng nếu ngồi thiền được thẳng thì các cuôc triền miên hoan lạc sẽ đỡ đau lưng. Những thao tác cao cả của thanh sạch tôn giáo nhằm tận hiến cho đời giữ tâm đừng đục thì bọn họ thông minh khéo léo chế chúng thành những phép vệ sinh dung tục để giữ xác phàm. Họ cảm thấy chơi gôn là chưa đủ, nuốt tôm hùm ở khách sạn năm sao là chưa đủ, họ tham lam muốn ăn hết phần của thanh bạch.

Trong thế giới đương đại ngày hôm nay đang đậm dần nhiều ô nhiễm, thì ăn chay quả là một phương pháp nuôi dưỡng cuộc sống tối ưu. Kinh Tạp A Hàm có viết “Như bàn tay lành lặn để trong bát thuốc độc, thì không bao giờ bị nhiễm độc”. Ăn chay vốn dĩ cốt tu tâm lành để bền bỉ dưỡng tính thiện, chứ không hề là cách tháu cáy bồi bổ xác phàm rồi sẵng sàng lê la ăn bẩn.

[HR][/HR]
3. Bạn của đàn ông​

Trong “các mối tổng hoà quan hệ xã hội” (Các Mác) của đàn ông, thì chơi với bạn là một mối quan hệ đặc biệt thiêng liêng quan trọng vào bậc nhất. Người đàn ông có bạn tuy không thoát khỏi cô đơn nhưng sẽ cực kỳ thanh thản khi phải đối diên với cô đơn. Tình bằng hữu là một mối tình vô cùng lớn, nó không thua gì tình cảm giữa vua và tôi, giữa bố và con, thậm chí có người cực đoan còn xếp nó trên cả tình chung thuỷ chồng vợ, của tình đằm thắm bồ bịch mà các nhà lãng mạn quân tử Tây nịnh đầm hay sướt mướt la lối là la măng hay la mua gì gì đấy. Trong lịch sử của riêng đàn ông có vô vàn những trường hợp hoặc tinh tế kẻ sĩ hoặc thô mãng hào kiệt sẵn sàng chết vì bạn. Thế nhưng cái tử tiết đấy không phải là cái dung tục thuần tuý trả ơn lại càng không phải cái câu nệ tri ân báo đáp. Dự Nhượng nuốt than báo thù cho Trí Bá, Kinh Kha xả thân hành thích vua Tần đều chỉ là cái hết lòng của kẻ hiệp sĩ tận hiến cho người tri kỷ từng nuôi dưỡng từng chiều chuộng mình mà thôi. Tuyệt đối đấy không phải là tình bạn.

Chơi với bạn là phải “đạm như thuỷ”. (Đây là khái niệm rất khó chuyển dịch sang Việt ngữ, nhất là với những đàn ông đang loay hoay đi tìm bạn). Đại loại tình bằng hữu đương nhiên là đậm đà nhưng trong suốt vô tư vô công vô danh vô lợi. Ở lời “tự tự” tức là bài tựa viết cho chính mình, Thi Nại Am tác giả của thiên anh hùng ca “Thủy Hử” đã đơn sợ bộc bạch “Cái việc khoái ý không gì bằng bạn. Nhưng nào có được nhiều đâu. Có khi gió lạnh, có lúc mưa lầy, có lúc ốm đau, có khi không gặp. Bao nhiêu lúc đó thực là như ở trong tù. Nhà ta ruộng chẳng có bao, phần nhiều cấy lúa để riêng nấu rượu. Ta không uông mấy nhưng để phòng cho bạn ta xơi. Nhà ta cửa liền sông lớn, mái có cây to bóng mát nơi bạn ta lui tới hay ngồi. Nhưng những ngày họp mặt tất là rất ít. Bạn ta toàn là những hạng điềm đạm thông minh, nhưng mỗi ngày nói xong lại bỏ không biên chép bao giờ”. (Bản dịch Á Nam Trần Tuấn Khải). Chính vì thế mà nguyên nhân để Thi Nại Am phải viết tiểu thuyết giản dị đến ứa lệ. “Ta biết đâu người sau đọc đến sách ta sẽ bảo ra sao. Hãy biết ngày nay đưa trinh bạn ta, bạn ta đọc mà vui thế là đã đủ”. Xem bộc bạch của các văn nhân đương thời trong kỷ yếu của các hội nghệ thuật thì đa phần thấy động cơ viết lách là vì thất tình với gái đẹp, vì phẫn uất với xã hội, vì tự giác được trách nhiệm sứ mệnh, hiếm có một ai chỉ viết vì chiều bạn. Thi Nại Am thật là một nam văn sĩ phi thường. Cho đến tận bây giờ, Thủy Hử vẫn là trường thiên văn chương đệ nhất tả được trọn hết cái nghĩa của tình bằng hữu. Lần đầu tiên trên thế giới, tại một cái đầm nhỏ ở Lương Sơn Bạc lại có nhiều đàn ông mọi tuổi mọi giới mọi văn hoá thiết tha chơi với nhau đông đến thế. “Văn tức là người”, những tưởng là câu hoang đường ngoa ngôn không ngờ hoá ra thật.

Trong đám bạn vô tư trong sáng tri kỷ của đàn ông thì thỉnh thoảng lắm mới có đàn bà. Bạn khác giới mà cao cả để thành bằng hữu thì đương nhiên vừa hiếm hoi lại vừa khó. Hiếm vì thủa xa xưa đàn bà đã là tiểu thư khuê các thường ít được lang thang ra ngoài mà giao du. Có muốn lành mạnh đi học ngoại ngữ hay tin học buổi tối cũng đành phải giả nam như trường hợp của cô bé Chúc Anh Đài. Nhưng ngay cả mạnh dạn tân tiến như Chúc tiểu thư khi đã lộ nguyên hình là nữ thì tình bạn với người đàn ông Lương Sơn Bá bỗng chốc bị tha hoá thành tình nhân, thậm chí còn bi kịch hơn, tẻ nhạt hơn, thành vợ. Con gái ở thời chưa có quán bar, chưa có vũ trường muốn giao lưu với nhiều đàn ông bắt buộc phải hành nghề kỹ nữ, một nghề bị kha khá đám mày râu không trân trọng, trừ một số văn nghệ sĩ có quái tính lập dị kiểu như Đỗ Mục ở Tàu, Toulouse Lautrec ở Tây hoặc Tản Đà ở ta mới đủ can đảm nội lực mà tìm bạn trong đám gió bụi hồng phấn giai nhân ấy. Còn khó là do muốn thành bạn được phải có kiến thức về tình bạn. Chơi với bạn không giống như chơi cổ phiếu. Lúc sôi nổi lên cao cũng chẳng thấy làm mừng, lúc bí bét tụt xuống cũng chẳng lấy làm khổ. Chỉ số Down Jones hay VN-Index ở đây là vô nghĩa. Chơi với bạn phải dung dưỡng lấy cái dở ở bạn, bạn mà toàn hay thì đâu có bền. Nửa đêm bạn say gõ cửa rồi dịu dàng nôn một bãi tướng thì mình vẫn bừng bừng vui, âu yếm lo lắng quét dọn. Phụ nữ thanh tao sạch sẽ rất khó qua được cái cửa ải hiểm trở mất vệ sinh này.

Người đàn ông có thể không có tiền, không có phẩm chức, thậm chí tuyệt vọng không có cả ái tình theo kiểu rômăngtíc, nhưng không thể không có bằng hữu.
 

Du Vịnh

Hội viên
4. BẠN Ở CÙNG PHỐ​

Hà nội có nhiều loại phố. Có phố ven hồ, có phố gần sông. Có phố sáng choang mới, có phố rêu phong cũ. Hoặc ngắn hoặc dài, thong thả ồn ào khác nhau. Theo dọc thời gian của từng phố, cây trồng ở ngoài vỉe hè cũng khác nhau, người già ở sâu trong nhà lại càng khác nhau. Có điều, đám trẻ đang lao nhao mới lớn thì từa tựa giống nhau. Con trai mắt thì trầm sang, nửa như tò mò muốn biết nửa như lọc lõi đã biết. Con gái thì dong dỏng thanh thoát, nhiều đứa loay hoay rất xinh, mới tuổi phổ thông đã khát khao nhìn đời, chưa kịp hư bởi cái chất phố phường kiêu sa khinh bạc. Tất cả đám mang vẻ ngây thơ ấy, ở cấp một cấp hai, rồi một phần nào đó ở cấp ba, vẫn ngồi học chung một lớp với nhau. Thế nhưng khi đã dạn dĩ trưởng thành thì bỗng dưng để tuột rơi mất nhau, hiếm hoi lắm mới có người giữ được bạn cùng phố.

Bạn ở cùng phố hầu như không có khác giới. Hoặc lộc ngộc nghịch ngợm bốn năm đứa con giai, hoặc dịu dàng thầm thì vài ba đứa con gái. Tuyệt đối hiếm những cặp cùng phố yêu nhau và nhỡ có thì rất khó lấy nhau. Đã hôn nhân là vòng vèo cách quận, nó khác hẳn truyền thống quấn quýt ở quê “Lấy chồng giữa làng chứ không lấy người sang thiên hạ”. Gái làng là sở hữu của trai làng, được gìn giữ nâng niu bảo vệ gần gần giống mái đình cây đa giếng nước. Ở phóng khoáng của phố, cái kiểu “nhà nàng ở cạnh nhà tôi” rồi nhờ hương bưởi đưa thầm ái tình qua cửa sổ thì duy nhất chỉ thấy xa xa vùng ngoại ô, nơi mà chừng già hai chục năm trước người ta không gọi là phố mà gọi là đường. Ví như đường Yên Phụ, đường Thuỵ Khuê, đường Cầu Giấy chẳng hạn. Đường tàu điện chạy tới đó không chìm xuông mặt nhựa mịn nữa mà chằn chặn nổi lên cả đám tà vẹt, giống như đường tàu hoả chạy ngang qua ruộng. Gần đây, loanh quanh ba mươi sáu phố phường cũng có việc ở sát nhà nhau rồi trong trắng lấy nhau, nhưng thường là hàng xóm mới chuyển đến và cái nhà mới chuyển đến đấy vĩnh viễn phải là nhà gái. Tại sao lại vậy, có người thắc mắc hỏi một nhà Hà Nội học, ông này uyên bác chưa kịp trả lời, ông còn bận chạy đi hoà giải bà vợ ông đang cãi nhau với cái bà cũng Hà Nội gốc ở tầng hai về chuyện cơi cái ban công cũ thời tây thành toilet xịn thời nay.

Vài người có vẻ từng trải lại từng có học, thâm thúy nói, phố của Hà Nội vẫn đậm chất làng. Câu này ở ngày xưa thì đương nhiên đúng nhưng ở bây giờ thì chưa chắc. Làng quên Việt là thanh bình là ổn định, nó níu giữ sự bất biến bằng thoai thoải xanh cỏ triền đê, bằng mênh mông lúa vàng đồng gió. Trời thì vừa rộng vừa cao và mây thì nhiều khi rất trắng. Nếu có thay đổi nào đấy thì cũng vô cùng chầm chậm, thậm chí không bao giờ chịu khác. Một người tha hương xa quê lâu năm quay về tìm bạn cũ, đã thật đúng khi xúc động viết “Con đường hàng tỉnh người đi. Ba mươi năm ấy có gì khác xưa. Ông lão dắt trâu đi bừa. Là con ông lão ngày xưa đi cày”. Nhịp điệu sống của phố nóng hơn, năng nổ hơn, biến động hơn và vì thế đôi khi có lổn nhổn nhiều bạc bẽo. Có phải vậy chăng mà văn học đương đại ở ta đã rất nhiều bài thơ rất nhiều truyện ngắn mô tả tuyệt vời tình bạn cùng thôn nhưng chưa có một ai viết thật hay về tình bạn cùng phố.

Để cuộc sống bơn bớt vô nghĩa, bình thường con người ta hay có bạn. Nó tuyệt vời như có người yêu, ngang bằng như có con, đôi khi còn hơn cả anh chị em ruột. Và bạn ở cùng phố bắt buộc phải chơi với nhau từ hồi còn bé. Lúc đã lớn, đã nhanh nhẹn đã hoạt bát đã ngấm đẫm cái tinh ranh của đô thị thì làm sao có thể kết bạn được nữa. Tình bạn giống như đọc sách, điều kiện đầu tiên là phải điềm đạm thong thả, sau đó phải được che đỡ từ vất vả thời gian. Hồi bao cấp, ở ngoài đường trẻ con vui chơi dường như đông hơn, bởi lúc ấy trong nhà chưa có vớ vẩn gameshow trên tivi, chưa có game online trên “nét”. Bọn trẻ sẽ chơi trốn tìm chơi đuổi bắt chơi nhảy ngựa, những trò chơi bần bạch hoang dã hồn nhiên mà khi thấm mệt bao giờ cũng vô tư thăng hoa ra vài người bạn. Nó không bị vẩn đục bằng việc dung tục đem giải thưởng ra dử, những sẽ là triệu phú, những sẽ là giàu không hề khó. Đám trẻ 8x và 9x bây giờ hình như bất hạnh hơn, khi trống vắng đơn côi mệt mỏi đi kiếm bạn đã thỉnh thoảng tuyệt vọng lạc vào chốn vũ trường cố bày đoàn tìm qua thuốc lắc.

Đã là bạn, thì dù xuất xứ ở đâu cũng đều cao cả, trân trọng hiếm quý, nhưng bạn ở cùng phố luôn là nỗi xúc cảm nao nao đọng đầy. Để rồi có lần đi ngang qua phố nhỏ của mùa hè năm nay không hiểu sao mất mùa hoa phượng, bỗng thấy một cặp tuổi teen đang giành nhau trò chơi điện tử cầm tay, chợt âm ẩm ứa nhói nhớ về cái lần ăn chung một que kem tham lam cắn vào tay bạn.

Và người bạn ấy cũng đã dời phố đi xa, chắc vẫn mang theo cả vết răng tuổi thơ li ti sắc trong veo như là nước mắt.

[HR][/HR]

5. BÁN VĂN NGÀY TẾT​

Chuyện bán văn là chuyện của muôn năm ngày thường, không có gì là đặc biệt trầm trọng, chỉ những người trong trắng ngơ ngác bỡ ngỡ nhập môn mới coi đấy là vấn đề, còn hầu hết những tay viết đã thành danh và thành thạo thì coi là sự phải lẽ đương nhiên. Bán được nhiều văn cũng chưa hẳn chuyên nghiệp, bán được ít văn cũng chưa hẳn nghiệp dư, nghề văn khác nghề khác ở chỗ, thâm niên lời lỗ thành bại được tính theo tương giao hoạ phúc chia sẻ giữa vất vả người viết và chân thành người đọc. Thế nhưng giống như nhiều nghề có mua có bán, văn chương hiển nhiên cũng có thời vụ. Ngoài một số thời của người cho, ví như công ty chẵn mười năm, thành phố chẵn ngàn tuổi, thì có thời của trời cho, đấy là vụ tết. Theo thông lệ lâu năm của báo chí Việt (một đầu mua chính danh chính đáng và kha khá chính xác vào loại nhất của văn chương) thường nhân dịp Nguyên đán tân niên là lúc báo chí tấp nập in ra những nô nức giai phẩm. Nó hao hao văn hoá ẩm thực truyền thống, giống hệt các mâm cỗ Xuân. Có nấu có xào có hầm, có rau ngăn ngắt xanh có thịt doi dói đỏ. Vì thế ngoài long lanh mỹ nhân cao đạo anh hung tráng lệ hiệp khách, luôn có dăm bảy trang dành cho đám văn vẻ. Nếu giá cả không lạm phát thì miễn cưỡng kể cũng là được.

Ngày tết, người viết văn bán được giá vào loại kỷ lục, tương truyền là “ca” của đại giang hồ thi sĩ Nguyễn Bính. “Xuân năm 1941, ông Tế Xuyên Hoàng Hữu Tiếp đặt Nguyễn Bính làm thơ cho báo mình. Mặc cả mãi là một đồng một câu. Bính thấy Tế Xuyên cò kè hà tiện, mới nghĩ cách chơi lại một vố. Bính làm bài thơ dài 40 câu, đến sát ngày in mới đưa ra. Trong bài thơ có dòng “Làm thơ đem bán cho thiên hạ, thiên hạ đem thơ đọ với tiền”. Tế Xuyên đề nghị sửa câu đó. Bính đồng ý nhưng đòi giá gấp đôi. Bí quá chủ bút đành nhận lời, Bính sửa “Xót xa một buổi soi gương cũ. Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền”. Chủ báo trả bài thơ là 80 đồng”. (Thơ và giai thoại Nguyễn Bính – NXB Lao động 1999 – trang 34, 35). Ông Nguyễn Bính nổi tiếng là người tiêu ngông, nên đạo đức thương mại ở ông hơi bị vô tư quá, chứ ai lại nỡ cư xử với đối tác mình như thế.

Thế nhưng trong lịch sử bán văn Việt, trường hợp của ông Lê Ngô Cát (1827 – 1876) còn “khủng” hơn nhiều. Ông Cát tự là Bá Hanh người Chương Đức (Hà Tây). Ông đỗ cử nhâm làm án sát Cao Bằng rồi được đầu tư sáng tác chiều sâu, triệu về Kinh dự vào việc hiệu đính “Đại Nam quốc sử diễn ca”. Vua Tự Đức vốn trọng nam khinh nữ, đọc bản thảo của ông có câu “Vú dài ba thước dắt lưng. Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra. Cũng toan gánh vác sơn hà. Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam” thì vừa phục vừa chê nhưng vẫn ban thưởng một tấm lụa quý và hai đồng vàng. Ông Cát nổi máu nghệ sỹ có tự trào cảm than “Vua khen thằng Cát có tài. Ban cho cái khố với hai đồng tiền”. Lời đồn đến tai vua, ông bị biếm chức giáng thành thường dân. Hỡi ôi, buôn vụng bán ngu như thế nên văn nhân có nghèo thì đâu phải ở số hay mệnh giời.

Lao động nhà văn vốn dĩ khổ hơn đi cày, điều này cả thiên hạ mang máng đều biết. Cày xong rồi rụt dè đem sản phẩm đi bán, lúc lĩnh tiền không hiểu sao vẫn thấy như là bắt được nghẹn ngào xúc động đến vô cùng. Chẳng kể gì tay mơ mà ngay cả đám già đời hàng nghìn lần lĩnh nhuận bút, lần nào lần nấy tâm trạng vẫn trọn vẹn xốn xang như đến chỗ hẹn của tình yêu đầu. Cây bên đường sao mà xanh thế, người đi cùng chiều sao mà đẹp thế. Khép nép ký nhận, le lé bụng bỗng bồi hồi náo nức. Đi xuống cầu thang hai tay khép chặt dọc đùi, chỉ sợ khẽ giang ra là bay bổng như chim. Hồi hộp đến ngã tư có văng vắng gió, rón rén mở phong bì thầm thì đếm. Bình tĩnh lên xe phấn khởi, mồm miệng tự dưng há ra tủm tỉm cười rất khó ngậm lại. Lâng lâng lẫn lộn đi vào đường ngược chiều, hai viên cảnh sát đã đứng xuống vỉa hè sẵn sàng giơ tay vẫy, chắc nhận thấy vẻ hạnh phúc lớn lao chỉ có ở những thằng dở hơi thì nhân hậu buông cho qua. Ngày hôm ấy quả là song hỷ lâm môn.

Ngày xuân, văn sĩ bán được văn trông giống hệt cô dâu sắp cưới. Má đỏ đảm đang mắt sáng hạnh phúc mũi thăng hoa nở. Chỉ hiềm nỗi gần đây giá cả rượu rau thịt cá phi mã tăng 21%, nên trước khi đặt dấu chấm hết bài gửi tới toà soạn bỗng hoang mang tự thở dài, tiếng thở não nuột nghe gần giống như tiếng nấc.

[HR][/HR]

6. BIA CỦA MỘT THỜI​

Đã một thời gian xa xưa thật dài, với hầu hết những đàn ông Việt tử tế, khi muốn cao thượng thăng hoa say sưa thì đồ uống duy nhất chỉ là rượu. Chưa bao giờ cũng như chưa ở đâu, những đấng trượng phu hào sảng khí lớn bụng to Đại Việt của thời Lý Trần Lê Nguyễn lại ngồi trong tửu quán mà nhâm nhi uống bia. Bởi rượu là hành Mộc nơi đắc địa là phương Đông, còn bia thuộc hành Kim có xuất xứ từ trời tây. Lịch sử hành tiến, người Pháp vào Việt Nam, và trong cái hành trang “khai hoá” lổn nhổn vừa hay vừa dở mà họ cầm theo tự nhiên có một thùng bia hơi. Cho đến thập kỷ sáu mươi của thế kỷ hai mươi, nhiều đấng mày râu người Hà Nội khi rụt dè uống bia vẫn phải pha thêm xi-rô, có lẽ họ sành điệu cho rằng nó chỉ là giải khát. Thế rồi với xu hướng khó cưỡng, thế giới dần dần phải phẳng (thuật ngữ trắng trợn của nhà báo Mỹ Thomas Friedman) thì cách ăn uống của đàn ông Việt bỗng chốc trở nên lộn xộn mất dần bản sắc vùng miền. Bia ồn ào lên ngôi, tất nhiên cho đến giờ vẫn chỉ là ngôi vị Á hậu. Khi thấy đàn ông đang đỏ mặt loạng choạng liêu xiêu đi lại, những đàn bà đẫm đầy đạo đức buông ngay một câu “rõ là đồ bia rượu”. Chao ôi, phải chăng nhân loại đã đến thời mạt pháp, bia mà lại được đứng cạnh rượu.

Tất nhiên bình tĩnh công tâm mà nói, thì bia cũng có nhiều cái hay. Khí chất của bia tuy nông nổi nhưng dịu dàng vô tư tươi mát, nó chính là thứ uống tuyệt hảo để thư giãn giải độc giữa cữ nghỉ của cuộc hội thảo phê bình văn học và là đồ giải khát hạng nhất sau khi đã cãi nhau với người tình. Nếu miễn cưỡng phải so sánh thì bia vừa hồn nhiên vừa ngây thơ giống hệt Thuý Vân “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Còn rượu thì vừa đau đớn vừa trầm luân giống hệt Thuý Kiều “giật mình, mình lại thương mình xót xa”. Có lẽ là thế, tuyệt chưa thấy ai tiêu sầu bằng cách cô đơn ngồi nốc bia.

Về hình tướng, bia dễ đoán hơn rượu. Bia thường đựng trong cốc lớn, khi giao hoà với người uống thì bộ phận vất vả nhất là miệng. Theo “Ma Y tướng pháp” thì miệng còn gọi là “Xuất nạp quan, thuộc hành Thuỷ. Cửa ngoài của Tâm mà cũng là biên ải của thị phi phải trái. Miệng trúng phong thì Tâm tuyệt, bỗng dưng mồm há ba ngày tất sẽ tử vong”. Từ đấy suy ra miệng mà trúng bia thì Tâm thông, mồm nuốt hết cốc to mà há liền trong ba phút thì sinh lực dồi dào lời lẽ khoái hoạt.

Thời bao cấp quý nhất là lấy được vợ làm nghề bán gạo hoặc bán thực phẩm, nhưng sang nhất là yêu được một cô bán bia. Hàng bia là nơi quần long tụ hội, quần ngư tranh thực, quần chúng tranh ẩm. Nó luôn đông nghìn ngịt, cỡ li vờ sâu của Thanh Lam Hồng Nhung Mỹ Linh của thời bây giờ cũng không thể sánh bằng. Mua được bia mà không phải xếp hang đã là điều khác thường, còn có được bia mà không có đồ kèm thì đúng thực phi thường. Nhìn tổng thể cả quán, bàn nào bàn nấy giữa lác đác vài cốc bia là ngồn ngộn đen sì thịt bò xào phở (cứ một cốc lại bị một đĩa kèm). Đấy là còn may, chứ có hôm là cơm rang, là cháo lòng, là bíp tết thịt trâu ế từ buổi sáng. Dân chơi sành điệu của Hà Nội là ba bốn thanh niên tóc dài, mặt mũi vươn cao hút thuốc phì phèo toả khói lên trên mặt bang xâm xấp khoảng chục cốc bia hơi và xung quanh chỉ trịnh thượng cô đơn một đĩa lạc. Lạy Chúa, cái bàn bia ấy toát một ngạo khí kinh người, các đại gia tham nhũng của trọc phú thời nay ngồi ăn tôm hùm hoặc ba ba trong khách sạn năm sao vĩnh viễn không sánh nổi.

Mối tình đầu của kẻ viết bài này là một thiếu nữ bán bia. Chỗ nàng ngồi bán đơn sơ nhếch nhác vài cái ghế gỗ đang âm thầm ao ước lên hoành trang một cửa hang. Giống như những đàn ông trong trắng bắt đầu yêu, khi tỏ tình thì phải là thơ. Mấy chục năm rồi mà đoản thi ấy vẫn sóng sánh trong trí nhớ.
Em bán bia ơi em bán bia
Nhìn em nước mắt bỗng đầm đìa
Tình em cũng giống bia em rót
Chỉ thấy bọt thôi chẳng thấy bia​
Này cô em đong bia có hơi điêu tay của ngày ấy, bây giờ em ở đâu.
 

Du Vịnh

Hội viên
7. BIỆT THỰ Ở ĐÀ LẠT​

Đà lạt thì có mưa, thì có nắng,và mưa nắng ở đây đã đẹp đến lạ lung. Chênh vênh ngồi xem mưa bên bờ Hồ Xuân Hương trên lác đác mấy cái ghế sơn trắng kiểu Pháp trong khuôn viên của một biệt thự đã cũ, rồi cũng không đột ngột lắm, khe khẽ bên cạnh vài vệt nắng nhợt của tầm cuối chiều, thì thấy lúc ấy cũng như sau lúc ấy tốt nhất là đừng nên viêt gì.. Kể cả đấy là văn, kể cả đấy là thơ. Có những khoảnh khắc mà khi đứng trước nó, con người ta bỗng chỉ muốn quỳ. Và những gì thật đẹp thường không bao giờ chịu khuôn mình vào giấy. Có phải vậy chăng mà cho đến tận hôm nay, Đà Lạt vẫn chưa thấy có một kiệt tác viết nào đáng kể.

Mưa và nắng ở Đà Lạt độc đáp đẹp chắc chắn một phần là nhờ những nhấp nhô của bạt ngàn biệt thự. Những toà villa tuyệt vời nhiều và tuyệt vời đẹp. Nhận tinh hoa từ văn hoá Pháp, nó bàng bạc đậm chất Parisien. Biệt thự đã cổ ở xứ này đều ẩn giấu một hồn cốt kiến trúc mẫu mực. Cho dù đã vài cái liêu xiêu đổ và vài cái khác rơm rớm nát. Cho dù nó chỉ còn một ô cửa sổ rong rêu của tầng áp mái hoặc hiếm hoi hơn là một ống khói đá xám bơ vơ. Theo vài con phố thấp cao quanh co nhiều thông trầm trầm có biệt thự, những du khách tinh tế trót biết yêu cái đẹp bỗng thấy trái tim mình mong manh như là vỡ. Thật quá nguy hiểm. Có lẽ để giảm bớt rủi do, vài năm gần đây ở Đà Lạt đã thỉnh thoảng xây nhiều cái gọi là biệt thự. Cũng một buổi của tinh khôi sớm mà nắng vớt vát qua mưa đã nhạt thành sương mù, thong thả qua xưởng vẽ của một hoạ sĩ nhiều tuổi trên đường Ba tháng Tư, chợt bật kinh hoàng khi thấy một cái gì biệt thự tân kỳ tân thời tân tiến có màu tím. Nó có số nhà nhưng không muốn nhớ, cũng như không muốn nhớ về cái “biệt thự” trên chênh chếch đường Nguyễn Du mà nghe đồn là sở hữu quản lý sử dụng của một ông có vẻ giầu biết làm gỗ, biết làm bóng đá. Hỡi ơi, này ông “biết tuốt”, ông xây nó xấu ở đâu cũng được, ừ thì đương nhiên, để rồi vài người nhân hậu mềm tính buột thở dài mà tha thứ. Nhưng nó sẽ là lố, thậm chí là sự xúc phạm khi nó dám tự gọi nó là biệt thự ở một xứ mà mặc nhiên được vô vàn những người tử tế coi là tinh hoa của chữ biệt thự.

Mùa mưa và sương nắng Đà Lạt sẽ thêm buồn, sẽ bớt độc đáo khi phải cố dung dưỡng trong mình vài cái biệt thự kiểu đó.

[HR][/HR]
8. BI KỊCH SỞ KHANH​

Sở Khanh là tên riêng của một người đàn ông tuổi khoảng trạc thanh xuân có phong độ dịu dàng và chải chuốt. Xuất xứ của anh ta không rõ lắm, cũng có thể là hội viên một hội văn nghệ nào đấy, bởi vừa thấy Thúy Kiều buông lời thở than bằng thơ thì lập tức “Cách tường nghe có tiếng đâu hoạ vần”. Thơ ứng khẩu mà làm nhanh như bọn 8x bây giờ đua xe thì chắc hẳn phải là tay chuyên nghiệp. Họ Sở ăn mặc lịch sự tao nhã có áo có khăn theo thời trang thư hương, đại loại nếu ở thời nay, anh ta sẽ nhang nhác trông giống một công chức phó phòng hoặc một phó giám đốc công ty tư nhân, lương tháng chừng hơn bốn triệu và sở hữu một lượng cổ phiểu blue-chip xấp xỉ ngoài trăm triệu. Sở Khanh hoàn toàn không phải ma cô như Mã giám sinh, lại càng không phải đầu gấu như bọn Ưng Khuyển. Ở cơ quan Ngưng Bích thanh lâu, Sở Khanh chỉ là một nhân viên ký hợp đồng ngắn hạn. Vậy mà anh ta đã cực kỳ nổi tiếng suốt hơn hai trăm năm qua và theo chính sự ngậm ngùi tiên tri của tác giả Nguyễn Du, chàng họ Sở sẽ còn nổi tiếng chừng non một trăm năm nữa.

Sở dĩ Sở Khanh đã trở thành thương hiệu độc đáo của một loại đàn ông là bởi vì anh ta “Bạc tình nổi tiếng lầu xanh. Một tay chôn biết mấy cành phù dung”. Lầu xanh là trụ sở của một cơ quan hiện đã thất truyền ở ta, có tên chữ là kỹ viện, có tên nôm là nhà chứa, nó khắc nghiệt vô cảm khác hẳn với các quán bar, các vũ trường, các cơ sở xoa bóp. Đàn bà nếu nhỡ bị phải tới đấy làm thì hầu hết đều là đã rất phong trần, đã rất đa đoan. Bạc với phụ nữ bình thường đã khó, bạc với kỹ nữ là điều tuyệt khó. Phải vất vả lọc lõi, phải cứng rắn lạnh lẽo thì may ra mới có một vài phần trăm mong manh hy vọng. Thi hào người Đức Bertont Brecht, chân thành chia sẻ với những người đàn ông xấu tính “Mạch máu hằn trên trán nhăn khốn khổ. Tôi nhìn anh cảm thông, làm người ác khó nhọc vô cùng”. (Mặt nạ kẻ ác - Nguyễn Quân dịch). Khổ thân cho Sở Khanh, chắc anh ta phải nhọc nhằn đêm ngày mà suy tư luyện nghề luyện ngón. Thực ra, đàn ông mà bạc tình thiên hạ không hề hiếm. Hoặc tủn mủn tầm thường lừa tình của các bà. Hoặc phóng túng vô tâm lừa tuổi trẻ của các cô. Bên trời tây khét tiếng có gã mặt đẹp Đông Joăng. Gã này hào hoa lợi khẩu lê la khắp các sa lông thượng lưu, làm đau lòng không biết bao nhiêu thiếu phụ có chồng rửng mỡ điệu đà xách túi Louis Vuitton, làm nát tim vô số những thiếu nữ mới lơn phởn phơ lướt xe tay ga SH, A còng. Thế nhưng chưa là cái đinh gì, so với Sở Khanh thì lãng tử họ Đông vẫn là loại tay mơ tập sự.

Sở Khanh lừa đảo có bài có bản có ý thức có công phu, chuyện nhỏ như bò ăn cỏ, bởi những phẩm chất này vẫn chỉ là thứ nhập môn của cái bọn nông nổi đạo đức giả. Sở Khanh trở nên tuyệt đại cao thủ là nhờ sự đê tiện thăng hoa tạo ra đạo đức giả tới hai lần. Đã nhẫn tâm lừa người ta là lần một. Khốn nạn xong xuôi đâu đấy rồi lại lên giọng cao đạo dạy dỗ người ta là lần hai. Nhưng đây chưa phải là chuyện lớn. Cái tệ cái bạc cái độc đáo nhất nhất ở Sở Khanh là đã lừa Thuý Kiều. Này họ Sở, sao không đi lừa phẳng phiu sang trọng Thuý Vân vợ tri huyện Kim Trọng, hay mệnh phụ Hoạn Thư nhiều tiền lắm của đệ nhất phu nhân thế gia vọng tộc. Đằng này lại đi lừa một cô bé tuyệt xinh đang bị phũ phàng số phận đẩy vào đường cùng ngõ hẹp. Nó bại hoại đểu giả y như thầy giáo gạ tình học sinh lấy điểm, y như quan chức vung tiền mua dâm trẻ vị thành niên.

Họ Sở còn cái gì để mà nói.

Thế nhưng bình tĩnh mà xét, sâu xa Sở Khanh vẫn còn vớt vát một chút ít nhân cách. Khi bị Kiều nổi nóng đàn bà vạch mặt “Đem người đẩy xuống giếng khơi. Nói lời rồi lại nuốt lời được ngay”, thì Sở Khanh thu dọn áo khăn tìm cách… té. Biết xấu hổ là còn trong trắng, so với một số đàn ông đen đúa tham nhũng lừa gạt bao nhiêu dân nghèo của thời bây giờ, khi bị phơi sang ra trước công đường vẫn mặt dày lươn lẹo chối tội, thì hình như Sở Khanh còn tử tế hơn nhiều. Vậy mà đám kia không bị đích danh “vạn niên lưu xú”.

Liệu đây có phải là nỗi đau làng bi kịch của chàng trai họ Sở.

[HR][/HR]
9. BỐ VÀ CON TRAI
Từ ngàn năm nay, không biết bao nhiêu văn nhân học giả đạo đức gia chính trị gia đã tốn không biết bao nhiêu bút mực để bàn về mối quan hệ đặc biệt giữa hai người đàn ông này. Ở phương tây, nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) khẳng định rằng cha và con trai là hai hình ảnh tương hỗ phóng chiếu của nhau nhưng nằm giữa bọn họ là một khoảng trống ngổn ngang mâu thuẫn. Thuật ngữ “Mặc cảm Oedipe” nhằm diễn tả hình tượng giết cha lấy mẹ nổi tiếng khủng khiếp của ông, làm nhan nhản những quý ngài đẫm đầy luân lý đang sống cao ngạo ở Châu Âu hồi ấy nhao nhao phẫn nộ. Còn phương Đông bình hòa hơn, vốn dĩ bản chất có khuynh hướng lễ phép nên cho chuyện đó một màu sắc đạo đức khác hẳn.Con trai mà có học có tử tế thì phải có Tam Cương (Ba mối ràng buộc lớn), đó là “Quân vi thần, phụ vi tử, phu vi thê”. Cụ đồ người Việt có nhân cách cực kỳ cao Nguyễn Đình Chiểu đã tuyên tín rằng “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Đàn ông đàng hoàng đầu đội trời chân đạp đất phải biết trung với vua, phải biết chí hiếu với bậc sinh thành. Con hiếu luôn được xã hội trân trọng đề cao, bởi đã là hiếu tử thì thường dễ dàng trong sáng chăm chỉ học giỏi rồi lương thiện ngay thẳng mà thành nghĩa sỹ, biết dâng hiến cho dân cho nước. Tất nhiên, hiếu là đạo chứ không phải phong trào, nếu con giai nào cũng nỗ lực đóng vai phấn đấu để tiến thân thành con ngoan rồi huyênh hoang in tiểu sử vào sách theo kiểu kiệt tác “Từ cậu bé chăn trâu đến ông Tổng giám đốc” của quý anh Lê Văn Sở ở Agribank lại là một chuyện khác.

Nói cho cùng, con hiếu là chuyện tự nhiên nhi nhiên, nó giản dị như đói thì bú tí mẹ, sợ thì trốn vào lòng cha, chứ vào phải chuyện gồng mình lên mà rèn luyện rồi gian nan cố gắng vất vả tạo thành tích cốt thể hiện mình cho nhang nhác giống như là đạo đức. Đạo Hiếu thì thường bắt nguồn từ người cha, bởi đơn giản trước khi ông bố trở thành “papa” thì có một thời gian hồn nhiên thật dài ông ta đã phải là “baby”. Cha hiền là những người luôn theo sát chăm sóc từng bước chập chững của con mình, nhưng tất nhiên đừng theo sát quá như trường hợp ông bố thứ trưởng họ Mai ở Bộ Thương mại. Khi Mai thiếu gia đi học trụy lạc mải chơi thi trượt, ông số sầu muộn lọ mọ chạy theo xin điểm đỗ. Khi Mai thiếu gia tung tăng tốt nghiệp thiếu kiến thức bơ vơ việc làm, ông bố lo lắng đưa con về ngồi cùng phòng giao phó tận tay trách nhiệm tiền tỷ. Rồi Mai thiếu gia hút hít nhận hối lộ phải ngồi tù, ông bố lưỡng lự vô thức hoặc ý thức tận tụy đi theo vào ngồi cùng buồng. Hai cha con nhà ông này là một minh họa phi thường cho cái đạo hiếu tầm thường thời nay, thật xứng đáng với câu “ranh” ngôn “Hổ (thẹn) phụ sinh hổ (thẹn) tử”.

Thông thường, bố thích con trai là vì con trai có nhiều điểm giống bố. Ví như, hoặc ưa linh tinh phiêu lưu hoặc yêu lung tung phụ nữ. Và hầu hết các ông bố được hỏi là tại sao lại thích thì hình như đều trả lời, tại vì con trai có tư thế đứng. Trong truyện Kiều có một câu làm độc giả phân vân “Anh hùng (...) giữa trần ai mới già”. Ở các dị bản có tồn nghi những chữ khác nhau. Tìm, Biết, Đoán hoặc Đứng. Nhiều ông bố đang bị có đông con gái thì dù hoặc trầm trọng như phải chết hoặc nhẹ nhàng như đi toa-lét đều cũng vô cùng rất ghét phải ngồi.

Xã hội hiện đại có xu hướng đẻ ít con, nên kha khá đông đàn ông ngày nay thường có một đến hai ái nữ. Điều này có buồn không thì duy chỉ có Giời biết. Dân gian bảo “ăn nhạt mới biết thương đến mèo”. Trong những gia đình có vẻ hạnh phúc ấy, đương nhiên tay con rể sẽ đóng vai con giai. Đây đáng kể là một mối quan hệ bi tráng. “Dâu là con, rể là khách”, thỉnh thoảng khách dữ có xô xát với khổ chủ thì cũng là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Ở các câu lạc bộ dành riêng cho quý ông có lưu hành một giai thoại. Nhạc phụ đại nhân đi hát karaoke ôm thì gặp nữ tế. Cả hai chợt nhìn thấy nhau thì choáng váng đần mặt bàng hoàng. Nhạc phụ lo sợ hơn nhưng khôn ngoan hơn lanh lẹ tiến tới thì thầm vào tai con rể “Đây là chuyện riêng của đàn ông xin chớ bép xép, nếu ông mách vợ tôi thì tôi mách vợ ông”

Một câu thoại xuất sắc vĩnh viễn không bao giờ có khi bố thật gặp con trai thật ./.
 

Du Vịnh

Hội viên
10. CHỖ HẸN LẦN ĐẦU
Trong suốt cuộc đời vừa dài vừa ngắn đậm nhạt linh tinh của những người đã từng yêu, thì cái buổi lần đầu hò hẹn luôn là nỗi nhớ miên viễn khôn nguôi. Chỗ hẹn để gặp người ấy ở Hà Nội không nhiều lắm. Nếu vẫn đang tuổi đi học thì thường là một ngã ba đường. Nếu lớn hơn một tí, thì là quán cà phê có nhạc dìu dịu, là một vỉa hè cũ kỹ trước cửa rạp xem phim, là bậc thềm tam cấp phong phanh gió của một nhà hát. Ở cái thời lãng đãng chưa xa đấy, chưa có “chát” chưa có “meo”, đặc biệt chưa có điện thoại cầm tay, thì cuộc hẹn đầu tiên luôn là nỗi cồn cào rưng rưng ám ảnh. Không ăn gì được, không uống gì được, nôn nao đứng thẫn thờ ngồi. Hoặc bâng khuâng tự cười một mình hoặc đột ngột cáu kỉnh bẳn gắt người thân, đại loại phong độ phi thường bất nhất hao hao giống tráng sỹ sắp đi làm thích khách.

Chẳng biết cất buổi chiều vào đâu, sao cái ngày hôm ấy bỗng dưng dài thế. Người con trai thì thường đến sớm, người con gái thì đôi khi đến muộn. Không phải vì cầu kỳ trang điểm, mà đơn giản trong veo tìm cách bịa một lý do trơn tru hợp lý. Ông bố đang mải xem bóng đá trên tivi quan liêu ầm ừ, còn bà mẹ hiển nhiên sẽ như là biết. Cũng giống như hầu hết những bà mẹ một thời được là thiếu nữ, ngoài mặt nghiêm khắc dặn với, nhưng trong bụng nhưng những nhói nhớ về hai chục năm trước, cái thuở mình xanh nôn loay hoay bắt đầu tập nói dối. Người con trai đã vô cùng nóng ruột, anh ta bứt dứt đi đi lại lại theo đúng một hàng gạch. Rồi nhớn nhác hốt hoảng nhìn cả hai đầu đường, bởi thỉnh thoảng có một bóng tóc dài thấp thoáng.

Hẹn hò được sinh ra khi tình yêu thăng hoa, vì thế không gian điểm hẹn kinh khủng là quan trọng. Chỗ hẹn luôn là nơi trong trắng vô tư cho tình yêu. Dù rằng hôm nay khuôn mặt của tình yêu có thô tháp hơn, nhưng chưa bao giờ kẻ thật yêu dám hẹn nhau ở nhà nghỉ. Đúng là người Hà Nội thì hầu như không có ai hẹn găp ở hồ, mặc dầu hồ của Hà Nội là tuyệt vời lãng mạn. Cũng không bao giờ hẹn hò ở công viên, nơi có nhiều lùm cây nhờ nhờ trông nhợt nhạt giống như sự dối trá. Chỗ hẹn của lần đầu đắc địa nhất phải là một ngã ba, nó cô đơn ấm áp nằm ngay trên đường tan về của buổi tối học thêm ngoại ngữ. Hà Nội có nhiều ngã tư, thỉnh thoáng cũng có ngã năm nhưng ngã ba văng vắng dành riêng cho tình yêu thì hiếm hoi ít. Đáng kể là ngã ba Lý Thường Kiệt cắt khúc giữa phố Lê Thánh Tông ở trước cổng trường cao đẳng Đông Dương cũ chẳng hạn. Những cây sấu cao vút, làm cho từng bóng đèn cao áp hết hẳn vô cảm, ngay thơ bật lên một ánh sáng xanh dịu dàng, màu của khát khao ngong ngóng. Dưới thứ ánh sáng thiên thần đó, những chàng trai run run thêm can đảm nói được gần đúng lời muốn nói. Những cô gái cũng bớt e thẹn ngập ngừng, mủm mỉm như vô thức ngầm khuyến khích cho người ấy cầm tay. Cái ngã ba của phố nhỏ Nguyễn Gia Thiều giao vào đường Trần Bình Trọng cũng thật lý tưởng. Vỉa hè thoát tục đơn sơ rộng bơ vơ một vài quán cà phê lẻ. Nó đủ gần để thấy sôi động đô thị từ đám trẻ đang tập võ hoặc nhảy híp hóp ở sân cung văn hóa Việt Xô. Và nó cũng đủ xa cái dung tục bừa bãi nhuốm mùi gờn gợn từ gió hồ Hale, nơi đi lại của dăm thiếu phụ bán hoa nghèo nàn mệt mỏi.

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Ông Hồ Zdếnh chân chất, chỉ vì nhiều lần phải chờ người yêu mà bay bổng bỗng chốc thành thi sỹ. Thơ tình lỡ hẹn của ông nồng nàn hờn dỗi. Chao ôi, cái thuở chờ đợi trinh bạch không điện thoại di động. Thanh niên bây giờ yêu nhau đã vắng hẳn sốt ruột. Cái tin nhắn thô lỗ giải thích tất cả. Họ phởn phơ căn giờ đến đúng chỗ hẹn, ung dung yên thân nhấm nháp cốc sinh tố ly cà phê, rất nhiều chàng còn giắt ở mông đít một tờ báo lá cải để vừa đọc vừa đợi. Tình yêu mà toàn đúng mà không lầm lỡ thì làm sao có thể bền lâu được.

Điển cố tình sử cũ ở nước Tàu có kể. Một chàng trai trót hẹn một cô gái ở dưới chân cầu. Buổi chiều nước dâng cao và cô gái tới muộn. Chàng trai chới với bám vào một cành cây, thà chết ngạt chứ không chịu dời chỗ hẹn. Về sau, Kim Trọng khi tán tỉnh Kiều đã chân thành đem chuyện ấy ra kể coi như là lời thề thốt. “Trần trần một phận ấp cây cũng liều”. Có lẽ là vậy. Một mối tình đầu có chung thủy có vị tha thì đương nhiên phải có một chỗ hẹn vĩ đại độc đáo. Chỗ hẹn ấy vô số người đi qua nhưng duy chỉ có hai người biết. Nó vừa thiêng liêng huyền ảo lại vừa long lanh minh bạch. Nó xứng đáng là di tích xếp hạng nhất trong suốt cuộc đời của những người đã từng yêu ./.

[HR][/HR]

11. CHỜ MÙA GIÁNG SINH​

Hầu như bất cứ một sự sinh nở nào cũng đều là thiêng liêng đáng trân trọng. Ở tất cả mọi sự sinh luôn bừng sáng một ánh sáng tinh khôi khởi nguyên trong veo không gợn đục. Một mầm non vừa nhú, một bông hoa mới nở. Tia nắng bình minh đầu tiên, ngọn gió heo may đầu mùa. Kiệt tác hội họa Bữa tiệc ly cuối cùng vừa khô sơn. Bản thảo tiểu thuyết lừng danh Quo vadis vừa khô mực. Nhưng tuyệt vời hơn hết, thăm thẳm cao cả hơn hết vẫn là sự ra đời của một con người. Thượng đế thật vĩ đại khi hào phóng ban cho cái trái đất “ba phần tư là nước mắt” này những tiếng khóc tươi non oe oe của một đứa bé.
Và từ lâu lắm rồi, ngày sinh của một trong vô số những đứa bé thiên thần ấy được nhân loại mọi nơi hớn hở thành kính làm lễ kỷ niệm. Đó là đêm hai mươi tư rạng sáng hai mươi nhăm tháng mười hai của năm thứ nhất theo lịch trần gian, cậu bé Jesus xứ Nazareth chào đời trong một hang đá lạnh lẽo nghèo nàn. Xung quanh máng rơm cậu nằm, ngoài thanh bạch bố mẹ thì chỉ có đám mục đồng đang lập cập rét và một bầy cừu nhỏ đang hà hơi thở để sưởi ấm cho cậu. Xa xa trên cao vút của bầu trời mùa đông bỗng rực sáng vô số vì sao.
Này, cậu bé con nhà khó kia ơi, cậu là ai.
Chỉ mãi mãi về sau, khi đã lớn lên, đã cô đơn đi lang thang giảng thuyết những tín điều đẹp đẽ nhất của tình thương, đã bị không biết bao nhiều kẻ giày xéo làm nhục, đã gần như tuyệt vọng gục ngã trên cây thập tự gỗ thì cậu mới tự bạch “Ta là con đường, ta là sự thật”. Và người đời trong lúc quẫn nạn tuyệt cùng của khổ đau vẫn thầm thì tha thiết gọi cậu “Lạy Chúa, xin người hãy ở lại cùng con vì trời đã đổ chiều”.
Cho đến nay, vượt qua những khác biệt, văn hóa Ki tô giáo đã đương nhiên trở thành một phần của sâu lắng mênh mông văn hóa Việt Nam. Ở nhiều vùng miền, các lễ trọng thể quanh năm tưởng niệm cuộc đời đẫm đầy hy sinh vị tha của đáng Giê su Cờ rít đã trở nên quen thuộc như lễ vào mùa, lễ cầu ngư hay lễ tết Nguyên Đán. Tiếng chuông nhà thờ làm kẻ tha hương quặn nhớ cố quốc không kém gì tiếng chuông chùa. Tuy Ki tô giáo là một đặc sản tinh thần phương Tây nhưng khi tuyền nhập vào phương Đông, đặc biệt là mảnh đất hình chữ S này, nó đã thẩm thấu dung hòa cùng những vị thế tâm linh bản địa. Việc người Việt thờ cúng tổ tiên và anh hùng liệt sỹ nằm trong chữ hiếu hoàn toàn phù hợp với giới răn thứ Bốn. Những bài vãn dâng hoa vang trong các thánh đường vừa có âm hưởng thánh ca vừa có âm hưởng của chèo, của quan họ. Năm đại thánh Hai nghìn, tranh thánh gia treo trước cổng chính nhà thờ lớn Hà Nội vẽ người cha Giu Se quấn khăn đầu rìu mặc bộ quần áo nâu của người nông dân Việt. Người mẹ Maria yếm đào để tóc đuôi gà ôn nhu bế chúa Hài Đồng bụ bẫm tóc buộc ba chỏm trái đào. Bữa tiệc tối đêm Noel tiếng Tây gọi là Resveillion, chỉ lác đác có nhà làm ngỗng quay, gà tây sốt vang còn hầu như là cỗ thuần Việt, thậm chí còn có thịt chó nồng ấm trong vị rượu trắng quốc lủi.
Theo điển lễ, mùa chờ Thiên chúa giáng sinh (Advent, Việt ngữ kêu là Mùa Vọng) kéo dài bốn tuần lễ, bắt đầu từ giờ kinh chiều thứ nhất Chúa nhật 30 tháng 11 và kết thúc trước giờ kinh chiều thứ nhất lễ Chúa giáng sinh (24/12). Giáo dân trang hoàng lại nhà cửa, chuẩn bị làm hang đá bằng giấy dầu. Những phố nhỏ xung quanh bờ hồ gần nhà thờ chính tòa như Lý Quốc Sư, Nhà Chung, Ngõ Huyện thì sở môi trường đô thị cho từng đoàn xe phun nước rửa sạch đường bụi bặm. Nhà nhà nô nức sắm một cây thông tươi nho nhỏ rực rỡ treo đầy những đèn nhấp nháy nhiều màu, những hình xinh xinh ông già tốt bụng Santa Claus ủng to râu trắng áo đỏ. Ngoài đường mặt ai nấy đều bận rộn nở bừng thanh thản, những cặp chơm chớm thầm yêu nhau bỗng nồng nàn tìm cách tỏ tình. Ở mùa Vọng hầu như cái gì cũng trong sạch, con trai thì hào sảng ga lăng, con gái thì dịu dàng ôn nhu. Tất nhiên, thỉnh thoảng bọn trẻ con bốc đồng sẽ hẹn hò tìm cách đua xe quanh hồ Hoàn Kiếm. Một không khí náo nức yên ả, giống hai dòng chữ lấp lánh kim tuyến đang phấp phới bay trên cờ đuôi nheo ở khuôn viên có tượng Đức Bà “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới đất cho người thiện tâm”.
Mùa Vọng là mùa rộn ràng vui vẻ, vì thế nhiều dân ngoan đạo do quá cởi mở dẫn đến hơi bị phóng túng. Họ lấy ít tiền lẻ tiết kiệm ra chơi lô đánh đề. Số được chọn loanh quanh theo hai ngày 24, 25. Thường là trượt cả thôi và đương nhiên họ chẳng lấy đó làm điều. Happy Christmas mà, Noel là hạnh phúc ./.

[HR][/HR]

12. CHƠI VƠI TRĂNG THU​

Hà Nội vào mùa nào cũng đẹp, nhưng thâm hậu lạ lùng đẹp nhất có lẽ là mùa thu. Nắng thu trên phố nhẹ nhàng không bị dại nhạt, gió thu qua cao ốc mát mẻ không bị lạnh khô. Trời thu Hà Nội thường rộng rãi, có lúc mây sẫm màu cồn cào thê thảm vần vũ, có lúc mênh mông tít tắp phóng khoáng cao xanh. Sao mà trời đất tự nhiên có ngày trăn trở phức tạp giống hệt như ngổn ngang lòng người, đang lâng lâng hào hứng hoan lạc chợt trầm xuống đột ngột nghẹn ngào bi tráng. Quả là một tiết mùa kỳ dị, thiên nhiên bỗng tương giao khăng khít vô cùng gần gũi đầy đẫm nhân tình.

Mùa thu có những phẩm tính tuyệt vời như vậy là nhờ đểu đặn có trăng. Trăng mùa thu long lanh tròn sáng tron trắng huyền ảo. Đã là người sống tử tế thì tất thảy đều yêu trăng. Và yêu trăng nhất đương nhiên là bọn trẻ, vì đơn giản, chẳng bao giờ bọn chúng lại hết được tử tế. Nhiều năm rồi, Trung Thu khắp nơi là của trẻ con. Ngay cả đám trẻ bây giờ trên phố, ngay bị cách bức bởi bê tông hay internet thì tuy mới sắp sửa Rằm vẫn náo nức đeo mặt nạ thập thò sang nhau. Tất nhiên các con giống không được nặn đất nữa. Tất nhiên đèn lồng rồi đèn ông sao bị sáng bằng điện pin. Chỉ có tiếng hát ngọng nghịu ngây thơ “Tùng dinh, tùng dinh dinh...” là nguyên vẹn của một thời xa xưa trăng sáng.
Thực ra theo tục Tầu, thuở sơ khởi tết Trung Thu vốn của người lớn. Múa sư tử cũng của người lớn, phá cỗ trông trăng lại càng là của người lớn. Theo âm lịch (lịch của phương Đông mặt trăng, khác với dương lịch phương tây mặt trời) thì bắt đầu từ khoảng thời Hán, trong một năm người ta linh đình làm bốn tết lớn. Tết Nguyên đán của Xuân, Tết Đoan Ngọ của Hạ, Tết Trung thu của Thu và Tết Đông chí của Đông. Theo sách “Thiên bảo di sự” thì ông vua ham chơi thích bay bổng Đường Minh Hoàng đã có công hoành tráng hóa nghi lễ Trung Thu. (Tương truyền, Đường Minh Hoàng là người mê ẩm thực, chính ông đã nghĩ ra món “vằn thắn” khét tiếng, bởi có lần ông nằm mơ được nuốt mây. Tiếng Hán là “vân thôn”, khi vào ta bị đọc trại đi). Đường Minh Hoàng nhờ pháp sư Thân Thiên dùng phép thuật đưa hồn lên cung nguyệt. Lúc tỉnh về ông nhớ được vũ điệu Nghê Thường do chính các tiên nữ chân dài truyền dạy. Lân Rồng song múa rồi đèn kéo quân v.v...cũng từ vũ đạo độc đáo của mặt trăng mà ra. Chẳng hiểu vị trí của Đường Minh Hoàng trong sử Tầu to bé thế nào, nhưng chỉ cần ông ta thăng hoa nghĩ vài món thượng thặng như thế, chắc chắn ông ta không phải loại vua tầm thường.

Tết Trung Thu của người Việt giản dị hơn, nó khác với tết Xuân là của hoa của đồ mặn, tết Thu là của quả với bánh trái. Vào cái đêm rằm lồng lộng trăng ấy, người ta sửa lễ vật dâng cúng trời đất ở nhà chùa hoặc đình, đền, miếu. Mâm cỗ chờ trăng tròn đầy na, bưởi, hồng, chuối phưng phức mùi bánh nướng bánh dẻo thêm nữa bánh đậu xanh, bánh phu thê. Việc cúng trăng thường do đàn bà đảm đương, đàn ông tuyệt đối không bái nguyệt. Theo triết lý Âm Dương, mặt trăng là biểu tượng của Thái Âm, nơi đặc sệt đông nghẹt chỉ toàn đàn bà là đàn bà. Chỗ âm khí dầy chặt như thế mà đột nhiên có thằng con trai thì từ xưa đến nay duy nhất chỉ có thằng Cuội. Cái thằng này bản tính quen lừa các bà các cô ăn tục nói phét thành thần. Rồi khoa học phát triển, nước Mỹ cậy tiền khoe khoang cử một tay đàn ông tên là Neil Armstrong có lò dò lên đấy đi bộ mấy bước. Thực hư chưa biết ra sao, nhưng vài năm gần đây báo chí phanh phui nghi rằng hình như là chuyện bốc phét.

Người xưa nhìn trăng là thường để nuôi dưỡng giữ gìn tâm mình. Ánh trăng thong thả nhân hậu sâu xa làm dịu đi những gay gắt tính toán bạc bẽo. Thi hào đời Sơ Đường, Trương Nhược Hư rưng rưng cảm thán “Giang bạn hà niên sơ kiến nguyệt. Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân. Trăng lần đầu soi thấy ai và ai lần đầu tiên thấy trăng chính là một niềm bâng khuâng vô biên hạnh phúc. Ngày nay mọi người nhao nhao đô thị hóa, hay dở chưa bàn, chỉ biết ánh trăng đã bị ánh đèn cao áp thủy ngân bắt nạt. Nhìn trăng bơ vơ trên trời, tự nhiên nao nao xót xa cho cả người lẫn trăng.

Mười lăm là rằm và rằm cũng là mốc tuổi đẹp nhất của thiếu nữ. Các cô tiên trên cung trăng nếu có tuổi thì chắc cũng đang ở cữ đó. Và nếu họ có viết thư tình thì cũng vương vãi trong veo hồn nhiên mực tím. Bởi ở cái tuổi thiên thần ấy, nếu ngập ngừng biết yêu thì cũng chỉ biết nói những lời xanh xao thơ ngây loay hoay sai ngữ pháp. Có phải vì thế mà các xã hội văn minh đều quy định lứa tuổi hôn nhân là phải qua 18, mức tuổi mà bỗng chơi vơi có nhìn trăng thì cũng đã bớt đi không biết bao nhiêu là run rẩy./.
 

Du Vịnh

Hội viên
13. CHỒNG NGOAN​

Ở những năm xa xưa, trong văn hóa ứng xử gia đình của nhiều nước phương Đông, đặc biệt là những nước chịu ảnh hưởng từ Nho giáo Trung Quốc, thì những việc trong nhà có “con ngoan” hay “vợ ngoan” là điều thường thấy. Tất nhiên, cũng vẫn ở hồi ấy, khái niệm “chồng ngoan” là vô cùng khó gặp. Theo trì trệ tập tục, chồng thường là cột trụ là ông chủ gia đình. Nếu bố mẹ đã già ông ta đương nhiên là ông số Một. Khi có quyền, ông ta không hư đã là may, còn chuyện bỗng là ngoan thì lấp lánh vời vợi xa xôi như thần thoại. “Từ điển Tiếng Việt” của nhà xuất bản Lao Động tự tin giải thích, “ngoan” là tính từ, nghĩa của nó là “dễ dạy”. Và từ điển của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia thì dài dòng hơn nhưng chưa chắc đã đúng hơn. “Ngoan (thường nói về trẻ em và các cô gái trẻ). Có khả năng ứng phó phù hợp với khuôn phép trước những tình huống đã được huấn luyện”. Có lẽ vì không chịu tra từ điển nên vô số thiếu nữ đã lâng lâng bước lên kiệu hoa để bay bổng tiến vào hôn nhân mà không biết rằng mình sẽ phải bị thành ngoan. Vợ ngoan có nhiều kiểu, nhưng nói chung theo các bà mẹ chồng thì loại ngoan nhất là sau khi được qua “huấn luyện” chợt tự nghẹn ngào chân thành khai ra toàn bộ số của hồi môn. Nếu đây đã là truyền thống thì rất đáng giữ gìn và cho đến nay hình như lác đác vẫn còn. Ví như kẻ viết bài này, ngay sau đêm tân hôn đã dịu dàng vất vả ròng rã tra khảo suốt nửa năm giời mà hiền thê kiên quyết không chịu khai. Trong “Từ điển Hán Việt”, học giả Đào Duy Anh gọi chung tất cả những “người vợ cứng cổ” này là “ngoan phụ”, chữ “ngoan” được viết ở đây giống hệt như chữ “ngoan” trong “ngoan cố, ngoan cường”.

“Chồng ngoan” là thuật ngữ đương đại, còn kha khá mới, đại loại nó tối tân gần gần như lý luận văn học hậu hiện đại hay như nghệ thuật sắp đặt Installation. Xuất xứ của nó rất khó đoán, có người mê xi nê cho rằng nó xuất hiện cùng thời với việc điện ảnh nước ta nhăm nhe canh tân khi có thêm giải Cánh Diều Vàng. Nhưng cũng có người mê nhạc phản bác, nó là hệ quả tất yếu của phong trào nghe ca từ gâ sốc của bài hát Việt, nơi vừa có uốn éo í a dân ca lại vừa có dậm dật pốp rốc ráp. Tự chung, “chồng ngoan” là tinh hoa đặc sản của một giai đoạn lịch sử có nghệ thuật thịnh trị yên lành. Thành ngữ có câu “Giai thời loạn, gái thời bình”. Lúc đánh nhau, đàn ông là nòng cốt. Lúc thanh bình, đàn bà hiển nhiên là chính yếu. Hơn ba mươi năm hòa bình ở ta, thì việc có các bà vợ biết làm chánh phó tổng giám đốc, biết kiếm tiền như rác, biết lái xe hơi, biết sẵn sàng ly dị là chuyện không hề hiếm. Nửa đêm giờ tí canh ba, vợ lảo đảo say rượu đi về muốn nôn thì “chồng ngoan” phải biết “ứng phó phù hợp với khuôn phép”, ân cần lấy khăn ấm, chậu sạch mềm mại nâng niu mà để cạnh. Có điều, lúc vợ đã sâu xa thiêm thiếp ngủ, tất cả các chồng ngoan đều khó cưỡng lại cái ý định mở ví vợ, khe khẽ rút lõi dăm ba tờ tiền không chẵn lắm. Và chồng là thật ngoan thường không dùng tiền ấy vào việc hút hít lô đề cờ bạc, mà tất tả chạy ra phố bán sách giá rẻ Nguyễn Xí mua lấy mươi cuốn còn thiếu trong bộ tổng tập “Câm nang dạy làm người”.

Cho đến bây giờ, khác hẳn với số lượng tiếp viên nữ ở các quán karaoke hay massage, số lượng chồng ngoan chưa được đầu tư khảo sát một cách chính xác. Đơn giản, nhiều học giả vừa có chữ lại vừa có tử tế, tuy không coi chồng ngoan là thành tựu nhưng cũng không khinh bạc coi đó là tệ nạn. Thỉnh thoảng hiếm hoi ở vài hội thảo loanh quanh loay hoay xã hội học, thì có để ra vài giờ lẻ miễn cưỡng bàn về hiện tượng này. Phía ngoài hành lang, người ta hay minh họa bằng những chuyện gần như có thật, ví dụ. Một người khét tiếng là chồng ngoan mời khách đến ăn bữa trưa. Khách tới, thấy ông chủ nhà một mình chăm chỉ gọt khoai tây, biết tính bạn thì xin phép vào nhà chào vợ. Khi mở cửa buồng, khách tái mặt giật mình vì thấy trên chiếc giường là chị vợ đang xếch xi nằm với một tay râu rậm xồm xoàm. Khách vội vã chạy ra mách, nghe xong ông chồng ngoan hốt hoảng “Bỏ mẹ, thế lại phải chạy ra chợ mua thêm khoai rồi. Tớ không biết trưa nay cô ấy mời thêm khách”.

Nhiều người uyên bác khẳng định rằng tất cả chồng ngoan đều là những người hiền. Có điều lạ, khi đột ngột bất hạnh hay buồn phiền họ không bao giờ buông thả bỏ đi uống rượu, mà thường lặng lẽ cô đơn rưng rưng đi xem “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng.
 
Top