Nhạc Trịnh

mimi1986

Điều hành cấp cao
Mỗi năm, ngày 1.4 lại trở thành ngày hội ngộ cho những ai yêu mến con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn. Khi nghe nhạc Trịnh, ai cũng sẽ có những giây phút lắng đọng, chiêm nghiệm về mình.
1. Cát Bụi - Ca sĩ Khánh Ly
Link bài hát: http://www.youtube.com/watch?v=JLCpnKgkjGA
Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim. “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6 . Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt giây. Người nghệ sĩ mù nói: có kẻ bất thiện dang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay.
Hết phim, tôi tản bộ trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “Zorba le Grec”. Đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi. Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích.
Đó là câu chuyện sự ra đời của bài “Cát bụi”
Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu.
Bây giờ thì người hiệp sĩ mù kia đã chết rồi. Khoảng hai năm nay.
Người viết Zorba đã qua đời và dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakits tiểu thuyết hoá thì nay ông cũng mất rồi.
“Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”

Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi...

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay

Trịnh Công Sơn
Tạp chí thế giới Âm nhạc - số 1- 1998

Trịnh Công Sơn sinh vào giờ Thìn, ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Mão tức ngày 28 tháng 2 năm 1939, mất năm 2001.
 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
2. Hạ Trắng - Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Link bài hát http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=1ymszrWoY1
Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42 - 43 độ.

Có một mùa hạ năm ấy tôi (Trịnh Công Sơn) bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ.
Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài “Hạ Trắng”.
Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say Lối em đi về trời không có mây Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay Cho tay em dài gầy thêm nắng mai Bước chân em về nào anh có hay Gọi em cho nắng chết trên sông dài. Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới Tôi đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau Gọi nắng cho tóc em cài loài hoa nắng rơi Nắng đưa em về miền cao gió bay Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây Gọi tên em mãi suốt cơn mê này”.
 

mimi1986

Điều hành cấp cao
3. Em còn nhớ hay em đã quên - Ca sĩ Khánh Ly
Link bài hát: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=5R-5GooeR6
Trong phim về Trịnh Công Sơn, có chi tiết thú vị về ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên. Lâu nay, nhiều người cho rằng Trịnh viết bài hát này để tặng ca sĩ Khánh Ly. Trong phim, chính Trịnh Công Sơn nói – được Lê Văn Duy ghi hình trước lúc ông qua đời khoảng một tháng – rằng: Em còn nhớ hay em đã quên được sáng tác theo đơn đặt hàng của ông Võ Văn Kiệt (?). Chi tiết này giúp những ai yêu nhạc Trịnh hiểu hơn về một ca khúc nổi tiếng.
Em còn nhớ hay em đã quên
Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng che em vòm lá me xanh
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm
Có hai mùa vẫn đi về
Có con đường nằm nghe nắng mưa
DK:
Em ra đi nơi này vẫn thế
Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
Vườn xưa vẫn có tiếng Me ru
Có tiếng em thơ
Có chút nắng trong, tiếng gà trưa
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Nhớ đường dài qua cầu lại nối
Nhớ những con kênh nối hai giòng sông
Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng
Nỗi xôn xao hàng quán đêm đêm
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Trong lòng phố mưa đêm trói chân
Dưới hiên nhà nước dâng tràn
Phố bỗng là giòng sông uốn quanh
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Nhớ Sài gòn những chiều ngợp gió
Lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm
Có không gian màu áo bay lên
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Khi chiều xuống bên sông nước lên
Én nô đùa giữa phố nhà
Có nắng vàng lạc trên lối đi
DK:
Em ra đi nơi này vẫn thế
Vẫn có em trong tim của mẹ
Thành phố vẫn có những ước mơ
Vẫn sống thiết tha
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Nhớ Sài gòn những chiều gặp gỡ
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Phố em qua gạch ngói quen tên
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Quê nhà đó bao năm có em
Có bóng dừa có câu hò
Có con đò chở mưa nắng đi
Em còn nhớ hay em đã quên ?
 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
4. Diễm Xưa - Ca sĩ Khánh Ly
Link bài hát http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=VUeaRZUqZG
Nguyên mẫu của bài hát là người con gái tên Ngô Thị Bích Diễm. Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam (Nhà số 11/3 Nguyễn Trường Tộ, hiện nay là nhà của anh chị Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ).Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm - con gái thầy Ngô Đốc Kh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dõng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng. Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.Thầy Ngô Đốc Kh. - thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng Đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì hai bạn liền “liều” mình qua thăm. Những lần liều đầy mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà, Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về. Khác với Ph.Th. (em ruột của ca sĩ Hà Thanh), Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt Mi biết điều đó.Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm Xưa như sau nầy Sơn đã kể lại nhiều lần. Có một điều lúc ấy Sơn không để ý: Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao A. - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao A. trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nay Bích Diễm đã vào học Đại học ở Sài Gòn, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...”.Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại “Hai mươi năm xin trả nợ dài, Trả nợ một đời em đã phụ tôi” (Xin Trả Nợ Người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên “hết phụ” tình Trịnh Công Sơn. Như Đinh Cường đã viết: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà.” Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới “nhận” được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời nầy có mấy ai được yêu và được nhận có một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!

Ảnh Bích Diễm
Trịnh Công Sơn đã kể lại:
Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đếnTrường Đại học Văn khoa ở Huế
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng,ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não,bàng,phượng đỏ,và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thiêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mu vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là "Diễm của những ngày xưa".
 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
5. Ướt Mi - Ca sĩ Quang Dũng
Link bài hát: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=5szyJDgslA
Ướt Mi
là ca khúc do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1958, được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959. Có tài liệu cho rằng đây là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn, nhưng theo lời nhạc sỹ kể lại thì trước đó ông đã sáng tác một số bài như Sương đêm, Chơi vơi

“Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài Ướt mi nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi” (Trịnh Công Sơn, Người hát rong qua nhiều thế hệ, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr.16.).
Do đó, có thể coi đây là tác phẩm đầu tiên của Trịnh Công Sơn được công bố chính thức.

Một buổi tối, Trịnh Công Sơn cùng một vài người bạn đến Mỹ Cảnh, một phòng trà nổi tiếng của Sài Gòn, để uống rượu và nghe nhạc. Tình cờ, Trịnh Công Sơn được nghe tiếng hát của một ca sĩ chỉ mới 15 tuổi, người Huế: Thanh Thúy

Giọng ca trầm buồn và phong cách trình diễn của Thanh Thúy đã gây cho Trịnh Công Sơn một ấn tượng đặc biệt. Ngay trong đêm nhạc đó, Trịnh Công Sơn đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Khi hát theo đề nghị đó, do có tâm sự riêng (mất mẹ), [theo tâm sự của Ca Sĩ Thanh Thúy trên DVD ASIA 75 âm nhạc Việt Nam thì lúc này mẹ cô đang bệnh chứ không phải mất mẹ] cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc.

"Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia"
(Trịnh Công Sơn, Sđd, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr.16)
Tiền bản quyền của ca khúc Ướt mi mà Nhà xuất bản An Phú đã trả cho nhạc sĩ là 5.000 đồng (Theo thời giá năm 1956, một lượng vàng có giá khoảng hơn 1.000 đồng)
Ướt Mi
Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa

Đừng than trong câu ca...
Buồn ơi trong đêm thâu
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu

Hay khóc sầu nhân thế
Người ơi mưa về
Tìm ấm hồn em thêm say mê
Mưa lạnh lùng

Rơi rớt giữa đêm về nghe não nề...
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya
Lạnh ướt mi
Ai còn nhìn mưa mãi rớt bên song thấy lạnh buồn
Ai còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông

Ngoài hiên mưa rơi rơi
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi

Buồn đi trong đêm khuya
Buồn rơi theo đêm mưa
Còn mưa trong đêm nay
Lòng anh buồn biết mấy

Một năm sau, năm 1959, một lần nữa, Trịnh Công Sơn viết một bài khác, cũng để tặng người đã hát bài hát đầu tiên của mình. Bóng dáng người nữ ca sĩ nhỏ nhắn đêm đêm sau xuất hát hấp tấp bước vào ngõ tối trên đường Cao Thắng trở về nhà với mẹ. Đó là ca khúc Thương một người như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn.

Ca Sĩ Thanh Thúy
 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
6. Biển Nhớ - Ca sĩ Phương Thanh
Link bài hát: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Bien-Nho-Phuong-Thanh/ZWZ999C6.html
Biển nhớ là một ca khúc trữ tình do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1962 lúc ông 23 tuổi (sau bài Hạ trắng và Diễm Xưa). Bài hát này đã được rất nhiều ca sĩ thể hiện, thành công nhất là: Khánh Ly - Lệ Thu - Tuấn Ngọc - Hồng Nhung.
"Biển nhớ" kể lại những nỗi lòng của người con trai thương nhớ người yêu đã đi xa. Câu chuyện và nỗi lòng trong bài hát được lấy cảm hứng từ tâm trạng thật của tác giả Trịnh Công Sơn nhiều đêm ngồi trên bãi biển Qui Nhơn để nhớ về Bích Khê. Cũng vì đó cụm từ Sơn Khê( nghĩa chung là núi và sông) cần viết hoa để tạo nghĩa riêng là Trịnh Công Sơn và Bích Khê
Ngô Quang Cảnh - một đồng môn của Trịnh Công Sơn tại Trường Sư phạm Quy Nhơn có kể lại câu chuyện về Biển nhớ "Hồi đó tôi còn trẻ lắm (19 tuổi) còn anh Sơn (23 tuổi). Có dịp là tôi bay về Huế với gia đình. Tôi không biết anh Sơn đã trầm tư bao đêm trên bãi biển Qui Nhơn để nhớ về người ấy, cô Tôn nữ đài các, quí phái ấy để cuối cùng kết tinh thành “Biển Nhớ”, một tình khúc nổi tiếng trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Tôi chân thành xin lỗi Bích Khê nghe, vì bài viết cần sự chính xác, không gian thật, người thật, việc thật nên đã đưa vào bài viết này hình ảnh của cô búp bê Nhật Bản xinh xắn, nhỏ nhắn, quý phái. Bích Khê ơi! Bạn còn đó không sau gần nửa thế kỷ bọn mình không gặp nhau? Bích Khê còn nhớ những lần anh Sơn và mình đến chơi, để được Khê cho hút những điếu Rugby thơm ngát lấy ra từ hộc bàn và cùng nhau xoa mạt chược? Mình nghĩ linh hồn anh Sơn linh thiêng chắc cũng có lần về thăm nơi ấy, căn nhà ở đầu đường Cường Để nhìn ra phi trường Qui Nhơn, nơi đã chứng kiến biết bao kỷ niệm vui buồn của anh Sơn, của Bích Khê. Hồi đó Khê cũng như mình hay về nhà khi có dịp để cho người nhớ, biển nhớ.
Sau khi “Biển Nhớ” xuất bản mình hay ghẹo anh Sơn và hát:
“Ngày mai Khê đi, biển nhớ tên Khê gọi về … Trời cao níu bước Sơn Khê...” Khi in ấn, có lẽ nhà xuất bản sẽ in hai chữ Sơn Khê bằng chữ thường vì sơn là núi, khê là con suối nhỏ, hai danh từ chung mà, có gì phải viết hoa. Nhưng trong thâm tâm của anh Sơn, của Bích Khê của những người trong cuộc và là chứng nhân, đó phải là hai danh từ riêng và phải được trân trọng viết hoa để đánh dấu một “cuộc tình thánh thiện”. Hồi đó mình trẻ quá, non nớt quá, mình biết anh Sơn mến Khê lắm … nhưng bây giờ, sau gần nửa thế kỷ, hồi tưởng lại mình thấy tình cảm giữa anh Sơn và Khê là cái gì đó không có tên gọi nhưng nó còn cao cả trên cả tình yêu."

Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về gọi hồn liễu rũ lê thê gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ sỏi đá trông em từng giờ nghe buồn nhịp chân bơ vơ
Ngày mai em đi biển nhớ em quay về nguồn gọi trùng dương gió ngập hồn bàn tay chăn gió mưa sang
Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn mờ hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn nghe ngoài biển động buồn hơn
Hôm nào em về bàn tay buông lối ngỏ đàn lên cung phím chờ sầu lên đây hoang vu
Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về triều sương ướt đẫm cơn mê trời cao níu bước Sơn Khê
Ngày mai em đi cồn đá rêu phong rủ buồn đèn phố nghe mưa tủi hờn nghe ngoài trời giăng mây tuôn
Ngày mai em đi biển có bâng khuâng gọi thầm ngày mưa tháng nắng còn buồn bàn tay nghe ngóng tin sang
Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn vàng nửa bóng xuân qua ngập ngừng nghe trời gió lộng mà thương
 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
7. Hoa Vàng Mấy Độ - Ca sĩ Hồng Hạnh
Link bài hát http://mp3.zing.vn/bai-hat/Hoa-Vang-May-do-Hong-Hanh/IW7FOO08.html
Hầu như mọi người đều biết những bản tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường được anh sáng tác từ những cảm xúc dành riêng cho một đối tượng trong đời sống tình cảm đầy lãng mạn của mình. Trong số đó, “Hoa Vàng Mấy Độ” và “Như Một Lần Chia Tay”, cho đến nay vẫn được nhiều người yêu thích nhạc Trịnh tìm hiểu về xuất xứ. Hơn 3 năm sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, những thắc mắc về hai nhạc phẩm trên đã được giải đáp rõ ràng khi CD “Hoa Vàng Một Thuở” được chính thức ra mắt tại Toronto vào ngày 23 tháng 05 năm 2004. Người trình bày hai nhạc phẩm này (cùng một số nhạc phẩm của những tác giả khác) cũng là người thực hiện CD “Hoa Vàng Một Thuở” mang tên Hoàng Lan. Cô chính là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn viết thành hai ca tình khúc bất hủ đó.
Phạm Thị Hoàng Lan sinh tại Sài Gòn và là con út trong một gia đình gồm 6 người con, trong số có một người mất sớm. Song thân cô đều là những người yêu văn nghệ. Bố, người Hải Phòng – qua đời khi Hoàng Lan mới lên 6 - biết chơi đàn violon và mẹ, người gốc Hà Nội với thú làm thơ.
Nhân ngày sinh nhật của Hoàng Lan, anh đã nhờ người đem đến tặng nàng 21 cánh hoa hồng vàng...” Yêu em một đoá hoa vàng. Yêu em một phút Hoàng Lan tình cờ”...”Hoa Vàng Mấy Độ” viết cho Hoàng Lan năm 1981, nguyên bản là “Một Thuở Hoa Vàng” (chú thích của tác giả: đúng ra là “Hoa Vàng Một Thuở” )...Người em rể và cũng là người rất thân với Trịnh Công Sơn viết tiếp trong một đoạn khác: Hồi đó anh đã tuổi 40. Nếu quả thật anh đã mệt mỏi đôi chân muốn tìm một nơi ngơi nghỉ thì người con gái này cũng sẽ có thể là người bạn đời của anh. Nhưng rồi cuộc tình cũng trôi qua. Không vì một phụ rẫy. Không vì một nhạt phai. Chỉ vì, anh là Trịnh Công Sơn. Và những ngày ở Canada, anh đã gặp lại Hoàng Lan ở Montreal. Dĩ nhiên cánh Hoàng lan bây giờ đã được cắm vào một chiếc bình yên ấm. Nhưng vẫn nghe như “ Em cười đâu đó, trong lòng phố xá đông vui...một vết thương thôi, riêng cho một người”...

Em đến bên đời hoa vàng một đóa
Một thoáng hương bay bên trời phố hạ
Nào có ai hay ta gặp tình cờ
Nhưng là cơn gió em còn cứ mãi bay đi

Em đến bên đời hoa vàng rực rỡ
Nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ
Ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù

Xin cho bốn mùa đất trời lặng gió
Đường trần em đi hoa vàng mấy độ
Những đường cỏ lá từng giọt sương thu
Yêu em thật thà

Em đến nơi này bao điều chưa nói
Lặng lẽ chia xa sao lòng quá vội
Một cõi bao la ta về ngậm ngùi
Em cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui

Em đến nơi này vui buồn đi nhé
Đời sẽ trôi xuôi qua ghềnh qua suối
Một vết thương thôi riêng cho một người

Phạm Thị Hoàng Lan ( Hoa vàng một thuở)




 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
8. Gọi tên Bốn Mùa - Ca sĩ Ánh Tuyết
Link bài hát: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Goi-Ten-Bon-Mua-Anh-Tuyet/ZWZC6A0O.html

Từ mối quan hệ với Hà Thanh, một ca sĩ của đài Phát Thanh Huế từ 1957, và là ca sĩ đã hát những bản nhạc đầu tiên của Sơn vào thời kỳ đó. Sơn quen và yêu Ph.Th., em gái của Hà Thanh. Nhà Ph Th ở trên đường Huyền Trân Công Chúa, gần Ga xe lửa Huế, nhìn ra một nhánh nhỏ của sông Hương chảy qua Bến Ngự, Phủ Cam, về An Cựu, bên kia sông là trường Pellerin.Lúc quen với Sơn, Phương Thảo mới học đệ tam ( lớp 10) trường Đồng Khánh, 16 tuổi và Sơn chỉ mới 18 tuổi chứ không phải tuổi 15 như Sơn viết trong Nhật ký tuổi 30
Em đứng lên gọi mưa vào Hạ
Từng cơn mưa từng cơn mưa
Từng cơn mưa mưa thì thầm dưới chân ngà

Em đứng lên mùa Thu tàn tạ
Hàng cây khô cành bơ vơ
Hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô

Em đứng lên mùa Đông nhạt nhòa
Từng đêm mưa từng đêm mưa
Từng đêm mưa mưa lạnh từng ngón sương mù

Em đứng lên mùa Xuân vừa mở
Nụ xuân xanh cành thênh thang
Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng

Rồi mùa Xuân không về
Mùa Thu cũng ra đi
Mùa Đông vời vợi
Mùa Hạ khói mây

Rồi từ nay em gọi
Tình yêu dấu chim bay
Gọi thân hao gầy
Gọi buồn ngất ngây

Ôi tóc em dài đêm thần thoại
Vùng tương lai chợt xa xôi
Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người

Nghe xót xa hằn lên tuổi trời
Trẻ thơ ơi trẻ thơ ơi
Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người

9. Nhìn những mùa thu đi - Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Link bài hát: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Nhin-Nhung-Mua-Thu-Di-Dam-Vinh-Hung/ZWZE7B98.html
Sau khi đậu tú tài bán phần Phương Thảo chuyển qua học lớp đệ nhất trường Quốc học niên khóa 1961-1962, học chung lớp với nhà thơ Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Trần Anh Tuấn và Châu Văn Thuận . Vì trước niên khóa 1963-1964 ở Huế chỉ có trường Quốc Học mới có lớp đệ nhất ( lớp 12 ) nên tất cả các nam nữ học sinh đậu tú tài bán phần ở Huế , bao gồm cả Quảng Trị, Đà Nẳng đều được nhận vào đệ nhất ở Quốc Học. Kể từ niên khóa 1963-1964 không còn có tình trạng nam nữ học chung, trường Đồng Khánh cũng đã bắt đầu có các lớp đệ nhất.Niên khóa 1960-1961, Ph Th học đệ nhất C2 thì tôi mới học đệ tam B9. Tôi học sau Ph Th. một năm. Nhưng hình ảnh cô với mái tóc thề buông xõa xuống bờ vai, trong chiếc áo dài lụa trắng, với dáng đi tha thướt, quý phái giữa đám đông, mỗi sáng mỗi chiều trước giờ học từ cổng trường ( chỉ dành cho giáo sư và nữ sinh ) đi vào vị trí xếp hàng chào cờ của lớp mình. Bước chân cô đi thật nhẹ, tà áo bay bay đã làm xao động biết bao tâm hồn nhạy cảm của đám bạn bè cùng trang lứa với tôi thuở ấy.

Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng

Nhìn những lần thu đi
Tay trơn buồn ôm nuối tiếc
Nghe gió lạnh về đêm
Hai mươi sầu dâng mắt biếc
Thương cho người rồi lạnh lùng riêng

Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi
Trong nắng vàng chiều nay
Anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ

Đã mấy lần thu sang
Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai

Mối tình giữa Sơn và Ph Th thật trong sáng và thật lãng mạn . Đó là mối tình của hai đứa trẻ thời cắp sách đến trường, còn biết bao nhiêu e ấp vụng dại, chưa định hình , cũng như bao mối tình thuở học trò thời đó. Dù lúc đó, tên tuổi Sơn đã được nhiều người biết đến, nhất là với một thành phố nhỏ như Huế, Sơn vẫn như bao chàng trai xứ Huế khác vào tuổi đó , chưa có kinh nghiệm đời, và Sơn cũng chưa bao giờ dùng kinh nghiệm đời của anh trong tình yêu. Anh chỉ biết yêu và hiến dâng, chưa bao giờ toan tính. Để đến khi Ph Th. đi lấy chồng, Sơn mới giật mình, chợt hiểu ra mình đã mất đi tình yêu, nó đã để lại những dư vị đáng cay đối với Sơn.” Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời gian được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi , là một thất vọng không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhau nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi ) đối với thành phố này …”
Ph. Th. hiện sinh sống ở Mỹ, sau khi chồng mất vẫn ở vậy nuôi con ăn học . Năm 2000 Ph Th. có trở về Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa Ph Th và Sơn lần nầy, chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, không hẹn trước sau mấy chục năm, tôi có mặt trong buổi cơm thân mật hôm đó. Nhìn gương mặt Ph Th tôi đã cố nhớ lại dáng vẻ của cô trong tà áo lụa trắng, với chiếc cặp ôm trước ngực trên sân trường Quốc học năm nào. Thời gian có phần nào làm Ph Th. thay đổi, nhưng ở cô vẫn giữ dáng vẻ dịu dàng, đoan hạnh và vẫn chất giọng Huế quen thuộc./.

Phương Thảo
 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
Ok, em sửa lại rồi Lời bài hát lấy từ link nhạc nên em không đọc lại
 

mimi1986

Điều hành cấp cao
10. Mưa hồng - Ca sĩ Lê Hiếu
Link bài hát: http://www.youtube.com/watch?v=ZOEAlz0XzlQ

Trước khi nảy sinh mối tình sâu nặng với Dao Ánh, Trịnh Công Sơn từng yêu thầm Bích Diễm – người chị ruột của Dao Ánh. Mối tình ấy gắn liền với những tàn lá long não gầy xanh xao, những con đường “dài hun hút cho mắt thêm sâu”… của xứ Huế mộng mơ. Tuy nhiên phần nhiều của mối tình này là đơn phương từ phía Trịnh Công Sơn, để bao nhiêu tâm sự, nỗi niềm ấy ông trút đầy vào ca khúc mang tên cô – Diễm xưa để bài hát ấy trở thành một thiên tình ca bất hủ của nhạc Trịnh, bài hát được chuyển ngữ sang rất nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nhật... Cái tên Bích Diễm chỉ gắn với cố nhạc sĩ trong một giai đoạn ngắn và chỉ qua một bài hát duy nhất, tuy nhiên chỉ qua ca khúc ấy, Diễm lại trở thành một trong những người tình lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Cái bóng quá lớn ấy phần nào át đi chân dung của Dao Ánh…Nếu như những bóng hồng khác chỉ xuất hiện trong một hoặc hai ca khúc của ông, thì cái tên Dao Ánh tuy không được nói ra nhưng được ngầm hiểu là giai nhân trong hàng loạt những Mưa hồng, Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay, Lời buồn thánh, Ru em từng ngón xuân nồng… Và dấu ấn đậm nhất có thể kể đến Xin trả nợ người (1993), bài hát là nhữngân tình mà Dao Ánh có “trả nợ một đời” cũng “không hết tình đâu” với ông.
Ý nghĩa ca từ của Trịnh Công Sơn càng được soi tỏ hơn khi qua những bức thư tình gửi Dao Ánh, Trịnh Công Sơn đã nói rõ về lý do ra đời của một ca khúc hoặc tự bạch về nỗi niềm sâu kín của mình ký thÁc vào ca khúc đó. Trịnh Công Sơn cho biết, ca khúc "Mưa hồng" ra đời bắt nguồn từ niềm giận dỗi của Dao Ánh: "Anh hát lại bản Mưa hồng mà anh đã viết cho những ngày Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn" (thư Sài Gòn, 6.12.1964). Hiểu rõ lý do ra đời như vậy của "Mưa hồng", người hát và người nghe nhạc Trịnh có sự bừng ngộ thú vị trước thông điệp nhân văn sâu sắc gửi gắm qua lời ca bất tuyệt: "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ"
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm
Mây âm thầm mang gió lên

Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng

Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh
Cò gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau

Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
11/ Ru em từng ngón xuân nồng - Ca sĩ Quang Dũng
Link bài hát: http://www.youtube.com/watch?v=GnVkogsR8AE
Ca khúc "Ru em từng ngón xuân nồng" viết cho Dao Ánh diễn tả một trạng thÁi tâm lý thật lạ: người hát ru cuộc tình, người ru dỗ, vỗ về người tình lại là người ăn năn, trái ngược với điều ta vẫn thường gặp trong tôn giáo: người được thầy tu vỗ về mới là người ăn năn: "Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ, tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người, mùa xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi". Vì sao người giàu niềm đa cảm, giàu lượng từ bi (Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ- Ru em) lại phải "ăn năn"? Từ "ăn năn" ở đây có tính chất như một "mật ngữ" của tình Ái đã được Trịnh Công Sơn giải thích một cÁch đầy thi vị và lý thú: "Anh đã hiểu được Ánh và bây giờ càng cảm thấy không thể để mất Ánh. Cho anh tạ tội một lần và từ đây Ánh sẽ được xem như một loài chim hồng thần thoại bay trên vùng - ăn - năn - của - anh. Tất cả đã đi qua như trong cơn mê sảng" (thư 5.2.1965). Như thế, "ăn năn" ở đây là để tạ ơn đời, tạ ơn người tình đã nuôi trọn hồn ta mà ta lại mắc lỗi, lại chưa vẹn niềm đền đÁp. Như thế, "xin mãi ăn năn mà thôi" tức là càng "ăn năn" để càng được yêu người, yêu đời gấp bội lần, yêu thêm cÁi phần thiếu hụt phải "tạ tội" với người tình.
Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh
Ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm.

Ru mãi ngàn năm từng phiến môi nềm
Bàn tay em chau chuốt thêm cho ngàn năm
Cho vừa nhớ nhung
Có em dỗi hờn nên mãi ru thêm ngàn năm.

Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ
Tay em kết nụ nuôi trọn một đời nuôi một đời người
Mùa xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi.


Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm
Giận hờn sẽ quên
Dáng em trôi dài trôi mãi, trôi trên ngàn năm.

Ru mãi ngàn năm vừa má em hồng
Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son
Vào trời lãng quên
Tóc em như trời xưa đã qua đi ngàn năm.

Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ
Tay em kết nụ nuôi trọn một đời nuôi một đời người
Mùa xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi.

Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm
Giận hờn sẽ quên
Dáng em trôi dài trôi mãi, trôi trên ngàn năm.

Ru mãi ngàn năm vừa má em hồng
Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son
Vào trời lãng quên
Tóc em như trời xưa đã qua đi ngàn năm.

(Còn lời ru mãi vang vọng một trời
Mùa xanh lá vội ru em miệt mài
Còn lời ru mãi, còn lời ru này
Ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai!)


Dao Ánh​
 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
12. Chiều một mình qua phố - Ca sĩ Khánh Ly
Link bài hát http://mp3.zing.vn/bai-hat/Chieu-Mot-Minh-Qua-Pho-Khanh-Ly/ZWZAA89C.html
Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, năm 1965, thầy giáo trẻ Trịnh Công Sơn được cử lên dạy học ở thị trấn B'Lao (nay là Bảo Lộc - Lâm Đồng). Nơi đây vắng vẻ, lạnh lẽo. Nhưng muôn sự lại bắt đầu từ đây, với Trịnh Công Sơn, trên mảnh đất rừng rú này. Đầu tiên là ca khúc "Chiều một mình qua phố" ra đời để bày tỏ cái "Nỗi em" với một cô gái xứ đạo, thường gặp mặt trên đường, mỗi khi cô đi qua trường học nhỏ bé của mình. Vẫn đơn phương? Đúng thế! Lại một mình yêu và nhớ. Phố lại là điểm tựa: "Chiều một mình qua phố/ âm thầm nhớ nhớ tên em". Nghe nói tên cô gái ấy là Ngà. Và, mọi chuyện lại trở thành ký ức trong ca khúc tràn ngập nỗi nhớ. Trong ba năm ở đây, Trịnh Công Sơn đã sáng tác được nhiều ca khúc và dựng nghiệp nổi danh với thế giới sau này qua Album "Ca khúc da vàng"…
chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
có khi nắng kia chưa lên mà một loài hoa chợt tím
chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên
chiều qua bao nhiêu lần môi cười cho mình còn nhớ nhau,
chiều qua bao nhiêu lần tay dời nghe buồn hé môi sầu,
ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu,
ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau
chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em,
gió ơi gió ơi bay lên, để bụi đường cay lòng mắt
chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em,
áo xưa chưa quen phong trần đợi mùa thu vàng áo thêm
 

mimi1986

Điều hành cấp cao
13. Như Cánh Vạc Bay - Ca Sĩ Hồng Nhung

Link bài hát: http://mp3.zing.vn/album/Nhu-Canh-Vac-Bay-Hong-Nhung/ZWZ9ZUOC.html?st=4

Bài Như Cánh Vạc Bay, Trịnh Công Sơn viết tặng cho Dao Ánh.Trinh Công Sơn kể :
"Lúc ấy mình ở Đà Lạt, cô ấy từ Pari về đến Sài Gòn tìm địa chỉ. Nàng nói, nàng vừa tốt nghiệp đại học, sắp đi lấy chồng. Về Việt cốt để gặp mình, nói lên điều mà nàng ngưỡng mộ và chỉ xin phép được hôn mình trước khi đi lấy chồng. Hôn xong, nàng bỏ chạy xuống đồi thông, mái tóc thề của nàng làm mình liên tưởng đến “cánh vạc”...và bài hát được ra đời
Nơi em về trời vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe nghìn giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh

.....
Từ lúc đưa em về..là biết xa nghìn trùng





 
Top