Chân dung Thúy Vân - Thúy Kiều

mimi1986

Điều hành cấp cao
Chân dung Thúy Vân - Thúy Kiều


Khi miêu tả chân dung Thúy Vân - Thúy Kiều, Nguyễn Du lựa chọn các yếu tố mang đặc trưng tướng pháp học cao độ, được khái quát thành loại hình, thành kiểu nhân vật, thông qua các chi tiết biểu hiện trên nét mặt, dáng đi, lời nói... Ta có:
Nhìn vào bảng thống kê các đặc trưng tướng pháp mà Nguyễn Du đã đưa ra để miêu tả hai chị em Kiều thì ta sẽ thấy ngay số đặc điểm của Kiều được miêu tả ở đây không nhiều: chỉ có ánh mắt, lông mày, môi miệng và mái tóc. Thế nhưng tác giả lại khẳng định ngay một cách dứt khoát:
Kiều càng sắc sảo, mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Chân dung của Kiều được khẳng định trước hết về mặt định tính, thể hiện thế giới nội tâm con người: sắc sảo - mặn mà, sau đó mới là định lượng trên cơ sở so tài so sắc có phần hơn, có phần vượt trội Thúy Vân. Cái sắc sảo thể hiện phẩm chất trí tuệ, cái mặn mà thể hiện con người đa cảm. Điều đó cho thấy trước hết Kiều là con người đa tài. Và môi trường để phô diễn, để bộc lộ cái tài ấy chính là xã hội với đủ mọi kiểu cách va chạm. Đặc biệt trong cái xã hội rối ren mà Nguyễn Du miêu tả, cái đa tài của Kiều đi kèm với cái đa tình cũng là một phẩm chất nổi trội của nhân vật, sẽ biến thành mười lăm năm lưu lạc, nổi chìm trong dòng xoáy xã hội của Kiều. Các đặc điểm của tướng pháp như là cách thức khái quát nhân vật loại hình sẽ cho thấy diễn biến của cuộc đời Kiều, sẽ làm rõ cái sắc sảo mặn mà này. Tuy nhiên, chúng ta hãy trở lại với Thúy Vân, vì nhân vật này là cái nền để soi chiếu thêm nhiều mặt cho Thúy Kiều.
Điểm lại các đặc trưng tướng pháp mà Nguyễn Du đã dùng để vẽ chân dung Thúy Vân ta thấy dáng vẻ, khuôn mặt, ngọa tàm, môi miệng, âm thanh lời nói, mái tóc, làn da, ta có thể dễ dàng nhận ra kiểu người mà tướng pháp học gọi là kiểu vượng phu ích tử với các phẩm chất đĩnh đạc, ung dung tự nhiên tự tại, không xốc nổi, sống bằng suy lý, sống bằng trách nhiệm, biết nhường nhịn, sẻ chia. Điều đó cũng đã được định tính bằng các cụm từ trang trọng, đoan trang. Trong thực tế, khi gia đình xảy ra tai biến, Vân không có giải pháp bán mình táo bạo như Kiều - bù lại Vân bình tĩnh, chấp nhận gánh vác phần việc trọng đại mà Thúy Kiều trao gửi: trả nghĩa trả tình cho Kim Trọng. Đây cũng là một ứng xử thẩm mỹ quan trọng mà Kiều với lương tâm cao cả không thể phủi tay vất bỏ, cũng như Thúy Vân nếu không có tình đời sâu nặng chắc cũng chẳng đảm đương. Trong đêm hoạn nạn của màn biệt ly, Vân trở thành nơi thổ lộ, nơi gửi gắm tình cảm sâu nặng thầm kín của Kiều. Vân với đặc trưng tướng pháp như vậy tạo ra đức tin, làm chỗ dựa cho đức tin, làm động lực cho con người vượt qua nguy hiểm. Trong trường hợp này có thể coi Vân như là ân nhân của cuộc đời Kiều. Vân xuất hiện với khuôn trăng đầy đặn - khuôn trăng thường được hiểu và giải thích thành khuôn mặt tròn như trăng đêm rằm. Nếu hiểu như vậy thì Vân chẳng đẹp một chút nào cả. Khuôn trăng ở đây chỉ là cách nói ước lệ của người xưa để chỉ khuôn mặt. Khuôn trăng đầy đặn có nghĩa là tương quan các đặc điểm tướng pháp trên mặt cân đối: pháp lệnh phân minh, lưỡng quyền vừa phải, ngũ nhạc cân đối, thủy khẩu xinh xắn... Một khuôn mặt mà nhìn vào người ta thấy được niềm tin, nhưng khuôn mặt này cũng cho thấy Vân không phải là kiểu người dễ vồ vập, dễ sa đà; trái lại là con người luôn tự chủ được bản thân mình. Về tóc, Vân có mái tóc mượt mà, óng ả và được so sánh dưới hình thức ước lệ mây thua nước tóc. Còn làn da cũng rất đáng để ý vì Nguyễn Du so sánh làn da này với tuyết - tuyết nhường màu da - nói về tuyết và so sánh với tuyết thì người ta thường dùng trắng xóa như tuyết hoặc trắng tinh như tuyết, nhưng nói về người thì qua cách nói và so sánh ước lệ này ta hiểu đây là da trắng nõn nà, trắng như trứng gà bóc. Xét về phương diện tướng pháp thì đây là kiểu da trắng hồng, trắng nhuận gắn liền với con người có bản lĩnh tự tin. Và nếu kết hợp giữa mái tóc dài đen nhánh với làn da nõn nà này thì Thúy Vân sẽ đạt được tiêu chuẩn Tuyệt xứ phùng sinh dưới hình thức khái quát của tướng pháp là ô long quyển ngọc thụ và đây là quý tướng. Màu da và mái tóc rất hợp với khuôn mặt, tạo ra chiều sâu của niềm tin đồng thời cho thấy đây cũng là con người được tọa lạc an hưởng nhàn nhã thanh tao.
Tuy nhiên các đặc điểm trên sẽ chưa là gì cả nếu chưa gắn liền với âm thanh và giọng nói. Tướng pháp học coi âm thanh của người phụ nữ là phẩm chất tiểu biểu nhất. Ở đây, Nguyễn Du tả miệng của Thúy Vân xinh đẹp như hoa (hoa cười), tả giọng nói của Vân vang mà ấm như tiếng ngọc rơi trên nền gạch hoa (ngọc thốt). Viên Liễu Trang một chuyên gia tướng pháp học cho biết người đàn bà có thanh âm êm và trong sáng như tiếng ngọc rơi là tướng vượng phu. Ta có thể hình dung thêm cách nói của Thúy Vân: cách nói thận trọng cân nhắc. Cho nên ở cuối tác phẩm ta thấy trong màn tái hợp, Vân đĩnh đạc đứng lên giãi bày một thôi, trình bày mạch lạc đâu ra đấy, lập luận chặt chẽ chắc chắn, vừa biện minh cho mình, cho Kiều, vừa trả nghĩa trả tình cho sự hy sinh vô giá của Kiều, không ngoa ngoắt mà rất từ tốn. Người phụ nữ này hội tụ đủ tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh theo mô hình quan niệm về con người trước đây. Kiểu người này là chỗ dựa cho gia đình trong hoạn nạn hiểm nguy, là nhịp cầu cho người thân vươn tới sự thành đạt. Còn ở Tú Bà, Nguyễn Du chú ý ngay vào cử chỉ điệu bộ: trước xe bả lả han chào và liếc qua bộ mặt thì thấy nhờn nhợt màu da. Âm thanh ở nhân vật Tú Bà này cũng rất quan trọng. Cách bả lả han chào cho thấy đây là một kiểu nói đặc trưng cho chủ nhà chứa mà tướng pháp gọi là Kim thanh phạt mộc chi tượng.
Còn một đặc điểm rất quan trọng của Thúy Vân mà đã từ lâu thường được hiểu không đúng đó là nét ngài nở nang. Người ta thường giải thích là lông mày của Thúy Vân giống như con tằm. Trong Truyện Kiều ít nhất có hai lần Nguyễn Du sử dụng từ ngài cho hai nhân vật: ở Thúy Vân là nét ngài, ở Từ Hải là mày ngài và đều được giải thích là lông mày giống con tằm. Cách giải thích này chỉ đúng cho Từ Hải, vì đối với một vị tướng thì mày ngài tức là kiểu lông mày rậm, dày và xếch như lưỡi mác, lông mày lưỡi mác, là điều dễ dàng chấp nhận. Và mày ngài ấy mới tương xứng với râu hùm hàm én tức là tương xứng với các đặc trưng tướng pháp của một võ quan có biệt tài chọc trời khuấy nước. Ở Thúy Vân là nét ngài nhưng không phải là lông mày hình con tằm, hay lông mày rậm. Phụ nữ mà có lông mày rậm thì rất xấu và thuộc loại phá tướng. Nét ngài ở đây là múi thịt nằm ở khu vực mi mắt dưới. Tướng pháp học gọi đây là ngọa tàm dùng để nhận biết khả năng sinh con đẻ cái của phụ nữ. Đối với Thúy Vân đặc điểm này hết sức quan trọng vì nó liên quan đến khả năng sinh đẻ mà kết cục là một cây cù mộc đầy sân quế hòe. Các đặc điểm về tướng pháp của Thúy Vân trên đây sẽ quy định kiểu số phận cuộc đời nhân vật này trong suốt toàn bộ tác phẩm.
Chuyển sang xem xét các đặc trưng tướng pháp mà Nguyễn Du đã dùng để khắc họa chân dung Thúy Kiều, ta thấy ông chú trọng vào bốn nét chính:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Làn thu thủy ở đây là ánh mắt, là con mắt long lanh, ươn ướt và đượm buồn, là con mắt trong veo như là nước mùa thu, con mắt của nhớ thương, của đợi chờ, của những mơ ước không cùng. Đây là kiểu con mắt của những người có tâm hồn dễ xúc động, dễ khóc dễ cười, dễ quyết liệt song không phải không có lúc hồ đồ. Cặp mắt long lanh dường như phủ một làn nước mỏng khiến cho khi gặp người trong mộng thì tình tứ hân hoan, dẫn tới hiện tượng “mắt cười, mồm cười, mũi cười”. Đây cũng là con mắt của người đa tình, dễ quyến luyến, khó rời bỏ tạo ra kiểu con người phức hợp vừa mang khát vọng lý tưởng, vừa là con người nghĩa vụ, nặng nghĩa nặng tình. Nét xuân sơn là lông mày xanh mướt, mềm mại như màu núi mùa xuân, lông mày có khí sắc, tạo ra vẻ tươi cuời chào đón. Hoa ở đây vẫn là đôi môi - đôi môi hồng thắm, gợi cảm. Nếu sắc sảo nói lên tư chất thông minh thì mặn mà bộc lộ sự giao cảm tình tứ thắm thiết. Một kiểu con mắt như vậy cho phép kết luận về mặt định tính Kiều là đa cảm, đa tình. Vì vậy mà Kiều thoắt nghe... đã đầm đầm châu sa, mà khách đã lên ngựa người còn ghé theo, mà chập chờn cơn tỉnh, cơn mê, tình trong như đã mặt ngoài còn e. Nhưng đa tình, đa cảm không hàm ý đa dâm. Các động tác, cử chỉ của Kiều đều cho thấy điều đó. Mười lăm năm lưu lạc trên chốn địa ngục trần gian của Kiều đã cho thấy con người Kiều luôn luôn hướng về cái cao thượng, đều yêu vì sắc trọng vì tài.
Một trong số các quan niệm của tướng pháp được Nguyễn Du sử dụng ở đây để miêu tả Kiều ở bình diện khái quát là đào hoa - tức hoa đào, một loài hoa hữu sắc vô hương, màu sắc lộng lẫy mà “phận mỏng cánh chuồn”, chỉ một cơn gió, một trận mưa cũng làm tan nát đời hoa. Trong đào hoa có đào hoa diện và đào hoa nhãn với đặc trưng là đa truân, là có cuộc đời chìm nổi. Có thể thấy hai kiểu đào hoa này trong Cung oán ngâm khúc:
Áng đào kiểm đâm bông não chứng
Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành
Áng đào kiểm ở đây chỉ đào hoa diện, còn khóe thu ba chỉ đào hoa nhãn. Nguyễn Du đã sử dụng chữ đào hoa trong các văn cảnh khác nhau và thêm một số nét nghĩa mới, tiêu biểu hơn cả là tiếng thét phẫn nộ, uất ức của Kiều: “Chém cha cái số đào hoa”... - ở đây một mặt Kiều nhận thức được số mệnh long đong của mình, nhưng đau xót hơn, đầy nước mắt hơn là chỗ Kiều đã vùng vẫy mà chưa thoát nổi: “Cởi ra rồi lại buộc vào như không”. Việc miêu tả nhấn mạnh các đặc trưng tướng pháp này sẽ tạo ra cá tính nhân vật thúc đẩy sự phát triển của mạch đối thoại trong văn bản để từ đó tạo ra bước chuyển cơ bản về chất, từ tài mệnh tương đố sang thân mệnh tương đố.
Đào hoa nhãn hoặc đào hoa diện đều gắn với đa tài, ở đây gắn với Kiều và Đạm Tiên. Cái khác nhau là Đạm Tiên thuộc loại đào hoa diện mà số kiếp là ca nhi, kỹ nữ và cũng nổi danh tài sắc một thì, song đoản mệnh. Còn Kiều là đào hoa nhãn do vậy cách đặc tả của Nguyễn Du cũng khác. Ở Kiều, ông nhấn mạnh cái đào hoa thể hiện qua con mắt với đặc thù luôn luôn ướt, luôn luôn long lanh; nhấn mạnh cặp lông mày xanh biếc. Trong tướng pháp, kiểu mắt và lông mày này nếu đi kèm với mi mắt và ánh mắt buồn thì chắc chắn sẽ gặp nhiều gian truân chìm nổi hay bị ô danh vì tình ái. Ông cũng nhấn mạnh cặp môi hồng cùng làn da trắng cũng là những đặc trưng tướng pháp của cái định mệnh hồng nhan đa truân để rồi cùng Kiều tham gia phá vỡ cái định mệnh ràng buộc đó, nhằm khẳng định con người khi đã tự ý thức được mình sẽ vươn dậy trong mọi hoàn cảnh. Các nhân vật được đặt trong hoàn cảnh thử thách, do đó xuất hiện các lần gặp gỡ của Giác Duyên với vị tổ sư Tam hợp đạo cô như là yếu tố tiên tri dự báo đóng vai trò đơn vị vận động của cốt truyện. Cũng trong ý nghĩa đó Kiều được đặt trong giao tiếp tâm linh với một dạng tiền kiếp: đó là Đạm Tiên. Khi giới thiệu Đạm Tiên, cách giới thiệu cũng khác: giới thiệu ngay nghề nghiệp: xưa là ca nhi mà đặc biệt hơn là ca nhi: nổi danh tài sắc một thì. Cách giới thiệu này tạo ra ấn tượng về phận hồng nhan, về kết cục bất hạnh nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. Sự khác biệt về hai kiểu đào hoa đã đẩy số phận của Kiều không lặp lại số phận của Đạm Tiên. Xuất phát từ sự thức tỉnh về nỗi đau nhân phẩm và tài hoa bị chà đạp, Kiều đã nhiều lần quyên sinh nhưng cái định mệnh ác nghiệt vẫn đeo đuổi bám theo dai dẳng. Kiều vẫn phải kề bên hùm sói gửi thân tôi đòi. Ở đây, cần chú ý tới việc hai lần khoác áo tu hành như là một giải pháp tự cứu của Kiều. Song cũng do cái đào hoa kiếp ấy mà nỗi gian truân vẫn không buông tha Kiều.
Con người trong Kiều là con người số phận, con người của kiếp, của loài, của thân phận. Cách miêu tả thế giới nhân vật ấy cũng khác thường: Kiều khác thường, Vân khác thường, các nhân vật khác như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Kim Trọng... đều khác thường. Cái khác thường này là điển hình của loại hạng, của đấng bậc. Cái khác thường đó được nhận diện qua nghi thức ngôn ngữ theo chuẩn mực tướng pháp, có nghĩa là một cách nhìn nhận đánh giá con người bằng các cảm nhận trực quan được đúc kết lại, tạo ra cách nhìn loại hình. Cách nhìn tướng pháp là một hình thức nhận thức thế giới xung quanh. Nó góp phần khám phá sự đa dạng, phong phú của bức tranh xã hội, tạo ra chiều rộng và chiều sâu cho hiện thực được mô tả. Khi gắn với đặc điểm là con người của kiếp, con người số phận thì cái khác thường được tạo ra từ các đặc trưng tướng pháp sẽ góp phần tạo ra các chân dung nhân vật. Các yếu tố tướng số được sử dụng ở đây dường như nằm ngoài con người, dường như là một định mệnh luôn có áp lực chi phối con người. Do đó cuộc đấu tranh chống lại cái thiên mệnh đó mang một ý nghĩa nhân sinh rất lớn.
Lựa chọn nhân vật theo cách nhìn của tướng pháp, Nguyễn Du đã đặt nhân vật vào guồng quay khắc nghiệt của định mệnh. Ông đã tạo ra kiểu nhân vật điều kiện hóa. Chúng tôi gọi kiểu nhân vật điều kiện hóa (tạm dịch là type du personnage conditionné) là kiểu nhân vật mang sẵn trong nó một đặc trưng bất khả kháng, một đặc trưng bất biến, một đặc trưng mang tính loại biệt (thậm chí là dị biệt). Kiểu nhân vật này thường hàm chứa trong nó những tình huống tạo dựng cốt truyện, chứa các yếu tố để phát triển mạch truyện. Kiểu nhân vật điều kiện hóa này tạo ra các điển hình tiêu biểu trong văn học thế giới, tạo ra các hình tượng mang tầm vóc khái quát nhân loại.
Nhân vật điều kiện hóa trước hết phải mang tính điều kiện, bị đặt trong điều kiện và phải có tính điều kiện. Nếu so sánh ta sẽ thấy phần lớn các nhân vật trong thi pháp cổ điển thường là kiểu nhân vật điều kiện hoá, còn nhân vật của văn học thế kỷ XX ngoài kiểu điều kiện hóa còn là kiểu nhân vật mang tính biểu trưng.
Nhân vật của Nguyễn Du không chỉ một chiều chấp nhận cái định mệnh khắc nghiệt ấy mà trong dòng xoáy cuộc đời vẫn vươn lên để tìm lối thoát. Đó là sự khẳng định phẩm chất, năng lực của con người tràn đầy chất nhân văn. Bởi vì “Trong tính hiện thực, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Mác), nghĩa là con người bị quy định bởi cộng đồng của nó, nó chỉ là nó khi tồn tại trong cộng đồng ấy, cho nên sự tự thân vận động để tự mình khẳng định mình, tự mình củng cố sự tồn tại của mình trong cộng đồng xã hội, để được cộng đồng thừa nhận là tất yếu.
Khai thác cách nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du từ phương diện tướng pháp học không nhằm khẳng định quan niệm tài mệnh tương đố, số phận an bài, v.v…, mà chỉ nhằm khám phá thêm một điểm nhìn nghệ thuật để thấy rằng từ chỗ xác lập ban đầu, Nguyễn Du đã táo bạo biết nhường nào khi cho nhân vật của mình bứt xé những “thiên la địa võng” bao quanh. Điều đó cũng có nghĩa là con người tự rèn giũa lấy hạnh phúc của chính nó. Việc Nguyễn Du có mượn màu sắc tướng số để xây dựng nhân vật của mình không làm giảm giá trị sáng tạo nghệ thuật của tác phẩm. Quan niệm của người xưa dù dưới màu sắc nào cũng là sự hiểu biết đổi bằng xương máu về chính con người và không ngoài mục đích hoàn thiện con người.

Lê Nguyên Cẩn
 

labatvi

Thành viên
Khi chàng Kim gặp Kiều, Kiều đã nói trước: tướng kiều phạm vào đại kỵ anh hoa phát tiết ra ngòai, thiên cổ bạc mệnh vì tài hoa. Trọng không nghe, nhưng phúc Trọng lớn, tránh được đại nạn. Còn "chọc trời khuấy nước" cũng toi như củ hành.
Túm lại, mê tài mê sắc cũng là mê....
 

mimi1986

Điều hành cấp cao
Mở đầu, nhà thơ Tiên Điền Nguyễn Du đã cho ta biết nội dung truyện Kiều là nói về số mệnh một người con gái tài hoa bạc số nhưng phải chịu truân chuyên bởi Tài Mệnh tương đố.
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…


Hai câu này để chỉ vào số phận người con gái là Vương Thúy Kiều, như vậy Nguyễn Du đã luận đoán về số mệnh của Kiều. Nhưng Số và Mệnh con người được ghi khắc trên thân thể bằng những dấu vết đặc biệt đó là Nét Tướng.
Xin dẫn chứng là Thúy Kiều khi gặp Kim Trọng lần đầu, nàng đã xem qua tướng diện của chàng, lúc sắp sửa cùng nhau thề ước trong vườn Thúy:
Nàng rằng trộm liếc dung quang
Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay
Nhớ từ thuở tuổi thơ ngây
Có thầy tướng sĩ đoán ngay một lời
Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa
Trông người lại ngẫm đến ta
Một dày một mỏng biết là có nên?


Sau khi ngắm qua tướng diện Kim Trọng, Kiều biết số mệnh của chàng vào hàng phú quý, rồi ngẫm lại phận mình và chạnh nhớ thời thơ ấu có thầy tướng số du phương đã đoán phận mình anh hoa sớm phát tiết, là phải chiụ truân chuyên cả cuộc đời dù rằng là đời tài hoa. Vì thế, Kiều lo sợ duyên nợ sẽ không thành, Nhưng quan niệm của Kim Trọng lại khác; chàng nhất quyết không bỏ dở cuộc tình chỉ vì một cớ nhỏ là Kiều có số truân chuyên. Quyết thay đổi mệnh số, nếu có gặp trắc trở truân chuyên chàng cũng sẽ cùng người yêu bên nhau để suốt đời để thay đổi số mệnh:
Sinh rằng giải cấu là duyên,
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
Ví dầu giải kết đến điều,
Thì đem vàng đá mà liều với thân!


Về sau quả nhiên ứng nghiệm vào những lời của Kim Trọng. Tác giả Thanh Tâm Tài Nhân đã chấm dứt cuộc đời luân lạc của Kiều nơi sông Tiền Đường. Nhưng nhà thơ tài hoa Nguyễn Du đã thêm đoạn tái hợp Kim, Kiều cho có hậu. Như vậy chàng Kim và nàng Kiều cũng đã thắng số mệnh phần nào. Vì Kiều đã hy sinh và chịu nhiều nhẫn nhục. Có một điều Nguyễn Du muốn đề cập ở đây là hãy thương xót những con người bị xã hội khinh khi chê trách vì đã phạm vào tội lỗi xấu xa. Nhưng chúng ta phải thông cảm vì họ bị đọa đày vì định mệnh. Nếu Kiều đẹp theo tướng phú quý an nhàn như Thúy Vân thì cuộc đời đâu đến nỗi như vậy.
Bây giờ chúng ta hảy xem lại tướng mệnh của Thúy Kiều ra sao mà thuở nhỏ ông thầy tướng sĩ du phương đã đoán là Nghìn thu bạc mệnh?
Đã nói lên cuộc đời truân chuyên lưu lạc của Kiều, mặc dù nàng xuất thân trong gia đình phú quý, con gái của một Viên ngoại. Và còn câu: Hoa ghen thua thắm liểu hờn kém xanh. Cho thấy rõ cuộc đời bạc mệnh của nàng Kiều phải là lăn lóc trong chốn “liễu ngõ hoa tường”.
Về nét tướng Thúy Vân thì:
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang.
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Đây là tướng diện thanh tao của một mệnh phụ, khác hẳn nét đẹp sắc sảo của Kiều.
Tướng diện bọn “Đầu trâu mặt ngựa” là bọn Sai Nha.
Và tướng bạc ác của bọn Mã Giám Sinh, Tú bà, Sở Khanh.
Tướng ngưu đầu mã diện là tướng ác, người xưa miệt thị là bọn đầu trâu mặt ngựa. Đàn ông có tướng mã diện (mặt ngựa) là phần dưới (từ mũi trở xuống dài như mặt ngựa), là tướng của người vô cùng độc ác. Sách tướng Đông phương gọi đó là hạ đình trường. Bọn này phần đông là Nha trảo của bọn tham quan, ô lại hoặc bộ hạ thân tín của bọn cậy thế ỷ quyền như Mã Giám Sinh.
Hãy nghe Nguyễn Du tả tướng diện của họ Mã:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.


Tướng pháp cho rằng đàn ông có râu mà không có ria là loại sát nhân. Người có ria không râu là tướng bần tiện. Nếu không có cả chân mày là người bạc ác đối với cả họ hàng thân thuộc.
Họ Mã trước kia cũng là tay giàu có vì ham ăn chơi mà trắng tay, phải kiếm sống bằng nghề ma cô, đi làm thuê cho mụ Tú Bà.
Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
Còn đây là tướng diện của mụ Tú Bà:
Lầu xanh có mụ Tú Bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên.
Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa, mướp đắng, đôi bên một phường.


Số phận đã đưa Thúy Kiều vào tay tên ma cô họ Mã. Sự đau đớn của đời Kiều bắt đầu từ đó. Tiếp theo là con đường truân chuyên đưa nàng vào tay mụ chủ chứa Tú Bà, sự đau khổ cũng từ đó tăng lên bội phần.
Nét tướng ác độc của mụ Tú Bà đã được Nguyễn Du phác họa:
Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao?


Người có nước da lợt lạt thuộc hành Thủy, thân hình đẫy đà thuộc hành Thổ là loại tướng phản cách. Tú Bà người có tướng của một gái điếm già, rồi ngoi lên làm một chủ chứa ranh ma. Những kẻ cộng tác với mụ ta như Mã Giám Sinh, và tên điếm đực Sở Khanh đều là phường ma cô. Tên họ Sở này còn có diện tướng rất đặc biệt:
Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào.

Mặt mo là loại mặt của bọn tiểu nhân hèn hạ, đã biểu lộ trong những lần hắn ta giở quẻ đểu cáng với Kiều ở lầu xanh.
Tướng mệnh của Từ Hải
Nhân vật Từ Hải được Nguyễn Du đặc tả như sau:
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.


Theo tướng pháp Đông Phương, muốn đo vai, là phải đo từ chót vai bên này sang đến chót vai bên kia. Ở đây Nguyễn Du tả vai của Từ Hải rộng 5 tấc (thước Tàu chỉ dài có 0,37m). Chúng ta hình dung một người có cổ bạnh, tướng pháp gọi là cổ én (yến cảnh). Trong bài phú Ma y thần tướng có câu: “Hổ đầu, yến cảnh, Ban Siêu thụ phong Định Viễn Hầu.” Tướng đầu cọp của Từ Hải được Nguyễn Du thay bằng “Râu hùm” tức là râu mọc tua tủa ra hai bên như râu cọp (hùm). Râu lại nằm trên chiếc cằm bạnh như hai cánh con chim én đang bay, phù hợp với nét tướng trong câu phú của Ma y: “Yến đầu, hổ ngạnh, Nam tử đăng đàn tướng lãnh”. Nhưng định mệnh trớ trêu đã đặt lên trên đôi mắt của Từ Hải thêm đôi mày ngài!
Nhiều người cho rằng mày ngài là mày giống con tằm, vì lầm tưởng chữ “ngài” là chữ Nôm, gồm chữ ngài ghép với bộ trùng, có nghĩa là con tằm.
Vì xưa nay đã quen với câu Râu hùm, Hàm én, Mày ngài là hợp cách. Nhưng ở đây Nguyễn Du không tả mày tằm mà nói rõ là “mày ngài”.
Có người nghĩ rằng vì tuân theo vần thơ Lục Bát cho nên Nguyễn Du phải viết “mày ngài” cho câu thơ đúng với vần “ay”. Nghĩ như vậy là sai, nếu Nguyễn Du định tả “mày tằm” thì câu thơ có thể như vầy:
Râu hùm hàm én mày tằm
Vai ba tấc rộng, lưng năm thước dài.

Nếu Từ Hải có đôi mày tằm, nghĩa là không phá tướng thì có lẽ Nguyễn Tiên Điền sẽ cho họ Từ làm bá chủ Chư hầu hoặc làm vua một cõi, chứ không chết đứng như vậy. Ở đây lại là đôi mày ngài, một thứ mày cong và dài, đuôi mày vươn lên như hai cái râu con ngài. Nếu nét mày ngài nằm trên đôi mắt của Thúy Vân thì là hợp cách, còn nằm trên Râu hùm, Hàm én là phá cách. Tượng trưng cho một hạng người đa tình, đa cảm, sẽ lụy vì tình. Vì vậy trong con người của Từ Hải có hai khuynh hướng mâu thuẫn: Một là anh hùng ngang dọc và là nghệ sĩ đa tình. Vì vậy, khi nghe Hồ Tôn Hiến chiêu hàng, con người anh hùng trong Từ Hải đã phản ứng:
Một tay xây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành.
Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu.
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi Công, Hầu mà chi?...
Nhưng sau khi nghe những lời tỉ tê của nàng Kiều:
Nhân khi bàn bạc gần xa,
Thừa cơ nàng mới bàn ra tán vào.
Rằng ơn Thánh Đế dồi dào,
Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.
Hình thành công đức bấy lâu,
Ai ai cũng đội trên đầu biết bao.


Rồi nàng nhắc Từ Hải:

Ngẫm từ dấy việc binh đao,
Đống xương vô định đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào.
Sao bằng lộc trọng quyền cao,
Công danh ai sánh lối nào cho qua.


Thế là Từ Hải xiêu lòng vì những lời thủ thỉ của Kiều:
Nghe lời nàng nói mặn mà,
Thế công Từ mới đổi ra thế hàng…!

Nếu Từ Hải không có nét tướng mày ngài là nét tướng lụy vì tình thì từ đâu có dễ dàng nghe những lời ỉ ôi của nàng Kiều để rồi lầm mưu của Hồ Tôn Hiến, phải chết tức tưởi, chết mà thân còn đứng sững như trời trồng, đợi lúc Kiều đến nhỏ mấy giọt nước mắt ân hận, mới chịu ngã xuống. Quả là một chuyện tình hi hữu:
“Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”,
Dòng thu như chảy mạch sầu.
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.
Lạ thay oan khí tương truyền,
Nàng vừa gục xuống Từ liền ngả ra…


Đọc xong tâm sự của nhà thơ Tiên Điền gởi gắm vào câu chuyện tình thương tâm của Từ Hải và Thúy Kiều, chúng ta mới cảm thông phần nào về số mệnh con người. Nhưng với nỗi niềm thầm kín của Nguyễn Du trước khi nhà thơ lâm chung còn gởi lại cho người đời sau hai câu tâm sự, ai nghe cũng phải ngậm ngùi:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
 
Top