Biểu tượng Rồng của linh thiêng nước Việt

mimi1986

Điều hành cấp cao
Không chỉ là niềm tin tâm linh nguyên thủy của cư dân văn minh lúa nước thuở xa xưa, mà nước Việt hóa Rồng chính là khát vọng mãnh liệt hơn lúc nào hết của cả dân tộc thời hội nhập.


Với con người và văn hóa Việt Nam, từ xa xưa đến tận bây giờ và lâu dài nữa, hình tượng Rồng có vị trí thật đặc biệt khó có gì sánh nổi.
Cũng từ xa xưa ấy và mãi về sau, dân Lạc Việt - Việt Nam ta trên mọi vùng đất nước hay sinh sống ở bốn phương trời, đều nhận mình là "con Rồng cháu Tiên", dù cách làm ăn, phong tục và tiếng nói các tộc người nhiều ít khác nhau.
Hẳn là do lưu truyền đời này sang đời khác, huyền thoại về Thủy tổ bộ lạc Lạc Việt -Lạc Long Quân, nói với vợ là Âu Cơ vừa sinh hạ trăm con: Ta thuộc giống Rồng, nàng giống Tiên, như nước và lửa khó sống cùng nhau. Nên chi mỗi người dẫn một nửa đàn con, xuống đồng bằng và lên mạn ngược cùng mở mang bờ cõi...
Và chắc chắn còn do ý niệm về sức mạnh thiêng liêng cùng khát vọng lớn lao, mà cả cộng đồng từ xa xưa đã gửi gắm vào "thần"Rồng hộ mệnh.
Rồng Việt: Dòng thủy tộc của văn minh lúa nước
Có lẽ chăng, Rồng là hóa thân của sức mạnh siêu nhiên, thiêng liêng, huyền bí, được tôn thờ với cả lòng biết ơn, cầu mong lẫn nỗi sợ hãi, trong tâm thức cư dân lúa nước Việt cổ, ngay từ khi vừa đốt rẫy làm nương trên các triền đồi trung du (sách cổ Trung Hoa thời Hậu Hán chép là "hỏa canh"), lại vừa trồng lúa nước ở các thung lũng, lấy chân dẫm đất mà cấy lúa ("thủy nậu"), sau thì đúc lưỡi cầy đồng dùng trâu bò kéo.

Rồng rắn lên mây trong tranh Hàng Trống


Khi các làng xã định cư đã tập hợp lại trong quốc gia Văn Lang, nhưng vẫn kinh hoàng trước loài "thuồng luồng" (sách phương Bắc viết là "giao long'') làm hại. Vua Hùng mới khuyên dân vẽ hình thủy quái lên người, thuồng luồng ngỡ là cùng nòi giống nên không ăn thịt nữa. Và thế là tư duy hình tượng của tổ tiên chúng ta vốn đã bay bổng phản chiếu ở biết bao hình vẽ sóng nước, cỏ cây, chim thú, đua thuyền, tấu nhạc, hát múa, cả hình "giao long" có thật là cặp đôi cá sấu giao hoan trên thạp đồng Đào Thịnh...còn hình dung, phác họa nên hình tượng Rồng riêng cho xứ sở.
Một loài thiêng vốn vẫy vùng trong sông nước mà có quyền năng biến hóa giữa không trung làm ra sấm chớp mây mưa bão tố. Và một khi hình tượng Rồng của mây mưa, lúa nước xuất hiện, thì thế giới tâm linh, tinh thần và thẩm mỹ của dân Lạc Việt mở ra cả một vũ trụ mênh mông cho Rồng bay lượn cùng tư duy sáng tạo Lạc Việt, mang theo đến vô cùng khát vọng của con người về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân cư sinh sôi đông đúc, sống bình an không tai ương bão lũ, thủy quái, tà ma...

Hai ảnh trên: Rồng thời Lý
Hai ảnh dưới: Rồng thời Trần, thời Nguyễn




Chúng ta chưa tìm ra được bằng chứng vật thể nào để có thể hình dung vóc dáng, dung mạo Rồng mà cư dân các làng xã Lạc Việt vẫn truyền đời ấp ủ trong tâm thức. Nhưng có thể chắc chắn rằng trong những lũy tre xanh của cư dân cần cù, nhẫn nại ấy, vẫn nói thứ tiếng ông cha, giữ tập tục xưa đóng khố cởi trần, xăm mình, vui hội làng bơi chải và đấu vật thuở trước, hình tượng Rồng vẫn hiển hiện và sống động trong văn hóa phi vật thể.
Chẳng hạn như trò chơi thuộc loại cổ sơ của trẻ em và có sức sống lâu bền cùng với thời gian: Đó là Rồng rắn lên mây, cực kỳ trẻ con khoái hoạt mà nhắc nhớ một niềm thiêng xứ sở. Trò đơn sơ mà lạ mà hay, đã hiện hình tươi rói cả trên tranh Hàng Trống.
Rồng bay- gợi tâm thế dân tộc
Nhưng chúng ta cũng có cơ may được chuyển giao và còn giữ được phần lớn cả một kho tàng nghệ thuật tạo hình Đại Việt khổng lồ mà ở đó, hình tượng Rồng là chủ đạo, tuôn chảy và bay bổng với cơ man tác phẩm tượng tròn, phù điêu, chạm nổi (chạm lộng), khắc chìm, vẽ mực, vẽ men...trên đủ mọi chất liệu giấy, tre nứa, gỗ, đá, đồng, đắp vữa, gốm, sứ, thủy tinh, khảm xà cừ, ghép mảnh sứ Giang Tây... suốt nhiều thế kỷ.
Rồng quần tụ dầy đặc trong tạo hình và trang trí gắn liền với kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo- tín ngưỡng (những đình, đền, miếu, điện, phủ ,quán...), cũng như trên gốm, sứ tiến cúng cho vua chúa hoặc bán làm đồ thờ cúng.
Sự thể bắt đầu khi trong tâm tưởng nhà Thiền học, nhà chính trị mở đầu triều Lý: Thái tổ Lý Công Uẩn, bay lên bóng Rồng Lạc Việt khi mũi thuyền dời đô của Người chạm đất Đại La, vào ngày thu tròn nghìn năm trước, và thế là kinh đô mang tên mới Thăng Long.





Thăng Long- tiếng Việt thuần gọi "Rồng Bay", hơn mọi lời hiệu triệu chính trị, bởi đã chạm tới tâm linh và khí phách Đại Việt, gợi nên hào khí và khơi nguồn cho năng lực sáng tạo tiềm ẩn toàn dân, gợi cả tâm thế hào sảng và bay lên của dân tộc.
Rồng thời Lý thật sự là tuyệt mỹ về tạo hình và nhân văn thuần khiết do phản chiếu chân thực hình bóng Rồng dân dã vừa thiêng vừa gần gũi thuần phác, trong tâm linh dòng giống Lạc Hồng, toàn dân Đại Việt, chưa bị vương quyền biến cải hay bóp méo khi độc chiếm nhằm thiêng hóa quyền uy và trang trí cho đẳng cấp xa hoa quyền quí. Rồng Lý tích hợp nhiều đặc sắc riêng có của Đại Việt, những đặc sắc ấy trở thành qui cách cơ bản để tạo hình Rồng trong các thế kỷ Lý-đầu Trần.
Rồng Lý thân tròn dài mềm mại, uốn hình sin 12 khúc tượng trưng 12 tháng trong năm, tạo dáng uyển chuyển, biến hóa. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch, đều đặn. Đầu có bờm dài, râu cằm, không sừng. Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên. Đặc biệt là cái mào ở mũi, lượn sóng đều đặn chứ không giống mũi thú như rồng nơi khác. Lưỡi mảnh rất dài. Miệng luôn ngậm viên châu (chứ không cầm ngọc bằng chân trước như rồng xứ bắc).
Rồng cũng thăng trầm bởi thế sự
Nhưng từ nửa sau thời Trần, nhất là ở thời Lê, khi vua chúa thâu tóm quyền năng tối thượng trên cả thần linh, vua có quyền ban mỹ tự và tước vị cho cả thành hoàng...thì hình Rồng ngày càng xa tâm thức dân gian, bị tước đoạt để làm biểu tượng của quyền uy. Rồng nửa cuối thời Trần thân đậm đạp, trông bệ vệ, không còn mềm mại lượn bay; mào lửa ngắn lại, mọc thêm cặp sừng và đôi tay...Rồng thời Lê đầu to, bờm lớn ngược ra sau, chiếc mũi to thay thế mào lửa. Thân trông nặng nề bởi chỉ còn lượn hai khúc lớn. Chân mọc năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn.
Thế kỷ 18 của bão táp phong trào dân chủ nông dân, dân gian có vẻ như đoạt lại được con Rồng thân thuộc, thổi thêm vào nhân tính, để đem về đình, chùa, miếu, quán các làng quê. Nên mới có những phù điêu hiếm quí tạc cảnh đôi rồng tình tự, cảnh rồng mẹ vui vầy che chở bầy rồng con quấn quýt.





Nhưng rồi triều Nguyễn áp đặt nền chuyên chế hà khắc, nên Rồng thời Nguyễn đại thể hao hao Rồng thời Lê, nhấn nhá thêm để phô phang hết mức quyền uy. Đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Râu uốn sóng từ dưới mắt vểnh ra hai bên. Rồng thường bốn móng, nhưng dùng cho vua thì phải năm móng...
Có vẻ quyền uy, nhưng thứ được che giấu bên trong, thì Nguyễn Ái Quốc đã hóm hỉnh chỉ ra trong vở kịch tiếng Pháp công diễn vào 18/6/1922 nhân vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa Macxây (Marseille): "Con rồng tre"!
Rồng là biểu tượng của khí cốt linh thiêng nước Việt?
Như thế đủ thấy hình tượng Rồng trong di sản vật thể nước ta quả là giầu có, lắm vẻ, nhưng dẫu sao vẫn là hữu hạn. Không thể đo đếm được và dài lâu, bền bỉ hơn là hình tượng Rồng được nhân dân nuôi dưỡng trong tâm thức, trong văn hóa phi vật thể, được nhân dân đặt cả khát vọng giàu mạnh và hùng cường, vừa bất khuất vừa kiêu hãnh, vừa đẹp vừa hào hoa.
Này là truyền thuyết Rồng giáng hạ biển biếc với cả rừng đảo đá mỹ lệ vùng đông bắc, mà nên tên gọi kỳ quan- di sản thế giới: Vịnh Hạ Long. Chín cửa sông phương nam tuôn chảy ra biển cả, được mường tượng mà thành tên gọi: Cửu Long ...
Này là ca dao, ngạn ngữ: "Trứng rồng lại nở ra rồng...". " Một đêm tựa mạn thuyền rồng...". "Rồng vàng tắm nước ao tù...".





Bên cạnh trò chơi "Rồng rắn lên mây", thì phổ biến nhất, hào hứng nhất từ xưa đến bây giờ, vẫn là rước Rồng, múa Rồng. Làng làng vui lễ hội, mà cứ có lễ hội thì có đám rước Rồng hay những cuộc múa Rồng.
Và những năm tháng giông bão chiến tranh cứu nước, thì "rồng lửa" sắt thép đỏ rực bầu trời Thủ đô Hà Nội, thiêu rụi B52 Mỹ...
Nay, thời hiện đại của văn minh công nghiệp, giữa muôn vàn cơ hội và thách thức, càng cay đắng và bi thương, Rồng càng trở thành biểu tượng để tâm thức mọi con dân nước Việt hướng đến. Không chỉ là niềm tin tâm linh nguyên thủy của cư dân văn minh lúa nước thuở xa xưa, mà nước Việt hóa Rồng chính là khát vọng mãnh liệt hơn lúc nào hết của cả dân tộc thời hội nhập.
Phải chăng, nên chọn Rồng là biểu tượng mạnh mẽ, hào hoa và tuyệt vời nhất của khí cốt linh thiêng nước Việt?
 
Top