Tử vi và văn chương

Du Vịnh

Hội viên
Không kể đến chuyện các cháu giai gái xem tử vi để xem có giàu không, có lấy chồng đẹp vợ xinh không, có tương lai sung sướng không... thì tử vi quả thực là một môn sâu sắc về nhân sinh quan. Mỗi một lá số là câu chuyện về số phận một con người. Cũng như ông nhà văn, giỏi thì ở đâu cũng tìm ra được cái hay để viết, chỗ thì là sự tinh tế, chỗ thì là sự bất hạnh, chỗ thì là sự phi lý. Người xem tử vi đạt đến độ tinh tế có thể tìm trong đó một hoặc nhiều hơn một trong cái tập ái ố hỉ nộ của kiếp nhân sinh.

Ở phương đông, cái nôi của tử vi thì văn chương được xếp vào hàng "tiểu thuyết", nghĩa là bậc dưới của trung thuyết và đại thuyết, nơi các vị học giả đạo mạo, chính nhân quân tử không thèm ngó đến. Trừ văn chương có tính lịch sử thì các thứ văn chương phản ảnh về xã hội như Hồng Lâu Mông, Tây Sương ký... chỉ là "dâm thư". Sách chuẩn mực phải là ngũ kinh tứ thư, liên quan đến tư tưởng thì có Kinh Dịch, có phải chính vì thế mà khi nghiên cứu Tử vi, người ta cứ đặt nó trong cái đống âm dương ngũ hành bát quái mà bỏ qua hết cái lẽ là lá số tử vi phản ánh con người nên nó là chính xã hội. Có quân tử, có tiểu nhân, có thân phận trôi nổi dập dềnh như hoa, có kẻ trọc phú..v...v.. đủ mặt.

Việt Nam có truyện Kiều - phản ảnh đủ 1 kiếp người. Có thể lập được lá số nàng Kiều cũng được! đấy là hiện thực của dân gian.

Lá số tử vi nào cũng có chừng ấy ngôi sao, vậy thì đâu là chìa khóa để mở cánh cửa số phận con người thông qua lá số tử vi? qua việc học thuộc cái cách cục mệnh thân ư? cá nhân tôi không tin qua những gì đã được học đến nay.

Gần đây, tôi quay lại văn chương - một đam mê cũ kỹ từ nhỏ, đọc lại những cuốn truyện cũ kỹ vất xó nhà từ ngày xưa và ngạc nhiên thấy là nó giải đáp nhiều thứ trong tử vi, thậm chí văn học xứ "Tây" nhưng chả hề gì. Những câu chuyện trước đây đọc đến thuộc nhưng nhìn nó đơn giản chỉ là "truyện", giờ đây nhìn lại với con mắt khác.

Dẫn thử Guy De Maupassant, ông này nổi tiếng về truyện ngắn, hiện thực và tinh tế đến độ nổi da gà. Sau phát điên và chết trong trại tâm thần. Giờ thì tôi hiểu sao ông ta phát điên, khi hiểu về con người đến độ hiện thực và tinh tế đến mức ấy - thể hiện qua truyện ngắn của ông ta - thì điên cũng có lý!

[HR][/HR]
Cái thùng con

Dịch giả: Lê Hồng Sâm

Chủ quán Si-cô, bán hàng ăn ở Ê-prơ-vin, dừng xe trước trại của mụ Magloarơ. Đó là một gã cao lớn trạc bốn mươi tuổi, đỏ đắn, bụng phệ, nghe đồn là ranh ma. Gã buộc ngựa vào cọc hàng rào, rồi vào trong sân. Gã có chút tài sản giáp với mảnh đất của bà lão, mà gã thèm muốn từ lâu. Có đến hai chục lần gã dạm mua, nhưng mụ Magloarơ khăng khăng từ chối. Mụ bảo:
-Tôi sinh ra ở đây, tôi chết ở đây.
Gã thấy mụ đang gọt khoai trước cửa nhà. Bảy mươi tuổi, mụ khô đét, răn reo, lưng còng, nhưng làm lụng dẻo dai như con gái. Si-cô thân thiện vỗ vào lưng mụ, rồi ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh mụ.
-Thế nào? Bà lão, vẫn khỏe chứ?
-Không đến nỗi, còn bác, bác Prô-xpê?
-Ấy! Ấy! Đau nhì nhằng, không thì cũng khá.
-À, tốt đấy!
Rồi mụ chẳng nói gì nữa. SI-cô nhìn mụ làm. Những ngón tay khoằm khoằm, khẳng khiu, cứng tựa càng cua, nhặt như quắp lấy các củ màu xám nhờ trong giỏ, và xoay xoay rất nhanh, gọt ra từng khoanh vỏ dài bằng con dao cũ mụ cầm trong bàn tay kia. Rồi khi khoai đã vàng nõn, mụ liền ném vào xô nước. Ba con gà mái dạn người, từng con xán vào tận bên váy mụ nhặt vỏ, rồi cun cút chạy đi, mỏ ngậm mồi. Si-cô ra vẻ bứt rứt, ngần ngại, lo lắng, có cái gì ở cửa miệng mà không thốt ra được. Cuối cùng, gã quyết định:
-Này, mụ Magloarơ…
-Bác cần gì hử?
-Cái trại này ấy mà, mụ vẫn không muốn bán cho tôi hả?
-Chuyện ấy thì không. Không được đâu. Dứt khoát rồi, dứt khoát, bác đừng nói lại nữa.
-Chả là tôi tìm được cách thu xếp ổn thỏa cho cả hai đằng.
-Gì vậy?
-Thế này nhé. Mụ bán nó cho tôi, ấy rồi mà mụ vẫn cứ giữ lấy nó. Mụ không hiểu à? Mụ nghe tôi bảo đây.
Bà lão ngừng gọt khoai, cặp mắt tinh nhanh dưới đôi mi nhăn nheo nhìn gã chủ quán chằm chằm. Gã tiếp:
-Tôi nói rõ nhé. Tôi cho mụ, mỗi tháng trăm rưởi quan. Mụ nghe rành chứ? Mỗi tháng tôi đi xe ngựa, đem đến đây cho mụ ba chục đồng ê-quy loại năm quan. Và rồi chẳng có gì khác cả, chẳng có gì hết. Mụ vẫn ở nhà mụ, mụ không bận tâm gì về tôi, mụ chả nợ nần gì tôi sất. Mụ chỉ có việc lấy tiền của tôi thôi. Mụ thấy thế được không?
Gã nhìn mụ với bộ dạng tươi cười, với bộ dạng vui vẻ. Bà lão ngắm gã một cách nghi ngại, tìm xem cái bẫy ở chỗ nào. Mụ hỏi:
-Thế món ấy, là phần tôi; nhưng phần bác, cái trại này, món ấy không đem trại cho bác chứ?
Gã tiếp:
-Mụ đừng lo chuyện ấy. Trời cho mụ sống được chừng nào thì mụ vẫn ở đây. Đây là nhà mụ. Có điều mụ làm cho tôi cái giấy ở chỗ ông công chứng để rồi sau này tôi được hưởng. Mụ không con cái, chỉ có cháu họ mà mụ chả thiết mấy. Mụ thấy thế được không? Mụ còn sống thì mụ cứ giữ gìn lấy tài sản của mụ, còn tôi cho mụ mỗi tháng ba chục đồng năm quan. Phần mụ rất có lợi thôi.
Bà lão vẫn ngạc nhiên, lo ngại, nhưng bị hấp dẫn. Mụ đáp:
-Tôi chả bảo là không. Có điều, tôi muốn ngẫm xem thế nào đã. Tuần sau bác đến bàn lại. Ý tôi muốn sao tôi sẽ bảo bác.

Thế là chủ quan Si-cô ra về, hài lòng như ông vua vừa chinh phục được một vương quốc. Mụ Magloarơ đâm nghĩ ngợi. Đêm sau mụ không ngủ. Bốn ngày trời mụ như bị sốt vì băn khoăn do dự. Mụ cảm thấy rõ trong ấy có cái gì không hay cho mình, nhưng nghĩ đến ba chục ê-quy hàng tháng, đến những đồng bạc thật cứ dốc vào tạp dề của mình, từ trên trời rơi xuống cho mình như thế, chẳng phải làm gì, mụ bồn chồn thèm muốn.
Mụ bèn đến gặp ông công chứng và kể lại câu chuyện. Ông ta khuyên mụ nhận lời Si-cô, nhưng đòi năm mươi đồng ê-quy chứ không phải ba mươi, vì trại của mụ rẻ ra cũng đáng sáu ngàn quan. Viên công chứng bảo:
-Nếu bà sống mười lăm năm nữa, thì như thế gã cũng chỉ phải trả có bốn mươi lăm ngàn quan.

Bà lão run lên khi nghĩ đến năm chục đồng ê-quy hàng tháng, nhưng vẫn còn nghi ngại, sợ trăm ngàn điều bất ngờ, sợ những mưu ngầm, và mụ ngồi lại hỏi han đến tối, không dứt ra về được. Cuối cùng, mụ bảo viên công chứng thảo giấy tờ, rồi ra về bồi hồi rối loạn như thể vừa uống bốn bình rượu táo mới.
Khi Si-cô đến xem mụ trả lời ra sao, mụ để cho gã nài nỉ thật lâu, tuyên bố mình không ưng, song rất sợ gã không thuận đưa năm chục ê-quy. Cuối cùng, thấy gã nằn nì, mụ nói ra ý mụ. Gã giật nảy mình vì thất vọng và gã không chịu. Thế là, để thuyết phục gã, mụ bèn bàn luận về tuổi thọ của mình:
-Chắc là tôi chỉ dăm sáu năm nữa là cùng. Bảy mươi ba rồi, mà có khỏe khoắn gì cho cam. Tối hôm nọ, tôi đã tưởng mình đứt. Người cứ như rỗng ra, họ phải khiêng tôi vào giường đấy.
Nhưng Si-cô không mắc mưu.
-Thôi, thôi, bà lão, bà vững như gác chuông nhà thờ ấy. Xoàng ra bà cũng sống đến trăm linh mười tuổi. Bà sẽ đưa ma tôi, dám chắc như thế.
Mất cả một ngày bàn cãi. Song vì bà lão không nhượng bộ, gã chủ quán, cuối cùng thuận đưa năm mươi ê-quy.
Hôm sau họ lý giấy. Và mụ Magloarơ đòi mười ê-quy lót tay.

Ba năm trôi qua. Bà cụ khỏe mạnh như có bùa phép. Dường như mụ không già đi lấy một ngày, và Si-cô tuyệt vọng. Gã tưởng chừng gã đã trả món phụ cấp ấy từ nửa thế kỷ nay, gã đã bị lừa, bị bịp, bị phá sản. Thỉnh thoảng gã lại đến thăm mụ chủ trại, như người ta thăm đồng vào tháng bảy, xem lúa đã chín hay chưa cho lưỡi hái. Mụ tiếp gã với cái nhìn ranh mãnh. Cứ như thể mụ khoái chí vì đã chơi cho gã một vố, và gã leo ngay lên xe, mồm lẩm bẩm:
-Thế là mày chẳng ngoẻo đâu, của nợ!
Gã không biết làm thế nào. Nhìn mụ, gã những muốn bóp chết mụ. Gã ghét mụ với niềm căm ghét dữ tợn, nham hiểm, niềm căm ghét của anh nông dân bị mất cắp. Gã bèn tìm kế.
Thế rồi, một hôm, gã đến thăm mụ, xoa xoa hai bàn tay như cái lần đầu tiên, khi gã ướm chuyện mua bán với mụ. Và sau khi gã đã trò chuyện vài phút:
-Này, bà già, sao mụ không đến nhà tôi dùng bữa, khi mụ đi qua Ê-prơ-vin? Họ bàn tán đấy, họ bảo thế là mình không bạn bè với nhau, chuyện ấy làm tôi buồn lắm. Mụ biết đấy, ở nhà tôi, mụ không phải trả tiền đâu. Tôi chẳng so sẻn gì một bữa ăn. Mụ ưng thì mụ cứ đến tự nhiên, cho tôi vui lòng.
Mụ Magloarơ chẳng để phải được mời lại, và ngày hôm sau nữa, nhân đi chợ bằng xe ngựa do anh đầy tớ Xê-lê-xtanh cầm cương, mụ không nề hà gì, cho luôn ngựa vào chuồng nhà Si-cô, và đòi bữa ăn gã hứa. Tay chủ quán tươi roi rói, tiếp đãi mụ như bà lớn, thết mụ gà giò, đùi cừu quay, thịt mỡ nấu bắp cải. Nhưng mụ hầu như chẳng ăn gì, quen thanh đạm từ thuở bé, suốt đời chỉ dùng ít súp với một mẩu bánh mì phết bơ.
Si-cô nài nỉ, thất vọng. Mụ cũng chẳng uống gì. Mụ từ chối cà phê. Gã bảo:
-Thế bà dùng tí rượu nhé!
-À! Cái ấy thì được.
Thế là gã gọi váng lên, từ đầu này đến đầu kia quán:
-Rô-da-li, đem rượu đây, loại cực ngon, thượng hảo hạng ấy.
Và chị hầu gái bước ra, tay cầm cái chai thon dài có trang trí một lá nho bằng giấy. Gã rót đầy hai cốc.
-Bà lão, nếm thử này, loại trứ danh đấy.
Bà già uống từ từ, nhấm nháp, kéo dài niềm thích thú. Khi cốc đã cạn, mụ dốc cho hết rồi tuyên bố:
-Ừ phải, rượu ngon thật!
Mụ chưa nói xong, Si-cô đã rót luôn cho mụ đợt nữa. Mụ toan từ chối, nhưng không kịp, và mụ lại nếm náp rất lâu, như cốc trước. Thế là gã muốn mời cốc thứ ba, nhưng mụ không chịu. Gã nài nỉ:
-Cái này, như sữa ấy mà, mụ thấy đấy, tôi à, tôi uống mươi, mười hai cốc êm ru. Nó trôi tuột đi như đường. Bụng chả sao hết, đầu chả sao hết, như thể vào đến lưỡi là bốc hơi luôn. Lợi cho sức khỏe nhất hạng đấy!
Bởi muốn uống quá nên mụ nhận lời, nhưng chỉ nửa cốc thôi. Thế là Si-cô, trong cơn hào hiệp, reo lên:
-Này, vì mụ thích, tôi sẽ cho mụ một thùng con để mụ thấy rằng chúng ta bao giờ cũng là bạn bè với nhau.

Bà lão không từ chối và ra về, hơi chếnh choáng.
Hôm sau, gã chủ quán vào sân nhà mụ Magloarơ rồi lôi trong đáy xe ra một cái thùng con có đai sắt. Rồi gã muốn mụ nếm thử để chứng tỏ là đúng thứ rượu ấy, và sau khi mỗi người đã uống ba cốc, gã tuyên bố lúc ra về:
-Mụ biết đấy, khi nào không còn, thì lại có nữa. Mụ đừng ngại, tôi không so sẻn đâu. Càng hết mau tôi càng vui bụng.
Rồi gã trèo lên xe.
Bốn ngày sau gã trở lại. Bà già ngồi trước cửa đang cắt bánh để nấu súp. Gã đến gần, chào mụ, nói sát vào mặt mụ cốt để ngửi hơi thở mụ. Và gã thoảng thấy mùi rượu. Thế là mặt gã rạng lên. Gã bảo:
-Mụ mời tôi một cốc chứ?
Và họ chạm cốc hai ba lượt.
Nhưng chẳng bao lâu sau trong vùng có tiếng đồn là mụ Magloarơ nghiện ngập say sưa một mình. Người ta nhặt được mụ khi ở trong bếp, khi trong sân, khi trên những nẻo đường quanh đấy, và phải khiêng mụ về, sõng sượt như xác chết.
Si-cô không đến nhà mụ nữa, và khi người ta nói với gã về bà già, thì gã khẽ bảo với bộ mặt buồn rầu:
-Vào tuổi mụ mà mắc chứng ấy thì cũng gay đấy nhỉ? Già rồi thì vô phương cứu chữa. Rồi ra chẳng hay cho mụ đâu!

Quả là chẳng hay cho mụ thật. Mùa đông năm sau mụ chết, quãng gần lễ Nô-en, vì quá say, ngã trong tuyết
Còn Si-cô thừa hưởng trại, và bảo rằng:
-Cái nhà mụ này mà không rượu chè ấy à, còn là đậu được chục năm nữa.

[h=3][/h]
 

Du Vịnh

Hội viên
Bà Ec-mê

Dịch giả: Lê Hồng Sâm


Những người điên thường hấp dẫn tôi. Những kẻ do sống trong thế giới bí ẩn của những giấc mơ kỳ quặc, trong áng mây mù dày đặc của sự rồi dại, tại nơi đây, mọi thứ họ đã thấy trên đời, mọi cái họ đã yêu quý, mọi người họ đã làm tái diễn trong một cuộc sống tưởng tượng, vượt ra ngoài mọi quy luật điều khiển sự vật và chi phối tư duy con người.

Đối với họ, cái không thể có không tồn tại nữa, cái huyền hoặc khó tin biến mất, cái thần tiên huyền ảo trở thành thường xuyên và cái dị thường thành thân thuộc. Logic, tấm rào chắn cũ kỹ, lý trí, bức tường lương tri, hàng lan can cũ kỹ của tư tưởng đều tan tành, ngã gục, đổ sụp dưới trí tưởng tượng được buông thả phóng khoáng, thoát vào xứ sở vô cùng tận của sự tùy hứng, nhảy nhót những bước kỳ ảo chẳng có gì ngăn trở. Đối với họ, tất cả mọi điều đều xảy ra và có thể xảy ra. Họ chẳng hề gắng gỏi để chiến thắng các biến cố, để chế ngự những sự kháng cự, để san bằng các trở ngại. Chỉ cần một thích thú bất thường của ý chí gây ảo giác, là họ thành vua chúa hoặc thánh thần, là họ có mọi của cải trên thế gian, có mọi điều ngon ngọt trên đời, là họ được hưởng mọi thú vui, là họ mãi mãi khỏe, đẹp, trẻ, mãi mãi được yêu dấu! Chỉ riêng họ mới hạnh phúc được trên trái đất, vì đối với họ hiện thực không tồn tại nữa. Tôi ưa nghiêng mình xuống tâm trí lang thang vớ vẩn của họ, như người ta nghiêng mình xuống một vực thẳm, tận đáy vực sục sôi một dòng thác lạ, ở đâu đều không ai biết và chảy đi đâu không ai hay.

Nhưng nghiêng mình xuống những khe sâu ấy nào có ích gì, vì chẳng bao giờ ta biết được nước ấy ở đâu đến, nước ấy chảy đi đâu. Cho đến cùng, đó cũng chỉ là nước giống như nước chảy giữa thanh thiên bạch nhật, và nhìn nó cũng chẳng giúp cho ta hiểu thêm được mấy điều.

Nghiêng mình xuống tâm trí người điên cũng chẳng ích gì, vì những ý nghĩ kỳ quặc nhất của họ chẳng qua cũng là những ý nghĩ bình thường, chỉ lạ lùng bởi chúng không bị ràng buộc bởi lý trí. Cái ngọn nguồn khó hiểu bất thường của chúng khiến ta sững sờ kinh ngạc, bởi ta không nhìn thấy nó phun ra. Có lẽ chỉ cần một hòn đá nhỏ rơi vào dòng nước đang chảy của nó là đủ gây nên những xúc động sôi sục. Tuy nhiên, những người điên vẫn luôn hấp dẫn tôi, và tôi luôn quay về với họ, bị thu hút ngoài ý muốn của mình vì sự bí ẩn tầm thường của chứng rồ dại. Vậy, một hôm, khi tôi đến thăm một bệnh xá của người điên, viên thầy thuốc hướng dẫn tôi, bảo rằng:
-À, tôi sẽ đưa ông đi xem một trường hợp lý thú.
Và ông ta mở một ngăn, trong đó một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, hãy còn đẹp, ngồi trên ghế bành, cứ soi mãi mặt vào một tấm gương nhỏ cầm tay. Vừa nhìn thấy chúng tôi, bà đứng phắt dậy, chạy đến cuối phòng, tìm một tấm mạng vắt trên ghế, bịt mặt hết sức cẩn thận, rồi trở lại, gật đầu đáp lễ chúng tôi. Bác sĩ nói:
-Thế nào, sáng nay bà thấy trong người ra sao?
Bà ta thở dài não ruột:
-Ôi, khó chịu, khó chịu lắm, thưa ông, ngày nào các vết sẹo cũng tăng lên.

Bác sĩ trả lời một cách tin tưởng:
-Không, không! Tôi cam đoan với bà là bà lầm đấy.
Bà ta xích lại gần ông, thì thào:
-Không, tôi chắc chắn như vậy. Tôi đã đếm thêm được chín vết, ba vết ở má bên phải, bốn vết ở má bên trái và ba vét ở trên trán. Thật gớm ghiếc! Gớm ghiếc! Tôi không dám để ai nhìn thấy nữa, cả cho đến con tôi, không, cả đến con tôi nữa! Tôi bị nguy mất rồi, mặt mày tôi bị xấu xí suốt đời rồi!
Bà ta lại để mình rơi xuống ghế và khóc nức nở. Người thầy thuốc kéo ghế, ngồi cạnh bà ta, và bằng một giọng dịu dàng, an ủi:
-Nào, bà cho tôi xem nào, tôi cam đoan với bà là chẳng sao đâu. Chỉ xoa cứu chút ít là tôi làm biến đi tất cả.
Bà ta lắc đầu, không nói một lời. Người thầy thuốc muốn sờ vào tấm mạng, những bà ta tay nắm lấy nó chặt đến mức ngón tay xuyên cả vào trong mạng. Ông lại khuyến khích và dỗ dành cho bà yên lòng:
-Bà biết rõ là lần nào tôi cũng làm cho những vết sẹo xấu xí ấy biến đi mất hộ bà, và khi tôi điều trị chúng xong thì người ta không hề nhìn thấy chúng nữa. Nếu bà không cho tôi xem, thì tôi không thể chữa cho bà khỏi được.
Bà ta thì thào:
-Với ông thì còn được, nhưng tôi không quen ông khách đi cùng ông.
-Đây cũng là một thầy thuốc, ông ấy sẽ điều trị cho bà còn tốt hơn tôi nhiều.
Bấy giờ bà ta mới cho hở mặt ra, nhưng sự hoảng sợ, nỗi xúc động, niềm hổ thẹn vì bị mọi người nhìn thấy khiến cả da thịt ở cổ bà ta, nơi lút sâu trong áo, cũng đỏ ửng lên. Bà nhìn xuống, quay mặt đi, lúc sang phải, lúc sang trái, để tránh những cái nhìn của chúng tôi và ấp úng:
-Ôi! Để thấy mặt mình như thế này là tôi đau đớn ghê gớm. Kinh khủng lắm, phải không các ông? Kinh khủng lắm phải không?

Tôi hết sức kinh ngạc ngắm nhìn bà ta, bởi vì bà chẳng có cái gì trên mặt hết, không có một vết, không có một điểm, không có một dấu, cũng không có một cái sẹo nào. Bà ta quay sang tôi, mắt vẫn nhìn xuống và bảo tôi:
-Thưa ông, đó là do chăm nom con mà tôi bị lây cái bệnh ghê gớm này. Tôi đã cứu được cháu, nhưng mặt mày tôi bị xấu xí. Tôi đã cho cháu nhan sắc của tôi, cho đứa con tội nghiệp của tôi. Rốt cuộc, tôi đã làm phận sự của tôi, lương tâm tôi được yên ổn. Nếu tôi đau khổ, chỉ có Chúa biết.
Bác sĩ đã rút trong túi ra một cây bút vẽ nhỏ. Ông nói:
-Bà để tôi làm, tôi sẽ sửa cho bà tất cả những cái đó.
Bà ta chìa má bên phải ra, và ông bắt đầu lướt nhẹ vào má, như thể ông điểm những chấm màu nho nhỏ trên đó. Ông cũng làm như vậ bên má trái, rồi trên trán, rồi ông reo:
-Bà nhìn xem, không còn gì, không còn gì nữa nhé!
Bà ta cầm gương, ngắm bóng mình rất lâu, hết sức chăm chú, một sự chăm chú gay go căng thẳng, gắng gỏi cực kỳ toàn tâm trí để tìm ra một vết gì, rồi bà thở dài:
-Không, không nhìn thấy rõ lẵm nữa. Đa tạ ông vô cùng.
Người thầy thuốc đứng dậy. Ông chào bà ta, dẫn tôi ra rồi đi theo tôi, và, khi cánh cửa vừa đóng lại, ông nói:
-Đây là câu chuyện khốc liệt của người đàn bà bất hạnh ấy.

Bà ta tên là Ec-mê. Bà rất đẹp, rất làm dáng, rất được yêu chiều và lấy làm sung sướng được sống. Đó là một trong những người đàn bà mà trên đời chỉ có nhan sắc và niềm ham muốn làm duyên cho người ưa là nguồn nâng đỡ, chi phối hoặc an ủi trong cuộc sống. Mối quan tâm thường xuyên đến vẻ tươi tắn của mình, sự chăm sóc cho bột mặt, cho bàn tay, cho hàm răng, cho hết thảy các bộ phận nhỏ của cơ thể mà bà có thể phô bày ra thu hút toàn bộ thì giờ và toàn bộ sự chú ý của bà.

Bà góa chồng, có một con trai. Bà ta có nhìn thấy trước khủng hoảng định mệnh đang đến hay chăng, tôi không hề biết. Chẳng hiểu bà có như bao người đàn bà khác, mỗi sáng lại nhìn ngắm hàng giờ làn da xưa kia hết sức mịn màng, trong suốt và tươi sáng, giờ đây hơi nheo lại dưới đuôi mắt, hơi nhăn đi vì hàng ngàn vết hãy còn lờ mờ khó thấy, nhưng cứ sâu dần xuống, từng ngày, từng tháng? Chẳng hiểu bà có thấy lớn lên không ngừng, một cách chậm rãi và chắc chắn, những vết nhăn dài trên trán, những con rắn mỏng mảnh không gì ngăn lại được? Chẳng hiểu bà có bị giày vò day dứt, nỗi giày vò day dứt ác hại của tấm gương, tấm gương nhỏ có tay cầm bằng bạc mà người ta không thể quyết tâm đặt lên bàn, rồi người ta giận dữ hẩy đi và người ta lại cầm ngay lấy, để nhìn lại, thật gần hơn nữa, cái sự tàn phá khả ố và bình thản của tuổi già đang xích lại? Chẳng hiểu bà có náu mình ngày mươi, hai mươi lần, vô duyên cớ rời phòng khách nơi bạn bè đang trò chuyện, để lên phòng riêng và nhờ cửa đóng then cài che chở, lại ngắm nhìn công trình phá hoại của da thịt hết xuân đang tàn úa, để kiểm chứng một cách tuyệt vọng bước tiến triển nhẹ nhàng của căn bệnh dường như chưa ai nhìn thấy, nhưng bà thì hiểu rất rõ? Bà biết, đâu là chỗ bệnh tấn công mạnh nhất, đâu là những vết cắn xé sâu nhất của tuổi tác. Và tấm gương tròn nhỏ xoay trong cái khung bạc chạm, bảo với bà những điều tệ hại, bởi vì nó nói, nó như cười cợt, nó nhạo báng và báo cho bà tất cả những gì sắp đến, tất cả những nỗi khốn khổ của cơ thể, và cực hình tàn khốc của tư tưởng cho đến ngày bà chết đi, đó là ngày bà được giải thoát. Chẳng hiểu bà có bàng hoàng, khóc lóc, quỳ gối, đập đầu xuống đất, và cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện.

Đấng đã giết người ta như vậy và chỉ cho người ta sự trẻ trung để làm cho tuổi già thêm cay cực, và chỉ cho người ta mượn sắc đẹp để rồi lấy lại ngay tức khắc, bà có cầu xin, van nài Người hãy làm cho bà ta điều mà Người không bao giờ làm cho ai hết, hãy để lại cho bà, đến mãi ngày tận số, vẻ hấp dẫn, sự tươi thắm và duyên sắc mỹ lệ? Rồi hiểu là mình đã khẩn cầu vô hiệu Đấng vô danh khắc nghiệt cứ đẩy năm tháng qua, năm này kế tiếp năm khác, chẳng hiểu bà có vặn tay, lăn mình trên thảm trải phòng, có đập đầu vào đồ đạc và ghìm trong họng những tiếng la thét tuyệt vọng khủng khiếp?

Chắc hẳn bà đã chịu đựng những sự giày vò hành hạ ấy. Bởi vì đây là chuyện đã xảy ra.

Một hôm, bấy giờ bà ta ba mươi nhăm tuổi, cậu con trai mười lăm tuổi của bà bị ốm. Em nằm trên giường bệnh mà chưa xác định được em đau chứng gì. Một linh mục là gia sư của em, trông nom em và không mấy khi rời em, trong khi bà Ec-mê sớm, tối đến hỏi thăm tin tức.
Buổi sáng, bà vào, mặc áo choàng đen, tươi cười, người đã thơm phưng phức, và vừa đến cửa đã hỏi ngay:
-Thế nào, Giooc-giơ, có đỡ không con?
Đứa trẻ đã lớn, mặt đỏ, sưng mọng và hao mòn vì sốt, trả lời:
-Có, thưa mẹ, hơi đỡ.
Bà ở lại trong phòng chốc lát, nhìn các chai thuốc, chúm môi kêu khẽ: “Khiếp!”, rồi đột nhiên kêu lên: “À! Quên mất một việc rất cần” và bà chạy ra ngoài, để lại sau mùi phấn hương trang điểm thơm tho.
Buổi tối, bà xuất hiện, mặc áo dài hở cổ hở ngực, còn vỗi vã hơn nữa, vì bao giờ bà cũng bị muộn, và bà chỉ vừa kịp đủ thì giờ để hỏi:
-Thế nào, thấy thuốc bảo sao?
Linh mục trả lời:
-Thưa bà, ông ấy còn chưa chắc là bệnh gì.
Thế rồi, một buổi tối, linh mục trả lời: “Thưa bà, cậu nhà mắc bệnh đậu mùa”.
Bà hét lên hoảng sợ và bỏ chạy. Sáng hôm sau, khi cô hầu phòng vào buồng bà, thoạt tiên cô ngửi thấy mùi đường cháy khét lẹt, và cô thấy bà chủ nằm trong giường, mắt mở, mặt xanh xao vì mất ngủ và run lẩy bẩy vì lo âu hoảng hốt. Khi các cánh cửa đã mở, bà Ec-mê hỏi:
-Giooc-giơ ra sao?
-Ồ, thưa bà, hôm nay sức khỏe cậu không khá tí nào.
Mãi tới trưa bà mới dậy, ăn hai quả trứng, uống một cốc nước chè, như thể chính bà bị ốm, rồi bà ra đi, đến một dược sĩ hỏi các biện pháp phòng lây bệnh đậu mùa. Mãi đến giờ ăn chiều bà mới về, mang theo nào chai nào lọ, và đóng cửa ở luôn trong phòng, tẩm đầy người các chất sát trùng tẩy uế.
Linh mục đợi bà ở phòng ăn. Vừa thấy ông, bà ta kêu lên, giọng rất xúc động: “Thế nào?”. Bà khóc, và không ăn uống được gì hết, vì băn khoăn dằn vặt. Ngày hôm sau, trời vừa rạng, bà đã cho hỏi tin tức, những tin tức này không hay gì hơn, và suốt ngày bà ở trong phòng riêng nghi ngút những lò than nhỏ tỏa mùi khét. Ngoài ra, cô gái ở còn quả quyết là nghe thấy bà rền rĩ suốt buổi tối. Cả một tuần trôi qua như vậy, bà không làm việc gì khác ngoài việc đi dạo một hoặc hai tiếng đồng hồ cho thoáng khí, vào khoảng giữa buổi chiều. Bây giờ thì bà cho hỏi tin tức từng giờ một, và khóc nức nở khi tin xấu đi.

Buổi sáng ngày thứ mười một, linh mục xin gặp, vào phòng bà, mặt nghiêm trang và xanh tái, ông nói mà không ngồi xuống chiếc ghế bà đưa mời:
-Thưa bà, cậu nhà mệt nặng, và cậu muốn gặp bà.
Bà ta quỳ sụp xuống mà kêu:
-Ôi! Lạy Chúa! Ôi! Lạy Chúa! Tôi không bao giờ dám đâu! Lạy Chúa! Hãy cứu vớt lấy con!
Ông linh mục nhắc lại:
-Thưa bà, bác sĩ còn í thy vọng. Giooc-giơ đang đợi bà.
Và ông bước ra. Hai giờ đồng hồ sau, cậu thiếu niên cảm thấy mình sắp chết, lại hỏi mẹ, linh mục bèn trở vào phòng bà ta và thấy bà vẫn quỳ, vẫn khóc và lặp đi lặp lại:
-Tôi không muốn…tôi không muốn…tôi sợ quá lắm…tôi không muốn…
Linh mục cố khuyên bà quyết định, động viên bà, lôi kéo bà. Ông chỉ làm cho bà lên một cơn thần kinh kéo dài và khiến bà la hét.
Buổi chiều, viên thầy thuốc trở lại, được biết sự hèn nhát đó, và tuyên bố rằng ông sẽ dẫn bà tới, hoặc tự ý, hoặc cưỡng ép. Nhưng sau khi đã dùng thử mọi lập luận, ông bèn nhấc bà ta lên để đem đến gần con, thì bà nắm lấy cánh cửa và bám chắc đến mức không sao lôi ra được. Rồi khi người ta buông bà ra, bà sụp xuống chân ông thầy thuốc mà xin lỗi, mà tự buộc tội mình là kẻ khốn nạn. Và bà kêu lên: “Ôi! Cháu không chết đâu, ông hãy bảo với cháu là tôi yêu cháu, tôi quý cháu…”

Cậu thiếu niên hấp hối. Biết mình sắp đến lúc lâm chùng, cậu khẩn khoản xin mọi người khuyên mẹ quyết định đến vĩnh biệt mình. Với thứ linh tính đôi khi có ở những người sắp qua đời, cậu đã hiểu, đoán được hết, và cậu nói: “Nếu mẹ tôi không dám vào, hãy xin mẹ tôi chỉ đi ngoài bao lơn đến cửa sổ phòng tôi để ít ra tôi được trông thấy mẹ, để tôi nhìn và vĩnh biệt mẹ vì không được ôm hôn mẹ”.

Viên thầy thuốc và vị linh mục lại trở vào gặp người đàn bà đó lần nữa. Họ cả quyết: “Bà không cần ngại điều gì cả vì có một tấm kính giữa bà và cậu ấy”. Bà ta nhận lời, choàng kín đầu, cầm một lọ thuốc ngửi, bước ba bước trên bao lơn, rồi đột nhiên ôm mặt, rền rĩ: “Không…không…tôi hổ thẹn quá…tôi sợ quá lắm…không…tôi không thể…”. Người ta muốn kéo bà đi, nhưng bà túm chặt lấy lan can và than vãn rên la đến nỗi khách đi đường bên dưới phải ngẩng lên xem.

Và người sắp chết vẫn chờ đợi, mắt hướng về khung cửa sổ ấy, chờ đợi, để chết đi còn được trông thấy lần cuối cùng khuôn mặt dịu hiền yêu dấu, khuôn mặt thiêng liêng của mẹ.

Cậu chờ đợi rất lâu, và đêm xuống. Cậu bèn quay mặt vào tường và không nói một lời nào nữa.

Khi trời sáng, cậu đã chết. Ngày hôm sau, bà ta phát điên.
 

Du Vịnh

Hội viên
Cách đây hơn chục năm, có một tạp chí mà khi ra đời đã là hàng hot! đó là Thế Giới Mới. Hồi ấy ngày có học bổng đúng ngày ra của tạp chí nên mua tạp chí Thế Giới mới bao giờ cũng là khoản chi đầu tiên. Thời hoàng kim, TGM có tổ chức một cuộc thi truyện cực ngắn < 1000 chữ. Một truyện đáng lẽ ra phải giải nhất là "Con gà què" nhưng hình như đụng chạm chi đó. Sau thì truyện Đường Tăng giải nhất. Truyện này bị bên Phật giáo phản đối dữ dội, nhưng vẫn nhất.[HR][/HR]

Đường Tăng

Đêm cuối cuộc trường chinh đầy gian khổ, ngày mai yết kiến Như Lai để lên kiếp Phật, Đường Tăng trằn trọc không sao ngủ được. Suốt cuộc đời tâm nguyện tới cõi này, giờ đây khi sắp trút bỏ kiếp người, ông bỗng thấy lòng day dứt.

Nhiều ngày nay, thân thể Đường Tăng đã rã rời, đầu óc đầy mộng mị, tay biếng lần tràng hạt. Tâm linh như muốn níu chân dừng lại. Máu ông nhức nhối thấm lần cuối qua tim, cứa vào quá khứ đau xé. Ông nhớ tới những người sinh thành ra mình. Tình cha, huyết mẹ tạo nên mà bao nhiêu năm nay ông không một lần thắp hương, không một lần nhắc nhở.

Chặng đường dài tới đất Phật khiến trái tim ông dần chai sạn. Ông đã quá nhiều lần phải lạy lục, cầu khẩn các thần linh thánh lớn bé, đã quá nhiều lần giẫm đạp lên xác máu yêu ma xa gần, chỉ với một mục đích: mau thành chính quả. Ông thương người. Nhưng đêm nay, trước ranh giới cuối cùng của cõi Người và Phật, ông chợt hiểu ra cội rễ của tình thương ấy. Mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ thầm tính toán như xây thêm cho mình một bậc thang tới Phật đài.

Nhiều lần Đường Tăng đã tự hỏi tại sao nước mắt mình ngày càng lạnh giá. Giờ đây ông thầm biết, trên con đường thỉnh kinh về cứu rỗi người đời, ông đã dần dần xa lạ với con người.

Ông trở mình, thở dài: không là người, ta sẽ là ai? Yêu quái cản đường, biết bao kẻ chính từ trên đây xuống, pháp thuật vô biên, ác nghiệt vô cùng. Ta nhập vào chốn ấy biết rồi thành Phật hay ma?

Đường Tăng chợt nhói trong tim. Ông khẽ rên lên, hai tay ôm ngực. Mở mắt thấy các đồ đệ đang đứng bên giường nhìn ông âu lo. Cả ba hình như đều không ngủ.

Đường Tăng thở hắt: “Không sao đâu. Ta chỉ chợt nhớ tới ngày xưa”. Nói rồi lại nhắm mắt.

Nghe tiếng Ngộ Không: “Xin thầy đừng tự dối lòng. Thầy đang nhớ cả kiếp người – Đường Tăng rùng mình khi giọng Ngộ Không quá u uất – Con từ đá sinh ra. Coi thường cả thần thánh, yêu ma, chỉ mong được thành người. Thầy đã là người lại tự bỏ mình đi tìm hồn phách khác. Đêm nay sao khỏi xót xa”.

Bát Giới cười khẽ: “Làm người có gì vui. Chúng ta đã dốc lòng theo đạo, ngày mai được lên chốn thần tiên, sung sướng biết bao nhiêu. Thầy đừng luyến tiếc”.

Sa Tăng an ủi: “Thầy trò mình sắp hóa Phật mang đạo xuống khai sáng cho loài người. Công quả vĩ đại lắm”.
Đường Tăng lắc đầu, nằm im hồi lâu, hai tay vẫn đặt lên tim, mắt vẫn nhắm, nước mắt trào ra ấm nóng lại. Rồi như trăng trối: “Ta ước gì đêm nay đừng sáng. Ta đau đớn cho mười mấy năm viễn du. Ngộ Không ơi! Một đời con mong được thành người thì bị bắt ép phải theo ta để thành Phật. Bát Giới tự dối mình giác ngộ thật ra chỉ là đi tìm một chốn hoan lạc mới. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi hoang tưởng khác mà lại hy vọng khai sáng. Còn ta? Không còn là người không phải là người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người”.

Ngộ Không sụp xuống nắm tay thầy nghẹn ngào: “Thầy đã nhận ra chân lý. Nhưng chậm quá rồi”.
Đường về. Qua sông. Thiên sứ vừa cười vừa chỉ cho Đường Tăng thấy thân xác ông đang trôi dạt dưới cầu.
Nhưng Đường Tăng đã không nghe thấy gì nữa. Đôi mắt vô hồn.
 
Top