Địa linh Nhân kiệt

Mai Hoa

Điều hành cấp cao
Động Hoàng Xá - Chùa Hoàng Xá

Trước đây, nhiều lần MH đã được nghe đến chùa Hoàng Xá gần chùa Thầy nhưng chưa từng đến. Hôm nay không hiểu vì cơ duyên nào nên đi qua phủ Quốc Oai, thấy tên Động Hoàng Xá mới nhớ lại lời xưa nên rẽ vào chơi. Cũng lạ vì quanh khu Quốc Oai này thường chỉ hay nhắc đến Chùa Thầy, Chùa Trăm Gian, Chùa Tây phương... mà ít nghe đến Chùa Hoàng Xá. Nhưng nơi này hóa ra phong cảnh tuy cổ kính hoang phế nhưng hữu tình, rất đẹp. Về tìm lại các thông tin mới thấy nơi đây cũng là chốn linh địa. Cơ duyên nhưng.. kể cũng thú!
.....Theo ngược dòng con sông Đáy từ cầu Mai lĩnh đến dãy núi chùa Thầy có vài dãy núi đất có , đá có, mà địa mạch chạy ngược so với dòng sông, tạo nên một vùng bán sơn địa với nhiều danh lam , thắng cảnh nổi tiếng, đẹp đến nỗi tốn biết bao bút mực của các danh sĩ từ xưa đến nay.... Riêng về Phong thủy cũng có rất nhiều người qua vùng đất này để tham quan , chiêm nghiệm vì nơi đây nghe đồn là vùng đất Địa linh có nhiều Huyệt quý như Sài sơn (Chùa Thầy ) có Huyệt Đế vương, núi Phượng hoàng cũng có Huyệt Đế vương chắc là xuất phát từ cuốn "CAO BIỀN ĐỊA LÝ TẤU THƯ ". Khi mà các tin đồn này lan truyền trong dân gian thông qua truyền miệng từ đời này qua đời khác khiến cho dân chúng và các nhà chức trách Địa phương ra sức bảo vệ một phần di sản quý báu vừa vô hình, vừa hữu hình và họ hy vọng biết đâu đó sẽ có những ông Vua,ông Quan sinh ra từ đất này.

Dãy núi đầu tiên từ chùa Hỏa tinh sang chùa Linh đến giáp dẫy núi đá Trầm. Dẫy núi này rất đặc biệt về đặc điểm Địa chất vì có nhiều loại Khoáng sản, thậm chí có cả than. Dãy tiếp theo là dãy núi đá Trầm và nơi đây ăn thông sang dãy núi đá có chùa Vô vi. Mạch đá núi Trầm tàng Phong tụ Thủy, kết Huyệt, Minh đường rộng rãi có dãy núi đất trước mặt làm án , sơn thủy hữu tình, cách đó không xa chùa Vô vi nằm trên mộtngọn núi đá đơn độc với những điểm Kiến trúc mang đậm màu sắc Đạo giáo...

.... Cách núi Trầm không xa,một dãy núi khác chạy từ Quốc lộ số 6 (Đường Hà nội -Hòa bình ),chạy một đọan hơn 10 cây đến tận xã Đồng lư. Trên đỉnh của ngọn núi Đồng lư có một ngôi chùa , hiện nay cũng đã bị tàn phá, chỉ còn dấu tích, phải nói rằng trên dãy núi này có khá nhiều chùa chiền nổi tiếng, ví như chùa Trăm gian, tọa lạc trên một thế đất Hữu Long vô Hổ. Đi tiếp ngược lên trên là dãy núi đá có hình con quái long mà đầu là núi Thầy, đuôi là động Hoàng xá. Các đốt của Long mạch này đều có Long hộ vệ , nói cách khác là có những mạch đất gặp mạch đá thì kết Huyệt và trên các Huyệt này đều có dựng chùa ở trên như chùa Long đẩu ở đốt thứ hai, chùa Hoa pháp ở đốt thứ ba. Đầu của con Long đá bao bọc lấy Huyệt nơi chùa Thầy tọa lạc, lấy đốt thứ hai làm án Long trì trước mặt làm Minh đường,nhưng thế đất đó cũng chỉ là hữu Hổ vô Long. Đốt thứ tư là núi Phượng hoàng có hình dáng giống như một con đại bàng đang xà xuống, theo sách CAO BIỀN ĐỊA LÝ TẤU THƯ thì đây cũng là một thế đất phát Đế vương. Phần đuôi của Long mạch là động Hoàng xá, núi này tương đối đẹp, bốn phía đều tàng phong tụ thủy , tuy nhiên chỉ có phía mặt chính là hình thể toàn diện nhất, Long Hổ đầy đủ ôm lấy Minh đường là hồ tự nhiên, phía xa trước mặt là sông Đáy chảy qua, lấy làng làm án. Thế đất này trong sách của Cao vương mô tả và kết luận là thế đất phát Công khanh.
....

Tham khảo : http://nguoihatay.net/showthread.php?157-Vài-nét-về-địa-mạch-hà-tây


hoang xa.jpg
Hình: Toàn cảnh khu chùa Hoàng Xá từ ảnh vệ tinh.

Động Hoàng Xá nằm trên địa phận xã Hoàng Ngô thuộc thị trấn Quốc Oai, có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, từng được ví như “Vịnh Hạ Long cạn”. Nhìn từ xa, núi Hoàng trông giống như một chú Voi khổng lồ, nên núi còn được gọi là núi Tượng Linh. Bên trong núi có một hang động lớn có sức chứa được nhiều người gọi là động Hoàng Xá.



Hình: Cửa động Hoàng Xá


Theo quan niệm địa lý xưa thì toàn bộ hệ thống Thập lục đại danh sơn (16 ngọn núi) của phủ Quốc Oai là chi long, gân mạch bắt nguồn từ tổ sơn là núi Tản Viên linh thiêng. Uốn lượn chìm nổi theo địa long mạch, kéo dài hàng chục ki-lô-mét để tạo nên vùng núi non đột khởi giữ vững vùng đồng băng mênh mông, bát ngát.


Theo các nhà khảo cổ và địa chất học, động được hình thành do vận động tạo sơn của lớp địa tầng, chính bởi vậy bao trùm động Hoàng Xá là lung linh một màu nhũ tuyệt đẹp. Trong ngày, vào lúc có ánh nắng mặt trời, toàn động được chiếu sáng bằng hai hướng là tây bắc thoáng rộng và khoảng trống thông với tầng lộ thiên với vòm động cao gần 100m. Xưa kia, tri phủ Quốc Oai Trần Trọng Triết đã tạc một bài thơ trên vách động, tả về vẻ đẹp hư hư, thực thực có một không hai của Động Hoàng:


“Gương nhật nguyệt sớm chiều chếch bóng

Tháp thần long ngồi ngóng gió mây

Gặp tiên một buổi hôm nay

Mà lòng đã chắc những ngày một hai”.


Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” của Cao Xuân Dục có ghi lại rằng, Hùng Vương thứ 16 cùng công chúa Man Đề khi đi ngao du sơn thủy có ngự thuyền “Long Chu” tại “Thập lục sơn”. Trước cảnh trí thiên nhiên đẹp như một bức tranh cẩm tú, ngài nảy ra ý định chọn Hoàng Xá, nơi có “tả thanh long, hữu bạch hổ” làm đất đóng đô. Nhưng động Hoàng Xá, trung tâm của vùng lại là động thủng, xuyên từ sườn bên này sang sườn bên kia, làm cho núi bị “xuyên sơn”. Mà theo thuyết phong thủy thì địa thế như vậy là điều cấm kỵ đối với sự bền vững. Ngày nay, người Hoàng Xá từng lưu truyền câu ca tự trào:


“Hoàng Xá có núi Cửa Hang

Rỗng toang rỗng tuếch cả làng đói meo”.


Phía bên trong động có các khối nhũ tạo hình voi đứng, voi nằm, có kích thước gần bằng kích thước của những con voi thật. Trên các vách động còn xuất hiện nhiều hình tượng Phật, tượng Thần với nhiều phong thái khác nhau càng tạo cho động vẻ linh thiêng.


Nền động thoáng rộng, có nhiều phiến đá tự nhiên ghép lại thành một tảng đá lớn. Tương truyền từ xa xưa đây là chỗ đánh cờ du ngoạn của khách tiên. Còn ngày nay, phiến đá là điểm lý tưởng để khách tham quan du lịch có thể nghỉ chân để tận hưởng cảm giác thoải mái, dễ chịu và đón nhận luông gió mát từ cửa động thổi vào.


Đứng trên cửa động nhìn xuống có một hồ sen (còn gọi là Giếng Cả ) rộng gần 2 mẫu, nước không bao giờ cạn. Theo lời kể của các cụ già ở địa phương thì xưa kia đây là nơi cung cấp nước ngọt quanh năm cho cả làng Hoàng Xá. Cụ Cao Bá Quát có ví Hồ sen có hình một con cá chép, đầu ghếch lên phía cửa động, lưng uốn cong tựa vào núi Hoàng. Ở giữ hồ nơi tương truyền là rốn cá có một mô đất nổi, trên đó xây dựng một quán gió nối với bờ bằng một cây cầu hình bán nguyệt.



Trên vách động chính diện cửa đi vào là tượng thờ Cao Xuân Dục (1842-1923). Sử sách ghi lại rằng Cao Xuân Dục là ông quan được triều đình nhà Nguyễn trọng dụng. Khi ấy, Hoàng Cao Khải được người Pháp ủng hộ có mưu đồ muốn làm Phó Vương. Lúc này họ Hoàng lộng hành, ép cá quan triều đình phải đồng ý và ký vào một tờ biểu dâng vua. Hỏi đến Cao Xuân Dục , ông không những không ký và còn đề cao mấy câu:


“Thiên vô nhị nhật
Quốc vô lưỡng vương
Thần Cao Xuân Dục – Bất khả ký”

Tạm dịch mấy câu thơ của ông như sau:
Trời không thể có hai mặt trời
Nước không thể có hai vua
Thần Cao Xuân Dục không thể ký vào tờ biểu này.


Vì lý do đó ông bị giáng chức, điều về làm quan tri phủ Quốc Oai. Làm quan thanh liêm, ông được dân tin yêu. Sau khi ông mất, dân tạc tượng thờ ở giữa Động Hoàng. Quãng thời gian ông về làm tri phủ Quốc Oai tuy không dài nhưng ông đã truyền bá tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và truyền thống hiếu học cho nhân dân phủ Quốc Oai.

Tham khảo: http://cuuchienbinh.com.vn/index.aspx?Menu=1372&Style=1&ChiTiet=2790

Rất tiếc hôm nay đi mà không có máy ảnh số, ảnh có thể tìm được trên mạng nhưng MH không muốn đưa vào đây. Với những thông tin trên và những gì đã biết thêm, chắc chắn còn quay lại Hoàng Xá vào một ngày rất gần để chụp ảnh và thực hiện một bài viết mới.
 
Last edited by a moderator:
Top