Cự môn nhàn đàm

Tuetvnb

Administrator
Cự môn, là sao thứ 2 trong Bắc đẩu thất tinh. Thuộc thủy (có thuyết cho rằng Thủy đới kim). Là sao thiên về Âm tính. Bởi thế, hóa khí của nó là Ám tinh (che ám). Nhập Thân Mệnh là Hung tinh, chủ về thị phi khẩu thiệt, chính vì vậy mà phú mới viết rằng “Cự môn định chủ thị phi”.

Nhưng phàm là chính tinh, thì kiểu gì cũng phải có uy lực, tức là cũng phải có mặt tốt. Một trong những cái tốt của Cự môn là lợi tài, lợi cho việc tranh đoạt, hoạt ngôn đa ngữ. Bởi Cự môn được coi là Thần chuyên trông coi về Phẩm chất của vạn vật. Tức là chuyên về nhận xét cái tốt, cái xấu của vạn vật. Cho nên mới gán cho nó cái tiếng “Thị Phi”. Cũng chính vì điểm này mà phát sinh nhiều quan điểm chưa được đánh giá đúng mức về Cự Môn.

Luận về Cự Môn thì có 2 tính chất đại biểu rất quan trọng đó là “Khẩu thiệt thị phi” và “Minh tranh ám đấu”.

Khẩu thiệt thị phi, tức là nói đến việc hay dính dấp vào chuyện miệng lưỡi – đúng sai, hay tiếp xúc, hay gặp phải những chuyện liên quan đến lời ăn tiếng nói, đến chuyện đúng sai của cuộc sống. Điều này cần phải hiểu cho đúng, vì không thể có định kiến cứ cho rằng “khẩu thiệt thị phi” là đặc tính không tốt! nhưng nên nhớ rằng cái gì cũng có mặt lợi mặt hại, ví thử như nếu làm những nghề về thương trường, về biện hộ, cần đến sự ăn nói linh hoạt, thì đôi khi sự biến báo ngôn ngữ của Cự Môn lại là một đặc tính quý giá.

Minh tranh ám đấu, tức là nói đến cái sự tranh giành quyết liệt ! điều này cũng không có gì là lạ, khi ngôn ngữ giảo hoạt, hùng biện, thì không dễ gì chịu lùi bước. Phàm đã là chuyện tranh cãi thì đương nhiên cần phải cọ sát đề giành phần thắng. Nhưng cũng còn kèm theo 1 nghĩa nữa cần để ý, đó là cái tính không chịu nhường nhịn. Khi xảy ra tranh giành thường quyết liệt, khó lòng kiềm chế bản thân. Và cũng chính vì thế mà mắc cái tiếng “thị phi”. Hai tính chất này có quan hệ hữu cơ với nhau, cần chú ý khi luận đoán.

Cũng như nguyên tắc thông thường, khi luận về tinh diệu thì cái sự Miếu-Hãm là vô cũng quan trọng. Bởi cũng một tính chất như thế, nhưng Miếu thì khả dụng, mà Hãm thì sinh tai.

Cự môn Miếu ở Mão Dậu, Vượng ở Tý Ngọ Dần, đắc địa ở Thân Hợi. Đều là những đất tốt có thể làm cho cái tính “thị phi” “tranh đoạt” trở thành hữu dụng. Chủ về uy quyền, tài lộc. Còn những đất hãm của Cự Môn là Thìn Tuất Sửu Mùi Tỵ. Chỉ chuyên về thị phi chiêu oán, quan phi kiện tụng.

Trong đẩu số, cổ nhân viết về Cự Môn : “Tại thân mệnh nhất sinh chiêu khẩu thiệt chi phi; tại huynh đệ tắc cốt nhục tham thương; tại phu thê chủ vu cách giác, sinh ly tử biệt, túng phu thê hữu đối, bất miễn ô danh thất tiết; tại tử tức tổn hậu phương chiêu, tuy hữu nhi vô; tại tài bạch hữu tranh cạnh chi ý; tại tật ách ngộ hình kỵ, nhãn mục chi tai, sát lâm chủ tàn tật; tại thiên di tắc chiêu thị phi; tại nô bộc tắc đa oán nghịch; tại quan lộc chủ chiêu hình trượng; tại điền trạch tắc phá đãng tổ nghiệp; tại phúc đức kỳ họa sảo khinh; tại phụ mẫu tắc tao khí trịch”

Nghĩa là :

Tại Thân Mệnh một đời chiêu khẩu thiệt thị phi,
Tại Huynh Đệ thì anh em chợ búa với nhau,
Tại Phu Thê thì chủ về chia cách, sinh ly tử biệt, không khỏi ô danh thất tiết.
Tại Tử Tức thì không có hậu, tuy có mà như không.
Tại Tài Bạch thì ắt có sự tranh giành.
Tại Tật Ách mà gặp Hình kỵ, mắt có tật, thêm sát tinh mà lâm vào thì chủ tàn tật,
Tại Thiên Di thì ứt chiêu thị phi,
Tại Nô Bộc ắt là nhiều oán nghịch.
Tại Quan Lộc chủ về gặp hình trượng (pháp luật).
Tài Điền Trạch thì phá đãng tổ nghiệp,
Tại Phúc Đức họa không phải là nhỏ,
Tại Phụ Mẫu thì dễ bị bỏ rơi

Xem như trên thì thấy rằng mười hai cung Cự môn đóng đều không có chỗ nào tốt. Nếu nhận xét như thế thì cũng có phần khắt khe quá. Bởi như đã nói, còn phải căn cứ vào xem Miếu Hãm thế nào. Đến như Trần Đoàn lão tổ cũng còn phải nhận xét “Chí Hợi Dần Tỵ Thân, tuy phú quý diệc bất nại cửu” Tức là tại Dần-Thân, Hợi-Tỵ tuy có phú quý mà không bền.

Khi Cự môn nhập Thân mệnh, Trần Đoàn lão tổ nhận xét “chưởng chấp thị phi, chủ vu ám muội, nghi thị đa phi, khi man thiên địa, tiến thối lưỡng nan. Kì tính tắc diện thị bối phi, lục thân quả hợp, giao nhân sơ thiện chung ác” – Tức : “nắm cái sự đúng sai trong tay, mà lại chủ về ám muội, đúng thì nghi ngờ, mà nhiều điều sai trái. Khinh dối cả đất trời, tiến thoái đều khó. Về Tính thì trước mặt bảo đúng mà sau lưng bảo sai, không hợp với lục thân, giao kết với người thì ban đầu thiện mà về sau ác”.

Sở dĩ trong 12 cung, Cự môn không được cung nào tốt, bởi chính tại cái tính “khẩu thiệt thị phi” “minh tranh ám đấu” mà ra cả. Ta cũng phải nhìn nhận cho rõ, tính này có thể lợi ngoài xã hội nhưng với lục thân gia đình thì tuyệt nhiên không hợp. Bởi thể mới nói “Lục thân quả hợp”.

Nhưng ngoài những đặc tính trên, thì Cự môn cũng chủ về Tài khí. VÌ bản thân Cự môn là ngôi thứ 2 trong Bắc đẩu thất tinh, trong các môn thuật số khác thì Cự Môn được coi là Thiên Y, chủ về vật chất. Cho nên mới nói Cự lợi tài. Nhưng cũng cần phải chú ý, cái Lợi về Tài của Cự là do hệ quả của 2 tính chất trên mang lại, chứ tuyệt không phải là trực tiếp từ tính chất mà có giống như các Tài tinh khác. Vì thế mà chỉ dám nói là Lợi Tài, mà cổ nhân không dám phê là Tài Tinh.

Về Mệnh số con người, dù thế nào đi nữa, nhưng khi có Cự môn nhập vào Mệnh Thân, ắt sẽ không thể toàn vẹn. Bởi kể cả khi nhập Miếu cũng chỉ là Hư Cát. Cuộc đời ít nhiều sẽ có nhưng điều không được mỹ mãn, đặc biệt là trong quan hệ gia đình. Hơn thế nữa, vận trình cuộc đời ắt sẽ thăng trầm, ít nhất phải qua gian khó một thời mới mong thành nghiệp, luận về chỗ này, cổ nhân chỉ có một câu “kinh lịch gian tân”. Tùy thời xử thế, nên hay không là ở chỗ có HỢP hay không. Tinh diệu thì vốn có Miếu Hãm, mà sự đời thì cũng có ĐẮC-THẤT. Quy luật vận hành của tinh diệu cũng là quy luật vận hành của đời người. Muốn biết được thì nên xem xét cái chu kỳ vận hành của Cự và chòm Bắc đẩu trên 12 cung ắt sẽ sáng tỏ.

Về chính danh thì Cự Môn chỉ có :
THẠCH TRUNG ẨN NGỌC
CỰ CƠ MÃO DẬU
Ngoài ra, còn xét thêm cách CỰ-NHẬT, vốn sinh ra từ thế đứng của CỰ MÔN tương đối với Thái Dương.


(còn tiếp)
 

Tuetvnb

Administrator
Bàn về vấn đề “Cự môn kỳ cách vi đại danh”:

Cổ thư để lại khi viết về Cự Môn có viết “tại mệnh bàn chủ khẩu thiệt thị phi, minh tranh ám đấu. Nhược hóa quyền tinh, tắc vi nhân sư biểu, thanh danh viễn dương. Dữ thái dương hội chiếu, tắc quang minh lỗi lạc, năng phú năng quý” – nghĩa là : Cự môn tại mệnh, chủ về khẩu thiệt thị phi, minh tranh ám đấu. Nhưng nếu hóa Quyền tinh, thì ắt sẽ là kẻ mô phạm, danh tiếng bay xa. Cùng với Thái Dương hội chiếu thì quang minh lỗi lạc, lại vừa Phú vừa Quý”.

Cự môn Hóa thành Quyền tinh khi nào? Xem trong bảng tứ Hóa thì thấy :

Cự hóa Lộc ở tuổi Tân
Cự hóa Quyền ở tuổi Quý
Cự hóa Kỵ ở tuổi Đinh
Cự môn không hóa Khoa!

Đây là Chính thể Hóa cách, đừng nhầm với việc phát biểu Cự Môn – Hóa Quyền. Tức là Cự môn gặp Hóa Quyền hay hội Hóa quyền. Như vậy, câu “nhược hóa quyền tinh, tắc vi nhân sư biểu, thanh danh viễn dương” – là nói đến ý rằng, với người tuổi Quý thì chính thể Cự môn sẽ hóa thành Hóa Quyền, là đắc cách. Còn với người tuổi Tân, vì cách an Tứ Hóa "Tân : Cự - Nhật - Văn Khúc - Văn Xương” – vậy, nếu mệnh người tuổi Tân mà đóng ở tại 4 cung Dần-Thân, Tỵ-Hợi thì đắc cách vì sẽ hội được Lộc-Quyền, cũng là một trường hợp xem xét.

Mà như ở phần trước đã nói : Cự Môn chủ về Thị Phi Khẩu Thiệt, tức cũng chủ về danh tiếng, nếu Cự Miếu Vượng là thành đắc dụng, lại hóa Quyền, thì danh tiếng bay xa. Nếu thêm Quế Hoa, Thiên Ất, đặc biệt là Kình dương nhập miếu hội chiếu thì ắt hẳn danh tiếng không phải là nhỏ, vì “kình dương nhập miếu – cái thế văn chương”. Vì thế Phú Trần đoàn mới luận “Cự Kình Hóa Lộc Tuất Thìn Cung – Tân Quý sinh nhân Phú Quý đồng – Đắc vận thanh danh lưu viễn xứ - Chỉ khủng tha hương lão bất hồi” – Cự Kình Hóa Lộc ở tại Tuất-Thìn 2 cung, nếu người tuổi Tân, tuổi Quý thì được phú quý, nếu đắc vận gặp thời thì tiếng tăm lừng lẫy xứ người, nhưng chỉ sợ rằng sẽ rơi vào cảnh tha hương đến già chẳng về được.

Có người hỏi, Cự môn có phải là kẻ học giỏi không? Chúng ta nhìn vào cách Hóa của Cự, thấy Cự không hóa Khoa. Thường cái sự khoa bảng của Cự phần lớn đem lại ở tá tinh. Chứ tuyệt nhiên bản thân Cự không phải là sao học vấn, nếu ai đó cho rằng Cự Môn là sao học vấn thì không đúng. Không nên nhầm danh tiếng với học vấn, có thể nổi danh, nhưng bằng cấp thì lại là câu chuyện khác. Vậy, người Cự môn mà muốn thành danh trong học nghiệp, nhất định không thể rời xa bọn Văn tinh Quý tinh. Nhưng khổ nỗi, khi Cự hội được bọn văn tinh, thì dễ thành nhà mô phạm, lại không có lợi cho tiền tài. Cho nên ở một phương diện nào đó, nếu lưỡng toàn cả hai, thì cần Quý tinh hội hợp và Hình Tướng Ấn, thì có thể làm đắc dụng cái ngôn ngữ của Cự mà ra xã hội tranh giành lấy phú quý công danh.

Ta hãy điểm qua sự vận hành của Cự Môn

Cự môn tại Tý – Ngọ cung :


Đây chính là cách “Thạch Trung ẩn ngọc”! Cái cách mà bị bọn hậu sinh suy diễn nhiều nhất. Nào là phải gặp Tuần Triệt “mới mong sáng rõ”, hoặc “phải có hung tinh mới mong phá đá để lộ ngọc ra ngoài”…đủ trò. Nhưng thực chất về cách này thế nào?

Cổ thư viết “Cự Môn Tý Ngọ Lộc Khoa Quyền, Thạch trung ẩn ngọc phúc hưng long”, Cự Môn ở Tý Ngọ đã đành, nhưng điểu kiện đủ để được hưởng cái chữ “phúc hưng long” (phúc lớn lao) thì phải có Lộc-Khoa-Quyền. Tức là phải có Cát Hóa. Vậy thì cái quan điểm “cần tuần triệt” “cần hung tinh” là quan điểm suy diễn, bởi khi gặp Tuần Triệt sẽ bị phá cách. Thực ra cổ nhân nói “thạch trung ẩn ngọc” tức là hình ảnh ẩn dụ vậy thôi, chứ chẳng có cục đá, viên ngọc nào ở đây cả. Ý cổ nhân chỉ muốn nói rằng, cách này là các “nghi ẩn bất nghi hiển”, nên ẩn đi mà không nên hiện ra. Nguyên do là vì tại Tý Ngọ, vốn là đất vượng của Cự. Nhưng bản chất thì Cự là Hung tinh, tính thì là Thị Phi Khẩu Thiệt, cái tính này là điểm cực bất lợi trong cuộc sống, đặc biệt là trong quan trường. Vậy khi Cự vượng địa sẽ được đắc dụng, tức là tính thị phi khẩu thiệt kia sẽ phải ẩn đi, phải mất đi. Giống như viên ngọc nằm sâu trong đá vậy.

Riêng phân tích về cách này, cũng cần nói rõ thêm về các điều kiện phối hợp của nó :


  • Gặp Quyền (hoặc) Lộc là Thượng cách
  • Gặp Lộc tồn là Thứ cách.
  • Không có Lộc tồn, chẳng có Hóa cát là tầm thường.

Đặc biệt, trái với quan điểm cho rằng “cần hung tinh để phá đá lấy ngọc ra”, thì cách này rất sợ Kình Dương tại Ngọ. Gặp Kình dương tại Ngọ là sợ nhất vì riêng Kình đã làm nên cách “mã đầu đới kiếm” chủ về hung. Cổ thư viết về trường hợp này có nói “Đãn kiến Kình Dương vi phá cách, Chủ nhân khốn trệ họa lai ương” – Tức là : Nếu gặp Kình dương thì là phá cách, chủ người khốn đốn, gặp nhiều tai ương.

Vương Đình Chi khi bình về cách này còn cho rằng, nếu Lưu niên Mệnh cung mà gặp cách này, lại có Lưu Kình bay đến thì không thể cát tường được.

Và cổ nhân có lời khuyên cho cách Thạch trung ẩn ngọc này rằng : “bất tẩu tối cao phong vi nghi, tắc nhất sinh vị cao lộc hậu, nhược thủ đính điểm, tắc hữu lương hậu quả, hoặc tao chúng nhân sở chỉ trách, chí thân bại danh liệt” – Nghĩa là “chẳng nên đi đến đỉnh cao thì một đời được chức cao lộc hậu, nếu mà lên đến đỉnh cao ắt sẽ gặp rắc rối, dễ bị người ta chỉ trích, thậm chí là thân bại danh liệt”.

Đến đây thì cảng thấm thía cái câu “nghi ẩn bất nghi hiển”, cứ yên tâm ngồi đó “ngậm miệng ăn chè” mà hưởng vinh hoa phú quý, chớ có nổi hứng mà tranh đoạt với đời thì sẽ lãnh hậu quả. Đấy mới đích thực là “ngọc ẩn trong đá”.


(Còn tiếp)
 

Trợ Giảng

Trợ giảng
Cám ơn thày đã có bài viết rất hay, xin có mấy lời bàn thêm như sau:

Về cách Cự môn Tý ngọ, tinh bàn ấy có 2 cái được: thứ nhất là phúc cung Đồng lương Dần thân là đắc cách. Thứ hai là bộ Nhật Nguyệt Thìn Tuất ở trục Quan - Thê (Cự Môn tý thì được Nhật nguyệt sáng, Ngọ thì Nhật nguyệt phản bối). Chính thế nên Cự Môn tý tốt hơn Cự Môn ngọ. Đó là lý do mà có thể "phúc hưng long" và đường quan lộc công danh sáng sủa. Tuy nhiên tinh bàn này có cách Liêm Tham tị hợi nên có ẩn cái nguy cơ "thân bại danh liệt".

Kình Dương nếu cư Tý Ngọ thì bộ Nhật nguyệt ở đây bị Kình Đà vây hãm nên không thể tốt, giảm cái minh mà tăng cái ám của hệ tinh bàn. Với cách này cũng phải rất chú ý vị trí của Hóa Kỵ.

Nói thể để rõ rằng, cái tốt của cách Cự môn không phải ở sao Cự Môn mà ở.. chỗ khác. Còn với Chính tinh an mệnh Cự môn thì phải biết lợi dụng cái tốt mà giảm cái xấu, nếu không họa tiềm ẩn bất cứ lúc nào.

Thế Tử Phá chính là một tinh bàn rất hay! Trên tinh bàn này là có nhiều khả năng xảy ra "phản vi kỳ cách" như : Nhật nguyệt phản bối, Liêm tham tỵ hợi.
 
Last edited by a moderator:

Tuetvnb

Administrator
Cự Môn tại Mão Dậu cung

Cự Môn tại Mão Dậu cung, gọi là Cự Cơ Mão Dậu, nó không hình thành hẳn một cách cục có điểm đặc trưng riêng như một số cách cục khác, mà chỉ là tên gọi của thế đứng chính tinh. Người ta hay gọi nó là “thế Cự Cơ Mão Dậu” thay cho “Cách Cự Cơ Mão Dậu” là vì nguyên nhân trên. Cũng có người thì đặt tên cách này là Cơ Cự Đồng Lâm, những chẳng qua chỉ là mỹ từ thôi, vì nó cũng là nghĩa Cự Cơ đồng cung tại Mão dậu vậy.

Khi Cự Môn đồng cung Thiên Cơ ở đất Mão Dậu, thì nhìn nhận đầu tiên là cả hai sao đều nhập miếu. Nhưng vì nó là sự kết hợp của một Cát tinh và một Hung tinh, nên dù sao cũng có nhiều khiếm khuyết. Có rất nhiều quan điểm xung quanh thế đứng này của Cự Môn. Nhưng xem ra, tựu chung lại thì vẫn chỉ xoay quanh vấn đề phối hợp với tá tinh mà ra cả.

Nhìn trong toàn tinh bàn, đây là Cự Cơ gặp nhau khi Tử Vi di chuyển đến Thìn-Tuất, tại vị trí này Tử sẽ gặp Tướng. Do vậy bài bố toàn tinh bàn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của thế đứng này. Nếu trong trường hợp này mà Mệnh cư vào Mão Dậu hai cung thì ta sẽ thấy : Cung Tài là Thiên Đồng đắc, cung Quan Vô chính diệu, cung Di Vô chính diệu mà Nhật Nguyệt thì đồng cung tại Sửu Mùi sẽ nhập Cung Phu Thê, Phúc cung sẽ là Thiên Lương hãm tại Tỵ-Hợi. Chưa cần bàn đến Cự Cơ, chỉ nhìn thế đứng của Tử vi tinh bàn này cũng cho thấy chủ nhân không thể là người an nhàn. Cho dù có đạt phú quý công danh cũng không thể nhàn hạ được. Cho nên, mẫu người Cự Cơ là người vất vả, bận rộn, lo toan, bon chen và sắc sảo. Cả cuộc đời lúc nào cũng mải mê, bề bộn. Muốn có một chút an nhàn cũng khó, thân – tâm đều không thể an tịnh.

Xem ra, nếu xét Tam Phương Tứ chính thì thế đứng này không hẳn là toàn vẹn, bởi lẽ chỉ có Bản cung là sáng sủa, mà Tài cung thì có Thiên Đồng vốn dĩ được cho là “bạch thủ thành gia” – tay trắng mà dựng lên cơ nghiệp. Cung Di, Cung Quan đều Vô Chính Diệu, nguyên thần chính khí suy kém, cho nên nếu muốn nên công quả trong quan trường, buộc phải mượn đến phụ tinh, tá diệu mới hy vọng, mà kể cả ngay khi có đầy đủ bọn tá diệu, cát hóa cũng phải lao đao lận đận mới thành. Cũng chính vì điểm này mà quan điểm về Cự Cơ Mão Dậu có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Ngay cả trong Phú đoán cũng có 2 chiều hướng Cát-Hung rõ rệt.

Cổ nhân bình về thế đứng này có viết : “kiến phụ tá cát diệu giả, mão cung khả quý hiển, phú diệc nại cửu, nhi dậu cung tắc hữu quý nhi bất hiển, phú nhi bất cửu đích khuyết hãm.” – Gặp phụ tá là cát diệu, nếu ở Mão cung thì có thể quý hiển, nhưng dù cho có Phú cũng không bền, mà tại Dậu cung thì có thể sẽ được quý nhưng cũng không nổi danh được. Phú mà không bền, Quý mà không hiển, đó chính là cái sự khuyết hãm của Cự Cơ Mão Dậu vậy.

Phú có nói “Cự Cơ cư mão, Ất Tân Kỷ Bính nhân vị chí công khanh” – Tức là Cự Cơ ở Mão, người tuổi Ất-Tân-Kỷ-Bính thì có thể làm đến công khanh. Nhưng lại nói thêm “Cự Cơ Dậu thượng hóa cát giả, túng ngộ tài quan dã bất vinh” - Tức là Cự Cơ đóng ở cung Dậu mà gặp Hóa cát (Lộc Quyền Khoa), dẫu có tiền bạc, công danh nhưng cũng không được vinh hiển.

Sở dĩ như vậy, chính vì bản chất của Cự Môn là Ám tinh thuộc Hung tinh. Cho dù thế nào cũng không tránh khỏi cái sự thăng trầm lao đao, khá lên nghèo xuống nhiều lần. Như phần trước đã nói, kiểu gì cũng phải “kinh lịch gian tân”, nghĩa là phải trải quan nhiều gian khổ. Phú thì cũng có mà chẳng bền, tiền tài đến rồi lại đi, từ trong gian khó vươn lên, nhưng rồi cũng khó lòng bảo toàn. Mà quý thì cũng không vênh váo được với đời, có chăng chỉ là nhất thời đắc vận được một chút, mà về sau thì im hơi lặng tiếng. Hơn nữa, trong câu chuyện Phú-Quý này, cũng như phần trước đã nói : Nếu biết dừng đúng lúc thì bảo toàn được thân danh, bằng mà cứ leo lên chót đỉnh thì thân bại danh liệt. Đó cũng là một đặc điểm quan trọng của Cự Môn.

Xưa cổ nhân thì vẫn coi trọng Cự Cơ ở Mão hơn là Cự Cơ ở Dậu, bởi lẽ, ở Mão thì Ngũ hành bản cung thuộc Mộc, mà Cự thuộc Thủy, Cơ thuộc Mộc đều là sinh vượng bình hòa cho nhau. Còn Dậu cung thuộc Kim, so với ngũ hành bản thể của Cự Cơ đều là bị khắc chế hoặc sinh xuất.

Vì thế mà trong Trung Châu phái mới phân tích rạch ròi ra rằng : Cự Môn, Thiên tại Mão cung, hữu Hóa lộc hoặc Hóa quyền hoặc Lộc tồn đồng độ giả, tịnh hữu Tả phụ, Hữu bật, Thiên khôi, Thiên việt hội chiếu giả, chủ cực quý. Cự môn, Thiên Cơ tại Dậu cung, tuy hữu Hóa lộc, Hóa quyền hoặc Lộc tồn cát đắc đồng độ, tắc chủ quý nhi bất hiển, phú nhi bất cửu. Dĩ thượng các cung vị, quân dĩ tam phương tứ chính bất ngộ kình dương, đà la, hỏa tinh, linh tinh vi hợp cách” – Tức là Cự Môn, Thiên Cơ tại Mão cung có Hóa Lộc, Hóa Quyền, hoặc Lộc Tồn hội hợp, lại thêm Tả Hữu Khôi Việt thì cực quý. Còn Cự Môn Thiên Cơ tại Dậu cung, tuy cũng có Lộc, Quyền, Lộc Tồn hội hợp, thì vẫn quý mà không hiển, phú mà không bền. Trên tất cả các cung vị, cũng như tam phương tứ chính đều phải tránh xa Kình Đà Hỏa Linh thì mới hợp cách cục.

Riêng đối với Nữ mệnh, khi rơi vào Cơ Cự đồng lâm, cổ nhân không cho là tốt, phê rằng : “Cự Môn Thiên Cơ vi phá đãng”. – Cự môn Thiên Cơ đồng cung nhập nữ mệnh thường là người vẫn được phú quý, nhưng gia đạo khó toàn.

Đẩu số Toàn thư còn chú thêm : “Dần Mão Thân cung an mệnh Cự Cơ phùng chi, tuy vi vượng địa, nhiên chung phúc bất toàn mĩ, hoặc phú quý bất miễn tư tình, như cư hãm địa hạ tiện.” – Tức là : Dần-Mão-Thân cung mà an mệnh gặp Cự-Cơ, thì tuy là đất vượng địa đấy, nhưng cuối cùng cũng không được toàn mỹ, hoặc phú quý thì không tránh khỏi tư tình, còn nếu như mà cư hãm địa thì hạ tiện”.

Cũng chính vì thế mà Cổ nhân phê Nữ mệnh Cự cơ là “Cự Cơ Mão Dậu bất nghi gia” – tức là Cự Cơ ở Mão Dậu không thành gia đình được. Có lẽ, chỉ là ở cái bản tính Thị phi chiêu oán. Nên khó lòng bảo toàn gia đạo. Cũng do quan niệm trước đây về gia đình là phải “Phu xướng phụ tùy” – chồng là chủ khởi xướng thì vợ phải theo. Nếu gặp người nào mà có nhiều ý kiến phản đối, thì chắc chắn khó bảo toàn gia đình. Đến ngay như xã hội hiện đại cũng vậy thôi, nếu phụ nữ mà không khéo, cứ chao chát thì cũng dễ tan vỡ lắm.

Vai trò của Thiên Cơ trong cái thế Cự Cơ này thể hiện gần như mờ nhạt, bởi lẽ nó không có đồng minh, tam phương Tứ chính chỉ có một mình. Chính vì thế nên rất cần các phụ tinh, tá diệu cát như Khoa Quyền Lộc Quy, Xương Khúc Tả Hữu.

Cự Môn tương phối lục sát - lục cát :

(Còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:

Tuetvnb

Administrator
Cự Môn tương phối Lục Cát – Lục Sát

Như đã phân tích ở các phần trước về tính lý của Cự môn. Đành rằng là có các cách cục khác nhau, nhưng sâu hơn chút nữa, thì ta có thể thấy rằng các cách của Cự môn đều chịu ảnh hưởng rất nhiều của các tá diệu. Cho nên, xem xét việc Cự môn tương phối với các tá diệu cũng là một kỹ thuật cơ bản để luận đoán các cách cục của Cự Môn.

Cũng theo nguyên tắc thông thường của Tử vi, các cách cục của Cự Môn tập trung tính chất ở hai đặc điểm chính : sự Miếu Hãm của chính tinh và Hội hợp của tá tinh - hóa diệu.

Việc miếu hãm thì chắc không phải bàn nữa, bởi nó đã thể hiện trong cách cục của Cự Môn rồi. Còn sự hội hợp của tá tinh, hóa diệu thì cũng theo một nguyên tắc chung là “phùng cát dã cát, phùng hung dã hung”. Gặp được sao tốt thì là tốt, mà gặp được sao hung thì là hung. Có thể phân tích các trường hợp cụ thể như sau :

Hóa diệu : Hóa diệu là Lộc-Quyền-Khoa-Kỵ, Cự môn rất cần Lộc Quyền Khoa hội hợp để thành cách. Nhưng lại rất ngại Hóa Kỵ che ám (trừ một vài trường hợp đặc biệt được gọi là Phản vi kỳ cách).

Chẳng thế mà các câu phú đều tập trung vào việc xem xét sự hội hợp của Hóa diệu với Cự Môn, điển hình như “Cự môn Thìn Tuất vi hãm địa, Tân nhân hóa cát lộc tranh vanh” – tức là Cự Môn ở Thìn-Tuất vốn là đất hãm sẽ không tốt, nhưng người tuổi Tân thì gặp được Cát Hóa, tài lộc sẽ rất khá.

Như đã dẫn, ngay như cách Thạch Trung Ẩn Ngọc, khi Cự phối với các tá diệu, hóa diệu thì :


  • Gặp Quyền (hoặc) Lộc là Thượng cách
  • Gặp Lộc tồn là Thứ cách.
  • Không có Lộc tồn, chẳng có Hóa cát là tầm thường.



Các sao, các hóa đặc biệt thích hợp với Cự môn là Hóa Lộc, Hóa Quyền, Lộc Tồn. Cổ thư viết : Nhược đắc lộc tồn đồng độ, tắc phúc hậu lộc trọng, đãn tính tình kiệm phác nhi cẩn thận, chủ phú. Như hóa quyền, hóa lộc, tắc phách lực cực đại, thiện sang nghiệp, chủ quý” nghĩa là : Nếu được Lộc tồn đồng độ, thì phúc dày lộc trọng, nhưng tính tình thì cần kiệm cẩn thận, chủ về giầu sang. Còn như Hóa Quyền, Hóa Lộc, thì tính quyết đoán rất lớn, dễ gây dựng thành cơ nghiệp.

Đặc biệt là cách Cự Môn Tý Ngọ rất cần Quyền, Lộc. Chẳng thế mà Ngọc Thiềm tiên sinh đã nói Cự môn Tý Ngọ nhị cung phùng, cục trung đắc ngộ dĩ vi vinh, tam hợp hóa cát khoa quyền lộc, quan cao cực phẩm y tử bào.” Nghĩa là Gặp Cự môn ở hai cung Tý-Ngọ, được cục này là vinh hiển, nếu lại được Hóa Cát trong tam hợp hội về, thì có thể làm quan rất cao, mặc áo tía trong triều đình.

Cự Môn với Lục Cát (Tả Hữu Xương Khúc Khôi Việt) :

Với lục cát tinh, đương nhiên là nhóm của những sao phò trợ rất đắc lực để hỗ trợ thành cách. Nhưng trong đó, Cự môn đặc biệt thích hợp với Tả Hữu hơn. Cự được tả hữu hội hợp, dễ làm nên cơ nghiệp. Tả hữu trợ giúp cho Cự môn đắc dụng nhất là khi phối hợp được với Lộc tồn, người tuổi Quý được cách này sẽ phần nhiều là quý hiển.

Còn đối với Khôi Việt, ngoài ý nghĩa của Quý Nhân ra, thì Khôi Việt không có sự phụ giúp nào đặc biệt cho Cự Môn cả. Bởi lẽ, Cự môn dù sao cũng có tính tài khí mạnh, mà Khôi Việt thì chủ quý nhiều hơn, nên tác dụng không rõ rệt lắm. Khôi Việt trợ giúp đắc lực nhất cho Cự Môn khi Cự đóng ở cung Mão-Dậu. Trong trường hợp này thì vì có Thiên Cơ đi cung với Cự, nên rất thích hợp với Khôi Việt, chủ về Quý, dễ thành đạt trong quan trường.

Đối với Văn Xương, Văn Khúc, thì gần như là không hợp với Cự, bởi lẽ Cự vốn là hung tinh, chủ về thị phi, không hợp với văn tinh. Nếu lại gia thêm Hóa Kỵ nữa thì càng không hợp. Duy chỉ có một trường hợp Cự Môn cư Thìn, nếu gặp Xương Khúc, Hóa Quyền hoặc Hóa Lộc thì lại là Kỳ cách! Phản hung vi cát.

Cách này vốn dĩ nếu xét theo cách bình thường thì không có gì tốt đẹp cả. Cổ nhân đã nói “Thìn Tuất ứng hiềm hãm Cự Môn” – Hai cung Thìn-Tuất ngại nhất là gặp Cự Môn hãm! Tại vị trí này Cự Môn là đất hãm, đối cung là Thiên đồng cũng Hãm. Xét Tam phương hội hợp thì có 2 trường hợp : Cự môn cư Thìn thì sẽ có Thái Dương hãm hội chiếu, Cự Môn cư Tuất thì sẽ có Thái Dương miếu hội chiếu. Mấu chốt vấn đề chính ở chỗ này.

Đối với Cự Môn cư Tuất, Vương Đình Chi viết : “Cự môn tại Tuất cung, Hóa quyền hoặc Hóa lộc giả, nãi kỳ cách, nhân vi Thái dương tại Ngọ cung, thị Nhật lệ trung thiên, hội chiếu Cự môn, tắc âm ám chi khí tiêu tẫn hĩ.- Khi Cự môn đóng ở Tuất gặp Hóa Quyền, Hóa Lộc thì là Kỳ cách, nguyên do Thái dương đóng ở Ngọ, nhập miếu là “Nhật lệ trung thiên” sẽ làm tiêu tan cái ám khí của Cự.

Đối với Cự Môn tại Thìn cung, Vương viết : “Tại Thìn cung, hữu nhất cá trọng yếu cách cục: cự môn dữ Văn xương đồng độ, Tân niên sinh nhân chủ phú quý vô luân. (phường bản chích ngôn cự môn tại thần tuất, "Tân sinh nhân mệnh ngộ phản vi kỳ" , thiểu liễu Văn xương đồng độ giá cá điều kiện) tại Tuất cung kiến cát Hóa diệc vi kỳ cách.” – Tại cung Thìn có một cách cục trọng yếu của Cự Môn, đó là Cự Môn Văn Xương đồng độ, người tuổi Tân chủ phú quý không kể hết (phường bản* chỉ nói Cự Môn tại Thìn Tuất “Người tuổi Tân mà mệnh gặp được thì lại lại là kỳ cách”, mà thiếu mất điều kiện Văn xương đồng độ). Tại cung Tuất mà gặp Hóa Cát cũng là kỳ cách.

* Sách ngày trước chia làm 2 loại, Kinh bản và Phường bản. Kinh bản là sách chính gốc, còn Phường bản là các sách bản sao của các địa phương khác nhau.

Như vậy, tổng kết lại sẽ có các trường hợp gọi là “kỳ cách” như sau :


  • Cự Môn cư Thìn, có Văn xương đồng độ, người tuổi Tân thì đắc cách
  • Cự môn cư Tuất, có Quyền Lộc hội hợp, người tuổi Tân hợp cách.

Chú ý rằng, điều kiện để có được kỳ cách phải rất chặt chẽ, không được sơ hở, ngoài những điều kiện kể trên, thì bản cung phải sáng sủa, tránh xa Tuần triệt, sát tinh, tam phương tứ chính cần phải có văn tinh, quý tinh trợ thủ thì mới thành cách xác đáng được.

Ngoài ra, như trên đã viết rõ, Cự môn cũng rất cần Lộc tồn để hóa giải mà thành cách, Đẩu số toàn thư viết “Phùng lộc tồn tắc giải kì ách” – Gặp Lộc tồn thì có thể hóa giải tai ách cho Cự môn. Nhưng đặc biệt chú ý, trường hợp Cự môn cư Mão, người tuổi Giáp thì sẽ bị Kình Dương đồng cung, lại là hung cách. (phần phân tích lục sát xem ở phần sau).


Cự môn phối với Lục Sát (Không Kiếp Kình Đà Hỏa Linh).


(Còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:

Trợ Giảng

Trợ giảng
Em muốn hỏi Cự môn Thìn có Văn xương, tuổi Tân sẽ có Lộc Kỵ đi cùng, vậy Kỵ có tác dụng gì khi đồng cung với Cự môn để thành Phản vi kỳ cách ??

Cự Môn ở Tuất mà Thái dương miếu, có cả Lộc kỵ đi cùng có thành kỳ cách hay không?
 

Tuetvnb

Administrator
Cự môn cư Thìn thì Thái dương hãm ở Tý chiếu về, trong Thế này, Thái dương rất cần Hóa Kỵ, Xương Khúc, Tam minh để có thể tiếp thêm nguyên khí cho Cự.
 

Tuetvnb

Administrator
Cự môn phối với Lục Sát (Không Kiếp Kình Đà Hỏa Linh).

Ngay từ đầu đã nói rằng Cự Môn là Hung tinh, chủ thị phi-ám muội “minh tranh ám đấu”. Bởi vậy, khi phối với Hung-Sát tinh thì đương nhiên là KHÍ CÁCH, tức là sẽ bị phá cách nặng mà cổ nhân phê rằng “Hủ mộc nan điêu” – như khúc gỗ đã mục nát, không thể đẽo gọt được thành cái gì cả. Kể cả khi Cự miếu vượng mà hội hung sát tinh thì cũng sẽ bị phá cách, không còn tốt đẹp nữa. Nhưng tùy theo mỗi nhóm Hung-Sát tinh mà sẽ có nhưng tác dụng khác nhau đến Cự Môn. Ta hãy thử tìm xem xưa nay người ta luận như thế nào về Cự gặp Hung-Sát tinh.

Đối với Không Kiếp : Địa Không-Địa Kiếp là một cặp sao Sát tinh đáng ngại nhất của Tử vi, thậm chí có người còn cho rằng “đóng đâu chết đó”. Vậy khi kết hợp với Cự Môn, thì đương nhiên sẽ làm tăng tính Hung của Cự Môn. Về cơ chế, thì lúc ấy cái “tính hung” của Cự sẽ phối với “tính hung” của Không Kiếp mà tác họa. Tính Hung của Cự Môn là Thị Phi, Ám Muội.. mà tính Hung của Không Kiếp là “giáng thương nhân, hình pháp, thất tài, cô đơn chi họa” tức là giáng họa về thương tích, hình pháp, mất tiền, cô đơn. Cả hai “tính hung” này mà phối hợp với nhau thì khó lòng tránh được tại họa, ít nhiều thì cũng phải gặp phiền toái.

Đẩu số toàn thư có viết : Thử tinh hóa ám bất nghi phùng, canh hội sát tinh dũ tứ hung, thần xỉ hữu thương kiêm tính mãnh, nhược nhiên nhập miếu khả hòa bình. - Nghĩa là, Cự môn hóa Ám tinh chẳng nên gặp làm gì, nếu lại hội sát tinh thì càng hung, môi răng dễ bị thương tích lại thêm cái tính mạnh bạo, làm việc gì cũng “nóng giận mất khôn” mà để lại hậu quả, nếu như Cự mà nhập miếu, thì may ra có thể được hòa bình.

Như vậy, Cự gặp Không kiếp thì nên chú ý, ngoài việc mang thương tích vào môi-răng, nhưng quan trọng hơn cả là cái tính Thị Phi-Ám Muội của Cự bị kích động lên, cho nên thường tai họa sinh ra do hành xử nóng giận, vội vã, không kiềm chế được bản thân mình.

Đối với Kình Đà : Kình – Đà là hai sát tinh cũng rất nặng nề của Tử vi, tác dụng của nó tuy có khác nhau, nhưng cổ nhân nhóm với Hỏa Linh và quy nó về Tứ Hung. Đối với Cự Môn, thì tác dụng của Kình – Đà có phần nặng nề hơn Không Kiếp. Trong cổ thư có viết về Cự-Kình-Đà một câu “Cự môn Tứ sát - hãm nhi hung” – tức là Cự Môn gặp tứ sát thì không những bị vây hãm, mà còn Hung. Khi Cự gặp Dương-Đà-Hỏa-Linh thì coi như bị phá cách nặng, không những không thể phát huy được (hãm), mà còn đem tai họa đến (hung).

Trần đoàn lão tổ có nhận xét rằng “Tham Hao đồng hành, nhân hảo đồ phối. Ngộ đế tọa tắc chế kì cường. Phùng lộc tồn tắc giải kì ách, trị dương đà nam đạo nữ xướng” – Nghĩa là, Cự môn mà gặp Tham-Hao đồng hành, thì như gặp người bạn tốt, gặp Tử vi thì có thể chế được tính cường ngạnh, gặp Lộc tồn có thể giải được ách, gặp Dương-Đà thì trai dễ trộm cắp, mà nữ dễ làm kỹ nữ.

(có nhiều thắc mắc trong câu này của Trần Đoàn lão tổ là Tại sao Cự lại có thể gặp được Tham hoặc Tử vi, về mặt an sao thì không thể, và cho rằng câu này là man ngôn. Nhưng về mặt phối hợp với nhau để luận đoán, thì trên lá số không hẳn chỉ có một sự phối hợp khi an sao, mà còn nhiều sự phối hợp khác nữa, vấn đề này cần suy ngẫm thêm).

Bình luận về Cự-Dương-Đà, Ngọc Thiềm tiên sinh phê rằng : “Cự môn dương đà vu thân mệnh tật ách luy hoàng khốn nhược đạo nhi xướng” – Nghĩa là, Cự môn Dương-Đà mà đóng vào Thân-Mệnh hoặc Tật Ách thì gày còm, vàng vọt, ốm yếu, dễ sinh trộm cắp hoặc kỹ nữ.

“Cự môn thủ mệnh kiến Dương Đà, nam nữ tà dâm” – Người Cự môn thủ mênh, nếu trong tam phương tứ chính mà hội Kình Đà, thì thường mang lòng tà dâm.

Với Kình Dương, phê rằng “Cự Hỏa Kình dương, chung thân ải tử” – tức là Cự mà gặp Hỏa linh, Kình dương, thì cuối đời cái chết không được bình thường (ải tử - là thắt cổ tự tử, nhưng dịch cho thoáng nghĩa thì nói như trên).

Với Đà la, Phú nói rằng Cự môn Đà la đồng cư Thân Mệnh hoặc Tật Ách cung, chủ bần khốn, thể nhược tàn tật, tổ nghiệp phiêu đãng, bôn ba lao lục – Cự môn Đà la cùng đóng ở Thân, Mệnh hoặc Tật ách cung, thì chủ về nghèo khốn, thân thể yếu đuối, tàn tật, bỏ tổ nghiệp mà trôi nổi, bôn ba vất vả.

Ngoài ra, trong Toàn thư còn thêm một câu về hình tướng “Cự Môn, Đà La tất sinh dị chí” – Tức là Mệnh thân mà có Cự Môn, Đà La thì ắt là sẽ có nhưng nốt ruồi khác lạ (câu này bản phường chỉ nói rằng : Đà la tất sinh dị chí, mà không có Cự môn – cần chiêm nghiệm)

Đối với Hỏa – Linh : Hỏa Linh là hai Hung tinh cùng hàng với Không Kiếp Kình Đà. Phối với Cự Môn, thì cũng giống như những hung sát tinh trên, làm cho hung tính của Cự tăng lên mà tác họa. Tính của Hỏa Linh đặc trưng là yểu chiết, cho nên trong Tử vi còn gọi là Đoản thọ sát tinh. Chính vì vậy, mà khi gặp Hung tinh Cự Môn thì trong các cách cục đều phảng phất ý nghĩa này.

Như câu “Cự Hỏa Kình dương chung thân ải tử”, hoặc “Cự môn Hỏa Linh phùng ác hạn, tử vu ngoại đạo” – Cự môn mà gặp Hỏa Linh, nếu vào hạn ác thì có thể chết ngoài đường.

Đối với cách này, thì rất cần phải có Lộc tồn để hóa giải (như trên đã dẫn), và khi nhập hạn thì rất cần Tử vi để áp chế thì có thể hóa giải được cái sự hung hiểm của trường hợp này. Ngọc Thiềm tiên sinh phê rằng “Cự môn Hỏa Linh, vô Lộc tồn Tử vi áp chế, quyết phối thiên lý, tao hung” – Nghĩa là, Cự-Hỏa-Linh mà không có Lộc-Tử hóa giải, áp chế thì phải quyết là sẽ lấy chồng lấy vợ rất xa (thiên lý), mà sẽ gặp hung họa. Nhưng như bài trước đã viện dẫn, khi Cự môn cư Mão, người tuổi Giáp sẽ gặp Kình dương đồng cung, sẽ là hung cách chứ không hy vọng hóa giải được.

Và cuối cùng, có lẽ cũng căn cứ theo tính chất của Hỏa-Linh, thì xưa còn nhận xét rằng Cự môn thủ mệnh, tam hợp sát thấu, tất tao hỏa ách – Cự môn nhập mệnh, nếu trong tam hợp có Hỏa Linh hội về, ắt sẽ gặp hỏa ách.

(câu này vẫn còn đang trong vòng nghi ngờ và tranh cãi, cho rằng nó được suy diễn ra từ tính chất của Hỏa tinh. Bởi lẽ Cự Môn thuộc Thủy, gặp Hỏa không có lẽ nào lại kích động hỏa tính của Hỏa tinh được – cần chiêm nghiệm thêm).


(Còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:

follow_me

Học viên Tử vi
Thầy ơi, câu "Cự Môn, Đà La tất sinh dị chí" có người dịch là có 2 sao này thì hay có suy nghĩ, tư tưởng khác người. Dịch như vậy là không đúng phải không thầy?
 

Tuetvnb

Administrator
Dịch thế xưa nay chỉ có ông Bửu Đình, do không biết chữ Hán nên mới nhầm tưởng.

Chữ Dị = khác thường
Chữ Chí = nốt ruồi (khác với chữ Chí = đến nơi, Chí = chí hướng)

Dị Chí = nốt ruồi lạ.

(Nguyên thể chữ Hán : 异痣 - dị chí)
 

mr.anh

Thành viên mới
Bàn về vấn đề “Cự môn kỳ cách vi đại danh”:

Cự môn tại Tý – Ngọ cung :


Đây chính là cách “Thạch Trung ẩn ngọc”! Cái cách mà bị bọn hậu sinh suy diễn nhiều nhất. Nào là phải gặp Tuần Triệt “mới mong sáng rõ”, hoặc “phải có hung tinh mới mong phá đá để lộ ngọc ra ngoài”…đủ trò. Nhưng thực chất về cách này thế nào?

Cổ thư viết “Cự Môn Tý Ngọ Lộc Khoa Quyền, Thạch trung ẩn ngọc phúc hưng long”, Cự Môn ở Tý Ngọ đã đành, nhưng điểu kiện đủ để được hưởng cái chữ “phúc hưng long” (phúc lớn lao) thì phải có Lộc-Khoa-Quyền. Tức là phải có Cát Hóa. Vậy thì cái quan điểm “cần tuần triệt” “cần hung tinh” là quan điểm suy diễn, bởi khi gặp Tuần Triệt sẽ bị phá cách. Thực ra cổ nhân nói “thạch trung ẩn ngọc” tức là hình ảnh ẩn dụ vậy thôi, chứ chẳng có cục đá, viên ngọc nào ở đây cả. Ý cổ nhân chỉ muốn nói rằng, cách này là các “nghi ẩn bất nghi hiển”, nên ẩn đi mà không nên hiện ra. Nguyên do là vì tại Tý Ngọ, vốn là đất vượng của Cự. Nhưng bản chất thì Cự là Hung tinh, tính thì là Thị Phi Khẩu Thiệt, cái tính này là điểm cực bất lợi trong cuộc sống, đặc biệt là trong quan trường. Vậy khi Cự vượng địa sẽ được đắc dụng, tức là tính thị phi khẩu thiệt kia sẽ phải ẩn đi, phải mất đi. Giống như viên ngọc nằm sâu trong đá vậy.

(Còn tiếp)
Hi anh Tuệ
Theo anh thì Cự Môn gặp Tuần Triệt bị phá cách, nhưng Tuổi Tân Triệt luôn đóng ở vị trí Thìn Tị, có câu phú " Cự Môn Thìn Tuất vi hãm địa, Tân nhân hóa cát lộc tranh vinh"... vậy Triệt ở đây ảnh hưởng tốt hay xấu?
Ngoài ra, nếu Thân gặp Cự Môn chứ không phải ở Mệnh thì theo anh như thế nào? có phù hợp với các câu phú mà tiền nhân đã nói không?

Thanks anh.
 

Trợ Giảng

Trợ giảng
Trong lúc chờ anh Tuệ trả lời, mình có vài ý thế này:

Ngay cả trong quyển TVDS phú giải của Thái vân Trình cũng ghi rõ:

Cung Mệnh an tại Thìn, Tuất có Cự tọa thủ tất Hãm Địa nhưng với người tuổi Tân lại được cách tốt tuy nhiên sự giàu sang vinh hiển đó phải nhiều phen thăng trầm.
Khi Cự ở Thìn, với người tuổi tân còn có thêm Hóa kỵ. Mình cho là Triệt ở đây có tác dụng làm giảm cái xấu của Cự kỵ nhưng làm cho cuộc đời đương số rất thăng trầm. Đọc ở đâu đấy thì Hóa kỵ được phát huy tính "hình", có tác dụng giữ của :)

Còn Mệnh Thân là quan hệ Thể - Dụng, nếu cách ở Thân hay ở Hạn thì cứ dùng nguyên lý thể dụng, chủ khách để luận.

Có một ông được minh họa cho cách Cự Kỵ (chắc là ở hạn) này: A MAN XUẤT THẾ DO HỮU CỰ KỴ KHỐC HÌNH THÌN TUẤT
 
Last edited by a moderator:

mr.anh

Thành viên mới
Trong lúc chờ anh Tuệ trả lời, mình có vài ý thế này:

Ngay cả trong quyển TVDS phú giải của Thái vân Trình cũng ghi rõ:



Khi Cự ở Thìn, với người tuổi tân còn có thêm Hóa kỵ. Mình cho là Triệt ở đây có tác dụng làm giảm cái xấu của Cự kỵ nhưng làm cho cuộc đời đương số rất thăng trầm. Đọc ở đâu đấy thì Hóa kỵ được phát huy tính "hình", có tác dụng giữ của :)

Còn Mệnh Thân là quan hệ Thể - Dụng, nếu cách ở Thân hay ở Hạn thì cứ dùng nguyên lý thể dụng, chủ khách để luận.

Có một ông được minh họa cho cách Cự Kỵ (chắc là ở hạn) này: A MAN XUẤT THẾ DO HỮU CỰ KỴ KHỐC HÌNH THÌN TUẤT
Tuổi Tân - Cự Nhật Khúc Xương, => xương đi với Kỵ không phải tuổi tân nào cũng gặp Kỵ, vì Xương Khúc an theo Tháng hoặc giờ sinh (đều được).

Với Tuổi Tân đặc biệt có liên quan đến câu phú Cự Môn - Thìn Tuất - tức là kỳ cách, không như các tuổi khác, nhưng tuổi Tân luôn gặp Triệt tại Thìn, vậy thì giải thích thế nào khi nói, Cự Môn gặp Triệt không tốt? còn nếu nói chỉ tại vị trí tại Thìn mới ưa gặp Triệt thì vì tại sao, hay vì hãm địa ? và các vị trí còn lại nếu gặp triệt thì sao? nếu không tốt thì vì sao không tốt như ở Thìn, nếu vì hãm địa gặp Triệt mà tốt thì một số vị trí khác Cự Môn cũng hãm địa, như ở Tị, Hợi, Sửu Mùi...
 

Trợ Giảng

Trợ giảng
@Mr.anh:

Theo mình, thế Cự môn không chỉ dừng ở mỗi Cự môn để cho đi với Triệt.

Cự môn luôn đii với bộ Nhật nguyệt. Chính thế Cự Môn cần xương khúc, xương khúc ở đây hỗ trợ thêm cho Nhật nguyệt để làm giảm tính ám của Cự Môn. Tại Thìn thì Cự môn có thể thành phản vi kỳ cách không phải vì gặp Triệt mà Cự môn thành tốt mà do ở tuổi Tân, Cự môn sẽ được Lộc quyền (Cự Nhật hóa), nếu tam hợp có thêm xương khúc thì được đủ bộ tam hóa, Nhật Nguyệt có xương khúc . Đó là cách "cửu hạn phùng cam vũ" trong tứ yếu thập dụ. Chính thế kể cả hãm địa, có hóa kỵ, gặp triệt (3 điều xấu)... vẫn có thể thành tốt. Tuy nhiên phải rất thăng trầm và dễ thành tha hương.

Cự môn hãm ở vị trí khác nếu hội được các yếu tố đó cũng có thể thành tốt.
 

mr.anh

Thành viên mới
@Mr.anh:

Theo mình, thế Cự môn không chỉ dừng ở mỗi Cự môn để cho đi với Triệt.

Cự môn luôn đii với bộ Nhật nguyệt. Chính thế Cự Môn cần xương khúc, xương khúc ở đây hỗ trợ thêm cho Nhật nguyệt để làm giảm tính ám của Cự Môn. Tại Thìn thì Cự môn có thể thành phản vi kỳ cách không phải vì gặp Triệt mà Cự môn thành tốt mà do ở tuổi Tân, Cự môn sẽ được Lộc quyền (Cự Nhật hóa), nếu tam hợp có thêm xương khúc thì được đủ bộ tam hóa, Nhật Nguyệt có xương khúc . Đó là cách "cửu hạn phùng cam vũ" trong tứ yếu thập dụ. Chính thế kể cả hãm địa, có hóa kỵ, gặp triệt (3 điều xấu)... vẫn có thể thành tốt. Tuy nhiên phải rất thăng trầm và dễ thành tha hương.

Cự môn hãm ở vị trí khác nếu hội được các yếu tố đó cũng có thể thành tốt.
Đúng thế, nên đang phân tích vấn đề trên, khi nói đến Cự ngại gặp Triệt thành phá cách nhưng ở Thìn thì tuổi Tân vẫn được đánh giá là tốt đẹp, còn nếu nói do tam hóa, hay kể cả tuổi tân Lộc tồn tại Dậu, thành cách minh lộc ám lộc, thì vẫn là gặp triệt kia mà.... vậy ở đây Triệt đóng có ý nghĩa thế nào?
 

Tuetvnb

Administrator
Sở dĩ tại sao lại không nhắc đến chuyện Cự Môn cư Thìn sẽ gặp Triệt đối với người tuổi Tân. Bởi lẽ nó là điều hiển nhiên, hiển nhiên như kiểu đã có Thất sát thì chắc chắn sẽ có Phá Quân Tham Lang hội chiếu!.

Cũng vì hiển nhiên, nên tất cả nó hợp thành cách cục. Cự Môn cư Thìn Tuất là 2 cung Hãm địa, nhưng cư Thìn khác với cư Tuất.

Vấn đề nằm chính ở Thái Dương ! Cư Thìn thì sẽ là Thái Dương hãm, rất cần Triệt (nguyên do thì chắc khỏi phải giải thích), cư Tuất thì Thái Dương miếu, lại thực sự cần thoáng đãng, sáng sủa...

Đại loại thế, cứ để ý một chút là sẽ thấy.
 

Trợ Giảng

Trợ giảng
Em có một thắc mắc từ lâu rồi. Các thế đứng trên tinh bàn chia ra các bộ lớn là Cơ Nguyệt Đồng Lương, Tử Phủ Vũ Tướng, Sát Phá Tham và Nhật Nguyệt. CNĐL, TPVT, SPT tuân theo luật Q-T-T-S, vậy còn bộ Nhật nguyệt là cái kiểu gì. Tại sao đã đủ âm dương - là nghi biểu của tạo hóa lại còn phải đèo thêm Cự Môn là ám tinh đi theo nữa ??
 

Tuetvnb

Administrator
Bộ Nhật Nguyệt đâu có xếp CỰ vào đó! Nếu có xếp thì chỉ xếp Cự-Nhật thôi, hoặc Cự-Nguyệt thôi
 
Top