Những Mẩu Truyện Rất Ngắn

mimi1986

Điều hành cấp cao
Nhớ mẹ
Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai.
Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn vì mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.
Đưa mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô.
(tác giả: An Hạ)




Euro
Euro lần trước nhằm lúc má đang bệnh.
Nhà có mỗi cái ti vi là đáng giá, ba đem cầm để thuốc thang cho má. Hễ đến giờ trực tiếp, ba vừa lo canh thuốc vừa lắng nghe tiếng bình luận câu được câu mất ở ti vi nhà hàng xóm.
Nhưng một năm sau, ba lại ra đi trước má.
Euro lần này, tuy không hiểu thế nào là bóng đá nhưng đêm nào cũng vậy, đến giờ má lại thức mở ti vi và ngồi khóc một mình.
(tác giả: Đặng Quang Vinh)

Nỗi niềm

Cái điệp khúc ấy má tôi nhắc hoài mỗi khi soạn tủ:
- Ba con không thích má cho ai quần áo cũ. Ổng nói: "Thà cho họ một số tiền, anh không thích hương áo em lại đưa cho người khác mặc."
Giờ, hương xưa còn giữ lại, người xưa đã đi xa...
Chiều nay, má đẩy sang tôi mớ quần áo cũ. Tôi chọn một bộ cho chị bán cơm ở vỉa hè, để rồi sau đó bao lần phải ngoảnh mặt đi mỗi khi thấy chị ấy tất tả ngược xuôi trên hè phố trong thấp thoáng bóng dáng của má tôi.
(tác giả: Kim Thúy)

Mùa thi
Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.
(tác giả: Võ Thành An)



Giỗ ông




Sớm mồ côi, từ nhỏ anh em nó sống cùng nội trên rẻo đất còm của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú lấy lại căn chòi, khuyên:
- Mười bốn, lớn rồi, nên tự lập.
Anh em nó dắt díu nhau tha hương, lên thành phố sống ở dưới gầm cầu.
Trưa, phụ hồ về mệt, đói, giở nồi cơm, nhão như cháo, nó mắng:
- Đồ hư.
Con em mếu máo:
- Em nấu để giỗ ông.
Nó ngẩn người, chợt nhớ hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà...
Ôm em vào lòng nó gọi trong nước mắt:
- Ông ơi!
(tác giả: Lê Nguyên Vũ)

Con gái
Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa:
- Con gái là con người ta.
Mẹ gục đầu nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại. Mẹ cũng là con gái…
(tác giả: Lữ Gia)

Lòng mẹ
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được suất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan, xứ người chẳng phải thiên đường, Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói:
- Dối mẹ làm gì. Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!
(tác giả: Hải Âu)


Bóng nắng, bóng râm
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...
...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.
(ST)

Cua rang muối


Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!
(ST)

Mẹ và con

Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn không hiểu gì, con khóc...

Bóng Mẹ

Con nhổ thêm cho mẹ mấy sợi tóc bạc nữa thôi vì nó ngứa quá”! “Con mới nhổ cho mẹ tuần trước mà, sao tóc mẹ nhanh bạc thế, con nhổ mỏi hết cả tay rồi”... Bọn con càng lớn lên mẹ càng gầy yếu, tóc càng thêm sợi bạc, vậy mà hồi đó, mỗi lần mẹ nhờ nhổ mấy sợi tóc bạc con lại than mỏi.
Chiều nay cơn mưa lại rả rích, Sài Gòn nhộn nhịp là thế nhưng mỗi lần mưa con lại cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Chắc giờ này ở quê một mình mẹ thui thủi trong căn nhà gỗ. Mỗi lần mưa nước tràn vào nhà, mẹ lại nhẫn nại lấy thau tát nước. Mấy lần anh hai bảo mẹ nâng nền nhà lên cho nước khỏi tràn vào nhưng mẹ nói chờ con Út ra trường rồi tính .
Con vào Sài Gòn học. Mẹ vẫn cặm cụi phơi bắp dưới cái nắng khắc nghiệt của miền Trung, nhưng chưa một lần than thở khi con gọi điện bảo mẹ gửi tiền cho con.
Đã hai mùa phượng nở mà con vẫn chưa về thăm mẹ, chị hai đi lấy chồng, anh hai đi tàu ngoài biển không biết khi nào mới về.
Giờ này lại một mình mẹ bên mâm cơm chiều. Bạn con gọi điện nói mỗi lần nó đến chơi, nhìn mẹ một mình bên mâm cơm vẫn để bốn cái chén như thuở tụi con còn ở nhà mà nó rơi nước mắt.
Sáng nay con nghe bài hát Mừng tuổi mẹ con đã khóc, con thấy sợ! Một nỗi sợ mơ hồ mà con không thể gọi thành tên. Và con ước giờ này có mẹ bên cạnh để sà vào lòng mẹ như ngày còn bé.
Hè này, con đã đặt vé tàu về quê. Con sẽ nhổ tóc sâu cho mẹ thật nhiều và con chỉ muốn nói “con yêu mẹ”. Chỉ có ba từ thôi mà sao khó thốt lên lời, nhưng lần này con sẽ không đánh mất thời gian để sau này chỉ còn tiếc nuối… Đợi con về mẹ nhé!
NGUYỄN THÙY NỮ


Phấn son
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: "Bạn gái con xinh."
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: "Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…"
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.

Vô tâm

Ngày còn nhỏ, tôi thường được di - dượng kể về chuyện tình của họ. Một tình yêu thật dẹp được tô điểm bằng những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn mà lúc ấy cả hai người đều thích...
Hôm vào nhà sách, thấy tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, tôi mua ngay gởi tặng dì - dượng. Người bạn gái đi cùng bỗng hỏi: "Ba mẹ anh thích gì? Sao anh không mua tặng họ?".
Tôi chợt giật mình. Tôi có vô tâm lắm không khi mà tôi cũng chẳng biết được ba mẹ tôi thích điều gì nhất!

Ngày cưới của cha

Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường quàn quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...


Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành "Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín.
Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo "Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.
Thanh Hải

Vòng cẩm thạch



Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: "Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui" Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng...

Con Nuôi
Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói: - Mình biết tất cả về con nuôi đấy.
Một học sinh khác hỏi: - Thế con nuôi là gì?
Cô bé trả lời: - Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.

Con Biết
Hàng ngày 1 mình mẹ phải lo mọi thứ : việc nhà cửa , đi chợ , nấu cơm , bán hàng ..... trong khi đó con : ngủ , chơi , xem phim trên nhà ...... Để rồi cứ đến giờ cơm , mẹ lại gọi con xuống ăn cơm .
Mẹ ơi !! con nhìn thấy trong mắt mẹ 1 cái j` đó hạnh phúc khi con cùng mẹ ăn cơm .... con cảm nhận dc nỗi buồn của mẹ khi con chê cơm không ngon ( con biết vì mẹ bận bán hàng wá nên không thể hoàn thiện cho bữa cơm của mình dc ) ... có những lúc mẹ chiên trứng cho con ăn , con ngửi thấy mùi khét .... chạy xuống nhà thì thấy trứng đã cháy đen lại .... con vội vàng la lối : Mẹ !! Mẹ làm j` mà để trứng cháy hết rôì kìa !! Nhưng khi con lên nhà thì con thấy mẹ .... mẹ đang dắt xe máy của con vào trong nhà vì trời sắp mưa to .... sợ ướt xe con ....

Má Gọi

Tôi chỉ được sống bên mẹ vỏn vẹn có tám năm. Ở tuổi này, tôi chỉ biết Mẹ qua tiếng gọi mà thôi. Bên trong tiếng “Mẹ” ấy, tôi không có chút suy cảm gì nữa.
Năm tôi lên bảy tuổi, bà đau nặng, nằm liệt giường. Bà bị bệnh lao phổi. Thời ấy – 1950, trong vùng kháng chiến, làm gì có được một viên thuốc kháng sinh? Bà nằm yên trong một gian nhà cách biệt ba anh em tôi - vì người ta sợ lây bệnh cho chúng tôi nữa!
Nằm một chỗ trong căn buồng tối, bệnh tình ngày càng nặng, không có chút hy vọng kéo dài thêm cuộc sống, nên bà thường nhờ người giúp việc gọi tôi đến bên bà. Bà chỉ nhìn tôi. Hỏi tôi đôi câu bâng quơ. Rồi bà nói: “Thôi, con đi chơi đi…”. Sau lời nói ấy, tôi hình như thấy được nét mặt vui tươi, rạng rỡ của bà!
Một hôm, đang mải mê chơi vụ – bà giúp việc đến kéo tay tôi:
- “Tý ơi! Tý… Má gọi kìa…”.
Dĩ nhiên là tôi thích chơi hơn là trở về. Cuộc thi chọi vụ đang hấp dẫn tôi. Tôi chần chừ mãi, không chịu bỏ cuộc chơi.
Bà giúp việc phải quay lại gọi lần nữa, tôi mới chịu chia tay lũ bạn.
Tôi chạy một mạch về nhà, nhưng đứng ló thụt ở cửa buồng.
Bà nhận ra tôi – lên tiếng:
- Lại đây với má…
Tôi vẫn đứng yên. Bóng tối và hơi lạnh của căn buồng luôn đóng kín cửa sổ, làm tôi sờ sợ. Nghĩ đến dáng mẹ gầy khô, tóc rụng chỉ còn lưa thưa ngả bạc; tôi lại cảm thấy lo lo…
- Lại đây con! Tiếng bà lại vang lên.
Tôi bước nhè nhẹ, rụt rè.
- Con cũng sợ má sao?
Tôi giật mình: “Không, con đâu có sợ!” - Tôi đã nói dối lòng mình để bà yên tâm.
Hơn năm chục năm qua, tôi chỉ mong đợi một lần “Má gọi” mà không bao giờ có được! Mọi việc đều đi qua cuộc đời ta chỉ một lần…(1991)

Chiếc Áo Dài Của Mẹ

Cho đến khi học hết năm cuối của bậc Trung học Đệ nhất cấp, tôi chỉ còn giữ được một chiếc áo dài của Mẹ mà thôi.
Đó là chiếc áo dài bằng nỉ màu xanh đậm – còn mới; có lẽ là bà đã chỉ mặc đôi ba lần thời còn trẻ.
Tôi đã giữ kỹ trong rương khá lâu, coi đó là hình ảnh, là di vật quý báu còn lại của Mẹ bên đời mình!
Năm ấy, tôi đang cần một chiếc áo để mặc ngày Tết, nhưng không có tiền mua vải. Tôi đã mang chiếc áo dài đến năn nỉ bác thợ may trong xóm, sửa lại cho tôi chiếc áo sơ mi ngắn tay.
Và tôi đã mặc “chiếc áo đặc biệt” đó cho đến lúc chật ních – rồi đem cho một đứa cháu gọi bằng cậu.
Bây giờ, trong tay tôi không có một kỷ vật gì của Mẹ. Một chiếc lược sừng trâu chẳng hạn. Hay một chiếc gương soi tròn nhỏ mà Mẹ vẫn thường dùng… Tôi không còn chút gì của Mẹ cả!
Tôi rất đỗi ân hận, nhưng mọi việc đã lỡ như thế rồi. Đã hơn 50 năm trôi qua, tôi biết tìm lại ở đâu?
Bù lại, trong tâm trí tôi, trong tận cùng niềm suy cảm – chiếc áo dài bằng nỉ màu xanh thẫm và chiếc áo sơ mi thuở ấy, luôn an ủi tôi – rằng tôi đã được mặc chiếc áo dài cũ của Mẹ. Chiếc áo mà Mẹ tôi đã mặc thời xuân trẻ, đã thấm đượm hơi hướm và bàn tay Mẹ giặt giũ nâng niu…
Ấm áp và hạnh phúc thay!

Giấc Mơ Mầu Nhiệm


Khoa học giải thích “giấc mơ” là hoạt động ẩn tàng của tiềm thức – nó thường xuất hiện bất ngờ trong giấc ngủ, nhất là khi có sự kích thích thích hợp của đời sống hiện tại. Tuy vậy, giấc mơ còn phản ánh phần nào dòng chảy của tâm linh, của sự nhiệm mầu chưa có sự giải thích nào thỏa đáng.
Trong suốt thời gian hơn năm mươi năm sau ngày Mẹ tôi mất, tôi được ba lần nằm mơ thấy bà trong lúc tâm trí tôi hoàn toàn không hề nghĩ tới.
Năm tôi được 16 tuổi – nghĩa là khoảng 8 năm sau ngày bà mất – tôi bị bệnh sốt rét nằm liệt giường trong căn buồng tối. Không có một ai chăm sóc cho tôi cả, dầu tôi đang sống với người anh cả! Cơn sốt kéo dài, tôi mê man nằm bất động, không hay biết gì nữa. Trong một giấc mơ ngắn vào buổi trưa – tôi thấy Mẹ tôi về, cho tôi một trái cam tươi. Tôi sung sướng ăn hết quả cam bà cho, trong lúc bà nhìn tôi, mỉm cười hiền lành. Tôi hân hoan tột cùng. Bà đã ra khỏi giấc mơ thật chóng vánh. Tôi thức giấc. Mở to đôi mắt, nhưng căn buồng tối om. Tôi cảm thấy người tôi bỗng khỏe hẳn, nhẹ nhàng; đúng lúc cô y tá mang chiếc đèn dầu vào – chích cho tôi một mũi Quinine Max sau gần một tuần không có một viên thuốc. Tôi đã được khỏi bệnh hẳn sau đó hai ba hôm…
Lần thứ hai, năm tôi hai mươi tám tuổi: đang dạy học, tôi bị đẩy vào quân trường. Phải sống xa đời sống êm ả bên đám học trò; để sống gần với súng đạn, sự thù hằn, chết chóc – tôi vô cùng bàng hoàng, không tìm ra lối thoát. Không biết ngày mai của đời mình sẽ ra sao? Một đêm nằm ngủ ở bãi tập trong cơn mưa rả rích từ chiều – tôi đã được thấy Mẹ tôi về. Bà nhìn tôi giây lâu – không nói năng gì, chỉ mỉm cười… Bà thoáng đến, rồi thoáng đi – nhưng đã để lại cho tôi nhiều nỗi an vui, và may mắn sau đó: tôi đã được trả lại với học trò, trường học - ngay sau ngày ra trường!
Lần thứ ba - giống như các đồng nghiệp có cùng cảnh ngộ, tôi lên đường học tập ở trại 53. Đời sống kham khổ. Lao động cật lực. Tương lai quả thật là mù mịt. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, Mẹ tôi đã đến… Bà đứng bên một đầu võng, khẽ đưa võng cho tôi, đôi mắt nhìn tôi đầy thương cảm. Trông bà có vẻ buồn buồn! Tôi hân hoan gọi “Mẹ” - nhưng bà đã ra khỏi giấc mơ của tôi rồi! Chưa bao giờ tôi có được phút giây hạnh phúc tột cùng như thế. Chỉ thoáng qua thôi nhưng giấc mơ đã cho tôi niềm an lạc, những gặp gỡ hiền lành, để sớm được trở về với gia đình!
Ba lần Mẹ tôi đã đến với tôi, trong ba bước ngoặt quan trọng trong đời. Dường như bà luôn dõi theo từng năm tháng của đời sống tôi, để có mặt kịp thời. Để an ủi. Để cứu vớt tôi. Cho tôi niềm tin yêu để tiếp tục đi hết quãng đời mình.
- Mẹ ơi! Mẹ thiêng liêng và mầu nhiệm lắm – tình thương yêu của Mẹ thật vô bờ!

Tuổi Già Nhớ Mẹ

Người bạn già đặt tách nước trà xuống bàn, nhìn tôi giây lâu, rồi nói: “Tôi nói thật lòng, chú đừng trách tôi nha?”
Anh cứ tự nhiên - xưa nay, tôi chẳng dám buồn trách ai…
Với giọng nói quả quyết - có lẽ ông ta đã có nhiều dịp suy nghĩ - Ông lại nhìn thẳng vào mặt tôi: “Đời người có hai cái bất hạnh lớn: Một là tuổi nhỏ bị mồ côi cha mẹ sớm; hai là tuổi già không còn người bạn đời bên cạnh!”
Ông tiếp:
- Tôi đã “lãnh” một cái - cha mẹ mất sớm - nhưng “được” một cái là đến tuổi 80 - vợ chồng còn bên nhau hôm sớm an ủi, giúp đỡ… Người xưa có nói “trẻ cậy cha/ già cậy con” - nhưng bây giờ thì… hình như chẳng còn được như xưa nữa rồi!
Tôi cười: “Anh còn được một - Còn tôi thì ‘lãnh đủ’cả hai!”
Đó, chính vì lẽ đó nên tôi sợ chú trách tôi…
Nói thật điều bất hạnh của ai trước mặt họ quả là nên dè dặt thật - nhưng với riêng tôi - tôi biết rõ duyên nghiệp của mình từ rất lâu rồi - trước sau gì - đời người làm sao tránh khỏi hai cái bất hạnh lớn ấy?
Sau một ngụm trà - một phút yên lặng - tôi hỏi: “Anh có thường nghĩ nhớ về cha mẹ mình không?” - “Tuổi càng cao, tôi nhớ đến cha mẹ càng nhiều! Có lẽ, đó là nguồn an ủi duy nhất còn lại cho đời người sau bao nhớ nhung khác đã trôi qua?”
Tôi nhìn anh: “Khi nhớ Mẹ - anh thường làm gì?”
- Tôi khóc - anh đáp gọn.
Anh hỏi tôi: “Còn chú làm gì?”
- Tôi ân hận - tôi đáp, tôi không khóc được như anh - tôi luôn ân hận vì đã chưa làm được một điều gì nhỏ nhoi để báo đền ơn nghĩa sinh thành cho cha mẹ tôi cả!
Ông gật gù: “Đời người – đúng là chớ nên để một sự ân hận nào nằm sâu trong tâm hồn mình - bởi vì chính đó mới là điều bất hạnh khủng khiếp nhất!”

Vết Sẹo

Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.
Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo."Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi. Người mẹ trả lời, "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi." Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm". Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.

 
Last edited by a moderator:

mimi1986

Điều hành cấp cao
Mùi của má
Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng. Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru thằng bé út trên võng, ba chị em nằm nhớ má trên giường. Bỗng con bé lớn kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Con em cũng giựt chiếc áo: “Em ngửi miếng...”, “Tao ngửi với...”. Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.
(Ngô Văn Vĩnh)

Chuyện của nội


Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít... Dường như nội cũng mừng lắm. Nội vào ra,hết sờ cái cột sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm... Từ ngày lên máy bay cho đến khi đinh cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...
(Nguyễn Quốc Việt)

Qùa Cho Mẹ
Lúc còn nhỏ mỗi lần thấy mẹ đi chợ về là cô lại lao ra lục giỏ để tìm cái bánh hay gói bỏng ngô. Và mẹ chẳng bao giờ làm cho cô thất vọng cả.
Lớn lên, cô lập gia đình và có hai đưa con. Mẹ cô bây giờ đã già đi, suốt ngày bà quanh quẩn bên lũ trẻ. Mỗi lúc đi chợ về cô cũng hay mua quà cho con, nhưng chẳng bao giờ quan tâm đến mẹ. Cô không hiểu rằng những lúc ấy mẹ cô cũng thấy buồn và tủi thân.
Ngày mẹ ốm nặng phải đưa vào bệnh viện, cô mua nào là cam, nào là bánh nhưng mẹ chẳng thể nào ăn được nữa cho đến ngày mẹ ra đi mãi mãi.
PHẠM THỊ KIM ANH

Sĩ Diện
Ba mất. Mẹ vất vả nuôi mấy đưa con bằng nghề giữ xe hai bánh ở một đoạn vỉa hè bên hông nhà người ta. Các con thành đạt, người làm chỗ này, người làm chỗ nọ; mẹ một mình với cái lề đường quen thuộc.
Tết các con về đông đủ, có người còn mời thêm bè bạn. Ngày Tết xe đông, chỉ mình út phụ mẹ dẫn, dắt xe. Mấy anh ai cũng áo quần tươm tất; giày bóng, xe mới nên mắc cỡ.
Nguyễn Hữu Bé

Ba Nuôi

Ba tôi có tật, hễ được ai lớn tuổi giúp đỡ, ba tôi đều nhận làm ba nuôi. Má tôi cằn nhằn:
“Ai ông cũng gọi là ba, kỳ quá!”. Ba cười xòa:
“Ngày anh sinh ra, ba đã mất, nên thèm gọi tiếng ba lắm?”.
Má ngậm ngùi buồn hiu.
Thế mà nhiều khi ba rầy, tôi giận, suốt tuần không thèm gọi một tiếng “ba”
Lê Ngọc Dương Cầm

Con Trai
Bà Nội Sanh mỗi mình Bố.
Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ mà.
Bé đã lên 5, thích em trai lắm. Bố cũng vậy.
Bà Nội thì khỏi nói, lúc nào ôm Bé cũng thở dài: Phải chi...
Một hôm Mẹ khóc - Rồi Mẹ nằm vùi, lặng ngắt, xanh xao. Cả nhà tự nhiên im ắng hắn. Suốt tuần.
Bố với Bà Nội đem về cho Mẹ một chú nhóc
thật xinh. Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khỏe lên tí nào. Mẹ bảo: Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!

Ca Dao Thương Mẹ


Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.
Con ngoan, học giỏi... Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.
Lớn lên, nghe câu hát: “... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”... con lại khóc vì thương mẹ.

Mẹ Tôi

Chiến tranh ác liệt.. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con sơ tán khắp nơi.
Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.
Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ oà...
Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình.

Tôn Sư Trọng Đạo

Ông nội tôi là cụ đồ nho, quanh năm quần ta, guốc mộc. Tết nào học trò cũng đến. ông mất, họ khóc suốt đêm.
Bố tôi là thầy giáo thời trước giải phóng; sau này, về làm ruộng, chân lấm tay bùn. Vài học trò cũ có dịp gặp, cúi đầu:
''Con chào thầy'', lễ phép.
Tôi là giáo viên thời bao cấp, dép Lào, áo lính; một buổi lên lớp, một buổi bán kem cây. Học trò vẫn ''chào thầy'' kính cẩn. Ngẫm lại ba đời thầy, tôi thấy phảng phất đâuđây lời ''tôn sư trọng đạo''.


Thời Gian

Tôi viết về người thầy cũ, dạy tôi cách đây ba mươi hai năm. Bài đăng. Con đường mười cây số, từ miệt huyện, tôi đạp xe cọc cạch về thành phố tặng thầy tờ báo. Thầy đọc đi đọc lại mấy lần: ''Bất ngờ quá, anh ạ!''.
Phút chia tay, bất ngờ hơn: ngày xưa, tay tôi run như lạnh khi thầy đưa viên phấn lên bảng, bây giờ, tuổi tác làm bàn tay thầy run rẩy trong hai bàn tay tôi, nhưng điềm tĩnh, ấm áp

(còn nữa)
 

mimi1986

Điều hành cấp cao
Khi Ba Mẹ Run Tay
Bàn ăn trải khăn trắng. Mẹ gắp cho cu King cái đùi gà. Ông nội không còn răng chỉ muốn ăn canh nhưng canh để xa ông.
- Để cháu chan cho!
Cu King đứng dậy chan canh cho ông và làm đổ canh ra bàn. Mẹ mắng: - Cứ đành hanh!
Ông với tay chan. Lóng ngóng, run run. Canh lại đổ ra ngoài...
Mẹ nhăn mặt, ba xoa bụng còn cu King nhìn hai người:
- Khi ba mẹ run tay như ông, con sẽ chan canh cho ba mẹ. Bữa ăn tiếp tục nhưng chỉ còn tiếng nhai!

Em Gái
Như không ít đứa sinh viên xa nhà khác, hắn bận bịu với học hành, làm thêm và... yêu. Mai - người yêu hắn, nhỏ nhắn dễ thương như một cô em gái. Thỉnh thoảng nhận lương, hắn thường mua tặng Mai, khi là cuốn sách, khi là món quà nhỏ...
Kỳ nghỉ, hắn về quê, mẹ đang ra đồng, hắn ngồi nói chuyện với đứa em đang hí hoáy bọc sách vở. Hắn ngỡ ngàng... cuốn vật lý lớp tám đã cũ nát của hắn ngày nào.

Bài Học Đầu Tiên

Sáu tuổi, tôi theo bố đến trường. Trên bờ đê nhầy nhụa, trơn ướt, bước chân bố hằn lên mạnh mẽ, vững chãi. Toi gắng sức sải chân dẫm vào, nghĩ: “Mình sẽ không trượt ngã”. Bố mỉm cười, nhìn tôi trìu mến: “Con hãy đi với chính bước chân của mình. Đừng đi trên dấu chân có sẵn”.
Tôi nhìn bố lắc đầu không hiểu.
Lớn lên. Vào đời. Tôi khao khát khẳng định mình, nhưng lại tự đánh mất chính mình. Thất bại, tôi gục khóc. Nhớ lời bố xưa. Hiểu ra, nhưng bố đã không còn.

Cha Tôi

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết tâm cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: “Ba sợ các con còn giận mẹ...”.

Khoe
Ngày Xưa, khi có ai hỏi con bố bạn làm nghề gì, bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm nhiều hơn để nuôi con ăn học sau này con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt và lấy chồng, mỗi lần khách đến chơi câu đầu tiên bố thường nghe con khoe Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận . Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố.

Nước Mắt

Ba vốn chỉ huy quân đội, tính cương nghị. Ba dạy: Con trai không được khóc, khóc là yếu mềm .
Đi học bị bạn đánh, không đủ sức chống lại, một vết bầm ở mắt. Chạy vội về nhà, thấy ba đứng trước cửa, tôi thinh lặng, cúi đầu bỏ đi.
Ngày nhập ngũ, mẹ khóc rất nhiều, còn ba thì không. Tôi nhìn ba, nhìn mẹ, rồi ra đi, không khóc.
Chiều nay bên quan tài mẹ, ba đứng lặng yên, cúi đầu, rồi đưa tay rút khăn mùi xoa. Ba khóc. Tôi nhìn ba, nhìn quan tài mẹ, mắt cay xè.

Thằng Út

Nhà có ao cá, mỗi lần muốn bắt, má lại nói đợi thằng út về rồi tát luôn. Nghĩ thương má nên thôi.
Những ngày cuối năm, anh em gặp nhau muốn lai rai một chút. Nhà có bầy vịt nhưng má nói, đợi ít bữa thằng út về. Má nói thấy thương, lại thôi.
Chiều 30 tết, má đứng ngồi không yên, rồi lại lân la ra đầu ngõ, mãi đến tối mịt mới về. Má đưa tấm giấy cho anh hai bảo là thư thằng út. Anh Hai thắp đèn đọc, chỉ vài hàng xin lỗi vội vã.

Sợ
Thấy đồ chơi đẹp, con sung sướng chỉ tay muốn ba mua cho. Ba trừng mắt nhìn, không nói.
Con sợ quá, quay lưng im lặng.
Đi học bị bạn đánh, về nhà tủi thân, đứng vào xó khóc. Ba nhìn thấy, trừng mắt quát lớn. Con sợ quá, im luôn.
Kinh tế khó khăn, ba càng trở nên nóng tính hơn. Lo nghĩ nhiều, ba mất sức. Nằm trên giường bệnh, má lặng lẽ chăm sóc cho ba. Thấy thương, con bưng cho ba tô cháo. Ba quay lại nhìn, run quá, con đánh rơi

Mồ Côi
Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm: - Giá như mẹ đừng đi xa , thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói: - Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con. Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ: - Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên...

Khoảng Cách

Lúc còn đi bộ nó thường cho tiền người ăn xin ngồi lết bên lề đường. Rồi nó có xe đạp, việc dừng lại để cho tiềndường như là chuyện kỳ kỳ. Nó vờ bận rộn, đạp xe nhanh hơn khi đi ngang qua ông nhưng lòng áy náy. Bây giờ chạy xe Dream, mắt phải tập trung nhìn về phía trước hơn, nó không còn nhìn ông nữa, cảm giác bị cắn rứt cũng không còn. Thỉnh thoảng thấy ông, nó nhủ: Thôi, để người đi bộ cho .

Hương Bưởi


Ngoại mất. Lo hậu sự xong, mẹ ngồi tóc rối khóc thương ngoại, vun lại gốc bưởi trước sân ngả rạp vì mấy ngày tang.
Giỗ đầu ngoại, tôi theo mẹ về ngôi nhà mái ngói âm dương cũ kỹ. Mộ ngoại phủ kín cỏ xanh giữa bông bưởi trắng ngần.
Đêm trăng, bên thềm mẹ gói bánh cúng ngoại, kể chuyện ngày con gái vẫn hái bông bưởi gội thơm tóc dài óng mượt.
Cay mắt tôi nhớ, sinh thời ngoại cứ bền lòng không chịu theo mẹ về bên chợ.
Hương bưởi đã giữ ngoại mãi với đất quê.

Nghỉ Lễ

Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng... đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ .
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ đón nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: Vậy là Tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nũa... .

Bánh Kem Cháy

Sinh nhật bạn, không được mời, em buồn xo. Hôm sau tan học về, manh áo cũ sờn của em rách toạc, mặt rướm máu. Chị hai, em òa khóc nói bạn bè chọc em nghèo không có quà, không được ăn bánh kem. Xã nghèo, mấy ai được ăn bánh kem.
Chị nghỉ học lên thị trấn. Sinh nhật em, chị mang về một cái bánh nhỏ xíu có một bông hồng. Của chị làm đấy, chị học làm bánh kem .
Em ăn ngon lành. Mắt chị ngấn lệ. Cái bánh cháy chủ bỏ, chị đã lén bắt bông hồng tặng em.
(còn nữa)
 
Top