Lá số giống nhau tại sao số phận khác biệt nhau?

Tây Đô đạo sĩ

Thành viên năng nổ
Lá số là bản hồ sơ cá nhân ghi lại nghiệp của một người do chính người ấy đã tạo ra trong các tiền kiếp, và khả năng ảnh hưởng của nghiệp ấy lên cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên nghiệp thì rất phức tạp, lá số chỉ có 12 cung và số tinh đẩu khá hạn chế nên không thể hiện được một cách quá chi tiết những nghiệp gì người ấy đã gây tạo. Điều quan trọng nữa là lá số được thiết lập tại thời điểm ra đời nên không có sự cập nhật, nếu đương số có những hành động cải sửa số mạng thì lá số trở nên lạc hậu. Có câu "Đức năng thắng số", rõ ràng tùy theo "đức" của mỗi người, dù 2 người có lá số hoàn toàn giống nhau, cuộc đời họ vẫn có sự sai biệt rất nhiều. Đây cũng chính là nhược điểm của phương pháp xem vận mạng của môn Tử vi.

Để hình dung rõ hơn mời quý vị đọc ví dụ sau:

Lá số giống như bản hồ sơ học bạ của học sinh. Khi thầy giáo lớp 9 mới nhận lớp, thầy xem trong học bạ và hồ sơ của học sinh xem năm ngoái ở lớp 8 nó học thế nào. Một đứa giỏi toán, hạnh kiểm tốt thì thầy đoán năm nay có thể nó sẽ được tuyển đi thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Tuy nhiên nếu nó có bạn gái, yêu đương rồi học hành xao nhãng, toán bị điểm kém thì thầy đã đoán sai. Còn nếu nó vẫn chăm chỉ học hành như năm lớp 8 thì quả nhiên nó được đi thi học sinh giỏi, thầy đã đoán đúng.
Ngược lại một đứa khác điểm số các môn trong học bạ lớp 8 điểm khá kém, chỉ đủ đậu vớt vào lớp 9. Thầy cho rằng nó năm nay chả làm nên cơm cháo gì. Ấy vậy mà không biết nó suy nghĩ thế nào tự nhiên siêng năng dùi mài chăm chỉ, học thêm lớp này lớp nọ, thế là thành học sinh khá. Thầy đã đoán sai. Nhưng nếu nó vẫn tiếp nối "truyền thống" như năm lớp 8, lười biếng hời hợt thì dĩ nhiên thầy đoán đúng.
Lá số ghi lại những gì một người làm ở kiếp trước và sự ảnh hưởng của nó vào kiếp này, tuy nhiên những dự đoán của thầy tử vi đúng hay không còn tùy thuộc sự ứng xử của đương số, không phải cố định như thế. Dù có sự bất lợi nào đó nhưng cố gắng cải sửa thì vẫn tốt như thường. Ngược lại, lá số tốt mà làm nhiều việc xấu xa tồi tệ thì khi hết phúc tai họa sẽ đến.
Lớp 8 là kiếp trước, hồ sơ học bạ là lá số Tử vi, Lớp 9 là kiếp này.

Như vậy rõ ràng vận mệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Đây cũng là niềm hy vọng cho những người lỡ có lá số xấu.
 
Last edited by a moderator:

Tây Đô đạo sĩ

Thành viên năng nổ


Đồng Mạng, Dị Báo.

Ở tỉnh Giang Tây có có hai anh em sinh đôi rất giống nhau, ngay cả cha mẹ cũng không phân biệt được, chỉ đành dùng y phục, mầu hồng là anh, mầu xanh là em. Khi lớn lên cùng đi học, khi kết hôn cũng cùng ngày. Mọi chuyện nhất thiết đều giống nhau. Mọi người đều bảo 2 người có cùng một số tử vi, cho nên số mạng giống nhau.
Năm đó 2 người đi thi Tú tài. Trước khi thi, 2 người đến trọ ở một nhà gần trường thi. Có một thiếu nữ hàng xóm thấy hai anh em tướng mạo anh tuấn lại có học, có tương lai, cũng không biết họ đã có vợ, do đó thường tìm cơ hội gần gũi. Người anh chuyên tâm học thi, từng cự tuyệt thiếu nữ, lại cảnh giới em ở nhà đã có vợ, trước kỳ thi không được phân tâm, đừng để thiếu nữ cám dỗ. Người em bề ngoài vâng dạ, nhưng bí mật cùng thiếu nữ tư tình, lại mạo nhận mình là anh, hứa sau khi thi đậu Tú tài sẽ đến cưới cô. Thiếu nữ cũng tưởng là người anh thật. Không lâu, sau khi bảng Tú tài niêm yết, người anh đậu còn người em rớt. Thiếu nữ nghe tin người anh trúng Tú tài vui vẻ muôn phần. Năm sau, người anh lại trúng Cử nhân, thiếu nữ lại càng vui, ngày đêm mong chờ. Nhưng chờ mãi chẳng thấy gì nàng thất vọng, oán hận, bi thương, phẫn nộ. Dần dần nàng mang bệnh mà qua đời.
Người anh sau đó được bổ làm quan, sống lâu, hưởng thụ vinh hoa, phú quý, con cháu đầy nhà. Người em cùng số tử vi nhưng thiếu đức hạnh, thi trượt mãi, không con cái, rồi cũng không sống được lâu.

(Nhân Quả Báo Ứng Lục)

Công Môn Là Chốn Tu Hành.

Bố của Tuần vũ Ngô Hưng là một sai dịch coi việc tra khảo, đánh đập tù nhân. Tuy là một nha lệ thấp hèn nhưng tính tình trung hậu, thích giúp đỡ người. Ông thường bảo bạn đồng sự :
-Cửa công là chỗ tốt để tu hành. Chúng ta ở công môn giống như vào một kho tàng, nếu không mang được gì ra chả là đáng tiếc sao ?
Bởi vậy, nếu giúp được ai ông đều giúp. Gập những người đi kiện cáo ông đều khuyên hòa giải. Mỗi khi đánh người xong, ông đều ngâm gậy ở trong thùng nước tiểu để nước tiểu ngấm vào gậy. Khi đánh tù nhân sẽ không bị ứ huyết mà mang trọng bệnh.
Đương thời, thái thú họ Đặng rất tàn bạo, khi sai đánh người, phải đánh đến chảy máu mới cho ngưng. Ông dùng gậy này đã cứu được tính mạng nhiều người. Ông có một đứa con rất thông minh, một hôm đi học về đi lạc vào đường quan Thái thú thường đi, bị thị vệ Thái thú bắt giữ. Thái thú thấy là một đứa nhỏ bèn mắng cho một trận rồi thả ra. Thằng nhỏ về nhà phát phẫn dụng công học tập. Nó nói :
-Biết đâu ngày sau ta không làm Thái thú?
Ông bố cười bảo :
-Thằng ngốc ! Cha chỉ là một tên nha lại nhỏ, con làm sao thành Thái thú ?
Đứa con không dám cãi bố, nhưng càng gắng học tập. Về sau khi trưởng thành văn chương rất xuất sắc, được mọi người kính trọng. Ông bố là người nhân hậu, lại đối với văn nhân rất kính trọng nên những người có học trong huyện đều cổ võ ông cho con đi thi. Không ngờ cậu con vừa thi đã đậu ngay Tú tài, rồi sau đậu luôn Tiến sĩ, làm quan tới chức Tuần vũ. Mấy đời sau con cháu đều hiển hách.

(Thiện Hữu Thiện Báo)
Nguồn:Phat Giao Phật Giáo Buddhism Dao Phat Đạo Phật | Facebook
 

Tây Đô đạo sĩ

Thành viên năng nổ
Khiêm tốn, hạ mình

Năm Nhâm Thìn, tôi vào kinh ra mắt vua, trông thấy một thư sinh tên Hạ Kiến khiêm tốn nhún nhường, không có một chút kiêu ngạo. Khi trở về tôi bảo với bạn bè: “ Phàm trời muốn cho người nào được thành đạt thì trước hết khiến người đó phát trí tuệ. Trí tuệ này khiến họ tự nhiên từ giảo hoạt trở nên thành thật, từ phóng túng tự biết giữ mình. Hạ Kiến ôn hòa đôn hậu đến mức như vậy chứng tỏ đã phát trí tuệ, trời nhất định sẽ ban phúc cho ông ta”.

Sau đó, quả nhiên Hạ Kiến thi đậu.

Giang Âm có một thư sinh, tên là Trương Úy Nghiêm, học vấn uyên thâm, văn chương xuất sắc, rất nổi tiếng trong giới thư sinh. Trong kỹ thu Hương năm Giáp Ngọ, ông ta ở nhờ trong chùa đợi kết quả thi. Đến khi công bố kết quả, không ngờ lại không có tên ông. Ông không phục, mắng quan giám khảo là không có mắt, không thấy được chỗ hay trong văn của mình. Lúc đó, có một vị đạo sĩ đứng bên cạnh mỉm cười. Trương Úy Nghiêm bèn đem cơn giận của mình trút sang đạo sĩ. Đạo sĩ lại nói: “ Văn của ông nhất định không hay!,,.

Trương Úy Nghiêm lại càng nóng giận bảo: “ Ông không có xem văn của tôi, tại sao lại biết nó không hay?”. Đạo sĩ trả lời: “ Tôi thường nghe người ta bảo: Làm văn quan trọng nhất là ở chỗ tâm bình, khí hòa. Nay thấy ông nóng giận mắng quan giám khảo, chứng tỏ trong tâm vô cùng bất bình, tính khí nóng nảy, thử hỏi như vậy văn làm sao mà hay được?”.

Trương Úy Nghiêm nghe xong không thể không phục, trở lại thỉnh giáo vị đạo sĩ. Đạo sĩ nói: “ Muốn thi đậu công danh, bản thân ông nhất định phải cải đổi”.Trương Úy Nghiêm hỏi: “ Số mệnh đã như vậy, làm sao mà thay đổi?”.

Đạo sĩ bảo: “ Tạo ra số mệnh tuy rằng ở nơi trời song quyền thay đổi lại ở nơi ta. Chỉ cần ông chịu khó làm việc thiện, tích âm đức thì có việc phúc gì mà không cầu được?”. Trương Úy Nghiêm bảo: “ Tôi là một thư sinh nghèo, biết có thể làm được việc thiện gì đây?”. Đạo sĩ nói: “ Làm việc thiện, tích âm đức đều xuất phát từ tâm. Chỉ cần tâm ta chí thành làm việc thiện là công đức vô lượng vô biên. Như khiêm tốn cũng là một việc thiện mà không phải bỏ tiền ra làm. Ông sao không biết tự xét lại để thấy khả năng của mình còn kém, trở lại mắng giám khảo bất công?”.

Trương Úy Nghiêm nghe lời đạo sĩ, từ đó về sau dẹp bỏ tâm kiêu mạn, chú ý tu tâm đổi tính, mỗi ngày đều gắng công làm lành, tích âm đức. Đến năm Đinh Dậu, một hôm ông nằm mơ trông thấy đến một nơi nhà cửa to lớn, nhìn thấy một danh sách thi đậu, trong đó còn nhiều chỗ để khuyết. Ông không hiểu mới hỏi người bên cạnh: “ Đây là cái gì?”. Người đó trả lời: “ Đây là danh sách thi đậu năm nay”.

Trương Úy Nghiêm lại hỏi: “ Sao trong danh sách lại có nhiều chỗ để khuyết?”. Đáp: “ Cõi âm đối với những người đi thi ba năm xét duyệt một lần, phải là người không có lỗi lầm, tích chứa âm đức mới có tên trong sổ này. Như phần trong danh sách để trống, đó là tên của những người lẽ ra thi đậu, song do vì phạm phải tội lỗi nên bị xóa tên”. Kế đó lại chỉ một hàng trong danh sách nói : “ Ông ba năm nay rất chú ý việc tu tâm, không có phạm lỗi, có lẽ sẽ bổ khuyết vào chỗ này. Hy vọng ông tự biết trân trọng, đừng phạm sai lầm”.

Sau đó, trong kỳ thi Hội, quả nhiên họ Trương được trúng tuyển hạng thứ một trăm lẻ năm.

Qua những chuyện đã xảy ra ở trên, chúng ta biết rằng, xung quanh đều có quỷ thần giám xét hành vi của mình. Do đó, việc lành lợi ích cho người phải nỗ lực làm; việc ác tổn hại đến người phải cố gắng tránh. Cho nên tất cả thiện ác, lành dữ đều do ta quyết định. Lòng mình giữ lương thiện , kiềm chế mọi hành vi bất thiện, không đắc tội với quỷ thần trời đất và khiêm tốn không kiêu ngạo tự mãn chính là căn bản của phúc đức. Còn những người kiêu ngạo nhất định không phải là bậc đại trượng phu, cho dù họ có thành đạt cũng chỉ một thời, không cách gì hưởng phúc lâu dài. Người không khiêm tốn không chịu học hỏi và cũng không ai thích dạy bảo cho họ.

Khiêm tốn vô cùng quan trọng, có thể giúp ta học hỏi được bao điều hay lẽ phải, nhất là trong việc tu dưỡng đạo đức, khiêm tốn đóng một vai trò quan trọng hàng đầu.

Cổ nhân có câu: “ Cầu công danh được công danh, cầu giàu sang được giàu sang”. Người có chí lớn như cây có rễ sẽ sinh ra cành lá, hoa trái.

Muốn thành tựu được chí lớn, người ta phải tâm tâm niệm niệm khiêm tốn, có việc gì lợi ích cho người, dù nhỏ mảy may, cũng ra sức làm. Như vậy sẽ tự nhiên cảm động đến trời đất.

Tích phúc cải mệnh hoàn toàn ở nơi ta. Chỉ cần ta quyết tâm làm là được. Những người mưu cầu công danh hiện nay, thật ra không có quyết tâm, hằng tâm, chân tâm mà chỉ tùy hứng, tùy tiện nhất thời. Mạnh Tử nói về Tề Tuyên Vương:

- Đại vương yêu thích âm nhạc, nếu yêu thích đến đúng mức thì có thể khiến vận mệnh nước Tề hưng thịnh. Nhưng Đại vương yêu thích âm nhạc chỉ vì tìm cầu niềm vui cho cá nhân mà thôi. Nếu Đại vương biết đem tâm tìm cầu niềm vui cho riêng mình, mở rộng ra, khiến có thể cùng nhân dân chia sẻ niềm vui, khiến mọi người được vui, thì lo gì vận mệnh nước Tề không hưng hưng thịnh.

Tôi nghĩ việc cầu công danh đạo lý cũng như vậy. Phải thực hiện việc cầu công danh này dựa trên tâm tích đức hành thiện, đồng thời phải gắng hết sức mình làm thì vận mệnh và phúc báo đều do ta quyết định.

Thưa các bạn, xem hoặc nghe xong sách Tích phúc cải mệnh này trong tâm bạn chắc có nhiều xúc cảm, được lợi ích không nhỏ. Đây là một quyển sách cảm động và thanh tịnh hóa lòng người. Về mặt văn chương, quyển sách này tuy bề ngoài dễ hiểu, song thực ra trong đó chứa đựng biết bao triết lý nhân sinh sâu xa, cần phải dụng tâm thể nhận mới thấy được giá trị của nó.

Cho nên, kính mong các vị nghe xong hãy nghe đi nghe lại nhiều lần, đọc xong hãy đọc đi đọc lại nhiều lần để củng cố, tăng trưởng tín tâm, học theo gương của Liễu Phàm tiên sinh, bỏ ác làm lành, tu nhân tích đức để cải đổi mệnh vận xấu ác, khổ đau thành mệnh vận tốt đẹp, hạnh phúc cho mình. Tương lai thật ra ỏ trong tay chúng ta, không chỉ về mặt tiền tài, công danh, sự nghiệp, gia đình …cho đến trở thành thánh hiền đều dựa trên căn bản này mà thành tựu mỹ mãn.

Nguồn:TÍCH PHÚC CẢI MÊNH - P4 | Facebook
 
Last edited by a moderator:

Tây Đô đạo sĩ

Thành viên năng nổ
Tướng mạo thay đổi tùy theo hành động.

Một tay bán dầu tên Bùi Độ (đời vua Hán Cảnh Đế) nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng. Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to. Thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn quyên sinh. Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế. Một lần gặp lại, nhà tướng số kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ. Đúng vậy, sau này thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử. Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác. Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi. Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá. Ngọc Hà đau khổ tìm chồng, trông thấy bộ xương và cũng gục chết bên cạnh. Cái phước của Bùi Độ xuất hiện do tâm niệm liều mạng tìm vàng cứu cô gái. Phước đó quá lớn đến nỗi chuyển hẳn tướng mạo và số mệnh để cho Bùi Độ trở thành quan chức vinh hiển. Nhưng rồi, tư cách tầm thường tham dục đã phá vỡ phước cũ để cho nghiệp chết đói đủ cơ duyên xuất hiện trở lại. Như vậy, tướng mạo tùy thuộc vào nghiệp chứ không cố định. Nếu chúng ta thường xuyên biết “liều mạng” cứu giúp mọi người, ắt hẳn tướng mạo và số kiếp chúng ta sẽ thay đổi một cách tốt đẹp lắm!!!
Sưu tầm vài câu chuyện đức năng thắng số và báo ứng nhân quả [Sơ đồ web] - Mankind - Enlightenment - Love
 

Tây Đô đạo sĩ

Thành viên năng nổ
CỨU NGƯỜI ĐƯỢC TĂNG TUỔI THỌ

Vương Chí Nhân là một thương nhân người An Huy, tuổi đời đã quá 40, tuy công việc buôn bán được thuận buồm xuôi gió, tiền của tích chứa ngày một nhiều, song điều đáng tiếc là vẫn chưa có được đứa con nào, khiến cho cảnh nhà tuy giàu có mà không khỏi phải quạnh hiu, buồn bã.

Theo quan niệm thời xưa, việc không có con nối dõi tông đường là điều tối kỵ. Vì thế, Vương Chí Nhân ngày đêm lo lắng, lòng dạ như lửa đốt, mỗi khi nghe ai nói có nơi nào cầu đảo linh thiêng đều cất công tìm đến, nhưng nhiều lần như vậy mà không có kết quả gì.

Một hôm, có vị thầy tướng số lỡ đường ghé vào cửa tiệm của Vương Chí Nhân xin ngủ trọ. Vương Chí Nhân tiếp đãi rất chu đáo. Trước khi chia tay, thầy tướng nhìn thẳng vào mắt ông rồi nói:

– Lẽ ra tôi không thể nói việc này, nhưng thấy ông là người nhân đức hiền hậu, chỉ mới gặp tôi lần đầu mà đã hết lòng giúp đỡ. Chút tình tri ngộ này tôi không thể không báo đáp, vậy có mấy lời mong ông ghi nhớ. Tướng mạo của ông cho thấy là trong đời này ông không thể có con, vậy ông nên từ bỏ mọi sự cầu đảo, đừng phí công vô ích. Hơn nữa, trong mắt ông có nhiều ám khí, chỉ trong vài tháng tới đây nhất định sẽ gặp tai họa lớn, tính mạng khó bảo toàn. Ông nên cẩn thận giữ gìn.

Vương Chí Nhân nghe qua mấy lời này thì không cầm được nỗi lo sợ, mặt biến sắc, mồ hôi ướt đẫm cả thân, cảm thấy tất cả những gì mình có trong đời đều là vô nghĩa, vì đã không còn hy vọng có con nối dõi, mà mạng sống cũng chẳng còn được bao lâu. Ngay hôm đó liền đóng cửa tiệm, chuẩn bị hành lý lên đường trở về nhà.

Trên đường về nhà, ông tạm nghỉ nơi một quán trọ nhỏ ven đường. Lúc đó đang là mùa mưa, suốt từ đầu hôm đến gần giữa khuya trời nổi gió lớn, mưa đổ xuống như trút nước khiến căn nhà trọ như bị lung lay từng hồi theo những luồng gió giật.

Khoảng nửa đêm thì mưa gió mới ngừng tạnh. Vương Chí Nhân trằn trọc mãi vẫn không tài nào chợp mắt được, lòng miên man suy nghĩ về những lời của thầy tướng số. Hồi lâu liền mở cửa nhìn ra ngoài, thấy trời quang mưa tạnh, trăng sáng vằng vặc. Mấy chậu hoa trước sân quán trọ đua nhau tỏa hương khắp nơi, trên cành lá vẫn còn lưu lại những giọt nước mưa long lanh dưới ánh trăng sáng, trông đẹp lạ kỳ.

Phong cảnh tú lệ sau cơn mưa dưới ánh trăng càng thêm thanh thoát vô cùng, cảnh đêm tịch mịch càng làm cho lòng người thêm hứng khởi, Vương Chí Nhân liền mở cửa bước ra ngoài đi dạo một lát. Ông thong thả bước từng bước nhẹ nhàng ra hướng bờ sông, bỗng nhiên từ xa thoáng thấy một người thiếu phụ tay ôm đứa bé cùng nhảy xuống sông. Vương Chí Nhân kinh hãi vô cùng, định nhảy xuống sông cứu người nhưng sực nhớ lại là mình không biết bơi. Đang lúc hoảng hốt liền ngẩng đầu nhìn quanh, thấy gần đó có mấy chiếc thuyền của dân chài, Vương Chí Nhân liền cất tiếng la lớn kêu cứu. Nhưng ông la đã khản cổ mà người trên thuyền chỉ thấy bước ra mạn thuyền đứng xem, dường như chẳng ai nghĩ đến việc cứu người. Vương Chí Nhân liền nói lớn: “Nếu ai cứu được người dưới sông sẽ được trả 20 lượng vàng.”

Vừa nghe ông nói như vậy, rất nhiều người dân chài liền tranh nhau chèo thuyền đến, cuối cùng cứu sống được người thiếu phụ và em bé.

Vương Chí Nhân giữ lời hứa trao đủ số vàng 20 lượng cho người cứu được mẹ con thiếu phụ kia. Sau đó ông mới quay sang hỏi người thiếu phụ xem duyên cớ vì sao lại ôm con nhảy xuống sông như thế. Người thiếu nữ khóc lóc kể rằng:

– Chồng tôi quanh năm đi làm thuê cho người ta kiếm sống, trong nhà nuôi được một con heo, định bán để trả tiền thuê nhà. Hôm qua có người mua heo đi ngang qua nhà, tôi gọi vào bán. Sau khi ông ta đi rồi mới phát hiện số bạc ông ấy đưa toàn là bạc giả. Tính chồng tôi rất nóng nảy, nếu chàng biết được sẽ đánh tôi chết mất! Hơn nữa nhà tôi lại quá nghèo, nay gặp việc này không biết lấy đâu ra tiền trả tiền thuê nhà, cũng chẳng có tiền nuôi con, tôi chỉ còn cách ôm con nhảy xuống sông chết quách cho xong!

Vương Chí Nhân nghe cô kể lể sự việc thì động lòng trắc ẩn, thương xót vô cùng, không hỏi thêm một lời nào, lặng lẽ dốc hết số bạc mang theo còn lại trong túi đưa cho cô và nói:

– Số bạc này tuy không lớn lắm nhưng chắc cũng đủ để vợ chồng cô làm vốn buôn bán nhỏ mà sinh sống. Cô nên nghe lời tôi, trở về nói thật với chồng, đừng nghĩ quẩn nữa.

Thiếu phụ mừng rỡ vô cùng, hết lời cảm tạ ơn cứu mạng của Vương tiên sinh. Cô lập tức trở về nhà, cũng đúng lúc người chồng đi làm thuê ở xa vừa về đến. Thiếu phụ kể lại một cách tường tận chuyện bán heo bị lừa lấy phải bạc giả và cả chuyện mình vì sợ trách mắng nên ôm con nhảy xuống sông tự vẫn, sau đó gặp vị ân nhân ra tay cứu giúp cho chồng nghe.

Người chồng nghe xong cũng hết sức cảm động, liền bảo vợ lập tức đưa mình đến quán trọ để cảm ơn Vương tiên sinh.

Lúc hai vợ chồng họ đến quán trọ, trời đã quá khuya, không gian tĩnh mịch như tờ, mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ. Vương Chí Nhân cũng đã đóng cửa an giấc nồng, người thiếu phụ liền gõ cửa và nhỏ nhẹ gọi Vương tiên sinh. Vương tiên sinh nhận ra giọng nói của thiếu phụ lúc nãy, liền ngồi thẳng trên giường trả lời với giọng hết sức nghiêm túc:

– Cô là gái đã có chồng, tôi lại đang ở một mình, làm sao có thể gặp mặt nhau vào lúc nửa đêm khuya khoắt như thế này? Cô hãy mau trở về nhà đi!

Người chồng đứng bên nghe vậy liền nói lớn:

– Thưa ân nhân, cả hai vợ chồng chúng tôi cùng đến đây để cảm tạ đại ân đại đức của ân nhân.

Vương Chí Nhân nghe có giọng nói của người đàn ông thì không còn hiềm nghi gì nữa, mới khoác áo bước xuống giường đẩy cửa bước ra ngoài để mời vào. Ngờ đâu đúng vào lúc đó bỗng nghe trong phòng có tiếng động rất lớn, khiến cả ba người đều giật mình. Nhìn lại trong phòng thì hóa ra một cây xà gỗ lớn trên mái nhà đã rơi xuống đè bẹp ngay trên chiếc giường của Vương tiên sinh vừa nằm lúc nãy. Vương Chí Nhân kinh hãi nói lớn:

– Ôi chao! Nguy hiểm thật! Nếu không có hai người gõ cửa gọi tôi ra, nhất định tôi đã bị đè chết rồi! Thật cảm ơn hai người!

Hai vợ chồng người thiếu phụ đồng thanh nói:

– Chúng tôi nào có công gì, đây quả là ông trời có mắt, tiên sinh ở hiền gặp lành nên mới thoát được đại nạn đó!

Vương Chí Nhân trở về nhà, bỏ hẳn công việc buôn bán, nghỉ ngơi luôn mấy tháng, trong lòng vẫn chưa hết lo sợ về lời cảnh báo của thầy tướng số, song vẫn cứ bình an vô sự không thấy gì xảy ra. Nhưng rồi cứ nằm nhà mãi không có việc gì làm cũng đâm ra buồn chán nên ông quyết định mở lại cửa tiệm buôn bán.

Gần một năm sau, một hôm bỗng nhiên gặp lại thầy tướng số cũ. Vương tiên sinh nhớ đến lời tiên đoán của ông ta liền mời vào cửa tiệm, vừa cười vừa nói:

– Năm ngoái ông có lời đoán tướng mạo của tôi, tôi vẫn tin ông nên rất lo sẽ có tai họa xảy tới. Đừng nói là trong vòng vài tháng, tôi chờ đến nay đã hơn một năm rồi mà có thấy tai họa gì đâu. Ông không nói đùa với tôi đấy chứ?

Thầy tướng số nghiêm nét mặt, quan sát Vương Chí Nhân hồi lâu rồi mới nói:

– Tôi vốn xem ông là người tốt, làm sao có thể dám nói lời đùa cợt? Sự thật là khí sắc của ông ngày nay đã hoàn toàn thay đổi, chắc chắn ông đã làm được một việc gì rất tốt đẹp, như cứu sống mạng người chẳng hạn. Ông hãy tự soi gương mà xem, ngày trước râu ria của ông chỉ như mấy sợi lông tơ, nay bỗng nhiên mọc ra rậm rạp, giọng nói trầm hùng, tia mắt lại chiếu sáng lấp lánh không còn ám khí. Cứ theo tướng mạo lúc này mà nói thì ông chắc chắn không chỉ có nhiều con mà sẽ còn được tăng thêm tuổi thọ nữa.

Vương Chí Nhân nghe nói hết sức vui mừng, niềm hy vọng có con nối dõi lại bắt đầu nhen nhúm. Quả nhiên, chỉ ngay trong năm đó vợ ông đã sinh được một người con trai, rồi những năm sau đó lại lần lượt sinh thêm 3 người con trai nữa.

Về sau, Vương Chí Nhân sống thọ đến 96 tuổi mới an nhiên lìa trần.

MẸ KẾ ĐỘC ÁC BỊ SÉT ĐÁNH

Trước kia có một người đến năm 40 tuổi thì vợ bị bệnh qua đời, để lại đứa con trai còn thơ dại. Người ấy vì chịu không nổi cảnh cô đơn, lại thấy cô hàng xóm xinh đẹp liền hỏi cưới.

Sau khi lấy nhau một năm, hai năm... người mẹ kế này đối với đứa con chồng rất hòa thuận, thương yêu, tỏ ra hết lòng chăm sóc, dạy dỗ. Nhưng sau khi cô ta sinh được hai đứa con trai, liền sinh lòng thiên vị, bề ngoài có vẻ như thương yêu con chồng nhưng trong lòng luôn tìm cách hãm hại. Chẳng qua vì cô chỉ muốn dành trọn mọi thứ cho hai đứa con của mình.

Mấy năm sau, người chồng bị bệnh nặng, thuốc thang không hề thuyên giảm. Biết mình không còn sống bao lâu nữa, ông cầm tay đứa con của người vợ trước nói với người mẹ kế của nó:

– Bà này, sau khi tôi qua đời, tài sản trong nhà nên chia đều cho ba đứa con trai. Cả đời tôi đã dành dụm được không ít, nên chuyện mưu sinh của mọi người chắc không có gì đáng lo. Tuy nhiên, đứa bé này là con trưởng, vả lại là con người vợ trước của tôi, nó bất hạnh đã mất mẹ từ khi tấm bé, nếu không có bà chăm lo, săn sóc, làm sao có thể lớn khôn thành người có ích được? Hiện tại sức tôi đã kiệt, chắc không sống được bao lâu nữa. Mong sao bà hãy xem đứa con này cũng như con của mình sinh ra. Hãy thay tôi chăm sóc, dạy dỗ cho nó nên người.

Nói xong, người ấy quyến luyến hồi lâu rồi mới nhắm mắt lìa trần.

Sau khi chồng qua đời, người vợ kế liền biểu lộ ý niệm tà ác của mình, đối xử với con riêng của chồng hết sức tàn ác, ngược đãi như súc vật; áo quần, đồ ăn thức uống đều kém xa con mình, lại còn thường xuyên đánh đập mắng chửi.

Tuy thường nằm mộng thấy người chồng đã chết nghiêm khắc trách mắng, song bà ta vẫn tính nào tật nấy không chịu thay đổi. Mặc dù vậy, đứa con tội nghiệp kia lại hết sức hiếu thuận với mẹ kế, dù người bị đối xử tệ bạc đến đâu cũng đều vui vẻ chịu đựng không hề oán thán.

Đến khi các con khôn lớn, người mẹ kế không muốn chia tài sản cho đứa con trước của chồng, nhưng vì sợ miệng đời dị nghị nên liền rắp tâm tìm cách hãm hại. Bà ta nghĩ, chỉ cần thằng bé chết đi thì ta không cần phải chia tài sản cho nó nữa mà hàng xóm cũng chẳng ai chê trách được.

Thế là, một hôm bà ta làm bánh rồi lén bỏ thuốc độc vào, gọi đứa con trước của chồng về ăn. Bỗng nhiên ngay lúc ấy, mây đen ùn ùn kéo đến che kín cả bầu trời, sấm sét ầm ầm, chớp nhoáng sáng chói. Người mẹ kế trong lòng bất chính, nghe tiếng sấm chớp dữ dội như sắp đánh xuống người mình thì kinh khiếp đến bủn rủn cả tay chân, quỳ mọp xuống đất chắp tay lạy như tế sao, luôn miệng tự xưng tội: “Con biết tội rồi, con biết tội rồi! Lẽ ra con không nên lén bỏ thuốc độc vào bánh để mưu hại con chồng... Con biết tội rồi, xin ông trời tha cho con được sống...”

Đứa con người vợ trước nhìn thấy mẹ kế đang run rẩy khiếp sợ van xin như thế, liền dẫn cả hai đứa em chạy đến, cùng quì xuống đất van xin ông trời hãy tha thứ cho mẹ chúng. Hồi lâu sấm sét mới dịu bớt, mấy mẹ con cùng dìu nhau đứng dậy. Người mẹ kế vẫn chưa hết cơn run sợ nhưng không khỏi xấu hổ về việc làm xấu xa của mình, liền ôm lấy đứa con chồng khóc lóc xin lỗi, hứa từ nay về sau sẽ không còn ghét bỏ nó nữa.

Từ đó về sau, quả nhiên bà ta thật lòng hối cải, từ bỏ những hành vi ngược đãi đối với con chồng, hơn nữa còn hết lòng thương yêu chăm sóc giống như con mình.

(trích dẫn Tọa Hoa Chí Quả)
 
Top