Cây tre trong tâm thức người Việt Nam

mimi1986

Điều hành cấp cao
Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới ẩm gió mùa nên quanh năm xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Từ vùng núi cao cực Bắc tới miền sông nước mũi Cà Mau, mỗi vùng sinh thái tươi xanh những loài thảo mộc, hoa trái đặc trưng. Nhưng kỳ lạ sao, đâu đâu cũng bốn mùa xanh những lũy tre tươi tốt! Từ Bắc chí Nam, trên núi trên đồi bạt ngàn tre, nứa, giang, vầu... Đồng bằng thì làng quê nào cũng lũy tre bao bọc, bờ đê nào cũng tre xanh chắn sóng và ngăn lũ.

Đặc điểm của cây tre
Tre là một nhóm thực vật thường xanh đa niên, thân gỗ, thuộc bộ Hòa thảo, phân họ tre. Tre có thân rễ ngầm, sống lâu, mọc ra những chồi gọi là măng. Thân rạ hóa mộc có thể cao từ 10-18m, ít phân nhánh, mỗi cây có khoảng 30 đốt. Tre cũng là một loài thực vật có hoa, cả đời tre chỉ ra hoa có một lần, và vòng đời nó sẽ khép lại khi tre ra hoa, thường thì tre có thời gian nở hoa trong khoảng 50-60 năm một lần. Hoa tre có mùi hương hơi nồng nàn và có màu vàng nhạt như màu đất. Tre mọc rất nhanh tại những vùng đất bị rải chất độc da cam trong chiến tranh, hình tượng cậu bé Thánh Gióng vươn vai hóa thân thành người khổng lồ rất có thể liên quan đến khả năng sinh trưởng rất nhanh của tre. Theo các nhà thực vật học thì cây tre phát triển trong điều kiện lý tưởng có thể cao thêm từ 15-20cm mỗi ngày. Ở Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu ha rừng tre, nứa, chiếm 15% diện tích rừng tự nhiên, với trữ lượng khoảng 8,4 tỷ cây, trong số này có khoảng 800.000 ha là tre nứa thuần, khoảng 600.000 ha hỗn giao với gỗ. Có thể thấy rằng, bản lĩnh, bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng rẽ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngầm sâu lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế mà tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất, bám làng. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc kháng chiến giữ nước, tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp Việt Nam.
Tre hành trình cùng con người Việt làm nên lịch sử
Cây tre có từ bao giờ? Trong tất cả chúng ta đều không biết được rằng: “Tre xanh, xanh từ bao giờ ?” Chỉ biết rằng: “Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”. Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. “...Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc...”. Không phải ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết Thánh Gióng, hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các lũy tre đã trở thành “pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai, đồng hóa. Tre thật sự trở thành chiến lũy và là nguồn nguyên vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Lịch sử có kể về cuộc khởi nghĩa Ba Đình, hai người lãnh đạo Phạm Bành và Đinh Công Tráng đã dựa vào hàng rào cây tre dày đặc mà đạn của Pháp không bắn xuyên qua được. Chính ngọn tầm vông góp phần rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược để giành độc lập tự do cho Tổ quốc: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Còn ở những cuộc chiến tranh thời hiện đại, trong lúc quân xâm lược tàn bạo, tung hoành với bao nhiêu là vũ khí tối tân, đầy tính hủy diệt thì dân tộc Việt Nam với gậy tầm vông vót nhọn, với hố chông bẫy người đã không ngần ngại đối đầu và chiến thắng. Tre là gậy tầm vông, đòn càn, đòn xóc, chông tre... trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tre là “Gậy Trường Sơn” xuất xứ từ xã anh hùng Hòa Xá (Mỹ Đức, Hà Nội ngày nay) theo trai làng đi đánh Mỹ xâm lược...



Tre trong đời sống tâm linh
Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích (Nàng Ưt ống tre, Cây tre trăm đốt...) đến những bài ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre: “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới và bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyễn Duy,... Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như: Đàn tơ rưng, sáo, kèn,... Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm... Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt Nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí. Tôi nghĩ rằng, tre trong lòng mỗi người chúng ta không chỉ có sự thực tế, thực dụng; không đơn giản chỉ là hình ảnh anh hùng, dũng mạnh. Mà khi đứng cạnh cây đa, bến nước, con đò... ở mọi làng quê Việt Nam, trong tiềm thức, suy nghĩ; trong những điệu nhạc, vần thơ thì tre vẫn bình dị, duyên dáng như một thiếu nữ xuân thì.
Tre theo người cùng một lúc làm nên cả văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể. Tre là người bạn thân của con người, từ khi lọt lòng nằm trong chiếc nôi tre, lớn lên gắn bó với tre qua các trò chơi: làm diều, làm lồng đèn trung thu,... Trưởng thành lao động dưới bóng tre, những đêm trăng:
“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng.
Tre non đủ lá đan sàng được chăng?”.
Đến khi lấy vợ gả chồng thì cùng dựng mái nhà tranh có kèo cột tre, giường tre.... Trong kiến trúc thì nhà tranh tre nứa lá, với phên, liếp tre đan. Tiện nghi sinh hoạt thì nào là giường chõng, bàn ghế, tủ chạn... cho đến những thứ đồ đựng thức ăn như: Nong nia, dần sàng, thúng mủng, rổ rá... Đi lại trên sông nước, đánh bắt cá thì có thuyền nan, thuyền thúng, cần câu, vó bè, nơm, đó, dậm tre đan. Công cụ nhà nông thì tre được sử dụng để làm đòn càn, đòn xóc, quang gánh. Đồ chơi và nhạc cụ thì có que khăng, que chuyền, cây đu, diều, sáo, tiêu, khèn bè, đàn tơ rưng, cả cây nêu ngày Tết và cột cờ lễ hội đình làng. Khi có người qua đời thì cây tre lại là cây triệu dẫn đường đưa con người trở về với cõi âm. Từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi, tre với con người sống chết có nhau chung thuỷ son sắt “Dưới bóng tre, thấp thoáng mái đình chùa cổ kính” là một nền văn hoá nông nghiệp, những nhọc nhằn, giần sàng, xay, giã đều có tre. Tre chẻ lạt gói bánh chưng khi tết đến xuân về. Tre trong niềm vui trẻ thơ, trong chút khoan khoái của tuổi già, khăng khít ràng buộc như định sẵn, như tơ duyên. Tre đi vào đời sống tâm linh như một nét văn hoá. Từ những câu hát, câu thơ như xâu chuỗi tâm hồn dân tộc “Bóng tre trùm mát rượi”, một lời tâm sự về mùa màng “Cánh đồng ta năm đôi ba vụ? Tre với người vất vả quanh năm”, hay một khúc hát giao duyên:
“Lạt này gói bánh chưng xanh.
Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”.
Những buổi trưa hè lộng gió, tiếng võng tre kẽo kẹt bay bổng, xao xuyến bâng khuâng man mác lời đồng quê của cuộc sống thanh bình. Như vậy tre đã là bạn đồng hành thủy chung, thân thiết của con người từ thuở xa xưa, suốt nhiều thế kỷ khai hoang mở đất để rồi dựng nước, khai hoang lập làng. Trong sâu xa tâm thức người Việt từ thuở xưa đã bình yên và xanh mát bóng tre.
Đến lượt con người lại nhận ra sự tương hợp kỳ lạ giữa phẩm chất của tre với cốt cách của chính mình, đến mức như là tri kỷ. Có thể thấy rằng bản lĩnh, bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẻ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng:
“Rễ sinh không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”.
Tre cùng con người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước, tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp Việt Nam. Tre “Ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”, “Sống có nhau, chết có nhau chung thủy”. Tre “mộc mạc”, “nhũn nhặn” mà nhẫn nại không chê đất cằn, sá gì sương gió. Tre “Ngay thẳng, thủy chung, can đảm”, giàu lòng vị tha, bao dung, đùm bọc. Tre “Thanh cao, giản dị, chí khí như người”. “Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”. Tre cũng như người, từ trong gian lao, tâm hồn bay bổng: “Vươn mình trong gió tre đu. Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”. Tre hóa thành diều: “Diều bay, diều lá tre bay lưng trời... Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời...” ngân nga trầm bổng “Tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre”.
Là đức tính bất khuất, kiên cường tiềm ẩn trong khả năng thích ứng dẻo bền vô hạn trước mọi tai họa thiên nhiên cũng như mọi biến thiên, bão táp và bi kịch của lịch sử để trường tồn và phát triển. Nhờ thế mà trong những đêm trường nô lệ dưới xiềng xích các đế chế Trung Quốc và thực dân Pháp, nước bị xóa tên, nhưng cộng đồng Lạc Việt - Việt Nam đã không tan rã, không bị đồng hóa. Trái lại đã có thể bền gan chịu đựng, nấu nung sức mạnh để cuối cùng vùng lên giành độc lập. Đã có thể nhẫn nại chịu đựng và vượt lên đau thương, tổn thất lớn lao, để cuối cùng giành thắng lợi trong nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lăng từ các đế quốc, cả bằng giáo gươm trung cổ phương Bắc lẫn đại bác, xe tăng, B52 hủy diệt của các đế quốc Pháp và Mỹ. Đã đứng lên đấu tranh quật khởi thoát ra khỏi thế kỷ 18 đen tối vì chia cắt, nội chiến triền miên, nối lại nền thống nhất, cũng như chịu đựng và bừng tỉnh, thoát hiểm sau những năm tháng bi đát thời bao cấp chưa xa... Giống như cộng đồng người Việt, tre là lũy thép trước xâm lăng và bão lũ. Tre nhẫn nại chịu oằn mình, ngả rạp trước cuồng phong, bão lớn, để khi gió yên trời lặng lại vươn mình đứng thẳng thành lũy thành rừng, tre già măng mọc vô tận sinh sôi... Dáng tre tuy có vẻ khẳng khiu nhưng thân tre luôn mọc thẳng như đức tính của mỗi người dân Việt Nam luôn sống ngay thẳng. Cộng đồng của tre cũng như người. Chúng cùng chung sống với nhau hoà bình từng bụi, rồi đại gia đình lớn hơn trở thành luỹ tre dày đặc, cùng bao bọc cho nhau, bảo vệ xóm làng, thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa chúng thật là đáng quý, tươi xanh hiên ngang, cứng cáp mà dẻo bền vô hạn, đó là biểu tượng của cốt cách và phẩm chất của con người và văn hóa Việt Nam.
Tre trong nền kinh tế thị trường
Ngày nay, cây tre cũng giữ một vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế thị trường, tre không chỉ là dụng cụ sinh hoạt hàng ngày trong mỗi gia đình Việt Nam mà còn là một mặt hàng đóng vai trò không nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó tre còn là nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất giấy, một số loài tre, trúc trồng làm cây cảnh được coi là có giá trị kinh tế. Từ tre và nhờ có tre, có nứa cùng với song, mây, mà nên nghề thủ công, mỹ nghệ với lắm thứ hàng hóa tre trúc song mây, với những làng nghề tre mây có tiếng ngày nay được nâng niu như một dạng văn hóa phi vật thể. Tại triển lãm World Expo 2010 ở Thượng Hải - Trung Quốc, chúng ta bắt gặp cả một dòng sông tre Việt Nam. Hàng mây tre đan tinh xảo thời hội nhập với thế giới đã thu hút một nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước và hơn thế nữa là quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Các sản phẩm từ tre đang dần chứng minh được giá trị kinh tế của nó trong thị phần kinh tế của đất nước. Ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônesia đang khuyến khích nông dân phát triển cây tre để thay thế các loại cây lấy gỗ đang dần bị cạn kiệt. Ở Việt Nam hiện nay do nhận thức được tre, nứa là sản phẩm thân thiện với môi trường nên đã tập trung đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch phát triển ngành tre, gắn cây tre với chương trình phát triển nông thôn mới. Theo ông Đặng Công Hào - Phó Giám đốc công ty Cỏ Xanh thì tre là một loại cây tăng trưởng nhanh và có chi phí ban đầu tương đối thấp, nên đầu tư thấp có thể giúp cải thiện thu nhập cho người dân. Ông Hoàng Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: Năm 2009, Lâm Đồng cùng tổ chức Winroc xây dựng đề án điểm phát triển 1.000 ha tre nguyên liệu gắn với chương trình nông thôn mới. Theo tính toán, sau một chu kỳ 4 năm, suất đầu tư nông dân phải bỏ ra 40 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, lãi ròng vẫn đạt 60-70 triệu đồng/ha. Tại Nghệ An, ở một số xã ven thành phố Vinh đã phát triển mạnh mẽ làng nghề về mây tre đan mang tính chất nhỏ lẻ như các làng nghề làm chõng tre ở xã Nghi Liên. Tiêu biểu tại khu công nghiệp nhỏ ở xã Nghi Phú có công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Phong. Công ty là doanh nghiệp có tiếng của tỉnh Nghệ An về sản phẩm mây tre đan xuất khẩu, doanh thu của công ty năm 2009 đạt trên 18 tỷ đồng. Lực lượng lao động hiện nay của công ty là 66 người, nhưng lao động tại các làng nghề lên đến 3.000 người. Sản phẩm của công ty đã được phân phối trên 34 quốc gia thông qua tập đoàn IKEA - Thuỵ Điển. Từ chỗ nghề mây tre Nghệ An có nguy cơ mai một thì đến nay đã có thương hiệu và phát triển khá tốt và bền vững. Sản phẩm của Công ty Đức Phong đã được xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Mỹ, Thụy Điển. Ta thấy rằng cây tre ngày càng có vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, và nó cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trên trường chính trị của đất nước. Tại đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, đã có 1.000 cây tre hình con rồng trồng trong chậu được trưng bày tại Lăng Bác và ba cây tre hình bản đồ Việt Nam được đặt tại Phủ Chủ tịch, Văn Phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội.
Cây tre chiếm một phần quan trọng trong linh hồn của nền văn hóa Việt. Tre đã lặng lẽ bên đường chứng kiến biết bao sự biến chuyển diệu kỳ và kiệt xuất của thời gian, của lịch sử, của người Việt và Tổ quốc Việt Nam. Mong rằng những ý nghĩa và tầm vóc của cây tre sẽ được trường tồn và tiếp tục bay cao, bay xa vì tre mang trong nó nghị lực và niềm kiêu hãnh của một dân tộc biết đấu tranh và dám đấu tranh để giành quyền lái “con tàu số phận” của chính mình.
Như vậy, đến ngày nay mặc dù ở mỗi làng quê Việt Nam, cây tre không còn nhiều nữa mà thay thế vào đó là những dãy bờ rào được xây kín đáo. Nhưng đâu đó trong tận sâu thẳm tâm thức của người dân quê Việt Nam vẫn thấp thoáng những bóng tre xanh mát vào những trưa hè, những buổi chiều muộn, hay những đêm trăng thanh. Mỗi người con Việt Nam ở xa quê hương vẫn tự hào một Việt Nam anh dũng bao đời gắn bó với cây tre. Để cây tre mãi là biểu tượng của Việt Nam, là niềm tự hào của các thế hệ con cháu mai sau, cây tre đang được trồng lại ở các vùng quê của miền sông nước nhằm chắn sóng bảo vệ xóm làng vừa để bảo tồn cho cây tre không bị mất đi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
“Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Giông tố mưa sa vẫn thẳng hàng”.


Thùy Dung
 
Top