Thập thần và công năng chủ lực

iHi

Moderator
nguồn: diendantubinh
tác giả: kimcuong


Bài này chỉ nói chung về cách sắp xếp 10 thần và công dụng chính trong tứ trụ. Cơ bản là công năng phát dụng được hay không đều do sự hiện diện và vị trí của thập thần trong tòan bộ tứ trụ, cung mệnh, đại vận và lưu niên.

Chánh Quan:

- Dương can kiến âm, âm can kiến dương, ngũ hành khắc nhật chủ, như Giáp dương mộc nhật chủ lấy Tân âm kim làm chánh quan, Ất âm mộc dùng Canh dương kim làm chánh quan.
- Tính năng cơ bản là thiện, tức luận là cát thần, vì âm dương không xung khắc nhau, trái lại còn sinh trợ lẫn nhau, tạo ra lợi thế cho cả hai mối quan hệ.
- Biểu hiện: nhân loại, xã hội, chính phủ, pháp luật, chi tiết hơn là sự nghiệp, công ăn việc làm, tha nhân đối diện trực tiếp
- Năng lực: môi trường phát huy của Tài tinh, sinh Ấn tinh, ức chế thân vượng, đặc biệt chế ngự Kiếp tài phá Tài.
- Thân cường tài nhược thì cần có chánh quan sinh Ấn
- Nhật chủ vượng thịnh, chánh quan làm giảm sự hung hăng
- Nhật chủ nhiều Tỉ Kiếp, cần có chánh quan chế ngự để bảo vệ Tài tinh

Thiên Quan / Thất Sát:

- Dương can kiến dương, âm can kiến âm, ngũ hành khắc nhật chủ, như Giáp dương mộc lấy Canh Ất âm mộc lấy Tân âm kim là thiên quan.
- Cơ bản là tính công phá thân là chính, vì cùng quan hệ âm dương nên lực khắc càng mạnh.
- Năng lực chủ yếu là làm hao Tài, sanh Ấn, phá Tỉ, chế Kiếp. Ở mức độ vừa phải, không hỗn tạp, Thiên Quan/Thất Sát biểu hiện 2 mặt cát - hung của nó, như sau đây:
- Nhật chủ có Tài tinh nhược, Thất sát làm hao tổn Tài.
- Nhật chủ cường, Ấn kém, Thất sát sinh Ấn.
- Ấn kém lực mà Tài tinh mạnh, Thất sát sẽ công phá thân.
- Nhật chủ có nhiều Kiếp tài, Thất sát chế ngự được Kiếp. (Dương nhận cách)
- Thất Sát thịnh vượng có Thực Thần chế ngự là cách tốt, gọi là cát thần.
- Thất Sát mạnh có Thực thần chế là cát thần, cách cục này tốt nhất đối với Thất Sát.

Chánh Tài / Thiên Tài:

- Quan hệ âm dương của thiên can cho biết là Chánh hay Thiên Tài. Như Giáp dương lấy Mậu dương là thiên tài, Giáp dùng Kỉ là chánh tài.
- Chánh, Thiên Tài do nhật chủ khắc chế là định theo tương quan ngũ hành, như Mộc khắc Thổ, Thổ là Tài tinh của Mộc.
- Chức năng chính của Tài tinh là duỡng mệnh, nói chung là cát thần.
- Năng lực chính là phù ức trong tứ trụ: Tài sinh Quan Sát, tiết khí Thực Thương, chế ngự Kiêu thần, hại Chánh ấn. Vì thế, tài tinh làm công việc điều hòa chính rất hữu dụng trong tứ trụ, nên gọi là nguồn dưỡng mệnh (khác với Ấn Kiêu, cần nên phân biệt rõ).
- Nhật chủ vượng, Quan Sát nhược, có Tài thì Tài sinh Quan Sát.
- Nhật chủ vượng, Tài tinh nhược mới tiết khí Thực Thương được.
- Nhật vượng mà Kiêu thần cũng vượng, Thiên Tài lộ diện mới chế được Kiêu thần.
- Nhật vượng, Chánh Ấn thịnh, cần lấy Chánh Tài kềm bớt Chánh Ấn.

Chánh Ấn / Thiên Ấn:

- Quan hệ "chánh" rõ là quan hệ Âm Dương với nhau, như Giáp dương lấy Quí âm làm Chánh Ấn, lấy Nhâm dương làm Thiên Ấn (còn gọi là Kiêu thần).
- Chức năng chính yếu của Ấn là nguồn sinh mạng sống của thân, như phụ mẫu sinh ra ta.
- Chánh Ấn được xem là cát thần, Thiên Ấn là hung thần, vì Thiên Ấn gặp Thực là đoạt cướp khí của Thực. Vì thế gặp cách "Kiêu đọat Thực" là hung cách. Theo ngũ hành mà luận thì do sự khắc chế thuận chiều, như Nhâm khắc Bính là thủy khắc hỏa. (Giống như cách "Thực chế Sát", bởi vì do khắc thuận chiều nên được xem là "chính khắc", rất hữu lực. Đó là luận theo tứ trụ tương đối hài hòa, không tòng, không hóa mới xét như thế.)
- Ấn có nhiệm vụ chủ yếu là sinh thân, tiết khí Quan Sát, chế ngự Thương quan, tỏa lực Thực thần.
- Nhật chủ nhược, Quan Sát cường, cần có Ấn tinh tiết Quan sanh thân.
- Nhật chủ nhược, Thực Thương mạnh, có Chánh Ấn sẽ chế được Thương, hoặc có Thiên Ấn để kềm Thực.

Thực Thần / Thương quan:

- Do nhật chủ sinh ra theo ngũ hành, như Mộc sinh Hỏa, Hỏa là Thực Thương. Dương can kiến dương can gọi là Thực, kiến âm can gọi là Thương, như Giáp gọi Bính là Thực, gọi Đinh là Thương.
- Năng lực của Thực Thương nói chung chủ đích là tiết khí thân, sinh Tài, chống lại Sát, tổn hại Quan tinh.
- Đặc cách của Thương quan là chế Quan, mà Quan tinh là cát thần, nên gọi Thương quan là hung. Trường hợp thân vượng rất sợ cách này.
- Thực Thần chế Sát thì ngược lại đã biết là cách cục tốt khi Sát mạnh, thân cần Thực chế.
- Thân cường, Tài Quan nhược, cần có Thực Thương tiết khí thân.
- Thân cường, Tài nhược, cũng nên có Thực Thương sinh Tài.
- Thân nhược, Quan Sát nhiều, Thực Thương có mặt để tổn hại bớt lực của Quan Sát.

Tỉ Kiên / Kiếp Tài:

- Tỉ Kiên thường được gọi tắt là Tỉ. Tỉ Kiên còn có tên khác là Bỉ Kiên.
- Tỉ Kiếp đồng loại ngũ hành với nhật chủ, dương can gặp dương là Tỉ, gặp âm là Kiếp.
- Chức năng chủ lực của Tỉ Kiếp là khắc Tài. Khắc chế không phải là không cần có, mà ý phải hiểu là cần có lực để đi tranh, nhận. đoạt được Tài là nguồn dưỡng mệnh.
- Đặc điểm là nếu nhật chủ quá vượng ngược lại gọi là gặp hung thần, như Dương nhận cách, lý do là nhật chủ chiếm khí quá nhiều, đắc thế, đắc lệnh, tất nhiên các khí khác bị chế ngự không phát sinh lợi được.
- Nhật chủ nhược thì Tỉ Kiếp mới bang trợ thân để nhận lực của Quan Sát được.
- Nhật chủ vượng lại gặp Tỉ Kiếp nhiều thì Tài bị đoạt, tất gọi là phá Tài. (Kiếp tài phá Tài)
 
Top