Linh Sơn Thánh Mẫu trong đời sống tín ngưỡng dân gian

thuypx1983

Thành viên
Sự ghi dấu của con người trên mảnh đất Tây Ninh ngày nay được xác định cách đây khoảng từ 4000 đến 2500 năm trở về trước. Nhưng từ đó luôn có sự mất dấu, đứt đoạn. Tây Ninh là vùng đệm của vùng lãnh thổ diễn ra nhiều sự tranh chấp giữa các quốc gia. Vì thế tụ cư rồi lại tán cư. Về sau này, lớp người tiên phong khai phá trở lại mảnh đất Tây Ninh là người Chàm lánh Nguyễn, người Việt Nam Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi sau này di cư lên Tây Ninh rất nhiều vì sự hà khắc của nhà Nguyễn. Tại Tây Ninh, ba dân tộc anh em Việt – Chăm – Khơme sinh sống hòa bình và hòa nhập văn hóa, tín ngưỡng một cách bình đẳng. Diện mạo văn hóa người Việt Nam bộ là đa văn hóa, đa tín ngưỡng và hỗn dung văn hóa, tín ngưỡng.Tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, vị Thánh Mẫu thần chủ phương Nam, là sự cộng gộp của tín ngưỡng thờ Mẫu người Việt với tín ngưỡng thờ thần Mẹ của người Chăm và tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ của người Khơme. “Đen” trong tiếng Ấn Độ là “Kali”. Một nữ thần của Ấn giáo có tên là Kali, một hóa thân “tính dữ” của nữ thần Devi, vợ của Siva. Người Chăm và người Khơme tiếp nhận Ấn Độ giáo có thể nói là đồng thời, cùng một đối tượng tín ngưỡng là Nữ thần Kali có hai chủ thể tiếp nhận. Tiếng Chăm thì “đen” là “mưjưk”. Truyện kể về nàng Mưjưk của người Chăm chính là sự tích về Nữ thần Poh Inư Nagar và sau này người Việt cũng Việt hóa cốt truyện này thành truyền thuyết về Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Nữ thần Ấn giáo còn để lại dấu ấn ở Thần Mẹ xứ sở Chăm là màu đen của tượng thờ. Người Khơme gọi tên bà Chúa xứ sở của mình đúng bằng cái tên định danh màu da: Bà Đen. Như vậy hẳn là người Việt miền Trung thiên di vào Nam đã mang theo tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu (vốn là tín ngưỡng Việt – Chăm) và gặp gỡ tín ngưỡng thờ Bà Đen (cùng nguồn gốc Ấn giáo) đã Việt hóa một lần nữa thành tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Và màu da tượng Bà là màu đen.
Linh tượng đầu tiên của Linh Sơn Thánh Mẫu không còn nữa. Tất cả các linh tượng tại Điện Bà, chùa Phước Lâm đều được tạo dựng từ cảm quan thẩm mỹ, tín ngưỡng của con người thời sau, tượng Bà mang dáng vẻ của cô gái Nam bộ xinh đẹp, quý phái và linh tượng mang màu đen như trong huyền thoại.
Linh Sơn Thánh Mẫu chính là tên núi mà Thánh Mẫu ngự. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực là u nhã (…). Ở đây, người ta thường đào được các vật xưa bằng vàng ngọc, tương truyền có khi trông thấy cả chiêng vàng ở trong hồ, cũng giống như cái khánh nổi ở bến sông Tứ hay chuông tìm được ở sông Trường Giang vậy, nhưng đến gần thì biến mất. Có đêm trời quang mây tạnh lại thấy có thuyền rồng bềnh bồng, hát múa du dương, hoặc có khi thấy con rùa vàng lớn hơn một trượng, ẩn hiện bất thường, là do linh khí tụ lại, chứ không phải việc quái đản.” [11; 41]. Đây là ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam, cao 885m so với mực nước biển. Khi đến độ cao 612 thước thì có một khu vực khá bằng phẳng, rộng rãi: đó là khu vực của chùa Linh Sơn. Đây không những là một thiên nhiên kỳ thú hiếm thấy mà còn là một không gian gợi lên sự linh thiêng, như là nơi ngự của thần linh.
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch là chùa chính. Trước đây núi Linh Sơn được gọi là núi Ðiện Bà, tục gọi là núi Bà Ðen, vì trên núi có lập một cái Ðiện để thờ Bà Ðen. Bà Ðen rất linh hiển nên được vua Gia Long truyền cho đúc cốt Bà bằng đồng đen và sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu. Núi Bà Đen đổi tên thành núi Linh Sơn hẳn là do ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Nơi đây là một quần thể chùa thờ Phật. Tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở đây thể hiện ở dạng hỗn dung Phật – Mẫu: “Sự thâm nhập của tín ngưỡng thờ Mẫu vào điện thần của đạo Phật không có gì là lạ ở nước ta. Vì thế, diện mạo tín ngưỡng ở núi Bà Đen, được tạo ra từ hai nguồn. Thứ nhất, núi Bà từng là nơi gắn bó với chi phái Liễu Quán, thuộc Thiền phái Lâm Tế. Từ nhà sư Thiệt Diệu, tới nay đã nhiều đời các môn đệ của Liễu Quán hành đạo tại đây. Thứ hai, tín ngưỡng thờ Mẫu hội nhập, tạo ra một thiết chế văn hóa tín ngưỡng riêng. Cũng khó mà nói cái nào có trước cái nào.” [53; 189]
Từ tín ngưỡng thờ Bà Đen của người Khơme, tín ngưỡng thờ Thần Mẹ xứ sở của người Chăm đến Linh Sơn Thánh Mẫu của người Việt là sự chuyển hóa kép: Việt hóa và Phật giáo hóa.Theo lịch sử truyền thừa, thì chùa Linh Sơn trên núi Điện bà do Hoà thượng Thiện Hiếu – Đạo Trung, thuộc Thiền phái Lâm Tế đời 36, khai sơn. Theo các cứ liệu thành văn, Hoà thượng Đạo Trung – Thiện Hiếu tịch ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi tại chùa Hưng Long và đồ chúng lập tháp thờ ở khuôn viên chùa. Như vậy, Bà Đen được Phật giáo hoá thành Linh Sơn Thánh Mẫu từ khoảng giữa đến cuối thế kỷ XIX [63]. Cho nên cũng thật dễ hiểu vì sao trong truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu của người Việt lại đậm màu sắc Phật giáo như vậy. Một thánh mà hai ngôi: Thánh Mẫu – Phật Mẫu.Theo quan niệm của dân gian thì Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang) với Linh Sơn Thánh Mẫu là chị em. Có nhà nghiên cứu “định ngôi” cho Bà Chúa Xứ là thần chủ phương Nam . Cũng có nhà nghiên cứu xác định ngôi vị đó là của Linh Sơn Thánh Mẫu. Nhưng đúng như quan niệm trong dân gian và trên điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu thể hiện rõ ngôi bậc ngang bằng nhau của Bà Chúa Xứ và Linh Sơn Thánh Mẫu. Có thể xem đây là hiện tượng hai Thánh mà một ngôi. Bà Chúa Xứ hiện diện với tư cách là bà chúa cai quản xứ sở nhiều hơn là tư cách Thánh Mẫu. Còn Linh Sơn Thánh Mẫu thì hiện diện với tư cách Thánh Mẫu nhiều hơn là chúa xứ. Cho nên “cặp đôi” Linh Sơn Thánh Mẫu – Chúa Xứ Thánh Mẫu thỏa mãn đời sống tín ngưỡng của nhân dân Nam bộ.Hai tỉnh Châu Đốc, Tây Ninh là hai tỉnh biên giới vô cùng quan trọng giữa Việt Nam và Cămpuchia, tức Cao Miên như người Miền Nam thường quen gọi. Tây Ninh thì thuộc Đông Nam bộ còn An Giang thuộc miền Tây Nam bộ. Cả hai nơi đều có xóm làng của người Việt gốc Chàm định cư sinh sống. Nhưng nếu Châu Đốc là một trong những tỉnh thành hình sau cùng của Miền Nam nước Việt thì Tây Ninh lại là một trong những tỉnh thuộc về Việt Nam rất sớm ở vùng Đồng Nai Cửu Long. Mỗi tỉnh có một đền thờ Bà mang sắc thái tín ngưỡng Việt – Chàm hay Việt – Miên, hằng năm qui tụ bao nhiêu trăm ngàn người khách thập phương ngưỡng mộ từ các nơi về cúng lễ, cầu lộc, cầu nguyện để được che chở bảo vệ: đền thờ Bà Đen ở Tây Ninh và Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc. Hai vị Thánh Mẫu trấn ở hai quả núi cao ở cửa ngõ tiếp giáp với nước láng giềng. Núi Linh Sơn là ngọn núi cao nhất Nam bộ còn núi Sam là rặng núi lẻ loi cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Nam bộ ngút ngát đồng bằng, mênh mang sông nước, hẳn là người Nam bộ nhớ cảnh núi non. Núi Sam và núi Linh Sơn đúng là hai ngọn “linh sơn” trong tâm thức nhân dân Nam bộ. Một thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú mà tạo hóa ban cho Nam bộ và cũng là “trú sở tâm linh” của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Càng về Nam thì sự tiếp biến văn hóa của người Việt càng phóng khoáng hơn, thậm chí đơn giản và dễ dãi. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ thể hiện điều đó rất rõ. Cốt tượng Bà Chúa Xứ vốn là tượng đàn ông (linh tượng thờ cúng của người Khơme?), người Việt bằng tâm thức thờ Mẫu đã “cải nữ” cho pho tượng bằng nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền và thờ cúng với tư cách là linh tượng Thánh Mẫu. Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Thiên Y A Na Thánh Mẫu đều có các bài văn chầu, một thứ kinh để cung thỉnh Thánh Mẫu. Nhưng cả Linh Sơn Thánh Mẫu và Chúa Xứ Thánh Mẫu ở Nam bộ thì đều không có văn chầu. Hai vị Thánh Mẫu này được cung thỉnh bằng kinh nhà Phật. Điện thờ cũng thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu nằm trong quần thể của một ngôi chùa. Miếu Bà chúa Xứ núi Sam ngoài các bàn thờ Hội Đồng, Tiền hiền, Hậu hiền; cạnh tượng Bà Chúa Xứ, phía bên phải có thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ, gọi là Bàn thờ Cô; phía bên trái có một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1, 2 m, gọi là Bàn thờ Cậu. Điện thờ như vậy rõ ràng là ít quy chuẩn theo điện thờ Mẫu ở miền Bắc và Huế.
Miền Bắc thì hướng đồng bằng, miền Trung thì hướng Biển vì điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế còn miền Nam hướng núi vì nhu cầu tâm linh, cần sự cân bằng âm – dương của một miền đất mênh mang sông nước nặng tính âm có nhu cầu hướng núi, hướng dương. Và dù hướng đồng bằng, hướng biển hay hướng núi vì nhu cầu gì đi nữa thì rồi tại nơi đó, một vị Thánh Mẫu uy nghi bao giờ cũng là linh tượng được nhân dân vun đắp trở thành hình tượng tối cao trong tâm thức, là nơi gửi gắm trọn vẹn niềm kính ngưỡng. Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu (bà Mưk Jưk) mang dấu ấn tính cách của cư dân ba miền Bắc Trung Nam nhưng được nhân dân cả nước coi như chị em ruột thịt, là ba con gái của Ngọc Hoàng, chia nhau cai quản ba miền của đất nước. Thánh Mẫu Liễu Hạnh cai quản Bắc bộ, Thiên Y A Na Thánh Mẫu cai quản Trung bộ, Linh Sơn Thánh Mẫu cai quản Nam bộ (xem Phụ lục trang 112). Và phủ, điện lớn thờ ba bà đều là trung tâm hành hương của nhân dân cả nước.Như vậy, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Y A Na Thánh Mẫu ở Huế được thờ theo điện thờ của Đạo Tứ Phủ còn Thiên Y A Na Thánh Mẫu ở Tháp Bà Nha Trang và Linh Sơn Thánh Mẫu ở Nam bộ thì không theo điện thờ Tứ Phủ. Có thể từ đó suy ra tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng đặc trưng của Việt Nam trong đó ở Bắc và Trung bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển trở thành Đạo Mẫu Tứ Phủ, một tôn giáo dân gian sơ khai còn tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Trung bộ và Nam bộ vẫn là tín ngưỡng thờ Mẫu mà chưa phải là Đạo Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Trung bộ thuần nhất hơn tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Trung bộ có sự kết hợp tín ngưỡng truyền thống Việt – Chăm nhưng không phải là sự hỗn dung mà dựa trên nguyên tắc Việt hóa tín ngưỡng thờ Thần Mẹ của người Chăm. Ở Nam bộ tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại ở dạng hỗn dung tín ngưỡng Việt – Chăm – Khơmer – Hoa, hỗn dung tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần.
 
Top