Mai trắng với văn hóa Việt

thuypx1983

Thành viên
Mai trắng với văn hóa Việt
(Dân trí) - Từ đặc điểm của khí hậu nhiệt đới, bốn tiết xuân, hạ, thu, đông, người xưa đã chọn bốn loài cây và hoa đặc trưng từng mùa vào bộ tranh, lấy đó làm biểu tượng đạo đức của con người và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Tranh tứ quý xưa được trang trí ở nhiều nơi sang trọng như cung vua, phủ chúa, tư thất của quan lại hay những gia đình giàu sang. Thông dụng nhất là bộ tranh "Mai, Lan, Cúc, Trúc" và "Tùng, Trúc, Cúc, Mai", bởi các bức họa vừa là biểu tượng bốn mùa, đồng thời là biểu tượng tứ quân tử. Đối với tầng lớp bình dân, tranh tứ quý chỉ mộc mạc bằng giấy dó hay giấy bản nhưng rất phổ biến. Tùy theo vùng miền, quan điểm của người chơi mà sự lựa chọn cây, chọn hoa có đôi chút khác nhau. Chẳng hạn cùng là mùa hạ, nơi tâm linh chọn hoa sen, vùng nông thôn lại chuộng hoa hồng.

Xuân thiên mai nhụy phô thanh bạch
Hạ nhật hồng hoa đấu hảo kỳ
Cúc ngạo thu tình hương vạn hộc
Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi”.​
Cho dù dòng tranh tứ quý có những khác biệt nhất định, nhưng từ cổ chí kim, hoa mai trắng vẫn thường được chọn là biểu tượng cho sức sống của mùa xuân, là nguồn thi hứng dồi dào, là hình tượng đẹp trong văn chương, là chuẩn mực về đạo đức xã hội. Xuất phát từ sự tôn quý, mai trắng được mang cái tên lộng lẫy là "Nhất Chi Mai"
Mai trắng hợp với khí hậu Miền Bắc nước ta. Trong tiết đông giá lạnh, nhiều cây và các loài hoa úa tàn, nhưng hoa mai trắng vẫn tinh khôi bừng nở bên những lộc non mơn mởn.
Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là vị cao tăng thời Lý đã sáng tác một bài thơ nổi tiếng về quy luật sinh hóa của đất trời. Hai câu kết, Thiền Sư đã dùng hình tượng một nhành mai nhỏ thể hiện cái nhìn lạc quan, như một sự minh chứng cho sự sống là bất diệt.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai).
Mai trắng tuy mảnh dẻ nhưng cứng cáp, hoa nhỏ nhưng đẹp thuần khiết, mùi thơm nhẹ nhàng, kín đáo. Người xưa lấy cái khí phách của mai ví như người quân tử. Các nhà nho gặp thời loạn lạc thường ví mình như cành mai nở trong gió đông để giữ mình thanh sạch. Người cao tuổi chuộng cái già nua của lão mai, mong muốn tuổi già khỏe mạnh, trường thọ. Vóc dáng của mai còn được ví như người con gái quyền quý, khuê các.
Tương truyền rằng, vua Trần Minh Tông giỏi văn chương, thi phú, yêu thiên nhiên, cảnh vật, am tường nhiều loại cây, hoa quý. Từ cảm nhận nét đẹp sâu kín của mai trắng, ông đã đặt cho công chúa Huy Ninh một cái tên riêng là "Nhất Chi Mai", được ở cung Quảng Hàn. Không chỉ có vậy, trong dân gian còn có một giai thoại rằng:
Hồ Quý Ly khi còn hàn vi thường buôn bán trên sông nước, một hôm tình cờ thấy trên bãi cát có viết câu:
Quảng Hàn cung lý nhất chi mai.
(Một cành mai trong cung Quảng Hàn)
Quý Ly thấy lạ, nhập tâm ngay câu ấy. Năm tháng trôi qua, nhờ có hai người cô đều được Trần Minh Tông lấy làm cung phi, nên Quý Ly sớm được vào làm quan trong triều. Vốn là người văn hay chữ tốt, Quý Ly thường được Vua Trần cho theo hầu cùng đám quan văn mỗi khi bình thơ, ngoạn cảnh. Một hôm, vua Trần Minh Tông nghỉ mát ở điện Thanh Thử, ngắm hàng ngàn cây quế trước sân điện, hứng khới ra một vế đối:
Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế
(Ngàn gốc quế trước điện Thanh Thử)
Bầy tôi chưa có ai nghĩ ra vế đối cho cân chỉnh. Quý Ly nhớ ngay đến dòng chữ trên bãi cát ven sông khi trước, liền đem câu ấy đối lại. Nhà vua giật mình, nói: "Hay quá! Nhưng sao nhà ngươi biết được việc trong cung của ta ?". Quý Ly cứ tình thực tâu bày. Nhà vua ngẫm nghĩ rồi gật đầu nói: "Đấy là số trời". Quả nhiên về sau vua Trần đã gả công chúa Huy Ninh cho Hồ Quý Ly.
Đại thi hào Nguyễn Du hai lần so ví mai trắng với vẻ đẹp của Thúy Kiều. Từ ngữ ngắn gọn mà ý đẹp, lời hay, lựa chọn hình ảnh vô cùng tinh tế.

Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Thông thường, mai trắng được ví như người con gái khuê các, lá ngọc cành vàng. Nhưng Nguyễn Du lại thấy mai trắng và nàng Kiều đẹp ở cốt cách, thanh cao như tuyết, như hoa. Nét đẹp thêm tuyệt mỹ bởi sự cộng hưởng mầu trắng thuần khiết giữa hoa với tuyết, giữa mùa đông với Nhất Chi Mai, giữa cốt cách và tinh thần. Mai tôn vẻ đẹp của Thúy Kiều. Kiều đã tôn giá trị của mai.
Khi Thúy Kiều phải hy sinh cuộc tình thơ mộng, bán mình chuộc cha, một lần nữa Nguyễn Du lại ví Kiều với mai trắng, nhưng vẻ đẹp thể hiện như nét phác họa, ẩn trong nỗi buồn thăm thẳm: "Điệu buồn như cúc, nét gầy như mai". Người yêu thích mai trắng, đam mê Truyện Kiều đã phải thốt lên thán phục bởi từ "nét gầy". Đúng quá! Đẹp quá!...
Trong văn hóa truyền thống, biểu tượng trúc mai cho hạnh phúc lứa đôi có thể được coi như một phong tục. Trước đây, nơi tổ chức lễ vu quy hay trong phòng "hoa trúc" đều trang trí trúc và mai (trúc là quân tử, mai là giai nhân). Nhiều gia đình chơi tranh, chơi đồ gốm, đồ sứ hoặc trạm khắc trúc mai trên đồ gỗ trong nhà, vừa là để trang trí vừa đề cao hạnh phúc gia đình. Các bậc trí giả và những người sành chơi mỗi khi đón xuân về không thể thiếu Nhất Chi Mai. Những người đam mê cây cảnh hầu như ai cũng thích trồng bộ cây tứ quý bề thế, đạt được những tiêu chí cơ bản nhất. Chọn lão mai phải có bộ rễ và củ đen, kỳ vỹ, sau đến thế cây có chủ đề, thân cây có lớp vỏ già nua, bong tróc, hoa và lá lộc vừa phải, thấp thoáng, khoe được vẻ đẹp toàn diện của cây.
Ngày nay, mỗi khi chuẩn bị đón tết đến, đón xuân, người mua đào, quất, mai vàng cứ nườm nượp, đắt mấy cũng mua. Trong khi đó, mai trắng vốn đã kén người trồng, chăm bón, cắt tỉa khó, trồng vài năm cũng chỉ cao chừng ba bốn gang tay, giá bán trên dưới trăm ngàn. Nếu cây đã lên hàng lão mai, dáng thế đẹp cũng không quá hai triệu đồng. Vì thế, các nhà vườn trồng đào, quất và những cây có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, người có tâm huyết vẫn trồng Nhất Chi Mai dành cho những người sành chơi.
Đi chúc nhau ngày tết, ta bất chợt thấy mai trắng trong vườn nhà ai, thấy mai trắng khiêm nhường, thanh tú bên bàn trà, hoặc một khoảng lặng của phòng khách, ta sẽ có cảm nhận lối chơi độc đáo, tri thức và sâu lắng của chủ nhân, cũng là dịp để suy ngẫm quan điểm về nét đẹp của Nhất Chi Mai xưa và nay.
 
Top