Tục thờ mẫu và nghi lễ hầu đồng - múa bóng ở Khánh Hòa

thuypx1983

Thành viên
Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu.”






I. TỤC THỜ MẪU VÀ QUY TRÌNH NGỒI ĐỒNG - MÚA BÓNG Ở KHÁNH HÒA
Từ năm 1653 khi những lưu dân Việt từ các tỉnh phía Bắc theo chân chúa Nguyễn vào khai hoang lập làng, tạo lập cuộc sống mới trên dải đất ven biển cực nam Trung bộ này, họ đã mang theo cả nền văn hóa nơi quê hương bản quán của mình, trong đó có tục thờ Mẫunghi lễ hầu đồng - múa Bóng. Tín ngưỡng thờ Mẫu từ cái nôi của văn minh Đại Việt là đồng bằng Bắc bộ đến đây giao thoa, hòa nhập cùng tín ngưỡng thờ nữ thần Mẹ xứ sở (Pô Inư Nagar) của dân tộc Chăm bản địa đã làm nên tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa đầy bản sắc và độc đáo, để lại những dấu ấn văn hóa quan trọng trong khu vực.
Tục thờ Mẫu đã có từ rất lâu ở Việt Nam, do ảnh hưởng từ thời kỳ mẫu hệ xa xưa. Trong quá trình phát triển của lịch sử đã dệt nên hệ thống thần thoại, huyền thoại về Mẹ nhân từ và rất đỗi quyền uy. Người Việt vào định cư ở Khánh Hòa đã tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa của người Chăm bản địa. Tục thờ Mẫu như bắt gặp sự đồng điệu trong tâm hồn giữa hai dân tộc Việt - Chăm, với cùng quan niệm về đức Mẹ nhân từ, Mẹ là tất cả. Cùng là biểu tượng văn hóa nên dễ hội nhập, mẹ Chăm cũng như mẹ Việt đều được phụng thờ. Vì thế người Việt tôn thờ nữ thần Pô Nagar của người Chăm như một vị phúc thần, gọi Bà là Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Bà Chúa Ngọc, vừa linh thiêng vừa gần gũi. Các triều vua nhà Nguyễn cũng phong tặng cho Bà nhiều tước hiệu cao quí như “Thiên Y A Na diễn Ngọc Thánh Phi”, “Hồng nhơn phổ tế linh ứng thượng đẳng thần”… Khu quần thể đền tháp Pô Nagar ở Nha Trang có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ IX - XIII, là một trong những di tích kiến trúc tôn giáo quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá, tín ngưỡng của người Chăm xưa, nay là nơi thờ Mẫu của cả người Chăm (Pô Nagar - nữ thần Mẹ xứ sở) và của người Việt (Thiên Y A Na Thánh Mẫu). Các thế hệ người Việt vừa nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mình, vừa biết bảo tồn văn hóa Chăm Pa, tôn tạo điện thờ Thiên Y A Na, làm cho ngọn tháp Pô Nagar mãi đứng vững với thời gian.
Tục thờ Mẫu chiếm vị trí quan trọng trong thế giới tâm linh của người dân, có sức sống mãnh liệt trong văn hóa cộng đồng. Ngoài Tháp Bà Pô Nagar, Khánh Hòa còn có cả một hệ thống kiến trúc thờ tự tín ngưỡng Thiên Y A Na khá đa dạng, gồm các am (Am Chúa ở Diên Điền, Diên Khánh), các miếu thờ độc lập (miếu Cây Ké thôn Phú Lộc Tây, miếu Thiên Y xã Diên Bình, miếu Cổ Chi ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh…), các miếu thờ Thiên Y A Na trong quần thể di tích đình làng (đình Vạn Thạnh ở Nha Trang, đình Khánh Cam ở Cam Ranh…), hoặc phối thờ Bà Thiên Y A Na ngay trong đình (trong hầu hết các ngôi đình làng Việt trên đất Khánh Hòa, người dân luôn dành một phần trang trọng để thờ Bà Thiên Y A Na cùng với chư vị thần linh, các bậc Tiền hiền Hậu hiền của địa phương).
Tục thờ Mẫu còn được thể hiện qua các huyền thoại, truyền thuyết về Bà Mẹ xứ sở, về Thiên Y Thánh Mẫu, các trò diễn dân gian và điệu múa dâng Bà trong lễ hội… Tục thờ Mẫu còn được thể hiện sinh động qua lối diễn xướng nhạc chầu văn tế Thánh Mẫu, hát dâng hoa, ngồi đồng - múa Bóng.
 
Top