Một cung điện nhà vua trên trời

Thiên Lang

Moderator
Từ thời xa xưa, thiên văn học ở Viễn Đông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của ba trường phái triết học và tôn giáo tức là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Theo những quan điểm này, thiên văn học mang tính chất huyền bí và siêu hình. Tất cả học thuyết trên đều có một mẫu số chung (điểm cơ bản chung) là Âm và Dương. Vũ trụ bị chi phối bởi hai thực thể này đối địch nhau, nhưng Âm, Dương không những không tự hủy với nhau, mà còn chung sống một cách hài hòa để điều hành toàn thể Vũ trụ, kể cả vận mệnh của con người cũng được coi là một vũ trụ nhỏ. Sự xuất hiện của những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ báo hiệu những điềm xấu như sao chổi, nhật thực và nguyệt thực đều do sự mất thăng bằng của hai lực Âm, Dương.


Theo giáo huấn của luân lý đạo Khổng, đã là một công dân trung thành nên nhà thiên văn phải phục vụ "Thiên tử", nhà vua hùng mạnh. Như ta biết, ngôi sao Bắc đẩu tượng trưng Thiên tử. Theo định nghĩa, ngôi sao gần thiên cực Bắc nhất được chọn là sao Bắc đẩu. Thiên cực Bắc là một điểm trên vòm trời Bắc bán cầu, mà các vì sao đều quay xung quanh. Bởi vì Trái đất tự quay tròn và lắc lư như con quay, nên Thiên cực không đứng một chỗ nhưng chuyển động trên một quỹ đạo hình tròn trên vòm trời và quay hết mỗi vòng trong 26 nghìn năm (Hình 1).



Hình 1: Sao và chòm sao xung quanh thiên cực Bắc. Các nhà thiên văn Trung Quốc quan niệm vùng trời này theo hình ảnh của Tử Cấm Thành (Cung điện nhà vua) xây tại Trung Quốc. Có hai hàng rào sao như hai bức thành định ranh giới của "Cung điện", trong đó các nhà thiên văn Trung Quốc lấy tên Hoàng đế (sao số 1, 3 và 6), Hoàng hậu (sao số 5) và Hoàng tử (sao số 2, và 4) để đặt tên cho một số sao.




Do đó một ngôi sao trước kia gần thiên cực nhất, nay lại xa thiên cực hơn một ngôi sao khác. Ngôi sao thứ hai này lại trở thành sao Bắc đẩu. Thiên cực chuyển động rất chậm trên một quỹ đạo vòng tròn, nên một ngôi sao được giữ làm sao Bắc đẩu trong nhiều thế kỷ. Hiện nay ngôi sao Alpha Tiểu Hùng, ngôi sáng nhất trong chòm "Tiểu Hùng", nằm gần thiên cực nhất. Alpha Tiểu Hùng là sao Bắc đẩu (抖 星 , Bắc Đẩu Tinh hay cũng còn gọi là Sao Bắc Cực - Bắc Cực Tinh 北 極 星) của thời đại hiện tại.

Các nhà thiên văn Trung Quốc đời xưa phân ra một vùng có bán kính chừng 20 độ xung quanh sao Bắc đẩu hiện tại (sao số 1 trong Hình 1), bao quanh
bởi hai hàng sao của chòm Thiên Long [tọa] ( 龍 座 , Rồng trời), Tiên Vương [tọa] ( , Vua), Tiên Hậu [tọa] ( , Hoàng hậu), Đại Hùng [tọa] ( , Gấu lớn) và Lộc Cẩu [tọa] ( 鹿 座 , Hươu sao). Bên trong hai bức "thành" này, ngay cạnh sao Bắc đẩu (sao số 1) có một số sao được đặt tên những nhân vật của hoàng thất. Ngôi sao Bêta của chòm Tiểu Hùng [tọa] ( 熊 座 , Gấu nhỏ, sao số 3), sáng thứ nhì trong chòm, có lẽ là sao Bắc đẩu của thiên niên kỷ thứ nhất trước CN và được đặt tên là sao "Thiên Đế" ( ). Ở sườn bên trái có "Thái Tử" (太 子 sao số 2, gamma Tiểu Hùng) và sườn bên phải có "Thứ Tử" (  sao số 4) và "Hậu Cung" ( , cung Hoàng hậu, sao số 5). Một ngôi sao khác thường nữa (sao số 6) gọi là Thiên Xu (, chỗ trọng yếu) nằm trên quỹ đạo của thiên cực, ngôi sao này là sao Bắc đẩu thời nhà Hán (thế kỷ 2 sau CN). Xung quanh có bốn ngôi sao nhỏ gọi là "Tứ Phụ" ( , phụ trợ) trông giống như cái ngai, có thể ngôi sao Bắc đẩu này tượng trưng các vua Hán ngày xưa. Còn ngôi sao Bắc đầu hiện tại (sao số 1), Alpha Tiểu Hùng, được gọi là "Thiên Hoàng Đại Đế" ( ). Vùng xung quanh Bắc cực đúng được gọi là hình ảnh của cung điện "Tử Cấm Thành" (紫 禁 城 hoặc Cổ Cung ) của nhà vua xây trên Trái đất.

Ở các nước Viễn Đông, thiên văn học được coi là một ngành khoa học chính thức, nên các nhà thiên văn có nhiệm vụ theo dõi cẩn thận bất cứ hiện tượng lạ thường nào có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến số mệnh của công dân. Họ thường được đón tiếp tại cung điện nhà vua. Vua Nghiêu (thế kỷ 7-8 trước CN) nổi tiếng là uyên thâm, sau khi hội đàm với sáu anh em thiên văn kiêm nhà ảo thuật họ Hi và Hòa, bèn gửi họ đi khắp nước đến bốn phương trời, nhằm thay đổi đường đi của Mặt trời. Vua nghĩ làm như thế có thể thay đổi được nhịp các mùa và để tránh mùa đông lạnh lẽo và mùa hạ nóng nực kéo dài quá lâu. Ở thời xa xưa đó, các nhà thiên văn quan niệm Trái đất vuông như bàn cờ mà những đỉnh của hình vuông tượng trưng bốn phương chính của la bàn.


Ngoài những giai đoạn huyền thoại, các sự kiện thiên văn thường được ghi lại khá chính xác. Tài liệu có từ thế kỷ 5 trước CN đến thế kỷ 10 sau CN đã cung cấp nhiều thông tin, đôi khi độc nhất, về sự xuất hiện theo chu kỳ của những sao chổi và về những vụ nổ sao mới và sao siêu mới. Sao chổi nhìn thấy năm 240 trước CN, triều đại của ông vua nổi tiếng Tần Thủy Hoàng, người chống Nho giáo và đốt kho tàng quý báu sách để lại bởi những triều đại trước, chính là sao chổi Halley xuất hiện với một chu kỳ nhất định. Từ đó sao chổi này được ghi chép đều 76 năm một lần trong sách sử thiên văn Trung Quốc. Vết đen trên bề mặt Mặt trời thường quan sát thấy trong thời kỳ Mặt trời hoạt động mạnh đã được phát hiện ở Trung Quốc trước khi nhà thiên văn Galilée nhìn thấy những vết này trong kính thiên văn năm 1610. Những hiện tượng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi không gợi sự chú ý của các người châu Âu khi họ quan sát bầu trời, vì ở thời Trung cổ, họ quan niệm một Vũ trụ hoàn hảo và bất di bất dịch.



Sự quan sát những sự kiện không tồn tại lâu trên trời, thuật lại từ hàng nghìn năm về trước trong các sách sử thiên văn phương Tây cũng như phương Đông, đã giúp các nhà thiên văn ngày nay nhận ra những sao chổi xuất hiện theo chu kỳ và những vết tích của những vụ sao nổ vĩ dại. Nhờ những kết quả quan sát đó mà đến năm 1919, nhà thiên văn Thụy Điển Lundmark đã phát hiện được "Tinh vân con Cua" là tàn dư của sao siêu mới quan sát thấy bằng mắt thường năm 1054 bởi các nhà thiên văn Trung Quốc và Nhật Bản. Sự tìm kiếm những ngôi sao nổ và phát sinh ra những tàn dư sao siêu mới đã đóng góp rất nhiều vào sự nghiên cứu quá trình tiến hóa của các ngôi sao, một hướng nghiên cứu đang phát triển mạnh trong ngành thiên văn hiện đại. Danh sách của một số sự kiện xảy ra đột ngột và không tồn tại lâu trên trời đã được lập ra từ những cuốn sử biên niên Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam để tìm kiếm các tàn dư của những vụ sao nổ.



Ngành thiên văn học phương Đông đã sớm trải qua một thời vinh quang, nhờ ưu thế của ngành khoa học chuyên quan sát những hiện tượng trên trời coi như có ảnh hưởng đến vận mệnh con người. Sự hành đạo của nhân dân theo học thuyết Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo đã đóng góp nhiều vào thành tựu tốt đẹp này. Sau một thời kỳ huy hoàng lâu dài, đến thế kỷ 16-17 thiên văn học phương Đông bắt đầu bị thiên văn học phương Tây vượt qua. Hồi đó, ngành thiên văn tiến bộ rất nhiều nhờ có sự xuất hiện của các nhà thiên văn và toán học xuất sắc như Copernic, Galilée, Kepler, Newton, cùng sự phát minh ra kính thiên văn. Thiên văn học phương Đông chủ yếu hướng về quan sát và thiếu tính chặt chẽ vì không dựa trên một cơ sở toán học vững chắc. Khổng giáo logic về mặt tư duy nhưng quan tâm đến việc xây dựng một xã hội gương mẫu, chú ý nhiều đến luân lý và xã hội hơn đến khoa học thuần túy. Đạo Lão xét các vấn đề có tính khoa học theo kiểu những nhà hóa học thời Trung cổ thực hành thuật chế kim. Phật giáo coi cõi đời chỉ là một giai đoạn trong quá trình luân hồi tuân theo luật khắt khe của "nghiệp" quyết định cho sự đầu thai nối tiếp nhau. Phủ nhận một thế giới mà tất cả chỉ là tạm thời (vô thường) có thể là một yếu tố cản trở phần nào sự phát triển khoa học.





Trích trong cuốn ‘Sông Ngân khi tỏ khi mờ cuả Nguyễn Quang Riệu
 
Top