Cách xem ngày tốt xấu

HungTranThanhHoa

Thành viên mới
CÁCH XEM NGÀY TỐT XẤU
HT chẳng biết viết gì, văn thì “dốt “ võ thì “dát”, cả ngày, cả tháng, cả năm chỉ chúi đầu vào đống sách âm dương ngũ hành, những tìm cho ra tại sao lại có bảng “ Ngũ hành nạp âm”, tại sao sinh năm Giáp Tý thì mệnh lại là Hải Trung Kim, sinh năm Ất Dậu thì mệnh lại là Tuyền Trung Thủy.
Tại sao lại phải nạp Âm, các cung bậc ngũ cung: cung Thương sao lại hành Kim, cung Giốc sao lại hành Mộc…
Chính vì lẽ đó mà TLHT viết về lĩnh vực mình ưa thích, ai có thời gian thì đọc, ai không có thì giờ thì cứ bỏ qua !

Hôm nay HT viết về việc XEM NGÀY.
Có ba ông thày thì ba cách xem ngày, có năm ông thày thì có năm cách xem ngày. Thày nào cũng tự hào chỉ có mình xem đúng.
Bài viết này là một trong các cách xem ngày, mong giúp ích được những người quan tâm đến vấn đề này ( mà xin móc ngoặc là ai cũng phải quan tâm, từ ông to bà lớn, đến thường dân, khi làm nhà, cưới vợ cho con, đều phải tìm ngày lành tháng tốt. TLHT đố các bạn bốc mộ cho cha mẹ mà cứ “ mo phú “ việc xem ngày đấy ! ) .
Thế mới biết thuật xem ngày có từ ngàn đời nay, các loại lịch bán đầy các sạp sách, quyển nào cũng có các “ Sao”. quyển nào cũng có các “ Trực “, mà rất ít người biết xem, cứ phải đi tìm “ Thày “ xem hộ.

HT xin hỏi có khó không các bạn ?
Các vì sao, các dữ kiện trong các sách lịch chẳng khác gì các món THỰC PHẨM bán ngoài chợ. Các bà “ landlady “ đi chợ mua cá, mua gà., mua các loại gia vị, mắm muối; sau đó gia giảm, chế biến mới thành món ăn ngon.
Thì ra công việc của “các thày “ cũng như công việc của các bà nội trợ vậy.
Phải bốc “các ông sao” này từ ngày này, mang sang các ngày khác của tháng khác, tháng này đang là tháng Giêng sao lại tính là tháng Chạp…chứ có phải đâu cứ nhìn sách lịch hôm nay là ngày tốt mà dùng đâu.
Vì thế mà việc xem ngày tốt xấu trở nên kỳ bí và huyền hoặc !
Bài viết mong rằng những điều rối rắm kể trên sẽ được đơn giản hóa, và các bạn chưa biết có thể tự xem ngày tốt xấu cho mình được.

BÂY GIỜ MỜI CÁC BẠN CÙNG TLHT ĐI MUA CÁC LOẠI THỨC PHẨM NHÉ:

1 /Thực phẩm thứ nhất:
BÀI THƠ VỀ TIẾT LỆNH THÁNG
Xuân, Vũ, Kinh, Xuân, Thanh, Cốc thiên
Hạ, Mãn, Mang, Hạ, Thử Tương liên
Thu, Xử, Lộ, Thu, Hàn, Sương giáng
Đông, Tuyết, Tuyết, Đông, Tiểu, Đại Hàn.
Cỗ máy thời gian vận hành không đầu không cuối…
Sự vô thường của tạo vật cũng do ngày tháng mà thành…
Mới ngày nào đây tóc ta còn xanh, răng ta còn chắc…mà nay đã da mồi, tóc bạc…
Có nhà thơ thì dùng hình tượng “ Vó câu - cửa sổ”…
Có nhà thơ thì than rằng: “ Chao ôi Thu mới tới rồi sao / Thu trước vừa qua mới độ nào/…”
Các nhà Lý Số Học thì có bài thơ trên.
Bài thơ hay, vang vọng những TIẾT LỆNH tháng của MỘT NĂM
Câu thơ hàm súc, thanh cao.
Ý thơ cuộn vào nhau như nước chảy.
Xem ra các nhà LÝ SỐ HỌC cũng biết làm thơ !
Giải thích:
XUÂN= Lập Xuân – Tháng 1
VŨ= Vũ Thủy
KINH= Kinh Trập – Tháng 2
XUÂN= Xuân Phân
THANH= Thanh Minh – Tháng 3
CỐC= Cốc Vũ
HẠ= Lập Hạ - Tháng 4
MÃN: Tiểu Mãn
MANG: Mang Chủng – Tháng 5
HẠ: Lập Hạ
THỬ: Tiểu Thử - Tháng 6
TƯƠNG LIÊN: Đại Thử
THU: Lập Thu – Tháng 7
XỬ: Xử Thử
LỘ: Bạch Lộ - Tháng 8
THU: Thu Phân
HÀN: Hàn Lộ - Tháng 9
SƯƠNG GIÁNG
ĐÔNG: Lập Đông – Tháng 10
TUYẾT: Tiểu Tuyết
TUYẾT: Đại Tuyết – Tháng 11
ĐÔNG: Đông Chí
TIỂU: Tiểu Hàn – Tháng 12
ĐẠI HÀN: Đại Tuyết.

Vậy là đúng một vòng của 24 tiết lệnh, cũng đúng một năm tròn !
Chú ý :
Những chữ ứng với các tháng chính là TIẾT LỆNH THÁNG.
Lập Xuân ngày nào thì tháng 1 bắt đầu từ ngày ấy:
( Thí dụ năm 2012 trong lịch ghi ngày Lập Xuân là ngày 13/1, thì ngày 13 mới sang tháng 1, còn từ ngày 12 đổ về trước đến ngày mùng 1 Tết vẫn là ngày của tháng 12 năm Tân Mã ).

Kinh Trập thì ngày đó bắt đầu sang tháng 2 ngày ấy, Thanh Minh ngày nào thì sang tháng 3 ngày ấy…
Các tháng khác cũng tra theo lịch và tính tương tự.

Đúng đây là nguyên liệu chính để chế thành món ăn THÁNG phải không các bạn?
2 /Thực phẩm thứ hai:
ĐÔNG TỨ TRẠCH VÀ TÂY TỨ TRẠCH
Một thực phẩm chính để chế biến món ăn là Đông, Tây Tứ Trạch.
Vậy Đông , Tây Tứ Trạch quan trọng như thế nào?
Đông, Tây Tứ Trạch dùng để xem phong thủy, xem hướng nhà, hướng đất, xem ngày tốt xấu hợp với ai, xem trai gái lấy nhau có hợp hay không?…Và còn nhiều ứng dụng nữa trong lý số.

Có bài thơ rằng:
Khảm Ly Chấn Tốn cùng một nhà
Gặp Tây Tứ Trạch chẳng thông gia
Cùng về một phía chung lý khí
Hạnh phúc an vui đến tuổi già.

Anh A lấy cô B tính theo Trạch vào cung Sinh Khí, các thày “ phán “ vợ chồng ăn ở với nhau hạnh phúc trọn đời, hai bên cha mẹ phấn khởi…Cô Y lấy anh Z xem Trach chẳng may vào cung Tuyệt Mệnh thì 2 bên gia đình ngăn cấm, tình yêu chỉ còn cách vượt lên trên định kiến thì mới thành đôi lứa.

Ngày này tốt nhưng chỉ hợp với ông A chứ không hợp cô B v…v…cũng dựa vào Đông, Tây Tứ Trạch.

Đó là LÝ KHÍ ( trong bài thơ có nhắc đến lý khí ):
Cùng về một phía chung lý khí
Chung lý khí có nghĩa: Đông Tứ Trạch thì đi với Đông Tứ Trạch – Tây Tứ Trạch thì đi với Tây Tứ Trạch.
Ông Thái Kim Oanh có viết: “ Người Đông Tứ Mệnh phải dùng ngày Đông Tứ Trạch, người Tây Tứ Mệnh phải dùng ngày Tây Tứ Trạch thì mới lành đặng...”

Các ngày tháng Đông tứ Trạch gồm:
Ngày Tý Mão Thìn Tỵ Ngọ.
Tháng gồm tháng 2,3,4,5 và 11
Các ngày Tây Tứ Trạch gồm:
Ngày Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Sửu, Dần.
Tháng gồm 1,6,7,8,9,10,và 12
Vậy món thức ăn ngày tháng nào hợp, ngày tháng nào không hợp với tuổi đã nấu xong.

Tóm lại muốn biết ngày tháng nào hợp với tuổi nào thì:
+ Dựa vào năm sinh, tra bảng TRẠCH MỆNH để tìm xem tuổi ấy là TRẠCH GÌ:
( Đông Tứ Trạch gồm các Trạch Mệnh: KHẢM, LY, CHẤN, TỐN thì dùng ngày Tý, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ.
Tháng thì dùng tháng 2.3.4.5.và tháng 11.
Tây Tứ Trạch gồm các Trạch Mệnh: KHÔN, ĐOÀI, CÀN, CẤN thì dùng ngày Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Sửu, Dần.
Tháng thì dùng tháng 1,6,7,8,9,10,và,12 ).
Tại sao lại có các ngày tháng như trên thì các bạn xem HÀ ĐỒ LẠC THƯ.
Trên Hà Đồ Lạc Thư đã hoạt hóa - ( cố định ) vị trí Can, Chi, Ngày, Tháng theo từng ô trên Bát Quái rồi, ta cứ theo đó mà dùng.
+ Dùng thêm ngày Tam Hợp, Nhị Hợp:
Thí dụ sinh năm Dậu thì dùng thêm ngày Tỵ, Sửu ( Tam hợp ), Thìn ( Nhị hợp )…
Sinh năm Ngọ thì dùng thêm ngày Dần, Tuất ( Tam hợp ), Mùi ( Nhị hợp )…
( nhưng các ngày Tam hợp, Nhị hợp này mà trùng với Tuyệt Mệnh, Ngũ Quỷ thì phải bỏ )
+ Bỏ đi các ngày xung với năm sinh:
Thí dụ sinh năm Thìn thì bỏ ngày Tuất.
Sinh năm Dần thì bỏ ngày Thân v…v…
+ Bỏ đi các ngày có Thiên Can xung của THIÊN CAN năm sinh, nhớ quy tắc cách 6:
Thứ tự các THIÊN CAN là: GIÁP ẤT BÍNH ĐINH MẬU KỶ CANH TÂN NHÂM QUÝ
Thí dụ sinh năm Ất thì cách 6 bỏ đi năm TÂN, sinh năm Giáp thì cách 6 bỏ đi năm CANH v…v…
Hợp 2 chữ Can Chi thì sinh năm Ất Dậu bỏ đi ngày Tân Mão, sinh năm Giáp Tý thì bỏ đi ngày Canh Ngọ…v…v…Cứ thế mà làm.
Thôi, ta cứ phiên phiến bỏ đi các ngày xung CAN CHI với tuổi là được.

3 /Thực phẩm thứ ba:

+ Ưu tiên chọn các ngày ĐẠI CÁT, TIỂU CÁT, HOÀNG ĐẠO:
Ngày ĐẠI CÁT – Những ngày này là ngày CAN sinh CHI, còn gọi là ngày BẢO NHẬT.
Thí dụ:
ngày Nhâm Dần ( Nhâm thủy sẽ sinh cho Dần mộc )…
Ngày TIỂU CÁT – Những ngày này là ngày CHI sinh CAN, còn gọi là ngày THOA NHẬT.
Thí dụ:
Ngày Ất Hợi ( Hợi thủy sinh cho Ất mộc )…
Ngày Hoàng Đạo:
THANH LONG, MINH ĐƯỜNG, KIM QUỸ, KIM ĐƯỜNG, NGỌC ĐƯỜNG.

+ Không nên dùng các ngày ĐẠI HUNG , TIỂU HUNG, ĐỒNG HÀNH, HẮC ĐẠO và ngày KIM THẦN THẤT SÁT.
- Ngày ĐẠI HUNG – Những ngày này là ngày CAN khắc CHI, còn gọi là ngày PHẠT NHẬT.
Thí dụ:
Ngày Tân Mão…
- Ngày TIỂU HUNG – Những ngày này là ngày CHI khắc CAN, còn gọi là CHẾ NHẬT.
Thí dụ:
Ngày Quý Sửu…
- Ngày ĐỒNG HÀNH – Những ngày này là ngày CAN CHI cùng NGŨ HÀNH.
Thí dụ:
Ngày Bính Ngọ…
- Ngày HẮC ĐẠO:
THIÊN HÌNH, CHU TƯỚC, BẠCH HỔ, THIÊN LAO, NGUYÊN VŨ, CÂU TRẦN

+ Nhất thiết không được dùng ngày KIM THẦN THẤT SÁT
Ngày này rất độc, không có bất cứ sao tốt nào giải được.
Mức độ tàn phá là số 1, nhưng tiếc rằng rất ít sách lịch nào liệt kê cụ thể.
Ta phải tự tính lấy vậy:
Năm GIÁP, KỶ ngày NGỌ, MÙI
Năm ẤT, CANH ngày THÌN, TỴ
Năm BÍNH TÂN ngày DẦN, MÃO
Năm ĐINH, NHÂM ngày TUẤT, HỢI
Năm MẬU QUÝ ngày THÂN, DẬU.

Các ngày của các năm ghi bên trên , nếu gặp 1 trong 7 sao GIÁC, CANG, KHUÊ, LÂU, NGƯU, QUỶ, TINH
Thì ngày đó là ngày KIM THẦN THẤT SÁT.

4 / Các gia vị để chế biến:
Tất cả các SAO TỐT, SAO XẤU đều xếp vào loại gia vị để chế biến.
Tra lịch thì ngày nào cũng có sao tốt đi kèm với sao xấu.
Có ngày sao tốt nhiều hơn sao xấu, nhưng cũng có ngày sao xấu lấn át sao tốt.

SAO TÔT:
Thiên Đức, Nguyệt Đức, Thiên Xá, Thiên Quý, Thiên Thành, Nguyệt Ân, Ngũ phú, Yếu Yên, Sát Cống, Bất Tương… chừng năm, sáu mươi “ Ông “.
SAO XẤU:
Thiên Cương, Đại Hao, Sát Chủ, Thụ Tử, Nguyệt phá, Kiếp Sát, Địa Phá, Thổ Phủ, Thổ Ôn, Địa Tặc, Trùng Tang, Trùng Phục… cũng có chừng năm, sáu mươi “ Ông “.
Ta tùy công việc đang cần làm để chọn sao tốt và sao xấu cho thích hợp.
Thí dụ:
Ta cần động thổ thì không nên chọn ngày Địa Tặc, Địa Phá, Thổ Phủ…
Ta cần cưới hỏi thì không nên chọn ngày Ly Sàng, Cô Thần, Quả Tú…
Ta cần lợp nhà thì không nên chọn ngày Hỏa Tai…
Ta cần cầu tapf thì không nên chọn ngày Đại Hao, Tiểu Hao…

Tất cả các sao tốt, xấu đều có trong tất cả các loại lịch; ta chỉ cần tra lịch, rồi chọn ngày thích hợp.
Nguyên tắc là nhiều sao tốt có thể khắc chế được ít sao xấu.
Sao tốt nhiều có thể khắc chế được sao xấu ít.
Nhất là ta đã chọn đúng các ngày Đông, Tây Tứ Trạch, các ngày Đại Cát, Tiểu Cát, Hoàng Đạo… lại công thêm các bộ sao giải mạnh như Sát Cống, Bất Tương, Thiên Đức, Nguyệt Đức, Trực Tinh…thì sẽ giải được các sao xấu ( trừ Kim Thần Thất Sát thì không bộ sao nào giải nổi ).


Vậy là ta đã có khái niệm về việc xem ngày:
NGÀY NÀO LÀ NGÀY TỐT, NGÀY XẤU ĐỐI VỚI TA - MÀ KHÔNG TỐT XẤU ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC.
Và các bạn có thể tự xem ngày được.

HungTranThanhHoa
 
Last edited by a moderator:

Hoàng Long1111

Thành viên năng nổ
Bạn nhìn một cách thiếu thiện tâm như vậy ( kể cả bài Thiền của bạn ), thì không có gì để nói cả
 
Top