Ngũ vận Lục khí...

volam078

Điều hành cấp cao

Ngũ vận Lục khí ...





















1. Khoa dự báo có giá trị nhất:

Lâu nay, khi nói đến khoa lý số, phương thuật, dự trắc cổ đại, người ta thường chỉ hay nhắc tới "Tử vi", "Bát tự", "Tử bình", "Kỳ môn độn giáp", "Thái ất thần số", ... Thực ra, còn có một bộ môn hết sức quan trọng nằm trong Hệ thống lý luận cơ bản của Đông y, đó là "Ngũ vận Lục khí", thường hay gọi tắt là "Vận Khí học".
Trong các phương pháp dự trắc cổ đại, "Vận Khí học" được giới học thuật xưa và nay công nhận là phương pháp dự báo có độ chính xác và giá trị thực tiễn cao nhất.

Ngũ vận Lục khí học lấy "Thiên nhân hợp nhất" làm tư tưởng chủ đạo. Nghĩa là công nhận: "Có một số phép tắc chung, có tính phổ quát, chi phối tất cả các biến động trong vũ trụ, từ sự vận hành của thiên thể, biến động của thời tiết khí hậu, cho đến những biến đổi của sinh vật và phi sinh vật".
Ngay từ khi bắt đầu hình thành, Đông y học đã được xây dựng theo mô thức "Tự nhiên - Sinh học - Xã hội". Đó không phải là mô thức "Y học sinh học" thuần túy của Tây y trong thuở sơ khai, cũng không phải là mô thức "Sinh học - Tâm lý - Xã hội" của Y học hiện đại ngày nay.
Do được xây dựng trên cơ sở "Thiên nhân hợp nhất", nên trong mô thức y học của Đông y còn có thêm nhân tố sinh thái.
Đông y luôn nhìn nhận cơ thể con người như một "Hệ thống mở". Con người là một thành phần trong giới tự nhiên. Con người và thiên nhiên là một thể thống nhất. Mọi hoạt động sinh mệnh của con người đều gắn liền với những biến đổi của môi trường, sinh thái chung quanh.
Sức khỏe là một trạng thái cân bằng động: Cân bằng giữa nhân thể với môi trường bên ngoài và cân bằng giữa các bộ phận bên trong nhân thể. Sự vận động và biến đổi của Ngũ vận và Lục khí có ảnh hưởng rất lớn đối với các hoạt động sinh mệnh và sự hình thành, diễn biến của bệnh tật. Do đó, trong dưỡng sinh phòng bệnh cũng như trong chữa trị bệnh tật, Đông y luôn tuân theo nguyên tắc tổng quát: "Nhân thời, nhân địa, nhân nhân chế nghi" - căn cứ vào điều kiện thời tiết khí hậu trong từng thời điểm (nhân thời), hoàn cảnh địa lý (nhân địa) và đặc điểm cụ thể của từng người (nhân nhân) để lập ra phương án phòng trị thích hợp.
Chính vì Đông y là một khoa "Y học sinh thái", do đó muốn thành thầy thuốc theo đúng nghĩa thì cần phải "Thượng tri thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự".


2. Vận khí học với Đông y học:

"Vận Khí" là tên gọi tắt của "Ngũ vận" và "Lục khí".
Theo nghĩa rộng, đó là lý thuyết về mối quan hệ vĩ mô giữa những biến động của vũ trụ với những biến động của vạn vật. "Vạn vật" nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là "hệ sinh thái", bao gồm toàn bộ sinh vật (thực vật, đông vật, vi sinh vật) và phi sinh vật trong môi trường (ánh sáng mặt trời, ôn độ, nước, không khí, thổ nhưỡng).
Theo nghĩa hẹp, Vận Khí là một bộ môn trong Đông y học chuyên tính toán, dự báo về sự biến đổi của thời tiết khí hậu hàng năm và tác động của những biến đổi đó đối với tổ chức kết cấu, chức năng sinh lý và bệnh lý của con người, để chỉ đạo dưỡng sinh, phòng bệnh và chữa bệnh có hiệu quả nhất.
Vận Khí học là bộ phận không tách rời của Đông y học và từ xưa đến nay luôn được y gia các thời đại coi trọng. Chính như Hải Thượng Lãn Ông đã nhận định: "
Không thông Ngũ vận Lục khí thì đọc hết các sách cũng chẳng làm được việc gì". Còn sách Nội Kinh thì có câu: "Không hiểu Lục khí gia lâm hàng năm, sự thịnh suy của tiết khí, bệnh khí hư thực, không thể coi là lương y".
Giáo sư Dương Lực ở Viện nghiên cứu Trung y Bắc Kinh (Trung Quốc) đã so sánh: "Nếu nói "Hoàng Đế Nội Kinh" là chiếc vương niệm của Đông y, thì Vận Khí học là viên ngọc sáng đính trên vương niệm đó. Có điều, viên ngọc đó chỉ dành cho những người không sợ khó khăn và nguy hiểm, dám dũng cảm vươn tới những đỉnh cao của khoa học. Nói cách khác, Vận Khí học là bộ phận tinh túy, uyên thâm nhất trong Đông y học, song cũng là một lý luận rất bí áo, hết sức khó hiểu".
Ngay bậc kiệt xuất như Lãn Ông khi nghiên cứu Vận Khí học cũng phải than rằng: "... khi đọc đến quyển Vận Khí, cảm thấy mờ mịt như người đi đêm, chẳng khác nào trăng dưới nước, hoa trong gương, chỉ trông thấy mà không cầm lấy được, ... khiến người trong cuộc phải thèm rỏ dãi".
Sau nhiều năm khổ công nghiên cứu và vài lần "toan cất làm của riêng", cuối cùng Lãn Ông đã quyết định "tiết lộ thiên cơ" và viết cuốn
Vận Khí bí điển (sẽ đăng chi tiết trong phần sau) để cho môn Vận Khí học "trở thành vật báu chung của trăm họ".

3. Ứng dụng lâm sàng:

Trong quá trình chẩn đoán và điều trị trên lâm sàng, ngoài việc sử dụng tư liệu thu được qua chẩn đoán ở từng người bệnh để tiến hành biện chứng luận trị theo "Bát cương" - "Âm Dương, Biểu Lý, Hàn Nhiệt, Hư Thực", người thầy thuốc Đông y còn chú ý đến thời gian và hoàn cảnh phát bệnh, nghĩa là còn luôn luôn tính đến mối quan hệ thống nhất giữa cơ thể con người với hoàn cảnh, môi trường sinh thái chung quanh.
Thí dụ, ngay cả khi chữa trị cảm mạo một chứng bệnh rất thường gặp, Đông y cũng luôn luôn căn cứ vào tình hình cụ thể mà áp dụng những biện pháp, vị thuốc chữa trị khác nhau: Mùa đông bị cảm lạnh thì sử dụng những vị thuốc cay nóng để "phát tán phong hàn" như ma hoàng, quế chi, tế tân, kinh giới, tử tô, ... Mùa hè bị cảm nóng thì sử dụng những vị thuốc cay mát để "phát tán phong nhiệt" như trúc diệp (lá tre), cát căn (rễ sắn dây), bạc hà, tang diệp (lá dâu tằm), cúc hoa, ...
Một ví dụ khác: Năm 1955 khi ở Thạch Gia Trang (Trung Quốc) bùng phát dịch viêm não B, các thầy thuốc đã sử dụng bài thuốc "Thạch cao thang" chữa trị đạt kết quả tốt. Tới năm 1956 ở Bắc Kinh cũng phát sinh dịch viêm não B, người ta cũng dùng "Thạch cao thang" nhưng không kết quả. Về sau phải cải tiến, dùng các bài thuốc giải trừ thấp nhiệt và phương hương hóa thấp thì mới có kết quả tốt. Lý do: Cùng là một bệnh viêm não B nhưng bệnh dịch phát tác trong các mùa khác nhau (thời gian hoàn cảnh khác nhau). Tại Thạch Gia Trang bệnh dịch phát sinh vào giữa mùa hè, khí hậu viêm nhiệt, tính chất của bệnh thiên về "nhiệt". Còn ở Bắc Kinh phát sinh trong mùa trưởng hạ, trời mưa liên miên, tính chất của bệnh thiên về "thấp", nên phương pháp chữa trị và vị thuốc cũng phải khác đi. Đây cũng là một thí dụ hết sức tiêu biểu thể hiện tính ưu việt của phương pháp chữa bệnh theo quan điểm sinh thái "Thiên nhân hợp nhất" của Đông y học.
(Lương y HƯ ĐAN.)











(Còn tiếp...)
 
Last edited by a moderator:

volam078

Điều hành cấp cao
Ngũ vận lục khí năm Nhâm thìn 2012 - Thử cùng chiêm nghiệm.



Vận Khí học quan niệm: Có một số phép tắc chung có tính phổ quát chi phối tất cả các biến động trong vũ trụ, từ vận hành của thiên thể, biến động của thời tiết khí hậu, cho đến sự biến đổi của sinh vật và phi sinh vật. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, đối với một số năm cụ thể hoặc một số địa điểm cụ thể, các dự báo theo Vận Khí học có thể chưa thật phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất và cũng là giá trị vĩnh hằng của Vận Khí học là: Đã phát hiện được những quy luật cơ bản và xác định chính xác những chu kỳ, phản ánh đúng sự biến thiên có tính tuần hoàn của thời tiết khí hậu hàng năm và tác động đối với sức khỏe và tật bệnh. Hiện nay, tuy khí hậu trái đất đã biến đổi nhiều so với thời xưa nhưng đối chiếu với những dự báo của Vận Khí học về năm Tân Mão vừa qua, ta sẽ thấy về cơ bản phù hợp thực tế. Thí dụ, như bài Vận Khí năm Tân Mão 2011 nhận định: "... thủy vận bất cập, dương khí phản thịnh, nên mùa đông không lạnh mà khí hậu lại tương đối ấm". Thực tế cho thấy, mùa đông năm vừa qua đúng là ấm hơn bình thường. Cuối tháng 11/2011 sau tiết Tiểu Tuyết, khí hậu mới chuyển lạnh thực sự đúng như đã dự báo: "Khí hậu chính thường (lạnh)". Hay như dự báo: Trong năm có 2 giai đoạn (Nhị khí và Tứ khí) khí hậu biến động dị thường, cũng cơ bản phù hợp tình hình thực tế. Nay, chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm về năm Nhâm Thìn.







1. Xét tổng thể: Năm Vận Khí Nhâm Thìn khởi đầu từ tiết Đại Hàn (20/01/2012) và kết thúc vào trước tiết Đại hàn năm sau (20/01/2013). Tuế vận: Mộc vận thái quá. Tuế Khí: Thái Dương hàn thủy tư thiên; Thái âm thấp thổ tại tuyền. Mộc vận thái quá, phong khí thiên thịnh, toàn năm gió nhiều. "Thái dương hàn thủy" tư thiên, hàn khí chủ sự, nửa đầu năm khí hậu nói chung lạnh hơn bình thường. "Thái âm thấp thổ" tại tuyền, thấp khí chủ sự, nửa cuối năm mưa nhiều và độ ẩm cao hơn bình thường. Nhìn chung, toàn năm có 3 nhân tố chính ảnh hưởng mạnh nhất đối với khí hậu: Phong, Hàn và Thấp.

• Vận khí tương lâm:

(1) Vận khí sinh khắc: Vận sinh khí = Tiểu nghịch (小逆); Vận khắc khí = Bất hòa (不和); Khí sinh vận = Thuận hóa (顺化); Khí khắc vận = Thiên hình (天刑). Năm Nhâm Thìn: Vận = Mộc; Khí = Thủy; Thủy sinh Mộc – Khí sinh Vận: Nhâm Thìn là một năm "Thuận hóa": Tần suất phát sinh tật bệnh nhìn chung tương đối thấp.

(2) Vận Khí thịnh suy: Sinh giả, khắc giả vi thịnh; Bị sinh, bị khắc giả vi suy. Năm Nhâm Thìn: Vận = Mộc; Khí = Thủy; Thủy sinh Mộc – Khí sinh Vận. Vận khí học gọi đó là "Khí thịnh vận suy"; Khi phân tích, luận đoán sẽ lấy khí làm chủ, vận làm thứ yếu. Khi phân tích tình hình biến đổi của khí hậu toàn năm, chủ yếu là dựa vào lý luận lục khí.

(3) Tương đắc, Thuận nghịch: Chủ khách tương sinh hoặc chủ khách tương đồng là "tương đắc": Khí hậu chính thường, ít phát sinh tật bệnh. Chủ khách tương khắc là "bất tương đắc": Khí hậu phản thường, dễ phát sinh bệnh tật. "Chủ thắng nghịch, Khách thắng tòng": Khách khí sinh chủ khí hoặc khách khí thắng (khắc) chủ khí là "thuận", ngược lại là nghịch. Ngoài ra, đối với "Quân hỏa" và "Tướng hỏa": "Quân vị thần tắc thuận, thần vị quân tắc nghịch": Quân (vua) ở trên thần (quan) là thuận, thần ở trên quân là nghịch. Sự biến hóa của lục khí trong từng giai đoạn chủ yếu căn cứ vào quan hệ "tương đắc – bất tương đắc" và "nghịch – tòng" giữa chủ khí và khách khí. Hãy xét tình hình cụ thể từng giai đoạn trong năm Nhâm Thìn.









2. Luận từng giai đoạn:







(1) Từ Đại Hàn đến Xuân Phân (Sơ khí): Chủ khí = Quyết âm Phong mộc; Khách khí = Thiếu dương Tướng hỏa. Mộc sinh Hỏa, Chủ sinh Khách = Tương đắc; Nghịch (tương đắc trung chi nghịch): Khí hậu chính thường. Dương khí bắt đầu thăng phát, thời tiết ấm lên dần. Tuy nhiên, người bẩm sinh yếu ớt, cơ thể suy nhược sau khi bệnh nặng, cần chú ý đề phòng cảm mạo, thương phong.

(2) Từ Xuân Phân đến Tiểu Mãn (Nhị khí): Chủ khí = Thiếu âm Quân hỏa; Khách khí = Dương minh Táo kim. Hỏa khắc Kim, Chủ khắc Khách = Bất tương đắc; Nghịch (bất tương đắc trung chi nghịch). Tuy nhiên, khí tư thiên chủ quản nửa đầu năm là Thái dương Hàn thủy, Thủy của Tư thiên có thể khắc Hỏa của Chủ khí. Chủ khí Hỏa bị sự khắc chế không còn đủ sức để khắc chế khách khí Kim. Từ đó, "bất tương đắc" biến thành "tương đắc", "nghịch" trở thành "thuận". Do đó, khí hậu trong giai đoạn này vẫn chính thường. Khí hậu từ ấm chuyển nóng và khô. Người Âm hư đa hỏa, Tâm âm bất túc, dễ có những chứng trạng như ngực sườn đầy tức, mất ngủ, ngủ mơ nhiều, tiểu tiện sẻn đỏ, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, ... Dự phòng ngừa có thể dùng sinh địa, huyền sâm, mạch môn, trúc diệp (lá tre), kim ngân hoa, ... sắc nước uống thay trà trong ngày.

(3) Từ Tiểu Mãn đến Đại Thử (Tam khí): Chủ khí = Thiếu dương Tướng hỏa; Khách khí = Thái dương Hàn thủy – Tư thiên. Thủy khắc Hỏa, Khách khắc Chủ = Bất tương đắc; Thuận (bất tương đắc trung chi thuận). Khí hậu biến đổi dị thường, dễ phát sinh bệnh. Thời tiết đáng lẽ nóng nhưng không nóng mà lại mưa nhiều. Giai đoạn này người tố chất Tâm Thận Dương hư, rất dễ bị cảm mạo phong hàn. Chứng trạng: Phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi, chân tay lạnh, phiền táo, ỉa chảy, tức ngực, thở gấp, tâm loạn nhịp đập dồn từng hồi (tâm quý), môi lưỡi tím tái, ... Chữa trị cần sử dụng các vị thuốc như tía tô, kinh giới, nhân sâm, bạch truật, khương hoạt, sinh khương (gừng tươi), thông bạch (hành hoa), ... để ôn dương ích khí, tán hàn giải biểu. Để dự phòng có thể dùng sinh khương, thông bạch và đại táo, sắc nước uống thay trà trong ngày.

(4) Từ Đại Thử đến Thu Phân (Tứ khí): Chủ khí = Thái âm Thấp thổ; Khách khí = Quyết âm Phong mộc. Mộc khắc Thổ, Khách khắc Chủ = Bất tương đắc; Thuận (bất tương đắc trung chi thuận). Tuy nhiên, khí tại tuyền – chủ quản nửa cuối năm là Thái âm Thấp thổ, Thổ khí Tại tuyền hỗ trợ Thổ khí Chủ khí, nhờ đó mà Thổ khí vượng lên, đủ sức tạo thế cân bằng với phong Mộc của Khách khí. Từ đó "bất tương đắc" biến thành "tương đắc", khí hậu chính thường. Từ sau Đại thử, khí hậu bớt nóng và mát dần, độ ẩm không khí cũng tăng lên. Giai đoạn này, người Tỳ vị hư nhược, rất dễ nhiễm thời tà thấp nhiệt. Chứng trạng biểu hiện: Phát sốt, sợ lạnh hoặc lúc nóng lúc lạnh về buổi chiều (ngọ hậu hàn nhiệt), đầu nặng, mình mẩy và chân tay bải hoải, miệng háo không thích uống nhiều nước, ngực bụng đầy trướng, kém ăn, lợm giọng buồn nôn, ... Chữa trị cần sử dụng những vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, như hoàng đằng, hoàng liên, hoàng bá, kim ngân hoa, chi tử, hậu phác, bạch chỉ, thương truật, bạch truật, phục linh, đại phúc bì, ý dĩ nhân, bạch biển đậu, xa tiền tử, ...

(5) Từ Thu Phân đến Tiểu Tuyết (Ngũ khí):
Chủ khí = Dương minh Táo kim; Khách khí = Thiếu âm Quân hỏa. Hỏa khắc Kim, Khách khắc Chủ = Bất tương đắc; Thuận (bất tương đắc trung chi thuận). Khí hậu biến động dị thường: Khí hậu đáng lẽ mát lại khô và nóng, nhiều gió ít mưa. Giai đoạn này, người thể chất Âm hư dễ bị mắc chứng bệnh ôn táo. Chứng trạng biểu hiện: Phát sốt, không sợ lạnh, miệng khô, lưỡi háo, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện bí kết, ho khan, khạc ra máu, ngực bụng tức đầy, chảy máu mũi, đại tiện ra máu, chảy máu chân răng, khát nước, ... Chữa trị cần sử dụng những vị thuốc sinh tân nhuận táo, tư dưỡng Phế Tỳ, như sinh địa, thiên môn, mạch môn, huyền sâm, kỷ tử, thạch hộc, hắc hi ma (vừng đen), ô mai, bạng đại hải, ngũ vị tử, hòe giác, ...

(6) Từ Tiểu Tuyết đến Đại Hàn (Chung khí):
Chủ khí = Thái dương Hàn thủy; Khách khí = Thái âm Thấp thổ – Tại tuyền. Thổ khắc Thủy, Khách khắc Chủ = Bất tương đắc; Thuận (bất tương đắc trung chi thuận). Khí hậu biến động dị thường: Nhiệt độ hạ xuống rất thấp, gây rét đậm, rét hại; Lại mưa nhiều, độ ẩm tăng cao. Trong điều kiện như vậy, người Dương hư hoặc Tỳ Thận dương hư, dễ mắc phải các chứng cảm mạo, tê đau xương khớp (tý chứng), ỉa chảy (tiết tả), thoát vị (sán khí), ... Các chứng trạng lâm sàng thường gặp: Sợ lạnh, phát sốt, mũi tắc chảy nước trong, ho suyễn, tức ngực, đau ngực, đau đầu, nặng đầu, đau người, đau lưng, khớp xương lạnh đau, bụng trướng đau, nôn, kém ăn, ỉa lỏng hoặc hạ lợi thanh cốc, thiếu phúc đau kéo xuống tinh hoàn, ... Chữa trị cần tán hàn trục thấp, hòa trung ôn dương. Sử dụng các vị thuốc: Ma hoàng, quế chi, khương hoạt, độc hoạt, tế tân, thương truật, kinh giới, phòng phong, tô diệp, đậu sị, sinh khương, can khương, đại táo, thông bạch, nhục quế, cao lương khương, ... Tóm lại: Phân tích theo lục khí, toàn năm có 3 giai đoạn "Bất tương đắc" – Khí hậu dị thường dễ phát sinh tật bệnh. Đó là các giai đoạn Tam khí, Ngũ khí và Chung khí.

7. Tổng quan tình hình bệnh tật:


(1)
Năm "Mộc vận thái quá", Vận khí học gọi là "Phát sinh chi kỷ". Thiên "Khí giao biến đại luận thiên" sách Tố Vấn viết: "Tuế mộc thái quá, phong khí lưu hành, tỳ thổ thụ tà. Dân bệnh sôn tiết, thực giảm, thể trọng, phiền oan, trường minh, phúc chi mãn, ... Thậm tắc hốt hốt thiện nộ, huyễn mạo, điên tật ... Phản hiếp thống nhi thổ thậm. Xung dương mạch tuyệt giả, tử bất trị" ( 、風 、脾 邪。民 、食 、煩 冤、腸 嗚、腹 滿...。甚 、眩 、... 、冲 、死 ...). Nghĩa là: Mộc vận thái quá, ắt phong khí lưu hành, Tỳ thổ (tạng Tỳ) bị xâm hại. Sẽ có nhiều người bị mắc bệnh "sôn tiết", ăn uống giảm sút, mình mẩy chân tay nặng nề, phiền muộn u uất, trong bụng có tiếng ùng ục, bụng trướng đầy, ... Thậm chí thường bỗng nhiên nổi giận, đồng thời hay chóng mặt, hoa mắt, xuất hiện các chứng bệnh ở đầu. ... Nếu như sườn đau tức, nôn mửa liên tục, mạch xung dương tuyệt, thường tử vong không thể cứu chữa. "Sôn tiết" là tên chứng bệnh do "can uất tỳ hư", thanh khí không đưa lên được gây nên. Triệu chứng: Đại tiện trong loãng, lẫn thức ăn không tiêu, sôi bụng, đau bụng, mạch huyền hoãn. "Xung dương": Là "huyệt nguyên" của kinh Túc dương minh Vị, vị trí ở trên mu bàn chân, có động mạch đập.

(2) Phong khí thông với tạng Can. Phong hữu dư (thái quá) thành "phong tà", gây bệnh ở tạng Can; Chủ yếu là các chứng "hữu dư" – sơ tiết, thăng phát thái quá, cường tuyến giáp (ba-dơ-đô), tăng huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, xuất huyết não, chân tay co giật, ... "Khí hữu dư tắc chế kỷ sở thắng, nhi vũ sở bất thắng". Ngoài bản tạng (Can) mắc bệnh, còn xuất hiện "tương thừa", "tương vũ", gây bệnh ở các tạng liên quan. Tương thừa: Can khí thừa Tỳ, khắc chế Tỳ thổ quá mức; Tỳ thổ (bao gồm chức năng tiêu hóa) bị xâm hại, dẫn đến các chứng trạng thuộc loại "bất túc" (chứng hư), như đã nói ở trên: ăn uống giảm sút, "sôn tiết" ... Tương vũ: Mộc vũ Kim, Phế thuộc hành Kim, ảnh hưởng tới chức năng túc giáng của Phế, dẫn tới các chứng trạng: huyễn vựng (choáng váng), suyễn khái (ho, suyễn thở), hung muộn (tức ngực, ngột ngạt), hiếp thống (đau mạng sườn), ...

(3) "Phong vi bách bệnh chi trưởng", "Phong tà" là nguyên nhân chủ yếu gây nên các loại bệnh ngoại cảm, lại thường hay kết hợp với các loại tà khí khác, biến thành những tác nhân gây bệnh phức hợp. Trong năm Nhâm Thìn, phong tà dễ kết hợp với "hàn" và "thấp" thành "Phong hàn", "Phong thấp", xâm phạm vào cơ thể mà gây nên bệnh. Như vậy, về phương diện bệnh tật. Cần chú ý dự phòng các chứng bệnh do "Phong tà", "Hàn tà", "Thấp tà", "Phong hàn" và "Phong thấp" gây nên.

(Bài rút gọn đã đăng trên tạp chí Cây thuốc quý số Tết Nhâm Thìn của Lương y THÁI HƯ )




(Còn tiếp...)
 
Last edited by a moderator:

volam078

Điều hành cấp cao
Vận Khí Bí Điển...





Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) đã từng viết: “Tôi thuở trẻ gặp thời binh loạn, phải ẩn náu giang hồ, sau lánh đến Hoan Châu, làm nhà ở Hương Sơn, đóng cửa đọc sách gần sáu, bảy năm tròn. Thường do người xưa nói: “Ba lần đứt tay mới thành thầy thuốc giỏi”. Lúc đầu tôi cho lời nói đó là quá mức và buồn cười. Về sau, chỗ ở là nơi lam sơn chướng khí, nhiễm phải nhiều chứng bệnh nên mới sưu tầm các sách Bách gia chư tử, theo đạo Hiên Kỳ (tức Hoàng Đế và Kỳ Bá trong sách Hoàng Đế nội kinh), khi đọc đến quyển Vận Khí cảm thấy mờ mịt như người đi đêm, chẳng khác nào trăng dưới nước, hoa trong gương, chỉ trông thấy mà không cầm lấy được. Thật là sách Vận Khí đã trở thành bánh vẽ, khiến cho người trong cuộc phải thèm rỏ dãi. Lại thấy lời bàn của Trương Tử Hòa (1156 - 1228) có câu: “Không thông Ngũ Vận, Lục Khí thì dù có đọc hết các sách thuốc cũng chẳng làm nên việc gì”. Đọc đi đọc lại câu này càng thêm sốt ruột, phải vỗ đùi mà thở dài ba, bốn lần” (Vận Khí bí điển).
Sau đó cụ Hải Thượng Lãn Ông quyết tâm học cho được môn Ngũ Vận Lục Khí. Cụ viết thành quyển Vận Khí bí điển trong bộ Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh, để lại cho đời sau nhiều kiến giải có giá trị....


Dưới đây xin trích nguyên văn phần Vận Khí Bí Điển trong tác phẩm Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh của người...





(Còn tiếp...)
 
Last edited by a moderator:
Top