Bí ẩn của phong thủy

Thiên Lang

Moderator
Trong xu thế người người làm phong thủy, nhà nhà làm phong thủy như hiện nay, sách vở tràn lan và đủ mọi thông tin kiến thức không kiểm chứng được . Thiên Lang xin tập hợp đưa lên diễn đàn một số bài viết kiến thức có tính chất giới thiệu khảo cứu liên quan đến lĩnh vực phong thủy địa lý. Các tác giả là những người có kiến thức chuyên sâu về những gì họ viết và hoàn toàn không phải là những thứ phục vụ cho thị trường. Điều này cũng để thành viên của diễn đàn có cái nhìn tường tận thêm về một lĩnh vực bí ẩn trong văn hóa cổ Đông phương.

Topic này chúng tôi xin giới thiệu loạt 3 bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) đăng trên http://nguyenxuandien.blogspot.com.

----------------------------

Dẫn nhập:
Thưa chư vị,
.


Nhân dịp hội thảo về Phong thủy, xin chép hầu chư vị một ít tài liệu về những bí ẩn của phong thủy để mua vui cho quý vị. Chuyện phong thủy từ xưa đến nay luôn là một câu chuyện đầy bí ẩn. Cổ ngữ vẫn có câu: "Được về mồ về mả, chứ ai được về cả bát cơm". Lại khi có ai đó dốt nát mà trên vẫn cho được làm quan, dân gian lại bảo: "Mả nhà nó táng hàm rồng". Nước ta làm sao mà lắm chỗ hàm rồng thế!
.​
Bí ẩn của phong thủy gồm 3 bài: 1. Tả Ao tiên sinh; 2. Bí ẩn của phong thủy; và 3. Các sách về phong thủy có trong thư viện Viện Hán Nôm (nơi chúng tôi làm việc).
.



Hầu chuyện chư vị, ai cho là chuyện mê tín dị đoan, xin sang trang website khác không mê tín dị đoan mà đọc. Ai có dạy dỗ gì, tôi cũng không dám nhận, vì tôi không nghiên cứu về phong thủy. Chỉ mua vui cho mấy chỗ bằng hữu mà thôi! (Lâm Khang chủ nhân cẩn bút).

.

Bức chạm Mả táng hàm rồng. Đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Tây (cũ). Ảnh: Trang Thanh Hiền
 

Thiên Lang

Moderator
Phần 1: TẢ AO TIÊN SINH

Thầy địa lý Tả Ao là ông Mỗ (không xác định được danh tính). Thuở nhỏ, mồ côi cha, nhà nghèo, mẹ mắt lòa, ông theo một khách buôn ở phố Phù Thạch (gần rú Thành ở Nghệ An) về Tàu để lấy thuốc chữa bệnh cho thân mẫu. Thầy thuốc khen Tả Ao có hiếu nên hết lòng dạy cho.

Khi nghề đã thành, sắp về nước, chợt có thày địa lý chính tông đau mắt đã lâu không khỏi, đến mời thày thuốc này đến chữa, do già yếu nên ông thày sai Tả Ao đi chữa thay. Khi Tả Ao chữa khỏi mù loà, ông thày địa lý nhìn thấy Tả Ao nghĩ bụng: Người này có thể truyền nghề cho được đây. Tả Ao cũng có ý muốn học, vả lại thấy Tả Ao thông minh, hiếu học, để trả ơn chữa bệnh nên thày địa lý nọ đã truyền hết nghề, hơn một năm đã giỏi.

Để thử tay nghề của học trò, ông thày bèn đổ cát thành hình núi sông và vùi một trăm đồng tiền ở các huyệt đạo, rồi bảo Tả Ao tìm thấy huyệt thì xuyên kim xuống. Tả Ao đã cắm được 99 kim đúng lỗ đồng tiền (chính huyệt), chỉ sai có một. Xong ông thày nói:

- Nghề của ta đã sang nước Nam mất rồi. Rồi cho Tả Ao cái tróc long và thần chú. Tả Ao về nước Nam chữa khỏi bệnh cho thân mẫu.

Trước khi từ biệt, ông thày địa lý bên Tàu dặn: Khi về Nam, nếu qua núi Hồng Lĩnh thì đừng lên. Nhưng một lần đi qua Hồng Lĩnh, không hiểu duyên cớ gì Tả Ao lại lên núi và thấy kiểu đất Cửu long tranh châu (chín rồng tranh ngọc), mừng mà nói rằng: - Huyệt đế vương đây rồi, thày dặn không lên là vì thế. Bèn đưa mộ cha về táng ở đấy. Ít lâu, vợ Tả Ao sinh hạ được một con trai.

Khi ấy, nhà Minh bên Trung Quốc, các thày thiên văn phát hiện các vì tinh tú đều chầu về nước Nam nên tâu với nhà Vua, ý là nước Nam được đất sẽ sinh ra người tài, sẽ hại cho nhà Minh. Nhà Vua bèn truyền các thày địa lý là nếu ai đặt đất hoặc dạy cho người Nam thì phải sang tìm mà phá đi, nếu không sẽ bị tru di tam tộc. Ông thày của Tả Ao biết là chỉ có học trò của mình mới làm được việc này nên cho con trai tìm đường xuống nước Nam mà hỏi:

- Từ khi đại huynh về đã cất được mộ phần gia tiên nào chưa. Tả Ao cũng thực tâm thuật lại việc đặt mộ cha mình. Con thày Tàu dùng mẹo cất lấy ngôi mộ, bắt con trai của Tả Ao đem về Tàu. Rồi thân mẫu của Tả Ao mất, Tả Ao tìm được đất Hàm rồng ở ngoài nơi hải đảo để táng. Đến ngày giờ định táng thì trời gió to sóng lớn, không mang ra được. Lát sau trời yên, biển lặng ở đó nổi lên một bãi bồi, Tả Ao bèn than rằng: Đây là hàm rồng, năm trăm năm rồng mới há miệng một lần trong một khắc. Trời đã không cho thì đúng là số rồi. Rồi Tả Ao chán nản gia cảnh, bỏ quê hương chu du khắp bốn phương để chữa bệnh, tìm đất giúp người.

Khi già yếu, Tả Ao cũng đã chọn cho mình chỗ an táng kiểu đất Nhất khuyển trục quần dương (chó đuổi đàn dê) ở xứ Đồng Khoai. Nếu táng được ở đây thì chỉ ba ngày sau là thành Địa Tiên. Tả Ao có hai người con trai nhưng do Tả Ao chu du thiên hạ, không màng dang vọng, bổng lộc nên gia cảnh, con cái thì bần hàn. Lúc sáu lăm tuổi, biết mình sắp về chầu tiên tổ nên bảo hai con khiêng đến chỗ ấy, để nằm dưới mộ và sẽ tự phân kim (chôn lúc chưa chết hẳn), dặn con cứ thế mà làm. Mới được nửa đường, biết là sẽ chết trước khi đến nơi nên Tả Ao bèn chỉ đại một gò bên đường mà dặn con rằng: Chỗ kia là ngôi Huyết thực, bất đắc dĩ thì cứ táng ở đó, sẽ được người ta cúng tế.

Ông xuống cáng, chỉ hướng cho người nhà đào. Hai con bèn táng luôn ở đó. Sau quả nhiên làm Phúc thần.


***
Tả Ao tiên sinh là người Việt Nam. Một người nổi tiếng như vậy mà không biết thực họ tên là gì. Sách Tang thương ngẫu lục đã phải than rằng: “Chao ôi! Phương thuật của ông kể cũng rất lạ, vậy mà họ tên không truyền lại, tiếc thay!. (Có thuyết bảo ông họ Hoàng, tên Chỉ”.

Cái tên Tả Ao không phải là tên thật của nhân vật này, mà là tên làng quê của ông, được ông lấy làm tên hiệu và gắn với tác phẩm của mình. Cũng tương truyền, tên ông được người xưa lấy tên làng, nơi ông sinh ra để gọi, mà không gọi tên thật. Tên thật của ông thì không rõ ràng. Bách khoa toàn thư Việt Nam viết rằng: Tả Ao, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, có tên là Hoàng Chiêm hay Hoàng Chỉ. Còn trong dân gian, xuất phát từ quê hương ông, lưu truyền tên gọi thật là Vũ Đức Huyền. Cũng có nguồn nói rằng ông có tên là Nguyễn Đức Huyền. Tả Ao sinh vào khoảng năm Nhâm Tuất (1442), sống thời Lê sơ (Lê Thánh Tông , Lê Hiến Tông và Lê Uy Mục, tức là khoảng những năm 1442-1509). Có tài liệu cho rằng Tả Ao sinh sống trong khoảng đời vua Lê Hy Tông (1676-1704).
.

Một hàm rồng chưa mở huyệt. Địa điểm vẫn còn nằm trong bí mật.​
Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

Các sử gia thời Lê Nguyễn đều không chép về ông nên cuộc đời ông chỉ được chép tản mát trong một số truyện, sách đại lý phong thủy thời nhà Nguyễn và sau này. Sách Hán Nôm được cho là do Tả Ao truyền lại gồm: Tả Ao chân truyền di thư (左 幼 真 傳 遺 書), Tả Ao chân truyền tập (左 幼 真 傳 集), Tả Ao chân truyền địa lý (5 tập-左 幼 真 傳 地 理), Tả Ao tiên sinh bí truyền gia bảo trân tàng (左 幼 先 生 祕 傳 家 寶 珍 藏), Tả Ao tiên sinh địa lý (左 幼 先 生 地 理), Tả Ao xã tiên sư thư truyền bí mật các lục (左 幼 社 先 師 書 傳 祕 宓各 局). Các tác phẩm này hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tuy nhiên Viện Hán Nôm cũng chú thích rằng: Tả Ao là tên hiệu của Hoàng Chiêm.

Ngoài ra, có các sách Địa lý phong thủy Tả AoĐịa lý Tả Ao chính tông của tác giả Vương Thị Nhị Mười; Nghiên cứu Phong thủyPhong thủy Việt Nam của Ngô Nguyên Phi...đều nói sơ lược về Tả Ao.
Các sách vở cũng như truyền thuyết đều coi ông là Thánh Địa lý Tả Ao, trạng Tả Ao, là thuỷ tổ khai môn, đệ nhất về địa lý phong thuỷ Việt Nam. giỏi địa lý phong thủy như Cao Biền của Trung Quốc. Người đời xưa còn truyền lại bài thơ ca ngợi ông.

Ngày nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều truyền thuyết, giai thoại được sách vở ghi lại, truyền miệng trong dân gian như việc Tả Ao, Tả Ao và Cao Biền thi thố tài năng (như Tả Ao phá trấn yểm của Cao Biền trên núi Tản Viên ở Hà Nội, núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa,…), các truyền thuyết, giai thoại Tả Ao tìm nơi đất tốt để đặt đình chùa, đền miếu, mồ mả, nhà cửa; giúp dân nghèo, trị kẻ gian ác. Tương truyền làng này có tục nọ, nghề kia là do Tả Ao chọn đất, hướng đình; họ này phát danh khoa bảng, họ kia phát công hầu khanh tướng là do Tả Ao tìm long mạch, huyệt đạo đặt mồ mả. Có một truyền thuyết còn lưu truyền đến ngày nay tại thôn Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên (nơi có đền thờ Tả Ao): Truyền tích gắn liền với ngôi đền thờ Tả Ao làng Nam Trì còn lưu truyền đến ngày nay là thời kỳ Tả Ao ở khu vực Hưng Yên một thời gian. Tả Ao về huyện Thiên Thi (tên cũ của Ân Thi) đã đã cắm đất, chọn ngày xây đình chùa, đặt mồ mả để cho hai làng Thổ Hoàng (nay thuộc thị trấn Ân Thi) và Hới (tức làng Hải Triều, trước thuộc huyện Tiên Lữ, nay thuộc Hưng Yên) phát về đường khoa cử, giàu có nên lưu truyền trong dân gian câu ngạn ngữ Nhất Thi nhì Hới.

Tại Nam Trì, Tả Ao đã giúp dân làng lập lại làng, chuyển đền, chùa và tìm đất đặt mộ phần cho họ Đinh tại gò Tam Thai vượng về võ tướng. Đến năm Giáp Thìn niên hiệu Quảng Hòa thứ 4 (1544) đời Mạc Phúc Hải, người họ Đinh làng Nam Trì là Đinh Tú đỗ Đệ tam giáp Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và được bổ nhiệm làm quan Hiến Sát xứ Hải Dương, được phong tước Phù Nham bá. Hậu duệ của Đinh Tú (lăng mộ tại Nam Trì), chuyển sang sống ở làng Hàm Giang (Hàn Giang) huyện Cẩm Giàng là Đinh Văn Tả là một danh tướng thời Lê-Trịnh.

Đền thờ:



Bàn thờ Tả Ao và các vị Thành hoàng làng Nam Trì. Ảnh: Internet.

Có rất nhiều truyền thuyết, giai thoại được sách vở ghi lại, nhất là giai thoại khi Tả Ao mất, táng ở “ngôi Huyết thực” để được một làng cúng tế. Thực tế, cũng chưa thấy ở đâu (kể cả ở quê hương) có đền thờ Tả Ao và cũng không thấy Tả Ao được phong thần. Hiện nay, có lẽ là duy nhất ở thôn Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên có thờ Tả Ao.

Đền Nam Trì nguyên thờ tam vị Thượng đẳng phúc Thần: Tể tướng Lữ Gia (Bảo Công), tướng Nguyễn Danh Lang (Lang Công), Cao Biền (Cao Vương) và Tả Ao gắn với Lễ hội Nam Trì (hay Lễ hội: Bảo, Lang, Biền). Trong danh sách 7 vị thần thờ ở đền Nam Trì (3 vị trên và 1 vị phu nhân Lữ Gia và 2 vị phu nhân Cao Biền) thì vị thứ 7 là Nguyễn Lang nhưng thực tế ở Nam Trì thì chỉ biết vị thứ 7 là Tả Ao chứ không biết Nguyễn Lang là ai.

Theo lịch sử và thần tích thờ tự đền Nam Trì thì khi Tả Ao giúp dân làng lập lại làng, chuyển chùa, đền thờ về phía Tây Nam; nhớ công ơn Tả Ao dân làng Nam Trì đã tôn Tả Ao là vị Bản cảnh Thành hoàng và thờ cùng tam vị Thượng đẳng phúc Thần từ đó đến nay. Hiện trong đền Nam Trì có câu đối của Tả Ao tả về địa lý, phong thuỷ làng Nam Trì: “Tây lộ khê lưu kim tại hậu - Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền” nghĩa là phía tây của đường làng có dòng nước chảy, phía sau của làng là hướng Tây Bắc (hướng tây bắc hành kim) - phía đông làng có sông nước tụ làng nhìn về hướng đông nam (hướng đông nam hành mộc).


Tham khảo từ các sách: Tang thương ngẫu lục, Nam Hải dị nhân,

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và một số tài liệu khác
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện tổng hợp
 

Thiên Lang

Moderator
TRUYỆN ĐINH TIÊN HOÀNG


Nhà Đinh Tiên Hoàng gần một cái đầm sâu, mẹ ông vẫn thường ra đấy tắm giặt. Một hôm bà bị con rái cá lớn hãm hiếp nên thụ thai và sinh ra ông. Bố ông không biết, chỉ mẹ ông biết ông là con của loài rái cá.

Mấy năm sau, người chồng qua đời, mà con rái cá cũng bị dân bắt được đem về ăn thịt, còn xương thì quẳng vào một xó. Bà được tin, đến nơi, đợi mọi người về hết, thu nhặt hết xương đem về, gói ghém cẩn thận và để trên gác bếp và bảo cho Đinh Tiên Hoàng biết đó là hài cốt của cha.
Sau, có thầy địa lý Tàu sang nước ta, dõi theo long mạch đến Hoa Lư. Buổi tối thầy địa lý xem thiên văn, thấy có tia hào quang như dải lụa đỏ tự đầm nước bốc lên bắn thẳng vào sao Thiên Mã. Sáng hôm sau, thầy địa lý lần đến xem xét hồi lâu và đoán dưới đáy đầm tất có vật thiêng nên muốn thuê người bơi lặn giỏi xuống dưới đó xem sao. Nguyên là trong đầm đó, người ta đồn rằng bên dưới có chỗ rất thiêng, xưa nay chẳng ai dám bén mảng tới. Vì thế, thầy địa lý treo giải thưởng rất hậu cho người nào có gan lặn xuống để dòm xem. Họ Đinh bèn nhận lời ngay. Rồi ông lặn xuống đó, lấy tay sờ quanh, thấy có một con vật hình như con ngựa đứng dưới đáy đầm. Ông bèn trở lên báo cáo lại cho thầy địa lý biết. Thầy bảo ông lặn xuống chuyến nữa và đem theo một nắm cỏ non, nhử vào mồm ngựa xem nó thế nào. Ông lại cầm nắm cỏ xuống, đứng trước đầu ngựa để nhử, thấy nó há miệng ngoạm lấy nắm cỏ. Ông bơi lên báo cho biết, thầy địa lý gật đầu bảo: “Dưới đầm quả nhiên có ngôi huyệt quý”. Rồi thầy đưa ra một số bạc vàng bảo với ông rằng: “Nay hãy tạm thù lao một ít, sau này sẽ xin tặng thêm. Tôi cần phải trở về bản quốc mấy tháng rồi lại sang ngay, bấy giờ ta sẽ nói chuyên sau”. Lúc ấy tuy còn ít tuổi, nhưng ông rất thông minh. Nghe bọn khách nói chuyện với nhau, ông hiểu ngay là huyệt ở mồm ngựa, không còn hồ nghi gì. Đợi họ đi rồi, ông đem gói xương ở gác bếp xuống, lấy cỏ bao bọc xung quanh, rồi lặn xuống để vào mồm ngựa, ngựa bèn ăn hết ngay. Từ đó nhiều người phục tòng ông và tôn ông làm trại trưởng…

Cách mấy năm sau, thầy địa lý đem xương bố ở Trung Quốc sang, tìm đến chỗ đầm ấy để mai táng. Nghe nói Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành bậc anh tài cái thế, thủ hạ có hơn một nghìn người, thầy địa lý biết ngay là họ Đinh đã táng huyệt ấy rồi. Thấy uổng phí bao nhiêu công sức, thầy căm tức lắm, bèn đến bảo ông rằng: “Nghe nói ông đã được đất. Cái huyệt tuy đẹp, nhưng ngựa không có gươm thì không được tốt. Nay tôi tặng cho một thanh gươm, ông đem xuống treo ở cổ ngựa, như vậy thì ông sẽ dọc ngang trời đất, đánh đâu được đấy”. Đinh Bộ Lĩnh tin lời thầy địa lý bèn lặn xuống chỗ ngựa thần, lấy tay sờ cổ ngựa, để gươm vào đấy rồi bơi lên.

Từ đó đánh đâu được đấy, gọi là Vạn Thắng Vương. Ông dẹp được 12 sứ quân, thống nhất dư đồ, lên làm vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Ông ở ngôi 12 năm thì bị tên hầu cận là Đỗ Thích ám sát, con cả là Đinh Liễn cũng bị giết. Vì thầy địa lý dùng kế đánh lừa để gươm vào đầu ngựa, nên hai bố con ông mới thế.

* (Trích từ sách Công Dư Tiệp Ký tiền biên của cụ Vũ phương Đề viết vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Bản dịch của Đoàn Thăng. Nxb. Văn học. HN, 2001. )



Phong cảnh cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, mùa thu năm 2010




Đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Yên Thắng, Nam Định.



Khu di tích Động Hoa Lư, Châu Đại Hoàng, Ninh Bình





Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Cố đô Hoa Lư
 

Attachments

Last edited by a moderator:

Thiên Lang

Moderator
TRUYỆN MỘ TỔ NHÀ TRẦN


Tiên Tổ nhà Trần ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, (tỉnh Nam Định)đời đời làm nghề đánh cá, một dải trường giang ở phía Nam đâu đâu cũng là nhà. Bấy giờ có một ông thày địa lý Trung quốc sang nước ta xem đất. Chú theo Long mạch từ núi Tam đảo đi xuống, qua Thăng long, Cổ Bi đến các xã Kệ Châu và Cao xá thuộc Huyện Kim Động, thấy có nhiều đống đất hoàn tụ, bèn cười nói rằng:


- Đây là chỗ đóng quân và nấu cơm.
Đến xã Phượng Trà, huyện Nam xương không thấy vết tích đâu nữa. Chú ngắm trông một hồi lâu rồi nói :

- Nước sông chảy mạnh, không lẽ huyệt lại ẩn tàng dưới đáy sông. Chú bèn sang sông đi đến Huyện Hà liễu, Huyện Ngự Thiên, thấy các ngọn núi đều đứng thẳng, liền lấy tay chỉ và cười nói rằng:

- Chỗ cất đầu lên ở đây, trốn tránh ta như thế nào được.

Chú tìm đến chỗ phát tích tại xã Nhật Cảo và chỗ kết cục tại xã Thái Đường mới hạ la bàn để xem xét và cứ say mê quanh quẩn mãi ở đấy không đi được.

Chợt có Nguyễn Cố người xã Tây vệ đến đấy, hỏi Khách rằng:
- Ông lưu ý ở chỗ này, có Huyệt tốt phải không ?

Khách ngửa mặt lên Trời cười nói rằng:

- Không ngờ ở nơi bình địa mà lại có đất Đế Vương. Đáng chê các thày Địa lý thời nay, không Thày nào có nhãn lực.

Nguyễn Cố nói :

- Nếu quả là đất Đế Vương, xin Ông cho tôi. Ông muốn được tạ lễ bao nhiêu, tôi cũng xin nộp đủ.

Khách nói :

- Nhà ông có Phúc may gặp được tôi thì tôi cho ông. Nhưng sau khi táng rồi, ông phải trả tôi ngay 100 quan tiền, và về sau lấy được nước, ông phải cho tôi một nửa. Nguyễn Cố xin vâng lời, rồi đem mộ Tổ táng vào chỗ ấy. Khách sợ Cố phản trắc, bèn bảo :

- Táng xong tất có điềm lành. Nhưng trong hạn trăm ngày, thỉnh thoảng phải đến thăm nom. Nếu sau cơn mưa gió, sấm sét, thấy có sự lạ, thì lành ít, dữ nhiều, phải táng đi chỗ khác ngay.

Nguyễn Cố đem mả Tổ táng vào nơi ấy, được ba bốn ngày, đến nửa đêm có một tiếng sét rất to, làm kinh động nhân dân và súc vật ở vùng ấy. Sáng hôm sau đi xem thì thấy ở các xã Đặng xá, Tây vệ và Thái đường có nhiều hòn đá nhô lên, gọi là đá tai mèo, khắp vườn tược ao chuôm, nơi nào cũng có. Những hòn đá ấy đến nay vẫn còn.

Nguyễn Cố biết là được đất rồi, rất lấy làm mừng rỡ. Vợ Cố bảo rằng: - Ngôi đất ấy dầu cho là phát Phúc, nhưng hiện nay thì làm thế nào lo được 100 quan tiền. Vả lại sau này chia đội Thiên hạ, thì còn được bao nhiêu. Cố thấy vợ nói thế, thì định bụng không tạ lễ cho chú Khách nữa. Khi Khách đến hỏi, Cố hẹn mấy ngày sau sẽ trả. Khi đến hẹn, Khách tới nhà, Cố liền bắt trói lại, rồi đang đêm đem vứt xuống sông. Vất xong vội vàng chạy về. Nguyên chỗ Cố vất Khách xuống là một bãi phù sa, nước Thủy triều dâng lên ngập cả bãi. Sau khi vất Khách xuống, nước triều rút lui, bãi phơi khô, Khách nằm lại trên bãi. Chợt có một chiếc thuyền đánh cá của họ Trần đi ngang qua đấy, nghe có tiếng người hô hoán, vội tới cứu đem lên thuyền, rồi cở trói cho Khách và hỏi duyên cớ. Khách đem đầu đuôi sự việc này thuật lại cho họ Trần nghe và nói thêm rằng:

- Nhờ có ông mà tôi được sống lại. Tôi xin đem ngôi đất quý ấy biếu ông để tạ ơn. Người họ Trần nói:
- Ngôi đất đó Nguyễn Cố đã táng rồi còn làm gì được nữa.

Khách nói:

- Tôi đã tính trước, ngôi đất ấy thế nào nhà ông cũng được.

Người họ Trần bèn lưu chú Khách ở trong thuyền, không để lộ cho người ngoài biết. Khách bảo người họ Trần lấy đồng đỏ đúc lưỡi Tầm sét và lấy cây vang nấu nước để dùng.

Một đêm, mưa to gió lớn và luôn có tiếng sét đán. Đến khi tạnh mưa, Khách và người họ Trần đem lưỡi tầm sét cắm xuống mộ Tổ của Nguyễn Cố, xuyên thủng đến quan tài, rồi lấy nước vang tưới vào mộ. Sáng hôm sau Nguyễn Cố ra thăm, cho là mộ bị sét đánh, có máu chẩy ra, vội vàng rời mộ ra chỗ khác. Khách bèn đem mộ Tổ họ Trần táng vào đó.

Ngôi đất này phía trước trông ra ngã ba sông Cái(Nguyên chú: Thuộc xã Hữu Bị Huyện Mỹ lộc, tục gọi là Cửa Vàng) ..Phía sau gối vào voi phục, lâu đài và cờ, gươm bài trí hai bên. Huyệt ở "Thổ Phúc tàng Kim" (Trong đất giấu vàng), tọa Càn - Hướng Tốn. Táng xong Khách bảo rằng: "Phấn đại yên hoa đối diện sinh", hẳn lấy được nhan sắc Thiên hạ.

Người họ Trần nói: Nếu được như lời Ông, xin chia cho Ông một nửa đất nước.

Khách nói :

- Không cần phải làm như thế. Nhà ông hưởng nước, chỉ cần đời đời tư cấp cho nhà tôi đủ ăn, đủ mặc mà thôi.
Người họ Trần hứa sẽ ghi lòng tạc dạ. Rồi làm giấy tờ giao ước, mỗi bên giữ một bản để làm tin. Lại nói chú Khách vốn là người tâm cơ trí lực . Chú làm hai bản sấm thư để lại cho con cháu và dặn:
- Nếu sau này họ Trần vẫn đối đãi tử tế, thì bảo thực cho họ biết. Nếu họ bội ước thì như thế, như thế ...
Khách lại bảo họ Trần rằng:

- Tôi đã để lại một phép, có thể làm cho nhà ông trị vì được lâu dài hơn. Phép ấy là gì, sau này sẽ bảo cho biết.
Họ Trần vô cùng cảm tạ.

Trần Thừa là cháu ba đời, năm Diên phúc thứ 8 (1218) triều Lý, sinh ra Trần cảnh mũi cao, mặt Rồng, được Chiêu Hoàng nhường ngôi cho làm Vua Thái Tông. Ban đầu khi con cháu chú Khách ở Trung quốc sang, các Vua Trần đều tặng tống rất hậu. Nhưng đến cuối đời thì đối đãi kém tử tế. Một người cháu của chú Khách sang nói với Vua Trần:

- Tổ tiên hạ thần có để lại một bản sấm thư, dặn đến năm nay thì đem sang trình quý Quốc.

Vua Trần xem sấm thư thấy nói: " Ngôi mộ phát tích ở Thái Đường nay sắp hết thịnh, cần phải khơi thông Thủy đạo thì mới giữ được lâu dài".

Vua Trần tin lời nói ấy, bèn chiểu theo họa đồ ở sấm thư đào một Thủy đạo từ sông Cái xã Phú xuân đi vào, quanh đến xã Thái Đường.(Con sông ấy nay vẫn còn dấu vết). Không ngờ đào đứt Long mạch, họ Trần bèn suy , rồi bị Xích Chủy hầu(Gọi Hồ Quý Ly) thoán đoạt. Xét ra Vua Trần trị vì được từng ấy năm, là do mệnh Trời, chứ sức người làm thế nào được".

* (Trích từ sách Công Dư Tiệp Ký tiền biên của cụ Vũ phương Đề viết vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Bản dịch của Đoàn Thăng. Nxb. Văn học. HN, 2001. )




Quần thể di tích ở Tức Mạc - Nam Định



Đền Trùng Hoa thuộc Quần thể di tích đền Trần ở Nam Định



Đền Cố Trạch, Đền Thiên Trường thuộc Quần thể di tích đền Trần ở Nam Định



Chùa Phổ Minh thuộc Quần thể di tích đền Trần ở Nam Định
 
Last edited by a moderator:

Thiên Lang

Moderator
TRUYỆN TRÂU CANH Ở NÚI TỬ TRẦM
.​
Tại phía Tây đất Tử Trầm, huyện Yên Sơn (nay là núi Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hơn mười ngọn núi đá chạy dài gần một dặm, phong cảnh thanh tú đáng yêu. Bên trong có một cái động đá, bên dưới có chùa, tiền Thánh Vương lập cung ở đó, thường đến chơi luôn và đổi tên là xã Phụng Châu. Ở phía đông núi có một hòn đá nhô lên, rất giống hình con cóc tía.
.

Núi Tử Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (cũ).

Tương truyền xã ấy có môt người tên là Trâu Canh nhà nghèo, phải đi làm thuê kiếm ăn. Một hôm, ông đang nhổ mạ ở khe núi chợ có một chú khách Trung Quốc đi qua nói rằng: Tôi có một ngôi đất tốt, nếu có ai xin tôi sẽ cho ngay.
Ông nghe thấy khách nói, liền bỏ mà chạy đến trước mặt vái chào và mời về nhà. Ông chỉ chuẩn bị được một niêu cơm bé đem ra cho khách ăn và nói với khách rằng: May mắn dược gặp ông, thế là nhà tôi có phúc. Chỉ vì nghèo túng, nên bữa ăn quá đạm bạc. Nếu ông cho tôi một ngôi phúc địa, đời sau phát dạt, không bao giờ chúng tôi dám quên ơn.

Khách thấy ông thành khẩn, bèn dẫn ông đến chỗ con cóc tía bên cạnh núi chỉ vào bảo ông rằng: Chỗ đất này rất đẹp nếu làm nhà ở thì tất sẽ giàu sang. Nhưng sau khi đã được gần vua chúa rồi thì phải dời nhà đi chổ khác ngay chứ không nên ở lại dù chỉ một ngày.

Ông theo lời khách làm gian nhà tranh chỗ đó để ở, được ba năm. Bấy giờ trong làng có tục lệ đánh cá. Ao cá ở bên cạnh núi trước cửa nhà ông dài rộng mỗi bề độ vài trượng. Dân làng đem dó và lưới xuống ao đánh cá. Ông ở dưới ao lấy dây buột đó cá vào người. Dây buộc tự nhiên đứt ông phải leo lên bờ lấy môt đoạn dây mây quấn vào ngang thắt lưng thay dây cũ. Bổng thấy dương vật cương lên, cứng rắn lạ thường. Ông chỉ có một chiếc khố rách, sợ không che dậy được nên phải đứng ở dưới ao, không dám lên bờ. Bấy giờ dân làng đã lục tục kéo nhau về, chỉ còn một mình ông ở lại.

Sau mẹ ông đến tìm, thấy một mình ông ở dưới nước, bèn quở mắng ông sao lại về chậm. Ông cởi đó cá ra đưa cho mẹ đem về, rồi cởi dây mây ở ngang thắt lưng ra, thì thấy dương vật dần dần xìu nhỏ lại và mềm nhũn ra như thường.

Sau khi ông về nhà, mẹ ông hỏi vì cớ gì mà phải ở lại dưới ao. Ông cứ thực thưa với mẹ. Mẹ ông bèn lấy dây mây phơi khô để lên gác bếp rồi thỉnh thoảng sai ông lấy dây ấy đeo thử vào người thì thấy dương vật cương cứng. Lần nào cũng hiệu nghiệm như thế.

Bấy giờ vua Trần Dụ Tông bị bệnh liệt dương, các thầy thuốc chữ mãi không khỏi. Vua cho sứ giả đi rao khắp trong nước, hứa người nào chữa khỏi, thì vua sẽ cho ăn một nửa dân lộc thiên hạ.

Sứ giả đến làng ông. Mẹ ông gọi sứ giả vào hỏi: Liệt dương là bệnh gì ? Sứ giả cứ thực nói cho bà biết. Bà nói: Nhà tôi có một vật có thể chữa khỏi được cho vua. Rồi hai mẹ con đem dây mây theo sứ giả vào Kinh dâng vua. Vua đeo dây mây vào, quả nhiên dương vật hoạt động trở lại, sau sinh dược hai Hoàng tử.

Vua cho ông là thần y bèn lưu lại ông ở trong cung để trông nom thuốc men cho vua, vua ban thưởng rất hậu và sủng ái hơn tất cả mọi người.

Từ khi được Vua sủng ái, ông quên mất lời dặn chủa chú Khách, không dỡ nhà đem đi chỗ khác. Sau con ông thông dâm với cung nữ. Việc bị phát giác, con ông bị tử hình, còn ông thì bị đuổi về. Gia tư điền sản bị tịch thu hết, ông lại bị đói rét như ngày trước.

Chỗ nhà ông ở phía trước có mấy mẫu ruộng cao hình giống như chiếc bàn dao cắt thuốc, cho nên nổi tiếng về nghề làm thuốc. Nhà ở cạnh núi, mỗi khi mặt trăng tà chiếu, bóng núi đổ xuống, trông như con cóc ở trên nóc nhà, còn người thì như đang ngồi tại cung trăng, cho nên được gần vua chúa, ra vào nơi cung cấm. Chỉ hiềm nhà ở cạnh núi, địa thế bức bách, phía trước lại hướng về kiếp sơn (?), đi lại vô định, cho nên giàu sang không được lâu".

(Trích từ sách Công Dư Tiệp Ký tiền biên của cụ Vũ phương Đề viết vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Bản dịch của Đoàn Thăng. Nxb. Văn học. HN, 2001. )



Chùa Trầm



 
Last edited by a moderator:

Thiên Lang

Moderator


Một số hình ảnh chùa Trầm




Linh Vật: Nghê đá



Linh vật: Đại bàng đá



Cửa chùa Hang nơi dẫn vào động Long Tiên



Bia đá hình rùa trước cửa chùa Hang có tạc bài Phú
 

Thiên Lang

Moderator
TRUYỆN HỌ VŨ XÃ TRUNG HÀNH


Tại xã Trung hành - huyện An Dương có một người họ Vũ, nhà nghèo nhưng hay làm việc thiện. Bấy giờ trong làng thường có một người hay nhờ thày Địa lý xem đất. Sau khi tìm được một ngôi đất đẹp và đem mộ Tổ đến táng. Một đêm, người ấy nằm mơ thấy một vị Thần nhân đến bảo rằng:

-Ta cai quản địa phương này. Ngươi là ai mà dám đem mộ đến táng ở đất của ta. Ngươi phải di mộ đi nời khác ngay, nếu không sẽ có tai vạ.Người ấy còn trù trừ chưa quyết, thì cả nhà đau ốm, trong họ không yên. Lại nằm mơ thấy Thần nhân đến bảo:

- Nhà ngươi ít phúc, không đương nổi cái huyệt ấy. Ta giữ cái huyệt cho họ Vũ. Ngươi nên nhường cho họ đó, thì con cháu ngươi sau này sẽ được họ ấy báo đáp.


Người ấy theo lời Thần bảo, đến nói với người nhà họ Vũ rằng:

-Tôi có một ngôi đất tốt. xin nhường cho ông. Sau này nhà ông phát đạt, thì đừng quên con cháu tôi.

Người họ Vũ xin vâng, rồi đem mộ phần tiên nhân táng vào ngôi đất ấy. Về sau, họ Vũ hưng thịnh, sinh ra nhiều người tài nghệ và vũ dũng hơn người. Trong khoảng Trung hưng, họ này có công dẫn đường diệt Mạc, được phong công thần. Đến nay, con cháu được kế tiếp nhau nắm giữ quyền binh, tước lộc đương thịnh. Bấy giờ có câu tục ngữ: "An Dương trung hành, Kim Thành Quỳnh Khê" - Ý nói làng Trung Hành thuộc Huyện An Dương và làng Quỳnh Khê thuộc Huyện Kim Thành là những làng đời nào cũng có nhiều quan chức.

TRUYỆN MỘ TỔ Ở VỊNH KIỀU

Thượng thư (triều Mạc) Nguyễn Văn Huy là người xã Vịnh Kiều, huyện Đông Ngàn. Nguyễn Phúc Ngộ là ông nội, bình sinh hay làm việc thiện. Ông ngụ cư ở xã Đông Lâu, huyện Yên Phong, làm nghề nấu rượu. Bên cạnh nhà ông có một cây Bồ đề cổ thụ bị bão làm đổ. Ông mua cây ấy làm củi đun. Khi đào đến rễ cây, thấy ở dưới có một cái huyệt chôn bạc ước độ đôi ba thùng. Ông đem số bạc ấy về nhà cất giấu, rồi chuyển nhà đi nơi khác. Hai ba năm sau, một người Khách Trung Quốc đến lấy bạc, nhưng không thấy bạc đâu mà chỉ thấy một cái huyệt không. Người Khách hỏi những người lân cận, biết ông đã được số bạc ấy, bèn tìm đến nhà ông đưa ra một bản sấm cũ và nói rằng:
-Tôi vì gia sản của tiên nhân lặn lội đến đây, không hay Trời đã cho ông rồi. Nay tôi định trở về nước, xin ông tư cấp cho một ít lộ phí, thì tôi được đội ơn ông nhiều lắm.Nguyên từ khi được số bạc ấy, ông đem về cất đi, không biết là bao nhiêu. Đến đây, ông xem bản sấm thì thấy số bạc ông được đúng như số bạc đã ghi ở trong bản sấm, không sai một ly. Ông bèn khoản đãi người Khách và bảo rằng:
- Số bạc này chính là tôi bắt được, nhưng cứ để nguyên cất đi, không hề lấy một chút nào ra tiêu dùng. Số bạc ấy, vốn là di sản của nhà ông, thì tôi xin hoàn lại ông tất cả.
Người Khách từ chối mà rằng:
- Số bạc ấy tuy là di sản của nhà tôi, nhưng nay ông đước thì là của ông. Nếu ông có cho, thì tôi chỉ xin đủ tiền ăn đường về nước thôi. Còn việc ông hoàn cả, thì tôi không dám tuân mệnh.
Ông nhất định không nghe. Người Khách lại nói:
- Ông đã có lòng thành thì tôi xin lĩnh một nửa.

Ông nói:

- Tôi đây há không quý tiền bạc hay sao? Nhưng số bạc này không phải của nhà tôi. Trời chỉ sai tôi giữ cho ông, cho nên tôi phải cất đi để đợi ông. Vậy ông đừng từ chối nữa.Người Khách thấy ông kiên quyết như thế không dám trái ý, bèn lĩnh bạc ra về. Sau khi về nước, người Khách thường đem việc ấy kể cho mọi người cùng nghe. Một thày Địa lý nghe được câu chuyện, nói rằng:
- Ít có người tốt bụng như thế, nay ta già rồi, giá ta còn trẻ thế nào ta cũng sang An Nam tìm cho nhà ấy một ngôi đất tốt để đền ơn.
Người Khách khẩn khoản nhờ thầy giúp. Thầy Địa lý nói:
- Ta có hai người học trò có thể sai đi được.
Người Khách cùng hai người học trò đó sang An Nam. Bọn họ đến xã Vịnh Kiều hỏi thăm thì Phúc Ngộ đã mất từ năm trước rồi. Người Khách sắm một lễ phúng đem đến nhà ông cúng tế. Cúng xong ra đi, không biết đi đâu. Hơn hai tháng sau, người Khách lại đến bảo con ông rằng:
- Tôi chịu ân đức của Tiên công, không biết lấy gì báo đáp. Nay tôi đem hai thày Địa lý giỏi sang tìm cho ngài một ngôi đất tốt để tạ ơn. Một ngôi kiểu "quần sơn củng phục"(Các núi chầu lại), có thể làm một đời Đế Vương. Một ngôi kiểu "Cáo trục hoa khai"(Phong tước nở hoa), có thể làm được một đời Phò mã. Trong hai ngôi ấy, ông thích ngôi nào?
Con ông trả lời rằng:
- Nhà tôi ở chỗ thôn quê bỉ lậu, dám đâu hy vọng những sự lớn lao ấy. Tôi chỉ mong có được một ngôi đất đời nào trong nhà cũng có văn nho mà thôi. Hai thày Địa lý nói rằng:

- Nếu anh muốn như thế, thì ở làng ta đây đã có sẵn ngôi đất đó rồi, không phải đi tìm ở đâu nữa.
Xét ngôi đất ấy, long mạch khởi từ xã Cẩm Chương đi lại, đến đầu làng Vĩnh Kiều thi nhô lên thành hai mô đất. Một mô hơi to và bằng phẳng. Một mô hơi bé và hơi méo lệch. Người học trò thứ nhất bảo huyệt mộ ở mô to. Người học trò thứ hai cho là không phải, anh ta bèn đến một cái vũng nước sâu ở phía trước mặt, nằm xuống ngắm trông một hồi lâu rồi đứng dậy mà nói rằng: Tôi đã nghiên cứu kỹ, đích thực huyệt ở mộ bé. Hai người tranh luận mãi không quyết định được.

Phượng. Đất nung. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện.

Họ bèn vẽ bản đồ chỗ đất ấy, sai người đem về Trung quốc xin Sư phụ định đoạt. Sư phụ nói rằng:

- Ngôi đất này là kiểu "Hoàng xà thính cáp"(Rắn vàng nghe ngóe), khí ở tai. Hai mộ đất tức là hai tai vậy. Mô lớn tất điếc. Mô bé hơi chéo có khí, huyệt ở mô bé ấy.
Con ông theo lời đem hài cốt cha di táng vào đấy. Mô đất ngồi ở phương Cấn (Đông Bắc) ngoảnh mặt về phương Khôn (Tây Nam). Quả nhiên đến đời Văn Huy là cháu đích tôn của Phúc Ngộ thì phát.
Văn Huy đỗ Thám hoa khoa Kỷ Sửu (1529), niên hiệu Minh Đức (1527 - 1529) và làm quan đến Thượng thư thì về hưu.
Văn Huy có ba con trai:

- Con cả là Trọng Quýnh, đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi (1547) niên hiệu Vĩnh Định đời Mạc Phúc Nguyên, và cũng làm đến Thượng thư.
- Con thứ hai là Đạt Thiện, năm mười tám tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi (1559) niên hiệu Quang Bảo đời Mạc Phúc Nguyên, và làm đến Thị lang.
- Con út là Nguyễn Danh Nho đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1550) và làm quan đến Đô khoa.
Cháu đích tôn của Văn Huy là Giáo Phương đỗ Hội nguyên khoa Bính Tuất (1586) niên hiệu Đoan Thái đời Mạc Mậu Hợp. Lúc vào thi Đình đỗ Thám hoa, bài đối sách được quan trường phê rằng: “Văn của Giáo Phương trôi chảy như nước sông Giang sông Hán, càng viết càng hay”.
Cháu bốn đời của Văn Huy là Đức Vọng đỗ Hội nguyên khoa Quý Sửu (1673) niên hiệu Đương Đức đời Lê Gia Tông, lại đỗ khoa Đông các và làm quan đến Đô đài. Công Viên, Đức Đôn và Quốc Ích kế tiếp đăng khoa, đều là cháu chắt của Văn Huy.Tương truyền họ ấy những người đỗ đại khoa, mặt đều hơi lệch, đó là do khí đất chung đúc tạo ra như thế”.

TRUYỆN BÀ CUNG PHI Ở LÀNG HOÀNG XÁ


Tại xã Hoàng Xá - huyện Thanh Lâm có một người rất giầu, thường hay mời các Thày Địa lý về xem đất. Sau khi tìm được một ngôi ở núi Nga Mi. Thày Địa lý phê rằng: - Ngôi đất này nhất định phát cung phi.

Người ấy bèn đem mộ tổ chôn vào đấy. Về sau, trong họ có nhiều người đau mắt, đi xem, Thày bói bảo rằng: Mộ Tổ động, cho nên họ không được yên. Người ấy bèm đem mộ tổ đi táng chỗ khác, mà mộ cũ thì bỏ đấy, không đắp lại như trước. Bấy giờ, trong làng có một người nghèo chết. Vợ nhà người đó thuê người đem đi chôn. Đi đến chỗ ấy, thấy có cái huyệt đã đào sẵn, bèn bỏ xuống lấp đất lại. Bấy giờ người vợ đang có mang ba tháng, đến kỳ sinh hạ một con gái.
Khi lớn lên, người con gai ấy thông minh lạ thường, nhan sắc xinh đẹp, được dâng vào hầu cận Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn (1682 - 1709) và được sủng ái hơn tất cả các cung phi khác. Đến nay trong họ vẫn còn được hưởng phúc trạch và tiếng tăm vẫn còn vẻ vang.


* Các truyện trên trích từ sách Công Dư Tiệp Ký tiền biên của cụ Vũ phương Đề viết vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Bản dịch của Đoàn Thăng. Nxb. Văn học. HN, 2001.


 

Thiên Lang

Moderator
MẢ TỔ QUẬN BẰNG

Quận Bằng Nguyễn Hữu Chỉnh, người làng Đông Hải, huyện Chân Phúc, đời trước vốn hào phú nhất vùng. Thân phụ thích phong thủy, nghe nói ông Giám sinh họ Đỗ ở huyện Thanh Chương theo Chân nhân Phạm Viên đi chơi, học được bí quyết về địa lý, bèn mời đén xin tìm đất táng mả. Giám sinh nhận lời, cắm cho một cái huyệt ở núi Côn Bằng. Sau đó người vợ có thai. Khi sinh, Đỗ Giám sinh đến cửa nghe tiếng khóc, giật mình nói:
- Đó là một kẻ gian hùng ở đời loạn. Ta làm hại thiên hạ rồi!
Đứa trẻ lớn lên chính là Quận Bằng. Khoảng năm Chiêu Thống, Quận Bằng làm đến Đại Tư đồ Bình chương quân quốc trọng sự. Một thầy tướng xem cho ông ta, trở ra nói:
- Đó là sao Thiên cẩu giáng xuống, ngôi đến vương công, tai vạ tất không thể tránh khỏi. Chưa bao lâu, Quận Bằng mắc cạn, đúng như lời.

MẢ TỔ HỌ NGUYỄN LÀNG QUẾ Ổ

Họ Nguyễn làng Quế Ổ vốn là họ danh tiếng về đời Lê Trung hưng. Tổ tiên khi xưa nhà nghèo, dựng lều ngoài đồng làm nghề chăn vịt. Một hôm, con ra thăm cha, không thấy đâu cả, chỉ thấy một phong thư. Mở xem, mới biết cha bị những người Trung Hoa đến đào hố của, giết moi ruột tế thần giữ của, chôn ở cái gò đất bên lều và dặn đó là cát địa, đừng nên cất nhắc đi đâu cả. Người con kêu khóc rồi đắp nấm mộ mà về.
Sau, nhà ấy thường sinh ra những bậc danh tướng, dũng mãnh có tiếng, nhưng phần nhiều không được trọn vẹn, người ta cho là vì mồ mả xui nên.


* Hai truyện trên trích Tang thương ngẫu lục của cụ Kính Phủ (1770 - 1815). Bản dịch của cụ Ngô Văn Triện. Nxb. Văn học, HN, 2001.

 

Thiên Lang

Moderator
Phần 3

Xin giới thiệu với chư vị những cuốn sách quý về phong thủy địa lý hiện đang lưu trữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm:



1. TẢ AO CHÂN TRUYỀN DI THƯ 左 幼 真 傳 遺 書
1 bản in, 20 tr., 30 x 19, chữ Nôm.VHv. 728.Thơ nôm, thể thất ngôn, nói về những ðiều nên biết trong việc làm nhà, chọn hướng: chuồng trâu làm nền cao không lợi; cột nhà cao thì động đất dễ nguy hiểm v.v.(*) Tả Ao là tên hiệu của Hoàng Chiêm.


.
2. TẢ AO CHÂN TRUYỀN TẬP 左 幼 真 傳 集 [= TẢ AO CHÂN TRUYỀN ĐỊA LÝ 左 幼 真 傳 地 理]Diên Tự Sơn Nhân hiệu đính. Hiệu Nghĩa Lợi, phố Hàng Ðào, Hà Nội in nãm Khải Ðịnh Kỉ Mùi (1919).5 bản in, 86 tr., 26 x 15, 28 hình vẽ, có chữ Nôm.VHv. 1660, VHv. 1661, VHv. 783, VHv. 483, A. 1270.28 kiểu đất ( có hình vẽ ) và cách tìm huyệt. Có các bài: Thiên ðịa tạo sơn thuỷ phú; Tam thần phân ngũ hành phú; Tâm long gia truyền bảo Quốc ngữ và Dã đàm ca đều nói về phong thuỷ.VHv. 1660 còn có: Địa lí Tả Ao di thư chân truyền chính pháp,Liễu Văn Đường in năm Khải Định 3 (1918),36 tr., gồm 8 bài nói về ðịa lí : Bản quốc Tả Ao Tiên Sinh ðịa lí lập thành ca bằng chữ Nôm, có lời chú bằng chữ Hán; Địa lí Tổ Sư Tả Ao xã chân truyền Quốc ngữ ca v.v…(*) VHv. 783 thiếu, mất trang tên sách.
.
3. TẢ AO TIÊN SINH BÍ TRUYỀN GIA BẢO TRÂN TÀNG 左 幼 先 生 祕 傳 家 寶 珍 藏1 bản viết, 196 tr., 24 x 14, 47 hình vẽ, 1tựa, 1mục lục, có chữ Nôm.A. 2221.Sách phong thuỷ của Tả Ao nói về cách tìm huyệt, ðể mả, chọn ðất và ðặt hướng nhà, ðền chùa… 2 bài tổng luận và 15 bài viết theo thể phú: Minh chư huyệt pháp, nói về cách nhận diện các huyệt; Phân kim toạ độ nói về cách ðịnh vị các huyệt v.v. Về chữ nôm có bài Long gia Quốc ngữ (tr. 4), thể 6-8.
.
4. TẢ AO TIÊN SINH ÐỊA LÝ 左 幼 先 生 地 理1 bản viết, 392 tr., 29 x 20, 15 hình vẽ, có chữ Nôm.A.863.MF. 735.Paris. EFEO. MF. 11/5/737.Sách phong thuỷ của Tả Ao noí về cách “tầm long, điểm huyệt” (tìm long mạch, chỉ huyệt), cách lập hướng… Thuyết kết thuỷ, tiêu thuỷ… Bài Tả Ao Thánh Sư lưu truyền thuỷ sơn kinh nghiệm (tr. 50), nói về kinh nghiệm xem phong thuỷ của Tả Ao. 2 bài luận: 1 nói về mệnh sang giàu (tr. 52) và 1 nói về bí quyết sống lâu (tr. 108)…
.
5. TẢ AO XÃ TIÊN SƯ THƯ TRUYỀN BÍ MẬT CÁC CỤC 左 幼 社 先 師 書 傳 祕 宓各 局1 bản viết, 126 tr., 17 x 12.VHb. 91.110 kiểu đất kết phát (có hình vẽ kèm theo) của Tả Ao: đất phát TS, Thượng thư, Thừa tướng, 8 đời làm tướng, 12 đời làm quan v.v.
.
6. THIÊN NAM ĐỊA GIÁM BẢO THƯ ĐỊA LÍ CHÍNH TÔNG TẢ AO ĐÍNH TẬP 天南地鑑寶書地理正宗左幻訂輯Tả Ao 左幻soạn. 1 bản viết, 136 tr., 25 x 18, có chữ Nôm.A.461.1. Thiên Nam địa giám bảo thư địa lí chính tông Tả Ao đính tập (92 tr): sách phong thủy của Tả Ao (tức Hoàng Chiêm 黃瞻, còn có tế là Nguyễn Đức Huyền 阮德玄) bàn về mặt trời, mặt trãng, các vì sao, con người, cách phân kim, chọn ngày giờ táng mộ, cách lập hướng nhà, cách xem nãm tuổi và vận hạn của một người…2. Toản thuật Hòa chính địa lí Quốc ngữ ca 纂述和正地理國語歌 (34 tr): Tú tài họ Phạm soạn bằng chữ Nôm, thể 6 – 8, nói về thuật địa lí theo phương pháp của Hoà Chính.
.
7. HOÀNG THỊ SONG TIỀN HUYỀN CƠ MẬT GIÁO / 黃氏窗前玄機K教Tả Ao /左幻 soạn và viết tựa. 1 bản viết, (2Q) 82 tr. 27 <148> 16, 1 tựa, có hình vẽ. A. 2809. Sách phong thủy, 26 chương, kèm theo nhiều hình vẽ nói về cách xem long mạch, định hướng, tìm huyệt để đặt mồ mả... 13 kiểu đất quý. Bích ngọc kinh (Q2) nói về kinh nghiệm xem long mạch, tìm huyệt, đặt mồ mả.
.
8. ĐỊA LÍ QUÝ CƠ CHÂN TRUYỀN. / 地理貴機真傳Tả Ao Phủ hưng Tiên / 左幼甫先生 sinh soạn. 1 bản viết, 218 trang, 1 tiểu dẫn, có chữ Hán. AB. 300Sách địa lí phong thuỷ gồm 2 chương: chương đầu có 17 thiên, phần nhiều dẫn từ các sách phong thuỷcủa các nhà. chương sau có 13 thiên do chính tác giả biên soạn. cả 30 thiên đều trình bày dưới dạng luận, ca, phú... phần nhiều bằng chữ Nôm.
.
9. AN NAM CỬU LONG KINH 安南九龍經 [AN NAM ĐỊA CẢO LỤC] 安南大稿錄
Cao Biền 高 駢 (Trung Quốc).
3 bản viết.
VHv.482: An Nam cửu long kinh, 100tr., 28x16.
A.1050: An Nam cửu long kinh, 398tr., 29x20.
A.1065: An Nam địa cảo lục, 184tr., 30x21.
Sách địa lí phong thủy, những mạch đất, huyệt đất tốt, có thể giúp phát quan, phát đế vương, giàu sang, yên ổn, sống thọ ở 4 xứ Kinh Bắc, sơn Nam, Hải Dương, Sơn Tây; các h. Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất v. v.
(*) Sách này có thể do chính người Việt Nam soạn và chú giải, thác danh Cao biền, Hoàng Phúc (Trung Quốc).
Nội dung 3 bản trên có chỗ khác nhau. A. 1050 có ghi 35 huyệt đất quý, 303 huyệt đất công khanh do các nho thần đời Trần là Trần Chu Phổ, Lưu Miễn, Lê Văn Hưu tìm được, viết dưới hình thức thoư ca, nhằm dễ lưu truyền.

.
10. AN NAM PHONG THỦY 安 南 風 水
1 bản viết (bộ: 5Q), 310 tr., 30 x 21, 1 mục lục, có hình vẽ.A.693.MF.471.Paris. EFEO. MF.II/7/1232.Địa cảo, địa thư, địa thế trong thiên hạ (Q1). Các thế đất “Trung chi”, “Tả chi”, “Hữu chi” trong những sách địa lí về Việt Nam (Q2). Các kiểu “kết” trong các mạch đất ở Việt Nam (Q3, Q4, Q5).Mục lục của sách Địa lí đại toàn hình thế (từ tr.246).
.
11. CAO BIỀN DI CẢO 高 駢 遺 稿 集1 bản viết, 80tr., 29x16. A. 28981. Các kiểu đất "quý" do Cao Biền, người xã Trung Quốc đời Đường phát hiện trong phạm vi 39 huyện, 289 xã của Việt Nam. 2. Các bài tán (gồm những câu đối nhau) về những kiểu đất "quý" do Hoàng Phúc, người Trung Quốc soạn, trong phạm vi 174 xã, 3 trang của Việt Nam. (*) Đây có thể là một ngụy thư. Xem thêm phần Cao Biền phụng địa lí trong An Nam Cửu Long kinh A. 1050.
.
12. CAO BIỀN ĐỊA CẢO TẬP / 高駢大稿集1 bản viết, 371tr., 31, 1x23, 7, 1 tựa, chữ Hán. Paris. SA. Ms. b. 23. Sách giới thiệu các kiểu đất ở Giao Châu (tên nước Việt Nam thời cổ). (*) Sách thác danh Cao Biền, quan Đô hộ sứ Giao Châu thời Đường Trung Tông. Sách đóng chung trong một tập với: Chiêm thiên văn thư, Phù thủy pháp môn, An Nam chiêm kê túc pháp.
.
13. CHÍNH TÔNG BÍ QUYẾT/ 正宗秘訣Trang đầu sách có ghi "Xuất xứ từ Cảnh Tố/ 景素, sách bí truyền của họ Ngô ở Bắc quốc". 1 bản viết, 108 tr., 17 x 12, có hình vẽ, có chữ Nôm. VHb. 80. Cách tìm mạch đất, huyệt đất để làm nhà, đặt mồ mả. Phần chính của sách soạn bằng chữ Nôm, thể thơ 6 - 8. Có hình vẽ các đạo bùa.
.
14. CÔNG DƯ TIỆP KÍ 公餘捷記TS khoa Bính Thìn (1736), Đông các hiệu thư, Thự Sơn Nam xứ Tham chính Vũ Thuần Phủ 武純甫 (Vũ Phương Đề) biên soạn và viết tựa năm Cảnh Hưng 16 (1755). Phần Tục biên do Trần Quí Nha 陳貴衙 soạn. 4 bản viết, 1 tựa, 1 mục lục. A. 44: 324 tr., 32 x 22, EFEO sao chép. VHv. 1324/1-2: 294 tr., 28 x 16. VHv. 14: 262 tr., 29 x 15. A. 1893: 34 tr., 30 x 20. Thiếu nhiều truyện. MF. 89 (A. 44). Paris. EFEO. MF. II/127. Truyền thuyết và giai thoại lưu hành hồi đầu thế kỉ 18, được xếp thành 12 loại mục lớn: 1. Thế gia (các nhà dòng dõi), 7 truyện; 2. Danh thần (bề tôi có tiếng), 6 truyện; 3. Danh nho (nhà nho nổi tiếng), 10 truyện; 4. Tiết nghĩa (người có khí tiết), 4 truyện; 5. Chí khí (người có chí khí), 1 truyện; 6. ác báo (làm ác gặp ác), 1 truyện; 7. Tiết phụ (đàn bà tiếthạnh), 1 truyện; 8. Ca nữ (con gái hát), 1 truyện; 9. Thần quái (việc thần dị, quái lạ), 11 truyện; 10. Danh phần dương trạch (chuyện mồ mả), 5truyện; 11. Danh thắng (cảnh đẹp), 1 truyện; 12. Thú loại (truyện về loài thú), 2 truyện. Phần Tục biên có 30 truyện: Đền nhảm (dâm từ), 1 truyện; Mộng mị(mộng kí) và tạp kí, 21 truyện; Tài tử, 1 truyện; Tiên Phật, 1 truyện; Đềnchùa, 2 truyện; Núi sông, 4 truyện. Phần Bổ di có 5 truyện: Phả kí Phạm Tùng Niên; Chùa cổ; Văn bia người tiết phụ làng Phù ủng; Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên và Ngôi đất bãi Bạch Nhạn.
.
15. ĐỊA LÍ / 地理 ; THIÊN NAM ĐỊA THẾ CHÍNH PHÁP / 天南地勢正法 , ĐỊA LÍ TRỰC CHỈ NGUYÊN CHÂN / 地理直指原真 ; ĐỊA LÍ GIA TRUYỀN ĐẠI TOÀN BÍ NGỮ / 地理家傳大全秘 ; HỘ BỘ THƯỢNG THƯ QUÁCH TƯỚNG CÔNG ĐỊA LÍ GIA TRUYỀN BÍ NGỮ / 戶部尚書郭相公地理家傳秘語13 bản viết.VHv. 1900: Thiên Nam địa thế chính pháp, 114 tr., 29x15, có chữ Nôm. VHv. 1042: 380tr., 22x13, có hình vẽ, có chữ nôm. VHv. 1402: Địa lí trực chỉ nguyên chân, 90 tr., 22x13. VHv. 1044: 156tr., 22x13. VHv. 1045: Địa lí gia truyền đại toàn bí ngữ; Hộ bộ Thượng thư Quách Tướng công Địa lí gia truyền bí ngữ, 180tr., 22x16. VHv. 1046: 96 tr., 22x13, có chữ Nôm. VHv. 1047: 128 tr., 22x13, có hình vẽ. VHv. 1048/1-2: 58 tr., 16x15. VHv. 1049: 52 tr., 29x16. VHv. 1050: 58 tr., 28x16, có hai bài ca Nôm. VHb. 81: Sách của Chân Lộc Bảo Đài Nguyên tiên sinh chép năm Tự Đức Bính tị (1876), Đan Đình Nguyễn Thị tàng bản, 192 tr. 18x154. VHb. 84/1-2: 210tr., 17x12, có chữ Nôm. AB. 556: 22tr., 20x15, có bài ca Nôm. Cách xem đất đặt hướng nhà, xem huyệt đặt mồ mả... Cầu mong làm ăn phát đạt, con cháu hiển vinh sung túc. (*) Nội dung các bản có xuất nhập.
.
16. ĐỊA LÍ BÌNH DƯƠNG TINH YẾU / 地理平陽精要Hà Kim Diên Tự Sơn nhân Hoàng Đạo Đức / 河金面嗣山人黃道德 / soạn, Hiệu Nghĩa Lợi / , Hà Nội in năm Khải Định 4 (1919. 1 bản in, 80 tr., 26x15, 1 tựa, 72 hình vẽ. A. 1208. Cách xem đất để táng mồ mả, phân kim, định huyệt. 72 kiểu đất quý, có hình vẽ minh hoạ và giải thích bằng các bài ca.
.
17. ĐỊA LÍ DI CẢO / 地理遺稿1 bản viết, 236 tr., 32x22, có hình vẽ. A. 536. Paris. EFEO. MF. II/7/1271. Hình thể các kiểu đất ở h. Sơn Tây. Phần đầu nói về kinh nghiệm xem hướng, tìm huyệt, lấy đất. Phần sau nói về âm dương lí số, dựa theo Kinh dịch.
.
18. ĐỊA LÍ ĐỒ CHÍ / 地理圖志 ; [ĐỊA LÍ CẢO / 地理稿 ĐỊA LÍ HOÀNG PHÚC CẢO / 地黃福稿]In năm Bảo Thái thứ nhất (1720) và 2 (1721). 5 bản in, có chữ Nôm. A. 247:208 tr., 26x15. A. 1691:208 tr., 26x15. A. 419:208 tr., 24x15. VHv. 484:25x15, thiếu. VHv. 1511: 24x16, thiếu. MF. 2236 (A. 1691). 1. Địa lí Cao Biền cảo: các kiểu đất quý của Việt Nam. 2. Địa lí Hoàng Phúc cảo: những nơi có huyệt đất quý ở các đạo Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương. 3. Tả Ao chân truyền địa lí nhị thập bát đồ 28 kiểu đất quý, do Tả Ao truyền lại. 4. Địa lí phú cập Tam tài kinh Thiên văn thi tịnh Quốc ngữ tập : các bài phú, thơ, bằng chữ Hán và chữ Nôm, nói về phương pháp xem thiên văn, địa lí ngày xưa.
.

(còn tiếp)
 

Thiên Lang

Moderator
(tiếp theo và hết)

19. ĐỊA LÍ GIA TRUYỀN / 地理家傳; [TẢ AO ĐỊA LÍ / 左幻地理]1 bản viết, 176 tr., 20x14, có hình vẽ. VHb. 76. Sách nói về việc lâp hướng, tìm huyệt, tìm các kiểu đất quý... tương truyền là do Tả Ao biên soạn.
.
20. ĐỊA LÍ KIM ĐAN 地 理 金 丹 Tây Ngô Phương Hành Dư Thận Niệm biên tập.1 bản viết, 96 tr., 30 x 17.AC.371.Những bí quyết về xem tướng, tìm huyệt, để đất: tầm long, thẩm long; thẩm mạch; thẩm khí; điểm huyệt; bình dương. Cách thực hành.
.
21. ĐỊA LÍ LƯỢC / 地理略1 bản viết, 288 tr., 26x15, có hình vẽ. VHv. 1040. Cách lập hướng, tìm huyệt, phát hiện các kiểu đất quý. Bài tổng luận về địa lí của Lưu Bá Ôn (Trung Quốc); bài bàn về cách xem la bàn.
.
22. ĐỊA LÍ NGUYÊN CƠ / 地理元機 [THIẾT ĐẠN TỬ ĐỊA LÍ NGUYÊN CƠ / 說彈子地理元機]1 bản viết, 218 tr., 26x15, chữ Nôm. VHv. 595Sách bàn về khoa địa lí phong thuỷ: cách xem hướng, tìm huyệt để đất... Phần lí thuyết dựa theo âm dương, Ngũ hành và Kinh Dịch.
.
23. ĐỊA LÍ PHI TÂM / 地理分心1 bản viết, 26x15, có hình vẽ, có chữ Nôm. A. 2413Paris. EFE0. MF. II/2/198. Những bí quyết trong việc xem tướng, tìm huyệt, cầu mong đỗ đạt. Có bài Địa lí phú và bài Sơn thuỷ kinh nghiệm huấn ca(Nôm) nói về kinh nghiệm "phong thuỷ".
.
24. ĐỊA LÍ QUÝ CƠ CHÂN TRUYỀN. / 地理貴機真傳Tả Ao Phủ hưng Tiên / 左幼甫先生 sinh soạn. 1 bản viết, 218 trang, 1 tiểu dẫn, có chữ Hán. AB. 300Sách địa lí phong thuỷ gồm 2 chương: chương đầu có 17 thiên, phần nhiều dẫn từ các sách phong thuỷcủa các nhà. chương sau có 13 thiên do chính tác giả biên soạn. cả 30 thiên đều trình bày dưới dạng luận, ca, phú... phần nhiều bằng chữ Nôm.
.
25. ĐỊA LÍ SAO / 地理抄1 bản viết, 386 tr., 26x15, có hình vẽ. VHv. 1039. Sách địa lí phong thuỷ, nói về các kiểu đất; cách xem hướng, tìm huyệt, để đất...
.
26. ĐỊA LÍ SỐ TẠP BIÊN / 地理數雜編1 bản viết, 286 tr., 27x16, có chữ NômVHv. 1033Kinh nghiệm xem hướng, tìm long mạch, xác định huyệt lấy đất để mồ mả, làm nhà. Cách xem tướng người. Cách bói toán... Bài giáo hương hoa cách(Nôm6-8) nói về quan hệ giữa hương và hoa. Một số bài văn tế Nôm.
.
27. ĐỊA LÍ TÂM ẤN BÍ CHỈ THIÊN / 地理心印秘旨篇[LĨNH NAM NGUYỄN THỊ TÂM ẤN BÍ CHỈ THIÊN / 嶺南阮氏心印秘旨篇1 bản viết, 144 tr., 28x15, 1 dẫn, có hình vẽ. VHv. 596. Cách xem hướng tìm huyệt, lấy các kiểu đất quý. Có các bài "quyết" nói về kinh nghiệm lấy đất.
.
28. ĐỊA LÍ TẠP BIÊN / 地理雜編[LA KINH LÍ KHÍ GIẢI THIÊN VĂN ĐỊA LÍ TẠP BIÊN / 羅經理氣解天文地理雜編]3 bản viết, có chữ Nôm. VHb. 86: 270 tr., 16x14, có hình vẽ. VHb: 216 tr., 1514. VHb. 96: 21x14. Kinh nghiệm lập hướng, tìm huyệt, để đất. VHb 89 có hướng dẫn cách xem la bàn; VHb.96 có hướng dẫn cách xem thiên văn để đoán lành, dữ ự viết năm Cảnh Hưng 11.
.
29. ĐỊA LÍ THƯ / 地理書1 bản viết, 240 tr., 22x13, có hình vẽ. VHv. 587Gồm Địa lí đại toàn (tập 2) và lí khí bí chỉ(Q24): cả 2 đều nói về cách xem hướng, tìm huyệt, để đất, cách dùng nội châm, ngoại châm, la bàn. Có chú giải từng kiểu đất quý.
.
30. ĐỊA LÍ TIỆN LÃM 地 理 便 覽1 bản viết, 240 tr., 31x21. A. 605Paris. EFE0. MF. II/2/198. Các huyệt đất quý trên từng huyện của miền bắc Việt Nam. Sách này trích dẫn nhiều đoạn của An Nam Cửu Long kinh và Địa lí đại thành chỉ giáo; Nhiều phát hiện của các tác giả Việt Nam như Hồ Tông Thốc, Trần Quốc Kiều v. v. (*) Xem thêm An Nam Cửu Long kinh VHv. 402.
.
31. ĐỊA LÍ TINH SOẠN LẬP THÀNH PHƯƠNG HƯỚNG / 地理精撰立成方向1 bản viết, 94 tr., 20x14, có hình vẽ có chữ Nôm. VHb. 77. Sách địa lí phong thuỷ, nói về cách xem hướng, tìm huyệt, để đất... bài Phú mả Quốc ngữ diệu ca(Nôm), nói về kinh nghiệm tìm huyệt để đất.
.
32. ĐỊA LÍ TOẢN YẾU. / 地理纂要1 bản viết, 92 tr., 26x15, 1 thuyết. VHv. 1041. Cách xem long mạch, tìm huyệt. Bài Tầm long dịch huyệt phú và bài tổng địa lí phương pháp ca đều mang nội dung phong thuỷ.
.
33. ĐỊA LÍ TOẢN YẾU NGUYÊN PHÁI CHÂN TRUYỀN / 地理纂要源派真傳1 bản viết, 210 trang, 27x15, 1 tổng lệ, có hình vẽ. A. 2849. Sách địa lí phong thuỷ, bàn về cách lập hướng, tìm huyệt, để đất. Cách xem địa bàn, cách vận dụng âm dương, Ngũ hành trong phong thuỷ.
.
34. ĐỊA LÍ TOÁT YẾU. / 地理撮要Hải Thượng Anh Đô Thủ Thạch Trai Lê Thị Vương Thần / 海尚英都守石齋黎氏王臣 / soạn và viết tựa năm Lê Cảnh Hưng 43 (1782)1 bản viết, 306 tr., 21x17, 1 tựa, 1 mục lục, có hình vẽ. VHv. 593. Sách địa lí phong thuỷ gômg 78 thên, tóm tắt các phương pháp và kinh nghiệm xem hướng, tìm huyệt, để đất của các nhà phong thuỷ như Quách Thị, Trương Thị, Tả Ao. v. v.
.
35. ĐỊA LÍ VẤN ĐÁP / 地理問答Soạn năm Tự Đức 30(1877)1 bản viết, 136 trang, 31x20, có hình vẽ, có chữ Nôm. A. 1238. Paris. EFE0. MF. II/7/1272. Gồm 1 bài phú Nôm Địa lí vấn đáp, và một số bài ca, phú, luận... nói về kinh nghiệm tìm long mạch, xác định huyệt, để đất...



.
Nguồn: Di sản Hán Nôm - thư mục đề yếu – và hannom.org.vn



.
Tạm thế đã vậy! Chư vị nào muốn nghiên cứu sâu hơn, sẽ tìm hiểu thêm. Những sách này hiện chưa có ai mở đến, chưa có ai khảo cứu văn bản, biên dịch, nghiên cứu. Sách thì quý, mà ai cũng có thể đến đọc tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nhưng tại hạ chỉ dặn trước một nhời rằng, khi dấn thân làm thày địa lý xin hãy nghiên cứu kỹ tiểu sử của Tả Ao tiên sinh trước đã.
.
Nguyễn Xuân Diện tổng hợp.
 
Top