Tiểu luận về Tuần - Triệt (tác giả QuachNgoiBoi, tuvilyso.org)

Sơn Chu

Quản trị viên
LTS: Bài tiều luận này được chia sẻ bởi thành viên diễn đàn tuvilyso.org - Quách Ngọc Bội đã nghiên cứu sâu hơn về 2 khái niệm Tuần, Triệt trong tử vi, post lại để làm tham khảo cho mọi người

Tuần - Triệt
I - Khái niệm:
1. Tên gọi:
- Tuần Trung Không Vong (gọi tắt là Tuần Không hoặc Tuần), nghĩa đen là “khoảng hư không trong trong 1 đơn vị thời gian của Tuần” với nghĩa của chữ “Tuần” = “1 chục” (mười, 10) như “Tuần Giáp Tý” = 10 năm từ năm Giáp Tý tới năm Quý Dậu, hoặc như nói “ông A đã lục tuần” = ông A đã 60 tuổi, hay 1 tháng được chia làm 30 ngày với 10 ngày đầu gọi là “thượng tuần”, 10 ngày tiếp theo gọi là “trung tuần” và 10 ngày cuối gọi là “hạ tuần”.
Đôi khi Tuần mang nghĩa của 1 chu trình có tính tuần hoàn, như “1 tuần Trăng” = 1 tháng, “1 tuần trà” hay “1 tuần hương” là 1 khoảng thời gian ước lượng uống xong 1 chén trà hay cháy hết 1 cây hương.

- Triệt Lộ Không Vong (gọi tắt là Triệt Không hoặc Triệt), nghĩa đen là “khoảng hư không trên con đường (không gian) bị Triệt”, với nghĩa của “Triệt” = Tiệt = chia cắt, chặn lại,... như câu thành ngữ “đoạn kiều tiệt lộ” = cầu bị gãy, đường bị chặn, ngụ ý về sự khó khăn ngáng trở.

- Tên gọi chung của chúng khi muốn đề cập tới cả hai thì thường dùng là “Không Vong”.
- Với cung nơi có Tuần/Triệt chiếm đóng thì được gọi là “Tuần/Triệt án ngữ”.
- Các sao (chính/phụ tinh) ở trong cung có Tuần/Triệt án ngữ thì trạng thái của (các) sao ấy được gọi là “lạc Không Vong”.

2. Công năng của tên gọi:
Vì sao tôi lại đề cập tới nghĩa đen (nghe có vẻ lạ lẫm đến mức hơi ngây ngô và buồn cười) của 2 cụm từ Tuần Trung Không Vong và Triệt Lộ Không Vong?
Thưa, các cụ thâm nho ngày xưa khi đặt tên cho bất cứ thứ gì đều rất chắt chiu ngôn từ và ý nghĩa, tại chúng ta cứ gọi tắt chúng là Tuần Triệt cho tiện lợi nên thành ra lâu dần gây ra sự khó hiểu về chúng luôn. Đúng là tiện lợi đôi khi cũng tiện đi mất cả cái có lợi :D

Từ nghĩa đen của chúng như trên, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt cơ bản của Tuần và Triệt là: Tuần Trung Không Vong thì nhấn mạnh về Thời Gian (Thời), còn Triệt Lộ Không Vong thì nhấn mạnh về Không Gian (Vị). Đó là 2 yếu tố rất quan trọng trong môn Tử Vi Đẩu Số, Thời và Vị.
Gọi Thời và Vị là 2 yếu tố để ta phân chia ra mà xét cho cặn kẽ, chứ thực ra Không Gian và Thời Gian về bản chất chỉ là 1 mà thôi, vì chúng mô tả lẫn nhau và có thể hoán đổi để mô tả lẫn nhau. Trong 1 đề tài khác, tôi sẽ chứng minh cặn kẽ điều này, còn bây giờ để dễ hiểu thì bạn chỉ cần hình dung: chỉ có 1 mình bạn đứng ở trên 1 mặt phẳng vô tận không có gì khác, thì không gian xung quanh sẽ là vô nghĩa với bạn vì dù đứng ở bất cứ vị trí nào cũng chỉ như vậy mà thôi. Nhưng khi bạn bỏ đôi dép ra để đánh dấu và tiến 3 bước về phía trước mặt thì Không Gian và Thời Gian đồng thời xuất hiện. Vì nhìn vào chỗ đôi dép, bạn có thể hình dung được chỗ đứng của mình trong khoảng thời gian t vừa qua là cách chỗ hiện tại 3 bước chân. Nói cách khác, dùng lưu ảnh trong Không Gian để mô tả Thời Gian và ngược lại lấy Thời Gian của sự chuyển động để mô tả vị trí trong Không Gian.

Đây cũng là ý nghĩa trong câu chuyện Tôn Ngộ Không nhún 1 cái bay 1 vạn 8 ngàn dặm mà không ra khỏi được bàn tay của Phật Tổ Như Lai vậy :D

Không Gian và Thời Gian cũng là 1 cặp giống như 1 cặp Âm Dương vậy, tuy 2 nhưng là 1, chia ra là 2 nhưng hợp lại là 1 bản thể Thái Cực.
Điều này liên quan chặt chẽ đến sự hình thành Ngũ Hành cũng như của 10 Thiên Can và 12 Địa Chi. Bài toán của Ngũ HÀNH và của Lịch Pháp chính là bài toán về chuyển động Thời-Vị.

Quay trở lại với đề tài Tuần Triệt, mặc dù sự nhấn mạnh của chúng là về Thời và Vị, nhưng xét về bản chất thì chúng có nhiều điểm tương đồng và có thể mô tả lẫn nhau.
Vậy chúng được hình thành như thế nào?

II – Nguồn gốc và sự hình thành của Tuần Triệt
1. Nguồn gốc:
Từ khi nào Tuần Triệt xuất hiện trong lịch sử, điều này thật là khó mà biết được chính xác, nhưng có 1 điều ta có thể chắc chắn là nó chỉ xuất hiện sau khi loài người có hệ cơ số 10 (thập phân) của Thiên Can và hệ cơ số 12 (tá -thập nhị phân) của Địa Chi. Và Tuần Triệt chỉ xuất hiện khi người ta sáng tạo ra hệ cơ số 60 (lục thập phân) khi muốn phối hợp hai hệ cơ số nói trên (10 & 12) lại với nhau.
Trước Tử Vi thì các môn Bốc Dịch, Thái Ất, Lục Nhâm, Kỳ Môn Độn Giáp đã có sử dụng Không Vong của Tuần Triệt từ rất lâu rồi. Trên bàn Tử Vi thì Tuần Triệt chỉ là sự sử dụng mang tính kế thừa và có vận dụng đặc trưng riêng biệt của môn thuật số này mà thôi.

2. Sự hình thành của Tuần Triệt:
a. Tuần Trung Không Vong (TTKV):
Các sách chép lại cách an Tuần Trung KV như sau

Tuần Giáp Tý thì TTKV an tại Tuất Hợi
Tuần Giáp Tuất thì TTKV an tại Thân Dậu
Tuần Giáp Thân thì TTKV an tại Ngọ Mùi
Tuần Giáp Ngọ thì TTKV an tại Thìn Tị
Tuần Giáp Thìn thì TTKV an tại Dần Mão
Tuần Giáp Dần thì TTKV an tại Tý Sửu

Vì chu kỳ Thiên Can chỉ có 10 mà chu kỳ Địa Chi lại có 12, việc phối Can với Chi lại theo nguyên tắc liên tục của thời gian, cứ thế tiếp diễn mãi cho hết 6 chu kỳ 10 Can và 5 chu kỳ 12 Chi thì sẽ xảy ra hiện tượng lặp lại của sự chuyển động Thời-Vị như sau (xem bên dưới đây):

Giáp---Ất---Bính---Đinh---Mậu---Kỷ---Canh---Tân---Nhâm---Quý-//-Giáp---Ất--/-Bính---Đinh--- …
Tý----Sửu---Dần---Mão---Thìn----Tị----Ngọ----Mùi---Thân----Dậu-//-Tuất---Hợi-/-Tý-----Sửu---- …

Nhìn vào đây ta sẽ thấy Tuần Trung Không Vong nằm tại 2 vị trí mà ở đó Thiên Can bị “thiếu” so với Địa Chi, tức chỗ 2 can Giáp, Ất “thứ hai” trong 1 chu kỳ hoàn chỉnh của 12 địa chi. Hay nói cách khác thì đó là chỗ mà Địa Chi “KHÔNG” có đủ Thiên Can của Tuần trước đó để mà phối với nó.
Đây là ví dụ cho Tuần Giáp Tý:
Biểu diễn 2 dãy sau đây dưới dạng đường tròn hay là trên 12 cung của lá số Tử Vi:
Giáp(1)---Ất(1)---Bính---Đinh---Mậu---Kỷ---Canh---Tân---Nhâm---Quý-//-Giáp(2)--Ất(2)--/
Tý---------Sửu-----Dần---Mão---Thìn----Tị----Ngọ----Mùi---Thân----Dậu-//-Tuất------Hợi---/

Thì ta sẽ thấy rất rõ rằng từ vị trí Giáp (1) tức là con Giáp thứ nhất, nghịch chiều kim đồng hồ sẽ gặp ngay Tuần ở 2 cung tiếp theo, cũng chính là vị trí của 2 con Giáp(2), Ất (2) “ảo” kia.
Lý do thêm Tuần vào chỗ ấy là để đảm bảo tính hoàn chỉnh của hệ 10 Can và 12 Chi được trọn vẹn. Tức là làm cho “VONG” đi 2 con Giáp(2), Ất (2) “ảo” kia đi.

Tương tự ta có thể xét cho cả 6 Tuần của Lục Giáp, ví dụ với Tuần Giáp Dần:
Giáp---Ất---Bính---Đinh---Mậu---Kỷ---Canh---Tân---Nhâm---Quý-//-Giáp---Ất--/---
Dần---Mão--Thìn----Tị-----Ngọ---Mùi--Thân---Dậu----Tuất-----Hợi-//-Tý----Sửu-/---

Và lại biểu diễn nó lên đường tròn hay 12 cung của lá số TV. Ta lại thấy Tuần Trung Không Vong nằm ở vị trí 2 con Giáp Ất thứ hai kia, nhằm biểu hiện tính Không (không có, thiếu, khiếm khuyết) của Can và muốn làm Vong 2 con Giáp Ất thứ hai trên đường tròn để bảo toàn sự trọn vẹn hoàn chỉnh của Can có 10 và Chi có 12 vậy.

Quan sát thấy với cả 6 Tuần (Lục) Giáp, thì bắt đầu từ Giáp Tý đến Giáp Dần ta sẽ thấy đường mà Tuần dịch chuyển là theo chiều nghịch. Tuần Trung KV luôn đứng ngay sau chữ Giáp theo chiều nghịch, cũng chính là vị trí của cặp Giáp2-Ất2 ảo kia.

Từ các điểm trên mà ta hiểu được cái tên đầy đủ TUẦN TRUNG KHÔNG-VONG. Theo đó, ta cũng hiểu được bản chất của Tuần là sự làm Không Vong, mất đi 1 cặp Âm-Dương Không-Thời Gian đã thuộc tính Ngũ Hành là cặp Giáp2-Ất2 “ảo” kia.

b. Triệt Lộ Không Vong (TLKV):
Các sách chép về cách an Triệt Lộ KV như sau

Năm Giáp Kỷ thì TLKV an tại Thân Dậu
Năm Ất Canh thì TLKV an tại Ngọ Mùi
Năm Bính Tân thì TLKV an tại Thìn Tị
Năm Đinh Nhâm thì TLKV an tại Dần Mão
Năm Mậu Quý thì TLKV an tại Tý Sửu

Cũng theo cùng phương pháp khảo sát như đối với Tuần, bây giờ ta diễn giải Can - Chi trong năm Giáp thì sẽ thấy rằng, tương ứng với từng tháng:
Bính---Đinh---Mậu---Kỷ---Canh---Tân-//-Nhâm---Quý-//-Giáp---Ất---Bính---Đinh
Dần----Mão---Thìn---Tị-----Ngọ---Mùi-//-Thân----Dậu-//-Tuất---Hợi---Tý-----Sửu

Ta lại biểu diễn 2 dãy trên lên đường tròn hay trên lá số Tử Vi để khảo sát chuyển động của Thời-Vị.
Do Lịch Pháp từ khi đổi lịch Kiến Tý sang lịch Kiến Dần, mà tháng 1 âm lịch (Giêng) luôn là tháng Dần, nhưng ta hãy tạm thời quên đi cái mốc Dần đó của vua Hán Vũ Đế, để xét thuần túy trên chu kỳ 10 thiên can.
Mà đối với chu kỳ của Thiên Can thì con Giáp phải được lấy làm điểm mốc ban đầu.
Ta biểu diễn các tháng của năm Giáp nói trên với 1 chu trình 10 Thiên Can hoàn chỉnh từ Giáp tới Quý gắn vào các tháng.
Giáp1--Ất1--Bính1--Đinh1---Bính(Mậu1)--Đinh(Kỷ1)--Mậu(Canh1)--Kỷ(Tân1)--Canh(Nhâm1)--Tân(Quý1)-//-Nhâm(Giáp2)--Quý(Ất2)-/--
Tuất---Hợi----Tý-----Sửu--------Dần-------------Mão------------Thìn----------Tị--------------Ngọ------------Mùi----//-----Thân-------------Dậu--//--
Hãy xem, từ Giáp1, Ất1,… cho đến Nhâm1, Quý1 thì đã tạo ra 1 chu trình hoàn chỉnh của 10 Thiên Can.
Và Triệt Lộ Không Vong vẫn ở đúng chỗ cũ, tương ứng với hai vị trí Nhâm - Quý của tháng Thân - Dậu, và cũng tương ứng với vị trí của cặp Giáp2 - Ất2 dư ra sau chu trình hoàn chỉnh Can từ Giáp1 tới Quý1.

Điều này nghĩa là Triệt là sự cắt bỏ, làm VONG (mất) đi phần thừa Giáp2-Ất2 kia, khỏi chu trình hoàn chỉnh từ Giáp1 tới Quý1. Đó cũng là biểu hiện của sự KHÔNG đủ của Thiên Can (có 10) đối với Địa Chi (có 12).
Đến đây hẳn quý vị sẽ thấy điều này “quen quen”! Vâng, đúng là chúng ta rất quen với nó sau khi biết được bản chất của Tuần Trung Không Vong và ý nghĩa của nó. Ta có thể thấy Triệt đối với Tháng, có vai trò tương đương như là Tuần đối với Năm.

Biểu diễn tương tự cho các năm còn lại, ta sẽ thấy đường mà Triệt dịch chuyển là theo chiều nghịch. Triệt Lộ Không Vong luôn đứng ngay sau chữ Giáp theo chiều nghịch, cũng chính là vị trí của cặp Giáp2-Ất2 ảo kia. Cũng sẽ thấy rằng Triệt không bao giờ cư ở Tuất Hợi vì Lịch Kiến Dần sẽ ko bao giờ xảy ra chuyện năm Giáp có tháng Giáp Tý cả.
Tương tự như với Tuần, ta cũng hiểu rằng bản chất của Triệt là sự làm Không Vong, mất đi 1 cặp Âm-Dương Không-Thời Gian đã thuộc tính Ngũ Hành là cặp Giáp2-Ất2 “ảo” kia.

c. Đánh giá chung:
Với mối quan hệ của [Tuần Trung Không Vong và Năm] thì ta dễ dàng nhận thấy, tính chất Thời Gian là chủ yếu nếu không muốn nói là thuần túy về tính chất Thời Gian.
Nhưng mối quan hệ của [Triệt Lộ Không Vong và Tháng] thì do có sự điều chỉnh của tay chơi Hán Vũ Đế, cho nên ta phải dùng thêm nhiều yếu tố Không Gian nhằm mô tả mối quan hệ ấy cho rõ ràng (biểu hiện ở việc ta phải dùng sự liên tục của chuyển động Giáp1 đến Quý1 để nhận ra bản chất của nó.

Lâu nay chúng ta vướng mắc vào vị trí của Triệt là chỗ 2 can Nhâm-Quý, nhưng thực ra thì không phải như vậy vì đó chỉ đơn giản là sự “biểu kiến”, nếu cứ tư duy cứng nhắc vào sự “biểu kiến” này thì sẽ bị vướng mắc không giải thích nổi khi gặp các năm Mậu Quý. Cũng giống như giới khoa học xưa không bao giờ nhận ra Trái Đất quay quanh Mặt Trời mà cứ tưởng là Mặt Trời quay quanh Trái Đất vậy. Chỉ đến khi “gã khùng” Nicolaus Copernicus đưa ra Thuyết Nhật Tâm, giới khoa học đã ngỡ ngàng đến mức Giáo Hội Roma suýt nữa đã thịt tay khùng này. Nhưng ngày nay, chúng ta đều biết rằng Copernic đã đúng và khai phá cho chúng ta 1 nút thắt vĩ đại trên con đường tiến vào không gian.

Các kết quả nghiên cứu trên đây được QNB gần như xây dựng xong vào thời gian 2005, sau đó khi được đọc cuốn Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học của tác giả Đằng Sơn thì tôi phát hiện ra vào thời điểm năm 2003 ông đã có ý niệm về sự tác động của Triệt tới Giáp-Ất chứ không phải là tới Nhâm-Quý như nhiều người lầm tưởng. Nhưng khi ấy, với thói quen thận trọng của mình thì tác giả Đằng Sơn vẫn khá hồ nghi nên chưa đưa ra được 1 sự khẳng định chắc chắn cũng như xây dựng lý thuyết hoàn chỉnh về sự tương quan của Tuần với Triệt. Cho đến khi tập 2 của TVHTKH ra đời thì ông đã khẳng định chắc chắn hơn về phát hiện của mình nhưng tiếc là vẫn chưa dựng lên lý thuyết hoàn chỉnh về Tuần - Triệt trong Tử Vi. Có lẽ chúng ta sẽ chờ đợi điều này trong tập 3 hoặc tập 4 của bộ TVHTKH của ông.
Mặc dù là những nghiên cứu độc lập, nhưng phải nhờ vào những ý niệm của tác giả Đằng Sơn thì tôi mới thêm củng cố niềm tin và hoàn thiện được lý thuyết riêng cho Tuần – Triệt của việc xây dựng mô hình Thời-Vị (không gian – thời gian) trong quá trình thiết lập và lý giải trọn vẹn cấu trúc lá số Tử Vi theo mô hình tôi hướng đến từ Thiên Văn, Lịch Pháp, Ngũ Hành, Ngũ Sự, Biểu Tượng, Tạp Chiêm.

Gần đây, nick minhgiac trên diễn đàn tuvilyso.org đã trình bày 1 bài viết về lý giải cách an Tuần Triệt, cũng đã đề cập tới mối tương quan của Tuần và Triệt theo tương quan Tháng và Năm. Nhưng theo những phản hồi trong topic thì có thể nhận thấy, không có nhiều người hiểu được tâm ý muốn truyền tải của minhgiac.

III - Ứng dụng của lý thuyết Tuần – Triệt vào giải đoán lá số:
Điều này xin dành lại cho bạn đọc, vì khi hiểu được bản chất của Tuần Triệt Không Vong thì ta có thể dễ dàng áp dụng vào việc giải đoán một cách phù hợp nhất với cơ sở lý luận riêng của mỗi cá nhân, như:
- Nguyên nhân Triệt có tác dụng nhanh, mạnh mẽ, và cũng có thời gian hiệu lực ngắn hơn, trong khi Tuần thì lại tác dụng không mạnh như Triệt nhưng kéo dài cả 60 cuộc đời.
- Chính tinh bị ảnh hưởng của Tuần Triệt mạnh mẽ hơn các phụ tinh.
- Tùy thuộc vào vị trí, mà ngay trong 14 chính tinh thì có một số sao rất sợ Triệt, một số sao rất sợ Tuần, hoặc có sao lại thích gặp Triệt (Cự ở Tý Ngọ), có sao lại thích gặp Tuần (Phá ở Thìn Tuất).
- …

Đúng Thời đúng Vị mới tốt, sai Thời sai Vị là toi. Không có sao nào hoàn toàn tốt và không có sao nào hoàn toàn xấu. Sự cân bằng là trạng thái bền nhất của vạn vật cũng chính là xu hướng để đạt được của mọi quá trình.
 
Top